Hình ảnh các bác nông dân đang làm việc trên cánh đồng, trong những khu vườn, những nông trại là hình ảnh rất đỗi quen thuộc và gần gũi đối với chúng ta. Họ miệt mài, chăm chỉ và không quản ngại nắng mưa để sản xuất lương thực phục vụ đời sống của nhân dân. Mời các bạn học sinh tham khảo một số đoạn văn mẫu miêu tả bác nông dân đang làm việc nhé.
Mục lục bài viết
1. Tả bác nông dân đang làm việc hay nhất:
Vào mỗi mùa lúa chín, chúng ta lại bắt gặp hình ảnh những bác nông dân cần mẫn ra đồng để lao động. Ngay từ sáng tinh mơ, khi gà vừa mới gáy, em đã thấy các bác nông dân vác cuốc ra đồng. Những tiếng gọi nhau rộn rã, vang vọng khắp xóm làng tạo nên một bầu không khí lao động vô cùng vui vẻ và tràn đầy năng lượng. Họ cùng nhau ra đồng, từng đoàn người nối đuôi nhau nhìn rất đông đúc, tấp nập. Giữa cái nắng nóng, oi bức của tiết trời mùa hạ, các bác nông dân phải phơi lưng bán mặt cho đất cho trời. Họ phải lội dưới vũng bùn sâu, nắng nóng rát khắp cả người. Khuôn mặt ai cũng ướt đẫm mồ hôi nhưng các bác vẫn vui vẻ trò chuyện với nhau. Họ kể cho nhau nghe những câu chuyện về cuộc sống, về những đứa con thơ, về những chuyến du lịch đến vùng đất mới,… Ai cũng rôm ra góp lời càng khiến cho cuộc trò chuyện trở nên sôi động, hấp dẫn hơn. Cái nóng oi bức cũng không thể đốt cháy tinh thần lao động tuyệt vời của các bác. Mọi người phân chia công việc rất rõ ràng. Các bác nông dân nữ gặt lúa, sau đó các bác nông dân nam sẽ vận chuyển lúa đến nơi tuốt lúa. Họ phối hợp với nhau rất nhịp nhàng, động tác của ai cũng nhanh thoăn thoắt nhìn vô cùng chuyên nghiệp. Sau cả buổi sáng lao động vất vả, các bác xếp lúa thành từng chồng ngay ngắn, gọn gàng để hôm sau tiếp tục công việc. Họ rủ nhau ra gốc cây đa đầu làng để ngồi nghỉ ngơi trước khi ra về. Dưới tán cây rộng lớn, em nghe thấy vang vọng tiếng trò chuyện xen lẫn tiếng hát vô cùng vui vẻ. Họ cùng nhau uống chè, ăn cơm và hóng gió mát giữa tiết trời oi bức. Rồi sau đó, các bác tạm biệt nhau và ra về. Dù mệt mỏi, nóng bức nhưng khuôn mặt ai cũng rạng rỡ, tươi vui. Nhìn những bác nông dân lao động vất vả, em chỉ mong rằng mùa màng năm nay bội thu, lúa lên xanh tốt, trĩu hạt để đền đáp lại sự kỳ vọng và công sức to lớn mà họ đã bỏ ra để vun đắp đồng ruộng.
2. Tả bác nông dân đang làm việc đặc sắc nhất:
Vào kì nghỉ hè vừa qua, bố mẹ đã đưa em về quê ngoại để thăm ông bà và các bác. Khi về quê, em đã có một cái nhìn sâu sắc hơn về sự vất vả của những bác nông dân. Sáng tinh mơ, em đã thức dậy từ rất sớm và cùng bác hai của em đi ra đồng để gặt lúa. Vì thời tiết mùa hè vô cùng oi bức và nắng gắt nên bác em phải chuẩn bị rất nhiều đồ dùng để tránh nắng. Bác mặc một chiếc áo dài tay dày, đeo một đôi găng tay màu trắng và xỏ một đôi ủng cao su dài đến đầu gối. Bác còn đeo thêm khẩu trang và đội một chiếc nón lá để che nắng. Tay bác cầm một chiếc liềm và một cái bạt to để trải ra phơi thóc. Chuẩn bị xong là khoảng 5 giờ sáng, em cùng bác đi ra đồng làm việc. Trên đường đi, hai bác cháu đã đi qua nhà bác Tứ ở đầu làng để rủ bác đi cùng. Ra đến nơi, mở ra trước mắt em là một cảnh tượng vô cùng mỹ lệ. Biến lúa chín vàng óng ánh như một bức tranh sơn dầu khổng lồ. Những cây lúa đung đưa trong gió như từng cơn sóng vỗ vào bờ. Những bông lúa chín nặng trĩu hạt, cong cong như những lưỡi câu, nhìn vô cùng thích mắt. Nắng bắt đầu lên. Ánh nắng chói chang của ngày hè chiếu xuống khiến thửa ruộng bừng sáng, lấp lánh, những hạt lúa như những viên kim cương sáng bóng. Thật không sai khi nói hạt gạo là hạt ngọc của đất trời. Tay bác em thoăn thoắt thu hoạch lúa. Lưỡi liềm đi từng hàng thẳng tắp, đi đến đâu là thu hoạch đến đó. Từng bó lúa được xếp gọn gàng, ngay ngắn trên bờ ruộng. Bác em cùng bác Tứ hàng xóm bê lúa lại sân kho để phơi. Để đỏi lấy những hạt lúa căng tròn, chắc mẩy như ngày hôm nay là biết bao sự hi sinh, chịu khó của những người nông dân như bác em. Giữa cái nắng oi ả, khi chúng ta phải ngồi trong nhà, núp dưới những tán cây để tìm bóng mát, thì họ lại phải vác cuốc ra đồng. Nhà thơ Trần Đăng Khoa đã từng viết
“Nước như ai nấu
Chết cả cá cờ
Cua ngoi lên bờ
Mẹ em xuống cấy.”
Thời tiết khắc nghiệt như vậy mà các bác phải ra rộng bán mặt cho đất bán lưng cho trời để chăm bón cho từng cây lúa tốt tươi. Khi quay ra nhìn bác em, lưng bác đã ướt đầm mồ hôi. Thỉnh thoảng bác đưa tay quệt những vệt mồ hôi chảy dài trên trán, tay lấy vội chai nước bác đã chuẩn bị rồi uống. Bác và em cùng nhìn lại những cây lúa đang phơi ngoài sân mà cùng nhau nở nụ cười. Đó là nụ cười của sự hạnh phúc, vui vẻ vì mùa màng bội thu. Tuy mệt mỏi, nhưng bác và bác Tứ vẫn nói chuyện vô cùng rôm rả, tiếng cười vang vọng cả một khoảng sân làng. Mặt trời đã lên đến đỉnh đầu, thời tiết ngày càng nắng gắt hơn, hai bác dẫn em ra về để nghỉ ngơi. Trên đường về, bác còn chỉ cho em cách xới đất, cấy mạ, gặt lúa, xát lúa…Đó đều là những điều vô cùng mới mẻ đối với những đứa trẻ thành phố như chúng em. Được chứng kiến quá trình lao động của các bác nông dân, em càng cảm thấy tự hào và biết ơn công lao to lớn của họ để sản xuất ra lương thực, thực phẩm nuôi dưỡng chúng em hẳng ngày. Hơn nữa, em càng cảm thấy trân trọng những hạt gạo mà mình được ăn hằng ngày bởi những hạt gạo chứa đựng biết bao tâm huyết, là mồ hôi công sức của các bác nông dân làm ra.
3. Tả bác nông dân đang làm việc chọn lọc nhất:
Mỗi khi nhắc tới quê em là nhắc tới một nơi rất yên bình, là một nơi được trải dài những cánh đồng xanh mướt. Có thể nói, đây chính là những biểu tượng, là những đặc trưng nổi trội nhất của các vùng nông thôn. Chính vì thế, đối với bản thân em – là một người được sinh ra và lớn lên tại vùng nông thôn nhỏ bé yên bình này, thì hình ảnh những cánh đồng tỏa hương thơm ngát đã khắc sâu trong tâm trí em không thể nào phai nhòa, và đặc biệt nhất chính là hình ảnh rất đỗi bình dị – đó là những bác nông dân đang cày ruộng, dần dần đã trở thành biểu tượng của sự cần cù, sự chịu khó, sự siêng năng của người nông dân. Nhớ lại vào những ngày trưa hè nắng oi ả, nắng như đổ lửa, đây vốn dĩ là giờ nghỉ trưa của mọi người, tuy nhiên, các bác nông dân vẫn miệt mài làm việc. Trước đây, hầu hết mọi người trong làng đều dùng trâu, bò để cày và lấy phân bón ruộng. Những con trâu mộng béo luôn là những lựa chọn tốt nhất để kéo cày một cách hiệu quả, năng suất nhất. Các bác nông dân sẽ điều khiển hai tay rất thuần thục, một bên thì điều khiển, một bên thì cầm đốc rất điêu luyện. Đường cày đều đều, nhẹ nhàng nhấp cày khi đến các đầu bờ. Tuy nhiên, ở thời điểm hiện tại, chúng ta được sống trong một môi trường văn minh hơn, phát triển hơn, thì việc các bác nông dân đã chuyển sang sử dụng máy cày đã không còn gì xa lạ đối với mọi người. Cứ mỗi lần trưa hè đi học về đi qua những cánh đồng để về nhà, xa xa nhìn xuống thấy các bác vẫn miệt mài làm việc, người thì cuốc đất, người thì bón phân, người thì trồng rau,… vừa làm, mọi người vừa nói chuyện, vui cười với nhau rất rôm rả làm dịu đi cái nắng oi bức của trưa hè. Khung cảnh bác nông dân làm việc cần mẫn, quên cả thời gian, quên cả mệt nhọc làm em nhớ đến câu ca dao đã được thầy cô giảng dạy trên lớp, đó là:
“Cày đồng đang buổi ban trưa
Mồ hôi thánh thót như mưa ruộng cày
Ai ơi bưng bát cơm đầy
Dẻo thơm một hạt đắng cay muôn phần.”
Hình ảnh các bác nông dân khắc ghi trong tâm trí em thật đỗi thân quen. Những con người có bàn tay chai sạn, rám nắng và vững chắc cầm sẵn tay cày, họ làm việc không màng thời gian. Thật sự, em rất quý trọng hình ảnh bác nông dân đang cày ruộng, qua đó, em có thể thấy được sự vất vả của các bác nông dân như thế nào để tạo ra được những hạt gạo thơm ngon. Đối với bản thân em, em sẽ luôn trân trọng và biết ơn thành quả lao động của các bác nông dân.
THAM KHẢO THÊM: