Hiện nay, nhà nước đang quản lý nghiêm ngặt và cấm mọi hành vi tàng trữ, sử dụng trái phép các loại công cụ hỗ trợ trái quy định pháp luật. Vậy câu hỏi đặt ra: Hành vi tàng trữ và sử dụng súng bắn đạn cao su bị phạt thế nào?
Mục lục bài viết
1. Tàng trữ và sử dụng súng bắn đạn cao su bị phạt thế nào?
1.1. Súng bắn đạn cao su là gì?
Súng bắn đạn cao su hiện nay đã được ghi nhận cụ thể trong quy định của pháp luật, căn cứ theo quy định Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ năm 2019, có quy định như sau:
Công cụ hỗ trợ là khái niệm để chỉ các phương tiện và các động vật nghiệp vụ được huấn luyện sử dụng, tham gia vào quá trình thi hành công vụ của các chủ thể có thẩm quyền, thực hiện nhiệm vụ nhằm mục đích bảo vệ và hạn chế, cũng như ngăn ngừa người có hành vi vi phạm pháp luật chống trả và bỏ trốn, bảo vệ người thi hành công vụ khỏi những nguy hiểm không đáng có, bảo vệ người thực hiện nhiệm vụ theo quy định của pháp luật, cụ thể bao gồm các công cụ sau đây:
– Súng bắn điện, chất độc hoặc chất gây mê, súng bắn từ trường và súng hơi ngạt, súng laze và lưới, các loại súng phóng dây mồi và súng bắn đạn nhựa, các loại súng bắn đạn nổ, súng bắn đạn cao su, súng bắn đạn hơi cay, pháo hiệu và hiệu lệnh, và các loại đạn sử dụng cho các loại súng nêu trên;
– Các phương tiện xịt hơi cay, phương tiện xả chất độc và xả hơi ngạt, phương tiện bắn chất gây mê và chất gây ngứa;
– Các loại lựu đạn khói, lựu đạn cây và quả nổ;
– Dùi cui điện, rồi cụ kim loại và các loại dùi cui khác ví dụ như dùi cui cao su …, khóa còng số tám và bàn chông, dây đinh gai, các loại áo giáp theo quy định của pháp luật găng tay điện, găng tay bắt dao phục vụ cho quá trình bắt dao mà không gây nguy hại đến tính mạng và sức khỏe, lá chắn và mũ chống đạn, các thiết bị áp chế bằng âm thanh;
– Các loại động vật nghiệp vụ, tức là những loài động vật được huấn luyện để sử dụng cho quá trình bảo vệ an ninh trật tự và an toàn xã hội, sử dụng vào mục đích bảo vệ an toàn và an ninh quốc gia;
– Công cụ hỗ trợ có tính năng tác dụng tương tự như các công cụ nêu trên, phương tiện được chế tạo và sản xuất không theo tiêu chuẩn kĩ thuật và thiết kế của nhà sản xuất hợp pháp, các công cụ này có tính năng và tác dụng tương tự như công cụ hỗ trợ.
Như vậy thì có thể thấy, theo phân tích ở trên, thì súng bắn đạn cao su theo quy định của pháp luật hiện nay là một loại công cụ hỗ trợ.
1.2. Mức xử phạt đối với hành vi tàng trữ và sử dụng súng bắn đạn cao su:
Căn cứ Điều 11 của Nghị định 144/2021/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy, chữa cháy; cứu nạn, cứu hộ; phòng, chống bạo lực gia đình, có ghi nhận về mức xử phạt đối với hành vi tàng trữ và sử dụng súng bắn đạn cao su, cụ thể như sau:
Thứ nhất, phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:
– Không thực hiện hoặc thực hiện không kịp thời, thực hiện không đầy đủ quy định về kiểm tra định kỳ các loại vũ khí, công cụ hỗ trợ được trang bị;
– Không kê khai, không tiến hành hoạt động đăng ký đầy đủ các loại vũ khí, công cụ hỗ trợ với cơ quan có thẩm quyền.
Thứ hai, phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:
– Chế tạo, trang bị, tàng trữ, vận chuyển, sửa chữa, sử dụng trái phép công cụ hỗ trợ, vũ khí quân dụng, vũ khí thể thao;
– Chiếm đoạt vũ khí quân dụng, chiếm đoạt các loại vũ khí thể thao;
– Mang trái phép vũ khí, mang trái phép công cụ hỗ trợ và mang trái phép các loại pháo vào, ra khỏi lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam hoặc mang vào nơi cấm, khu vực cấm, khu vực bảo vệ và mục tiêu bảo vệ.
Thứ ba, các hình thức xử phạt bổ sung có thể áp dụng đới với hành vi tàng trữ và sử dụng súng bắn đạn cao su như sau:
– Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính đối với hành vi vi phạm quy định của pháp luật;
– Tước quyền sử dụng giấy phép sử dụng, giấy xác nhận đăng ký vũ khí, công cụ hỗ trợ từ 03 tháng đến 06 tháng;
– Tước quyền sử dụng giấy phép, giấy xác nhận, giấy chứng nhận, chứng chỉ về vũ khí, công cụ hỗ trợ, pháo hoa từ 09 tháng đến 12 tháng.
Thứ tư, biện pháp khắc phục hậu quả có thể áp dụng đới với hành vi tàng trữ và sử dụng súng bắn đạn cao su như sau:
– Buộc thực hiện biện pháp khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường đối với hành vi vi phạm quy định của pháp luật;
– Buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm quy định của pháp luật;
– Buộc nộp lại giấy phép, giấy xác nhận, giấy chứng nhận, chứng chỉ về vũ khí, công cụ hỗ trợ và pháo đối với hành vi vi phạm quy định của pháp luật.
Như vậy, đối với hành vi tàng trữ và sử dụng súng bắn đạn cao su, thì người vi phạm sẽ bị phạt tiền từ 20 triệu đồng đến 40 triệu đồng. Bị tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính và nộp lại số lợi bất hợp pháp có được từ hành vi tàng trữ và sử dụng súng bắn đạn cao su đó.
2. Tàng trữ và sử dụng súng bắn đạn cao su có bị truy cứu trách nhiệm hình sự không?
Các chủ thể thực hiện hành vi tàng trữ và sử dụng súng bắn đạn cao su nếu thỏa mãn đầy đủ các cấu thành tội phạm theo quy định tại Điều 306 Bộ luật Hình sự năm 2015 thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt súng săn, vũ khí thô sơ, vũ khí thể thao hoặc công cụ hỗ trợ. Đối tượng tác động của tội phạm là súng săn, vũ khí thô sơ, vũ khí thể thao hoặc công cụ hỗ trợ, trong đó:
– Súng săn: Súng được chế tạo, hoặc các loại súng được sản xuất thủ công hoặc công nghiệp, được sử dụng để săn bắn, bao gồm súng kíp, súng hơi và đạn sử dụng cho các loại súng này …;
– Vũ khí thô sơ gồm: Dao găm, kiếm, giáo, mác, thương, lưỡi lê, đao, mã tấu, côn, quả đấm, quả chuỳ, cung, nỏ, phi tiêu …;
– Vũ khí thể thao: Vũ khí được sử dụng để luyện tập, thi đấu thể thao, bao gồm: Súng trường hơi, súng trường bắn đạn nổ, súng ngắn hơi, súng ngắn bắn đạn nổ …;
– Công cụ hỗ trợ: Phương tiện, động vật nghiệp vụ được sử dụng để thi hành công vụ như súng bắn điện, hơi ngạt; phương tiện xịt hơi hơi ngạt; dùi cui điện, dùi cui cao su …
Chủ thể của tội phạm được quy định là người đã bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc đã bị kết án về hành vi được quy định tại Điều Điều 306 này và chưa được xoá án tích. Điều luật này quy định 4 khung hình phạt chính và 1 khung hình phạt bổ sung. Khung hình phạt cơ bản được quy định là hình phạt tù từ 01 năm đến 07 năm. Ba khung hình phạt tăng nặng được quy định là hình phạt tù từ 05 năm đến 12 năm, từ 10 năm đến 15 năm và từ 15 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân, tùy theo tính chất và mức độ nguy hiểm của vụ việc.
3. Những cá nhân, tổ chức được cấp phép sử dụng súng bắn đạn cao su:
Căn cứ theo Điều 18 của Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ năm 2019, có ghi nhận về các chủ thể là cá nhân, tổ chức được cấp phép sử dụng súng bắn đạn cao su, cụ thể quy định:
– Quân đội nhân dân;
– Dân quân tự vệ;
– Cảnh sát biển;
– Công an nhân dân;
– Cơ yếu;
– Cơ quan điều tra của Viện kiểm sát nhân dân tối cao;
– Kiểm lâm, kiểm ngư;
– An ninh hàng không;
– Hải quan cửa khẩu, lực lượng chuyên trách chống buôn lậu của Hải quan.
Như vậy, các tổ chức được pháp luật như trên mới có thể là đối tượng được phép sử dụng súng bắn đạn cao su, những chủ thể không thuộc đối tượng trên nếu sử dụng sẽ vi phạm pháp luật và sẽ bị xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Việc pháp luật quy định cấm sử dụng súng bắn đạn cao su cũng như các loại vũ khí nhằm đảm bảo an ninh trật tự, an toàn xã hội. Loại vũ khí trên là các loại vũ khí nguy hiểm, nếu sử dụng tùy tiện thì sẽ gây nên tình trạng hỗn loạn ảnh hưởng đến an toàn xã hội. Tuy nhiên hiện nay các loại vũ khí, công cụ hỗ trợ, vật liệu nổ thuộc lĩnh vực được Nhà nước quản lý nghiêm ngặt và cấm mọi hành vi mua, bán, tàng trữ và sử dụng trái phép. Tuy nhiên bằng nhiều cách thức khác nhau mà nhiều đối tượng vẫn lén lút mua, bán, tàng trữ và vận chuyển trái phép các loại súng …
Các văn bản pháp luật được sử dụng trong bài viết:
– Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ năm 2019;
– Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017);
– Nghị định 144/2021/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy, chữa cháy; cứu nạn, cứu hộ; phòng, chống bạo lực gia đình.