Tặng cho riêng nhà đất cho con mình, con dâu/rể có được chia không? Muốn tặng cho riêng đất cho con sau khi con đã kết hôn phải làm thế nào?
Trên thực tế việc bố mẹ tặng cho đất cho con cái là điều thường xuyên xảy ra, tuy nhiên tranh chấp phát sinh khi cặp vợ chồng ly hôn và phân chia về tài sản chung và tài sản riêng. Vậy khi bố mẹ tặng cho đất cho con mình thì người còn lại là con dâu hoặc con rể có được chia khi ly hôn hay thừa kế hay không?
Mục lục bài viết
1. Khái niệm tài sản chung, tài sản riêng của vợ chồng:
– Tài sản riêng của vợ, chồng được quy định tại Điều 43 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 bao gồm:
Tài sản mà vợ, chồng có trước khi đăng ký kết hôn; các tài sản được người khác tặng cho riêng, thừa kế riêng trong thời kỳ hôn nhân của mình; tài sản mà được sử dụng với mục đích phục vụ nhu cầu thiết yếu riêng của vợ, chồng; tài sản được phân chia riêng cho vợ, chồng khi thực hiện việc phân chia tài sản chung trong thời kỳ hôn nhân; những tài sản được hình thành có nguồn gốc từ tài sản riêng của vợ, chồng; các hoa lợi, lợi tức phát sinh từ tài sản riêng trong thời kỳ hôn nhân sau khi đã phân chia tài sản chung và các tài sản khác mà căn cứ theo quy định của pháp luật thuộc sở hữu riêng của vợ, chồng.
– Tài sản chung của vợ chồng được quy định tại Điều 33
Những tài sản có được do vợ, chồng tạo ra, do hoạt động sản xuất, kinh doanh, nguồn thu nhập từ lao động, các hoa lợi, lợi tức phát sinh từ tài sản riêng và thu nhập hợp pháp khác của vợ chồng trong thời kỳ hôn nhân, trừ trường hợp các hoa lợi, lợi tức phát sinh từ tài sản riêng sau khi thực hiện thủ tục phân chia tài sản chung; tài sản mà vợ chồng được thừa kế chung, tặng cho chung từ người khác và các tài sản khác mà vợ chồng có sự thỏa thuận với nhau đó là tài sản chung.
Đối với quyền sử dụng đất mà vợ, chồng có được sau khi kết hôn được xác định là tài sản chung của vợ chồng trừ trường hợp khi vợ hoặc chồng được thừa kế riêng, được người khác tặng cho riêng hoặc được thiết lập thông qua giao dịch từ nguồn tài sản riêng. Nếu không có căn cứ để chứng minh tài sản mà hiện nay vợ, chồng đang có tranh chấp là tài sản riêng của mỗi bên thì tài sản đó được xác định là tài sản chung của vợ chồng.
2. Tặng cho riêng nhà đất cho con, con dâu/rể có được hưởng không?
2.1. Trường hợp bố mẹ tặng cho riêng cho con trước thời kỳ hôn nhân:
Nếu trường hợp bố mẹ tặng cho đất riêng cho con cái của mình trước thời kỳ đăng ký kết hôn của người đó thì theo quy định của luật hôn nhân và gia đình đây sẽ được xác định là tài sản riêng của bản thân người đó. Lúc này khi vợ chồng có ly hôn thì theo nguyên tắc giải quyết tài sản của vợ chồng khi ly hôn quy định tại khoản 4 Điều 59 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 thì vẫn là của người đó mà vợ hoặc chồng của họ sẽ không được phân chia.
2.2. Trường hợp bố mẹ tặng cho riêng con cái trong thời kỳ hôn nhân:
Theo quy định về tài sản riêng nêu trên thì kể cả việc tặng cho diễn ra trong thời kỳ hôn nhân nhưng được bố mẹ tặng cho riêng thì đất, nhà đó vẫn sẽ được xác định là tài sản riêng của một người và cũng sẽ không bị phân chia trong quá trình giải quyết việc ly hôn.
2.3. Trường hợp bố mẹ tặng cho riêng nhưng sáp nhập vào khối tài sản chung của vợ chồng:
Nếu một người được tặng cho nhà cửa, đất đai riêng trước hoặc trong thời kỳ đăng ký kết hôn nhưng sau đó thực hiện thủ tục sáp nhập tài sản đó vào khối tài sản chung của vợ chồng bằng hình thức làm
Như vậy tùy từng trường hợp, từng thời điểm của việc tặng cho quyền sử dụng đất thì việc con dâu, con rể được phân chia quyền lợi đối với tài sản đó hay không cũng là khác nhau.
3. Các vấn đề cần lưu ý khi thực hiện thủ tục tặng cho đất cho con:
Trong mối quan hệ hôn nhân và gia đình thì cũng cần phải thể hiện rõ ràng về mặt quan điểm với nhau vì có thể mất lòng trước nhưng sẽ tránh những rắc rối hay tránh những tranh chấp về quyền lợi không đáng có về sau. Một khi thực hiện việc tặng cho quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản và nhà ở gắn liền với đất thì bên tặng cho nên làm rõ những vấn đề sau:
– Một là xác định rõ ràng đối tượng tặng cho là ai.
Cụ thể là xác định rõ tặng riêng cho con trai, con gái hay là tặng cho chung cả 2 vợ chồng. Việc xác định dối tượng này là rất quan trọng bởi nếu không xác định rõ ràng, có thể sẽ làm phát sinh những mâu thuẫn, bất hòa giữa vợ chồng và giữa bố mẹ với con cái. Về mặt pháp luật, ý chí của cha mẹ khi tặng cho đất là yếu tố then chốt xác nhận xem ai là người có quyền sở hữu miếng đất đó mà không phải chịu bất kỳ sự ràng buộc hay tác động từ ý chí của người nào. Nếu việc tặng cho được thiết lập dựa trên sự cưỡng ép, lừa dối, đe dọa thì việc tặng cho đó sẽ bị vô hiệu, không có giá trị về mặt pháp lý.
– Hai là hình thức của việc tặng cho:
Khi bố mẹ tặng cho con cái quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản và nhà ở gắn liền với đất thì bắt buộc phải được lập thành văn bản dưới hình thức là hợp đồng tặng cho tài sản đồng thời văn bản này phải được Văn phòng công chứng hoặc Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn công chứng hoặc chứng thực theo quy định của pháp luật về đất đai và pháp luật về công chứng hiện hành thì mới có giá trị về mặt pháp lý, là cơ sở để thực hiện thủ tục chuyển nhượng, sang tên quyền sử dụng đất.
Nếu việc tặng cho đất đai, nhà cửa chỉ được thực hiện bằng miệng thôi thì chưa đủ căn cứ pháp lý để xác lập quyền sở hữu đối với miếng đất cũng như không phát sinh quyền lợi của người được tặng cho trong trường hợp này. Việc không lập hợp đồng tặng cho và công chứng hoặc chứng thực hợp đồng tặng cho không chỉ gây rủi ro cho những người vợ, người chồng khi bố mẹ nói rằng việc tặng cho là cho cả 2 vợ chồng mà sau này người chồng, người vợ có thể trở mặt rằng ông bà chỉ tặng cho mình con trai hoặc ông bà không muốn tặng cho nữa.
Bên cạnh đó, rủi ro pháp lý cũng có thể xảy đến với chính người được tặng cho nếu chẳng may bố mẹ nói tặng cho nhưng chưa làm các thủ tục liên quan đến việc sang tên mảnh đất mà đã chết. Lúc này, chính người con trai có thể gặp phải những rắc rối về thừa kế với những người thừa kế cùng hàng thừa kế thứ nhất của bố mẹ mình trong trường hợp bố mẹ cũng không để lại di chúc.
Như vậy, nếu được bố mẹ tặng cho đất thì nên cẩn trọng thực hiện theo những lưu ý phía trên để tránh gặp phải những rắc rối không đáng có.
4. Thủ tục tặng cho riêng quyền sử dụng đất cho con:
– Bước 1, chuẩn bị hồ sơ để thực hiện thủ tục công chứng, chứng hợp hợp đồng tặng cho quyền sử dụng đất:
Theo đó người sử dụng đất là bố mẹ muốn tặng cho con đất thì chuẩn bị 01 bộ hồ sơ bao gồm các giấy tờ sau:
+ Dự thảo hợp đồng tặng cho quyền sử dụng đất (03 bản);
+ Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản và nhà ở gắn liền với đất (bản gốc);
+ Giấy Chứng minh nhân dân hoặc Thẻ căn cước công dân, Sổ hộ khẩu của bên tặng cho và bên nhận tặng cho.
– Bước 2, công chứng, chứng thực hợp đồng tặng cho:
+ Hai bên đến một tổ chức hành nghề công chứng trên địa bàn tỉnh, thành phố hoặc Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn nơi có đất để thực hiện thủ tục công chứng hoặc chứng thực hợp đồng tặng cho này.
+ Công chứng viên hoặc công chức Tư pháp – Hộ tịch kiểm tra hồ sơ yêu cầu công chứng, nếu hồ sơ hợp lệ thì để các bên đọc lại và ký tên trên hợp đồng tặng cho. Sau đó công chứng viên hoặc công chức Tư pháp – Hộ tịch ghi lời chứng vào hợp đồng, ký tên và đóng dấu của tổ chức hành nghề công chứng hoặc trình người có thẩm quyền thuộc Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn ký và đóng dấu cơ quan.
Nếu hồ sơ không hợp lệ thì trả hồ sơ hoặc yêu cầu bổ sung hồ sơ theo quy định.
– Bước 3, sang tên trên Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản gắn liền với đất:
+ Một trong hai bên thực hiện việc nộp 01 bộ hồ sơ tương tự như trên nhưng có thêm bản hợp đồng tặng cho quyền sử dụng đất đã được công chứng, chứng thực tới Văn phòng đăng ký đất đai hoặc Bộ phận một cửa tiếp nhận và hẹn trả kết quả của Ủy ban nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh nơi có đất để làm thủ tục sang tên.
+ Nơi tiếp nhận hồ sơ tiến hành kiểm tra hồ sơ, trường hợp hồ sơ không hợp lệ thì trả hồ sơ hoặc yêu cầu bổ sung hồ sơ theo quy định.
Trường hợp hồ sơ hợp lệ thì yêu cầu người nộp hồ sơ thực hiện các nghĩa vụ tài chính (nếu có), ghi nội dung thay đổi trên Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và trình người có thẩm quyền ký tên, đóng dấu. Tiếp theo thực hiện việc cập nhật thông tin vào cơ sở dữ liệu đất đai và hồ sơ lưu trữ.
– Bước 4, trả kết quả:
Trao trả Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đã được cập nhật nội dung thay đổi cho người yêu cầu tại Bộ phận một cửa và hẹn trả kết quả thuộc Ủy ban nhân dân cấp huyện hoặc tại Ủy ban nhân dân cấp xã nơi người đề nghị nộp hồ sơ.