Tạm ngừng kinh doanh có thể hiểu là việc một công ty/doanh nghiệp tạm thời ngừng hoạt động trong một khoảng thời gian nhất định. Trong thời gian tạm ngừng kinh doanh thì công ty đó sẽ không được thực hiện bất kỳ một hoạt động kinh doanh, sản xuất nào. Sau khi đã hết thời hạn tạm ngừng thì công ty sẽ tiếp tục quay trở về hoạt động bình thường. Vậy tạm ngừng kinh doanh có bị thanh tra, kiểm tra thuế không
Mục lục bài viết
1. Tạm ngừng kinh doanh có bị thanh tra, kiểm tra thuế không?
1.1. Các trường hợp thanh tra, kiểm tra thuế:
– Trường hợp kiểm tra thuế tại trụ sở của cơ quan quản lý thuế:
+ Kiểm tra thuế tại trụ sở của các cơ quan thuế sẽ được thực hiện trên cơ sở hồ sơ thuế của doanh nghiệp nhằm đánh giá tính đầy đủ, tính chính xác các thông tin, các chứng từ có trong hồ sơ thuế, sự tuân thủ pháp luật về thuế của doanh nghiệp.
+ Kiểm tra thuế ngay tại trụ sở của cơ quan hải quan sẽ được thực hiện nhằm kiểm tra, đối chiếu, so sánh các nội dung có trong hồ sơ thuế với các thông tin, các tài liệu có liên quan, các quy định của pháp luật về thuế, các kết quả kiểm tra thực tế hàng hóa trong trường hợp cần thiết đối với những hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu
– Trường hợp kiểm tra thuế tại trụ sở của người nộp thuế:
+ Trường hợp mà hồ sơ thuộc diện kiểm tra trước hoàn thuế; thuộc diện kiểm tra sau hoàn thuế đối với các hồ sơ thuộc diện hoàn thuế trước;
+ Trường hợp mà hồ sơ thuế có nội dung cần phải làm rõ có liên quan đến số tiền thuế phải nộp, đến số tiền thuế được miễn, đến số tiền thuế được giảm, đến số tiền thuế còn được khấu trừ chuyển kỳ sau, đến số tiền thuế được hoàn, đến số tiền thuế không thu
+ Trường hợp mà kiểm tra sau thông quan tại trụ sở của doanh nghiệp phải khai hải quan theo các quy định của pháp luật về hải quan;
+ Trường hợp mà có dấu hiệu vi phạm pháp luật;
+ Trường hợp mà được lựa chọn theo kế hoạch, chuyên đề;
+ Trường hợp mà theo kiến nghị của Kiểm toán nhà nước, của Thanh tra nhà nước, của các cơ quan khác có thẩm quyền;
+ Trường hợp chia, tách, sáp nhập, hợp nhất, chuyển đổi về loại hình doanh nghiệp, trong trường hợp giải thể, chấm dứt hoạt động, cổ phần hóa hay chấm dứt hiệu lực mã số thuế, chuyển các địa điểm kinh doanh và những trường hợp kiểm tra đột xuất, kiểm tra theo sự chỉ đạo của cấp có thẩm quyền, trừ các trường hợp giải thể, chấm dứt về hoạt động mà các cơ quan thuế không phải thực hiện về quyết toán thuế theo quy định của pháp luật.
– Trường hợp thanh tra thuế:
+ Khi mà có dấu hiệu vi phạm pháp luật về thuế;
+ Để giải quyết các khiếu nại, tố cáo hoặc là thực hiện các biện pháp phòng, chống tham nhũng;
+ Theo yêu cầu của công tác quản lý thuế trên cơ sở các kết quả phân loại rủi ro trong quản lý thuế;
+ Theo kiến nghị của Kiểm toán nhà nước, theo kết luận của Thanh tra nhà nước và các cơ quan khác có thẩm quyền.
1.2. Tạm ngừng kinh doanh có bị thanh tra, kiểm tra thuế không?
Theo quy định của pháp luật về doanh nghiệp thì một trong những nghĩa vụ của doanh nghiệp ở trong thời gian tạm ngừng kinh doanh là doanh nghiệp đó phải nộp đủ số thuế còn nợ.
Các trường hợp bị thanh tra, kiểm tra thuế đã nêu trên không bao gồm có trường hợp doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh.
Nếu như trong thời gian tạm ngừng kinh doanh mà doanh nghiệp còn chưa thực hiện đầy đủ nghĩa vụ tài chính nộp thuế với các cơ quan thuế thì doanh nghiệp đó có thể sẽ bị thanh tra thuế bởi tổ chức chuyên trách thực hiện trong công tác kiểm tra của cơ quan thuế.
Tại điểm d khoản 2 Điều 4 Nghị định 126/2020/NĐ-CP quy định chi tiết Luật Quản lý thuế có quy định:
“Người nộp thuế phải chấp hành các quyết định, thông báo của cơ quan quản lý thuế về đôn đốc thu nợ, cưỡng chế thi hành quyết định hành chính về quản lý thuế, thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật thuế và xử lý hành vi vi phạm hành chính về quản lý thuế theo quy định của Luật Quản lý thuế”.
Đa phần việc kiểm tra, việc thanh tra phát sinh ở trong giai đoạn các doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh là do doanh nghiệp đó có rủi ro về thuế. Chẳng hạn như cơ quan thuế phát hiện ra doanh nghiệp đó có sử dụng hoá đơn mua vào của doanh nghiệp bỏ trốn, hay doanh nghiệp đó có hiện tượng mua bán hoá đơn, thực hiện hành vi kê khống chi phí đầu vào hoặc cơ quan thuế có thông tin doanh nghiệp thực hiện tạm ngừng kinh doanh để né tránh các nghĩa vụ về thuế,…nên cơ quan thuế sẽ phải thực hiện việc quản lý rủi ro thông qua việc thực hiện thanh tra, kiểm tra. Cụ thể là cơ quan thuế sẽ đánh giá doanh nghiệp có tuân thủ pháp luật thuế hay không, có tuân thủ về các thông tin, các chứng từ ở trong hồ sơ thuế có chính xác, đầy đủ hay không.
Nên có thể hiểu khi các doanh nghiệp nhận bất kỳ một thông báo về thanh tra, kiểm tra của cơ quan thuế ở trong thời gian doanh nghiệp đang thực hiện tạm ngừng kinh doanh thì việc các cơ quan thuế tiến hành kiểm tra thuế là đúng với các quy định của pháp luật. Và nghĩa vụ của doanh nghiệp là phải chấp hành nội dung trên.
Như đã phân tích trên, đa phần việc kiểm tra, thanh tra thuế sẽ phát sinh trong giai đoạn doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh là do chính doanh nghiệp có rủi ro về thuế. Mà tiêu chí để đánh giá xem một doanh nghiệp có đang trong tình trạng tạm ngừng kinh doanh có rủi ro về thuế hay không thì chủ yếu sẽ dựa vào các tiêu chí như:
– Mức độ tuân thủ pháp luật thuế của các doanh nghiệp
– Các thông tin nghiệp vụ ngay tại thời điểm ra quyết định để thực hiện phân loại người nộp thuế
– Số lần mà các doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh, vì thế mà khi một doanh nghiệp mà thực hiện tạm ngừng kinh doanh bao nhiêu lần thì sẽ được cơ quan thuế cân nhắc để có thể phân loại về mức rủi ro về thuế, gồm các mức là rủi ro rất thấp, thấp, trung bình và cao và rất cao.
2. Nguyên tắc kiểm tra thuế, thanh tra thuế:
– Áp dụng về quản lý rủi ro trong quản lý thuế và ứng dụng công nghệ thông tin vào trong kiểm tra thuế, thanh tra thuế;
– Tuân thủ đúng quy định của pháp luật về thanh tra, kiểm tra thuế, các quy định khác của pháp luật mà có liên quan và tuân thủ đúng mẫu biểu thanh tra, kiểm tra, tuân thủ đúng trình tự, thủ tục, hồ sơ kiểm tra thuế theo các quy định của Bộ trưởng Bộ Tài chính;
– Không được cản trở hoạt động bình thường của người nộp thuế;
– Khi tiến hành kiểm tra thuế, thanh tra thuế tại trụ sở của người nộp thuế thì thủ trưởng cơ quan quản lý thuế sẽ phải ban hành quyết định kiểm tra, thanh tra;
– Việc kiểm tra thuế, thanh tra thuế nhằm để đánh giá tính đầy đủ, tính chính xác, trung thực những nội dung các chứng từ, các thông tin, hồ sơ mà người nộp thuế đã thực hiện khai, nộp, xuất trình với các cơ quan quản lý thuế; đánh giá về việc tuân thủ pháp luật về thuế và các quy định khác của pháp luật mà có liên quan của người nộp thuế nhằm để xử lý về thuế theo quy định của pháp luật.
3. Quyền và nghĩa vụ của doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh trong kiểm tra, thanh tra thuế:
3.1. Quyền và nghĩa vụ của doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh trong kiểm tra thuế:
– Quyền của doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh:
+ Từ chối việc kiểm tra khi mà không có quyết định kiểm tra thuế;
+ Từ chối việc cung cấp các thông tin, các tài liệu không liên quan đến những nội dung kiểm tra thuế; các thông tin, các tài liệu thuộc bí mật nhà nước, trừ các trường hợp pháp luật có quy định khác;
+ Nhận biên bản kiểm tra thuế và yêu cầu cơ quan thuế giải thích nội dung biên bản kiểm tra thuế;
+ Bảo lưu các ý kiến trong biên bản kiểm tra thuế;
+ Khiếu nại, khởi kiện và yêu cầu phải bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật;
+ Tố cáo các hành vi vi phạm pháp luật trong quá trình kiểm tra thuế.
– Nghĩa vụ của doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh:
+ Chấp hành các quyết định kiểm tra thuế của cơ quan quản lý thuế;
+ Cung cấp kịp thời, đầy đủ và chính xác các thông tin, các tài liệu liên quan đến những nội dung kiểm tra theo các yêu cầu của đoàn kiểm tra thuế; phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính chính xác, tính trung thực của các thông tin, tài liệu đã cung cấp;
+ Ký biên bản kiểm tra thuế trong thời hạn là 05 ngày làm việc kể từ ngày kết thúc kiểm tra;
+ Chấp hành các kiến nghị tại biên bản kiểm tra thuế, các kết luận, quyết định xử lý kết quả kiểm tra thuế.
3.2. Quyền và nghĩa vụ của doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh trong thanh tra thuế:
– Quyền của doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh trong việc thanh tra:
+ Giải trình về các vấn đề có liên quan đến nội dung thanh tra thuế;
+ Khiếu nại về các quyết định, các hành vi của người ra quyết định thanh tra, của trưởng đoàn thanh tra, của các thành viên của đoàn thanh tra trong quá trình thực hiện thanh tra; khiếu nại về kết luận thanh tra, về quyết định xử lý sau khi thanh tra theo các quy định của pháp luật về khiếu nại; trong khi mà chờ giải quyết khiếu nại, thì người khiếu nại vẫn phải thực hiện các quyết định đó;
+ Nhận biên bản thanh tra thuế và yêu cầu cơ quan thuế giải thích nội dung biên bản thanh tra thuế;
+ Từ chối cung cấp các thông tin, các tài liệu không liên quan đến những nội dung thanh tra thuế, các thông tin, các tài liệu thuộc bí mật Nhà nước, trừ các trường hợp pháp luật có quy định khác;
+ Yêu cầu bồi thường thiệt hại theo đúng quy định của pháp luật;
+ Tố cáo các hành vi vi phạm pháp luật của thủ trưởng cơ quan quản lý thuế, của trưởng đoàn thanh tra thuế và các thành viên của đoàn thanh tra thuế theo đúng quy định của pháp luật.
– Nghĩa vụ của doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh trong việc thanh tra:
+ Chấp hành theo quyết định thanh tra thuế;
+ Cung cấp kịp thời, đầy đủ và chính xác các thông tin, các tài liệu theo yêu cầu của người ra quyết định thanh tra, của trưởng đoàn thanh tra, các thành viên của đoàn thanh tra và sẽ phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính chính xác, tính trung thực của thông tin, tài liệu đã cung cấp;
+ Thực hiện các yêu cầu, các kiến nghị, kết luận thanh tra thuế, theo quyết định xử lý của người ra quyết định thanh tra, của trưởng đoàn thanh tra, của các thành viên của đoàn thanh tra và các cơ quan nhà nước có thẩm quyền;
+ Ký biên bản thanh tra.
Các văn bản pháp luật sử dụng trong bài viết:
– Luật Quản lý thuế 2019;
– Nghị định 126/2020/NĐ-CP quy định chi tiết Luật Quản lý thuế.