Dưới sự thống trị của Hitler, nước Đức đã biến đổi thành một nhà nước phát xít toàn trị cai quản gần như mọi mặt của đời sống. Quá trình phát xít hóa bộ máy nhà nước ở Đức diễn ra nhanh vì sao? Để tìm hiểu kĩ hơn mời bạn đọc tham khảo bài viết Tại sao quá trình phát xít hóa bộ máy nhà nước ở Đức diễn ra nhanh? dưới đây.
Mục lục bài viết
1. Quá trình phát xít hóa bộ máy nhà nước ở Đức diễn ra nhanh chóng vì lí do nào dưới đây?
A. Thế lực của Đảng Quốc xã trong nhân dân mạnh.
B. Được sự ủng hộ của giai cấp tư sản cầm quyền.
C. Đảng Cộng sản và Đảng Xã hội dân chủ không hợp tác ngăn chặn.
D. Con đường phát xít hóa bộ máy nhà nước phù hợp lịch sử nước Đức.
Lời giải chi tiết: Quá trình phát xít hóa bộ máy nhà nước ở Đức diễn ra nhanh chóng vì lí do Đảng Cộng sản và Đảng Xã hội dân chủ thiếu thống nhất trong đấu tranh chống phát xít.
2. Quá trình phát xít hóa bộ máy nhà nước ở Đức:
Ngày 30 tháng 1 năm 1933, Hitler được Tổng thống Cộng hòa Weimar Paul von Hindenburg bổ nhiệm làm Thủ tướng Đức. Sau đó đảng Quốc xã bắt đầu loại trừ tất cả các đối thủ chính trị và củng cố quyền lực của mình. Với việc Hindenburg qua đời vào ngày 2 tháng 8 năm 1934, Hitler đã trở thành nhà độc tài của nước Đức bằng việc sáp nhập chức vụ và những quyền hạn của Thủ tướng và Tổng thống vào với nhau. Kết quả cuộc trưng cầu dân ý tổ chức trên toàn quốc vào ngày 19 tháng 8 năm 1934 đã xác nhận Hitler là Führer duy nhất của nước Đức. Tất cả mọi quyền lực đều tập trung vào tay Hitler, và lời nói của ông xếp trên mọi luật lệ. Chính phủ không phải là một cơ quan hợp tác, phối hợp, mà là một tập hợp các bè phái đấu tranh vì quyền lực và lợi ích của Hitler. Trong giai đoạn đỉnh điểm của cuộc Đại Suy thoái, những người Quốc xã đã khôi phục được một nền kinh tế ổn định và chấm dứt nạn thất nghiệp hàng loạt bằng biện pháp chi tiêu mạnh cho quân sự và vận dụng kinh tế hỗn hợp. Các công trình công cộng lớn được tiến hành xây dựng, bao gồm hệ thống đường cao tốc Reichsautobahn.
Chế độ Quốc xã lên nắm quyền đã xóa bỏ những biểu tượng của Cộng hòa Weimar, gồm có lá cờ ba màu đen, đỏ, vàng và chấp thuận làm lại biểu tượng đế quốc. Lá cờ ba màu đen, trắng, đỏ của Đế quốc Đức trước đó được phục hồi làm một trong hai lá cờ chính thức của Đức. Lá cờ còn lại là Cờ chữ Vạn của đảng Quốc xã đã trở thành quốc kỳ duy nhất vào năm 1935. Bài hát của đảng “Horst-Wessel-Lied” (bài ca của Horst Wessel) cũng trở thành quốc ca thứ hai của Đức.
Một nét đặc trưng nổi bật của Đức Quốc Xã là vấn đề phân biệt chủng tộc, đặc biệt là bài Do Thái. Các dân tộc German (chủng tộc Bắc Âu) được cho là chủng tộc Aryan thuần khiết nhất, do đó là chủng tộc thượng đẳng. Hàng triệu người Do Thái và các nạn nhân khác, bất kỳ ai mà Quốc xã cho là “đáng ghét, hạ đẳng, không mong muốn”, đã bị khủng bố và tàn sát trong cuộc diệt chủng Holocaust. Những địch thủ đối lập chống lại quy tắc của Hitler đều bị đàn áp một cách tàn nhẫn. Quốc xã đã giam cầm, trục xuất và giết hại những người theo chủ nghĩa tự do, chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản. Các Giáo hội Cơ đốc cũng bị áp bức, với hàng loạt lãnh đạo bị bắt giam. Nền giáo dục tập trung vào thuyết chủng tộc sinh học ngụy tạo, chính sách dân số và rèn luyện thể lực để thực hiện nghĩa vụ quân sự. Nữ giới bị hạn chế về nghề nghiệp và những cơ hội được học tập. Các hoạt động du lịch và giải trí được tổ chức thông qua chương trình Kraft durch Freude, và Thế vận hội mùa hè 1936 là một dịp để Đế chế Thứ ba giới thiệu mình ra với thế giới. Bộ trưởng tuyên truyền Joseph Goebbels đã sử dụng phim ảnh, các cuộc mít tinh lớn, và tài hùng biện của Hitler một cách hiệu quả để khống chế dư luận. Chính quyền kiểm soát biểu hiện nghệ thuật, thúc đẩy các hình thức nghệ thuật cụ thể và ngăn chặn hoặc không khuyến khích các hình thức khác.
3. Quá trình phát xít hóa nền kinh tế ở Đức:
Tình trạng thất nghiệp đầu những năm 1930 là một trong những thách thức lớn nhất đối với kinh tế Đức. Năm 1929, Đức có 1,9 triệu người thất nghiệp, năm 1932 đạt đỉnh điểm là 5,6 triệu. Theo Hitler, cốt lõi của “phép màu kinh tế Đức” là các chương trình tạo việc làm và tái vũ trang. Chính phủ quốc xã đề ra nhiều giải pháp nhằm giảm thất nghiệp, nhưng đều mang tính chất cưỡng ép, tiêu cực để có nguồn lao động giá rẻ, dồi dào trong các ngành liên quan đến chuẩn bị chiến tranh.
Thứ nhất, năm 1933, Hitler thành lập tổ chức Dịch vụ Lao động Quốc gia (Reichs Arbeits Dienst – RAD). RAD đã quy định các nam thanh niên trong độ tuổi 18-25 phải tham gia sửa chữa hệ thống giao thông, cải tạo đất nông nghiệp và trồng cây. Họ phải lao động “tự nguyện” trong 2 năm và sống trong các doanh trại theo chế độ quân sự hóa. RAD đã góp phần giảm thiểu tình trạng thất nghiệp, cung cấp số lượng nhân lực giá rẻ phục vụ trong quân đội, từng bước giúp Đức tái vũ trang. Tuy nhiên, họ được nhận mức lương thấp, làm việc nhiều giờ với cường độ cao trong điều kiện tồi tàn.
Thứ hai, chính quyền cho thực hiện các dự án quốc gia trong xây dựng công cộng (đường giao thông, trường học, bệnh viện). Chi tiêu của chính phủ cho các chương trình này tăng từ 18 tỷ Marks năm 1933 lên 38 tỷ năm 1938. Tiêu biểu là xây dựng hàng loạt Autobahns (đường cao tốc) nhằm kích thích giao thông vận tải, ngành công nghiệp ô tô và một số ngành khác. Đến năm 1935, có hơn 125.000 nam giới tham gia xây dựng đường cao tốc và đến năm 1938, khoảng 3.500 km đường đã được hoàn thiện.
Thứ ba, Đức Quốc xã sử dụng chương trình tái vũ trang để giảm tỷ lệ thất nghiệp. Hiệp ước Versailles năm 1919 quy định Đức chỉ được giữ lại 100.000 bộ binh, không có không quân và hạn chế hải quân. Tuy nhiên, năm 1935 Hitler phá bỏ hoà ước, quy định bắt buộc tất cả nam giới trong độ tuổi 18-25 phải nhập ngũ. Do đó, quân đội đã tăng lên gần 1,4 triệu người vào năm 1939. Chi tiêu của chính phủ cho hoạt động tái vũ trang tăng từ 3,5 tỷ (1933) lên 26 tỷ Marks (1939) và tạo nhiều việc làm thông qua phát triển ngành công nghiệp quân sự, từng bước chuẩn bị vũ khí cho cuộc chiến tranh.
Thứ tư, Hitler đã loại phụ nữ, người Do Thái ra khỏi thị trường lao động. Đây là biện pháp tiêu cực, kỳ thị chủng tộc, bất bình đẳng khi chỉ công nhận nam giới da trắng người Đức và một số chủng tộc châu Âu khác thuộc lực lượng lao động. Người vợ phải bỏ việc trừ khi người chồng mất việc. Những phụ nữ độc thân làm bác sĩ, luật sư, giáo viên cũng được chính phủ “khuyến khích” giao lại việc cho nam đồng nghiệp. Người Do Thái bị sa thải, thậm chí mất quyền công dân, không được phép tham gia các hoạt động xã hội. Những cách thức tiêu cực đó đã làm giảm tải đáng kể số lượng lao động trên thị trường, và từ đó góp phần làm giảm tỉ lệ thất nghiệp chung.
Về mặt hình thức, Đức chuyển quyền sở hữu nhà nước ở nhiều công ty, doanh nghiệp sang khu vực tư nhân. Nhưng thực chất quyền kiểm soát của nhà nước đối với toàn bộ nền kinh tế được đảm bảo thông qua các quy định khác nhau. Các chủ tư nhân được quyền kiểm soát người lao động, chế độ việc làm và lương bổng. Chính phủ nhận được đóng góp từ 17 nhóm doanh nghiệp khác nhau. Nhiều doanh nghiệp tiếp tục hỗ trợ chính quyền Hitler trong thời kì chiến tranh và thu lợi từ việc đàn áp người Do Thái. Đó là biểu hiện rõ nét của việc câu kết giữa chính quyền và các tập đoàn lớn để bóc lột người dân.
Các công ty được chuyển giao thuộc nhiều ngành, lĩnh vực khác nhau như thép, khai mỏ, ngân hàng, nhà máy đóng tàu, đường tàu, đường sắt. Đảng Quốc xã lập ra một loạt tổ chức để thâu tóm những lợi ích mà trước đây thuộc người dân. Mặt trận Lao động Đức (Deutsche Arbeitsfront – DA) để giám sát việc đào tạo nghề hay kiểm tra tình trạng các nhà máy, điều kiện làm việc. Trước năm 1933, phúc lợi xã hội thuộc chính quyền địa phương, nhưng sau được chuyển giao một phần cho Tổ chức phúc lợi nhân dân xã hội chủ nghĩa quốc gia (Nationalsozialistische Volkswohlfahrt – NSV). Kinh phí của NSV lấy từ thu nhập của người lao động có việc làm và các khoản thu gần như bắt buộc từ nông dân, người sử dụng lao động và tầng lớp trung lưu.
Như vậy, chương trình tư nhân hóa của chính phủ Hitler thực chất là chuyển giao quyền lực và lợi ích của nhà nước, người dân sang các tổ chức của Đảng Quốc xã, làm lợi cho một nhóm tư bản phản động hiếu chiến.
THAM KHẢO THÊM: