Các biện pháp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ dân sự luôn có những đối tượng riêng, phù hợp với đặc điểm của mỗi biện pháp cụ thể. Gắn với một biện pháp, đối tượng sẽ có các tên gọi khác nhau như tài sản cầm cố, tài sản thế chấp.
Mục lục bài viết
1. Tài sản thế chấp là gì?
Thế chấp là một trong những biện pháp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ dân sự truyền thống của pháp luật dân sự việt Nam. Trong Bộ luật dân sự, tại Điều 317 giải thích rằng: “Thế chấp tài sản là việc một bên (sau đây gọi là bên thế chấp) dùng tài sản thuộc sở hữu của mình để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ và không giao tài sản cho bên kia (sau đây gọi là bên nhận thế chấp).”
Tài sản thế chấp là đối tượng của hợp đồng thế chấp, là bất kỳ loại tài sản nào trừ trường hợp pháp luật cấm hoặc các bên không lựa chọn là tài sản dùng để thế chấp, tài sản thế chấp phải thuộc sở hữu của bên thế chấp và tài sản thế chấp không được chuyển giao cho bên nhận thế chấp (Tài sản thế chấp do bên thế chấp giữ. Các bên có thể thỏa thuận giao cho người thứ ba giữ tài sản thế chấp).
2. Nguyên tắc chung khi áp dụng quy định về tài sản thế chấp cần chú ý:
Trường hợp pháp luật về đất đai, nhà ở, đầu tư, doanh nghiệp, chứng khoán, bảo hiểm, ngân hàng, tài nguyên thiên nhiên, thủy sản, lâm nghiệp, hàng không, hàng hải, sở hữu trí tuệ, khoa học và công nghệ hoặc lĩnh vực khác có quy định đặc thù về tài sản bảo đảm thì áp dụng quy định đặc thù đó.
Bộ luật dân sự hiện hành không giải thích khái niệm về “tài sản thế chấp”. Tại Điều 318 về tài sản thế chấp, được quy định chủ yếu là nguyên tắc điều chỉnh, những dự liệu khả năng có thể xảy ra và hướng áp dụng cụ thể, ví dụ: Trường hợp thế chấp toàn bộ bất động sản, động sản có vật phụ thì vật phụ của bất động sản, động sản đó cũng thuộc tài sản thế chấp, trừ trường hợp có thỏa thuận khác. Trong quá trình xác định tài sản thé chấp, pháp luật tôn trọng ý chí thỏa thuận của các bên.
Về mặt lý thuyết, có thể tiếp cận tài sản thế chấp ở nhiều phương diện khác nhau, có thể là liệt kê ra những tài sản có thể được dùng để thể thế chấp, tuy nhiên để có cái nhìn tổng quát, khoa học, tác giả sẽ tiếp cận tài sản thế chấp theo các nhóm cụ thể dựa trên quy định của pháp luật dan sự về tài sản.
3. Tài sản thế chấp bao gồm những loại nào?
3.1. Tài sản thế chấp hữu hình và tài sản thế chấp vô hình:
Tài sản hữu hình là tài sản chiếm một phần của không gian và con người có thể biết được thông qua các giác quan tiếp xúc như cầm, nắm, sờ thấy chúng.
Tài sản vô hình chính là các thông tin, tri thức hiểu biết và các quyền tài sản. Ví dụ như quyền sở hữu trí tuệ, quyền đòi nợ, quyền yêu cầu thanh toán phát sinh từ hợp đồng.
Việc phân loại này giúp cho các chủ thể xác định được các giấy tờ, tài liệu cần thiết để chứng minh quyền sở hữu của bên thế chấp khi xác lập hợp đồng thế chấp đặc biệt là tài sản vô hình.
Sự phân biệt này còn có ý nghĩa trong việc xác định phương thức xử lý tài sản thế chấp thích hợp nếu hết thời hạn thế chấp mà bên thế chấp không thực hiện đúng nghĩa vụ. Đối với tài sản hữu hình thì có thể tiến hành bán đấu giá hoặc bên thế chấp nhận chính tài sản thế chấp, còn với tài sản vô hình đó là việc thực hiện quyền yêu cầu đối với các bên có nghĩa vụ.
3.2. Tài sản thế chấp là động sản và bất động sản:
Đây là cách phân loại điển hình đối với tài sản thế chấp. Tại Điều 318, Khoản 1, Khoản 2 cũng đã nhắc đến cách phân loại này dựa trên nguyên tắc:
“1.Trường hợp thế chấp toàn bộ bất động sản, động sản có vật phụ thì vật phụ của bất động sản, động sản đó cũng thuộc tài sản thế chấp, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.
2. Trường hợp thế chấp một phần bất động sản, động sản có vật phụ thì vật phụ gắn với tài sản đó thuộc tài sản thế chấp, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.”
Đây là cách phân loại dựa trên đặc tính di dời của tài sản. Bộ luật dân sự phân biệt động sản và bất động sản bằng cách sử dụng phương án loại trừ, theo đó liệt kê những tài sản là bất động sản và những tài sản còn lại là động sản. Điều 107 Bộ luật dân sự quy định bất động sản bao gồm: Đất đai; Nhà, công trình xây dựng gắn liền với đất đai; Tài sản khác gắn liền với đất đai, nhà, công trình xây dựng; Tài sản khác theo quy định của pháp luật. Do vậy, tính chất cố định tạo cho bất động sản mang tính “địa điểm” và tính “địa hạt” rất cao, điều này sẽ liên quan đến thẩm quyền công chứng hợp đồng thế chấp tài sản có liên quan đến bất động sản.
Động sản là những tài sản không phải là bất động sản, động sản có đặc tính có thể di chuyển bằng cơ học, có khả năng biến đổi và chuyển hóa về tính chất vật lý.
Việc phân loại này có ý nghĩa giúp cho các chủ thể lựa chọn động sản hay bất động sản làm tài sản phù hợp để mang ra thế chấp. Do đặc tính di dời dễ dàng của động sản nên bên nhận thế chấp có thể khó thực hiện quyền truy đòi của mình nếu không thực hiện việc đăng ký thế chấp. Những tài sản không có giấy tờ đăng ký sở hữ như xe đạp, máy tính, điện thoại, đồng hồ,…thì không nên lựa chọn là tài sản thế chấp vì rủi ro cao.
3.3. Tài sản thế chấp hiện có và tài sản hình thành trong tương lai:
Đây là cách phân loại dựa vào thời điểm hình thành và thời điểm xác lập quyền sở hữu đối với tài sản tại thời điểm giao kết hợp đồng thế chấp.
Điều 108 Bộ luật dân sự giải thích rằng:
– Tài sản hiện có là tài sản đã hình thành và chủ thể đã xác lập quyền sở hữu, quyền khác đối với tài sản trước hoặc tại thời điểm xác lập giao dịch.
– Tài sản hình thành trong tương lai bao gồm: Tài sản chưa hình thành; Tài sản đã hình thành nhưng chủ thể xác lập quyền sở hữu tài sản sau thời điểm xác lập giao dịch.
Nói một cách cụ thể hơn, tài sản thế chấp hiện có là tài sản đã tồn tại và xác lập quyền sở hữu cho bên thế chấp tại thời điểm xác lập giao dịch thế chấp. Tài sản thế chấp hình thành trong tương lai là tài sản chưa có, chưa xác lập quyền sở hữu cho bên thế chấp tại thời điểm xác lập giao dịch thế chấp những chắc chắn sẽ có, sẽ xác lập quyền sở hữu cho bên thế chấp trước hoặc vào thời điểm xử lý tài sản thế chấp.
Việc phân loại này giúp cho bên nhận thế chấp cân nhắc các yếu tố pháp lý về tính chắc chăn cứ tài sản hình thành trong tương lai khi lựa chọn chúng làm tài sản thế chấp. Để hạn chế rủi ro bên nhận thế chấp có thể yêu cầu bên thế chấp mua bảo hiểm để bảo đảm rằng tài sản thế chấp chắc chắn được hoàn thành đúng tiến độ.
Bên cạnh đó, pháp luật cũng có các quy định riêng cho loại tài sản đặc thù như tài sản hình thành trong tương lai, tài sản này có thể được tiến hành đăng ký tạm thời quyền sở hữu tài sản để giao dịch thế chấp có thể công chứng và các bên tiến hành đăng ký thế chấp được.
3.4. Tài sản thế chấp là tài sản có đăng ký quyền sở hữu và không đăng ký quyền sở hữu:
Dựa trên sự quản lý của nhà nước đối với các loại tài sản thì tài sản thế chấp được chia thành hai loại là tài sản có đăng ký quyền sở hữu và tài sản không đăng ký quyền sở hữu.
Tài sản thế chấp có đăng ký quyền sở hữu như quyền sử dụng đất, nhà ở, công trìn xây dựng (bất động sản), một số phương tiện giao thông như máy bay, tàu thuyền, ô tô, một số quyền sở hữu công nghiệp,…
Tài sản thế chấp không đăng ký quyền sở hữu là những tài sản còn lại theo phương pháp loại trong mối quan hệ với tài sản có đăng ký quyền sở hữu.
Việc phân loại này giúp cho các chủ thể có được cách thức phù hợp để xác định quyền sở hữu đối với tài sản được dùng để thế chấp. Nếu là tài sản phải đăng ký quyền sở hữu thì phải kiểm tra tính xác thực của các giấy tờ chứng nhận quyền sở hữ tài sản, nếu đó là tài sản không đăng ký quyền sở hữu thì phải kiểm tra các giấy tờ khác nhằm chứng minh quyền sở hữ đối với tài sản như hóa đơn mua hàng.
Bên cạnh đó, việc phân loại cũng giúp cho việc xác định các thủ tục xử lý tài sản thế chấp. Đối với tài sản có đăng ký quyền sở hữu thì cần kiểm tra về thủ tục để sang tên chủ sở hữu của người mua tài sản thế chấp xử lý và kiểm tra họ có thuộc đối tượng được cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu hay quyền sử dụng đối với tài sản theo quy định pháp luật hay không.
Cơ sở pháp lý sử dụng trong bài viết:
– Nghị định 21/2021/NĐ-CP quy định thi hành Bộ luật Dân sự về bảo đảm thực hiện nghĩa vụ