Tài sản bị con dâu chiếm đoạt làm thế nào để lấy lại. Giải quyết khiếu nại, khiếu kiện về đất đai.
Tài sản bị con dâu chiếm đoạt làm thế nào để lấy lại. Giải quyết khiếu nại, khiếu kiện về đất đai.
Tóm tắt câu hỏi:
Luật sư cho chau hỏi. Bố mẹ nay đã già 80 tuổi,nhưng tài sản bao gồm đất đai và nhà cửu bị anh trai và chị dâu cướp hết, nhưng vẫn không yên thân suốt ngày chửi bới dánh đập. Nay Bố cháu muốn gửi đơn ra tòa thì phải làm thế nào ah? Tài sản Bố mẹ cháu anh trai và chị dâu làm bìa đỏ tên anh chị hết rồi. ?
Luật sư tư vấn:
Cám ơn bạn đã gửi câu hỏi của mình đến Ban biên tập – Phòng tư vấn trực tuyến của Công ty LUẬT DƯƠNG GIA. Với thắc mắc của bạn, Công ty LUẬT DƯƠNG GIA xin được đưa ra quan điểm tư vấn của mình như sau:
Thứ nhất, Đối với hành vi đánh đập, xúc phạm bố mẹ bạn của anh chị bạn thì có thể bị xử lý vi phạm hành chính theo Khoản 1, Điều 51, Nghị định 167/2013/NĐ-CP. Theo đó anh, chị của bạn sẽ bị phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng và buộc phải xin lỗi công khai nếu bố mẹ bạn có yêu cầu.
Nếu mức độ của hành vi nghiêm trọng hơn hoặc bị xử lý hành chính rồi mà vẫn tái phạm thì anh, chị bạn có thể bị xử lý hình sự theo quy định tại Điều 151, Bộ luật hình sự năm 1999 như sau:
“Điều 151. Tội ngược đãi hoặc hành hạ ông bà, cha mẹ, vợ chồng, con, cháu, người có công nuôi dưỡng mình
Người nào ngược đãi hoặc hành hạ ông bà, cha mẹ, vợ chồng, con, cháu hoặc người có công nuôi dưỡng mình gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi này mà còn vi phạm, thì bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến ba năm.”
Nếu hành vi hành hạ được lặp đi lặp lại và kéo dài vài ngày, vài tuần, thậm chí hàng tháng, hàng năm. Hành vi này không chỉ gây đau đớn về thể xác mà còn gây đau khổ về tinh thần cho người bị hành hạ, nếu hành vi này có gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người bị hành hạ, thì cũng chỉ là thương tích nhẹ chưa tới mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội cố ý gây thương tích thì cũng có thể bị xử lý hình sự theo Điều 110, Bộ luật hình sự năm 1999 như sau:
“Điều 110. Tội hành hạ người khác
1. Người nào đối xử tàn ác với người lệ thuộc mình thì bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến một năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến hai năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ một năm đến ba năm:
a) Đối với người già, trẻ em, phụ nữ có thai hoặc người tàn tật;
b) Đối với nhiều người.”
Theo đó, bạn có thể tố cáo tới cơ quan công an về các hành vi của anh chị bạn để cơ quan công an xử lý vi phạm.
Thứ hai, Nếu trước đây bố mẹ bạn là người có quyền sở hữu hợp pháp mảnh đất, đứng tên trên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Nếu anh, chị của bạn muốn sang tên trên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất phải được sự đồng ý của bố, mẹ bạn. Việc sang tên này phải dựa trên cơ sở là những hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất, hợp đồng tặng cho quyền sử dụng đất. Nếu anh, chị của bạn đã tự ý sang tên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất mà không được sự đồng ý của bố mẹ bạn thì vi phạm pháp luật đât đai.
Vì vậy, bố mẹ bạn có thể làm đơn khiếu nại gửi tới văn phòng đăng kí đất đai nơi đã sang tên cho anh chị của bạn để yêu cầu họ giải quyết vụ việc này. Bởi vì khi không có các giấy tờ chứng minh việc đồng ý chuyển nhượng quyền sử dụng đất của bố mẹ bạn cho anh chị bạn hợp pháp mà cơ quan có thẩm quyền lại cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho anh chị này. Đây là quyết định bất hợp pháp.
Căn cứ quy định tại Điều 204, Luật đất đai năm 2013 quy định:
“Điều 204. Giải quyết khiếu nại, khiếu kiện về đất đai
1. Người sử dụng đất, người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan đến sử dụng đất có quyền khiếu nại, khởi kiện quyết định hành chính hoặc hành vi hành chính về quản lý đất đai.
2. Trình tự, thủ tục giải quyết khiếu nại quyết định hành chính, hành vi hành chính về đất đai thực hiện theo quy định của pháp luật về khiếu nại. Trình tự, thủ tục giải quyết khiếu kiện quyết định hành chính, hành vi hành chính về đất đai thực hiện theo quy định của pháp luật về tố tụng hành chính.”
Nếu văn phòng đăng kí đất đai không giải quyết, bố mẹ bạn có quyền khởi kiện ra Tòa án nhân dân cấp huyện nơi có mảnh đất này để Tòa án đứng ra bảo về quyền lợi hợp pháp cho mình.
Ngoài ra, nếu anh chị bạn lừa dối, đe dọa bố mẹ bạn kí vào hợp đồng tặng cho quyền sử dụng đất thì đây được coi là giao dịch dân sự vô hiệu theo quy định tại Điều 132, Bộ luật dân sự năm 2005:
>>> Luật sư tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài: 1900.6568
"Điều 132. Giao dịch dân sự vô hiệu do bị lừa dối, đe dọa
Khi một bên tham gia giao dịch dân sự do bị lừa dối hoặc bị đe dọa thì có quyền yêu cầu Toà án tuyên bố giao dịch dân sự đó là vô hiệu.
Lừa dối trong giao dịch là hành vi cố ý của một bên hoặc của người thứ ba nhằm làm cho bên kia hiểu sai lệch về chủ thể, tính chất của đối tượng hoặc nội dung của giao dịch dân sự nên đã xác lập giao dịch đó.
Đe dọa trong giao dịch là hành vi cố ý của một bên hoặc người thứ ba làm cho bên kia buộc phải thực hiện giao dịch nhằm tránh thiệt hại về tính mạng, sức khoẻ, danh dự, uy tín, nhân phẩm, tài sản của mình hoặc của cha, mẹ, vợ, chồng, con của mình."
Vì vậy, nếu có đủ bằng chứng chứng minh thì bố mẹ bạn có thể gửi đơn yêu cầu Tòa án tuyên bố giao dịch dân sự vô hiệu do bị lừa dối. khi đó anh chị bạn có nghĩa vụ khôi phục lại tình trạng ban đầu, chuyển lại quyền sử dụng đất cho bố mẹ bạn Điều 137, Bộ luật dân sự năm 2005 quy định về hậu quả của giao dịch dân sự vô hiệu như sau:
"Điều 137. Hậu quả pháp lý của giao dịch dân sự vô hiệu
1. Giao dịch dân sự vô hiệu không làm phát sinh, thay đổi, chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự của các bên kể từ thời điểm xác lập.
2. Khi giao dịch dân sự vô hiệu thì các bên khôi phục lại tình trạng ban đầu, hoàn trả cho nhau những gì đã nhận; nếu không hoàn trả được bằng hiện vật thì phải hoàn trả bằng tiền, trừ trường hợp tài sản giao dịch, hoa lợi, lợi tức thu được bị tịch thu theo quy định của pháp luật. Bên có lỗi gây thiệt hại phải bồi thường."