Xác định tài sản dùng để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ là vấn đề được đặt ra trong tất cả các giao dịch bảo đảm. Tuy nhiên, ý nghĩa của vấn đề chỉ đặc biệt nổi rõ trong trường hợp bảo đảm bằng biện pháp thế chấp tài sản. Vậy tài sản bảo đảm là gì? Nguyên tắc xác định và xử lý tài sản bảo đảm?
Mục lục bài viết
1. Tài sản đảm bảo là gì?
Tài sản bảo đảm là tài sản mà bên bảo đảm dùng để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ dân sự đối với bên nhận bảo đảm, được tồn tại dưới 3 hình thức mà cá nhân, cơ quan và tổ chức có thể dùng để vay thế chấp là vật hiện hữu, giấy tờ có giá trị và quyền tài sản:
- Tài sản đảm bảo là quyền tài sản như quyền tài sản phát sinh từ quyền tác giả, quyền sở hữu công nghiệp, quyền đòi nợ, quyền được nhận bảo hiểm, quyền góp vốn kinh doanh, quyền khai thác tài nguyên, lợi tức và các quyền phát sinh từ tài sản cầm cố, các quyền tài sản khác.
- Tài sản đảm bảo là các giấy tờ có giá như: Trái phiếu, cổ phiếu, kỳ phiếu, chứng chỉ tiền gửi, thương phiếu, tín phiếu và các giấy tờ khác trị giá được bằng tiền.
- Tài sản đảm bảo là vật như phương tiện giao thông, kim khí đá quý, máy móc thiết bị, nguyên nhiên vật liệu, hàng hóa.
Ví dụ: Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất; Tài sản thuộc quyền sở hữu của người thứ ba như quyền đòi nợ, quyền được nhận tiền bảo hiểm, quyền đối với phần vốn góp, cổ phần và chứng khoán;…
Tài sản đảm bảo trong tiếng Anh là Collateral.
Nếu người vay không đáp ứng các nghĩa vụ pháp lí đối với khoản vay (thanh toán đủ cả gốc và lãi khi thời hạn cam kết), người cho vay có thể thu giữ tài sản đảm bảo và bán lại để bù lại khoản lỗ.
Do vậy, cũng có thể hiểu rằng: Tài sản đảm bảo là tài sản mà bên bảo đảm dùng để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ dân sự đối với bên nhận bảo đảm.
Theo quy định tại Điều 296 Bộ Luật dân sự năm 2015 “một tài sản có thể được dùng để bảo đảm thực hiện nhiều nghĩa vụ, nếu có giá trị tại thời điểm xác lập giao dịch bảo đảm lớn hơn tổng giá trị các nghĩa vụ được bảo đảm, trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc pháp luật có quy định khác”
Như vậy, một tài sản hoàn toàn có thể được dùng để đảm bảo thực hiện nhiều nghĩa vụ, tuy nhiên phải có sự đồng ý xác lập từ các bên tham gia nghĩa vụ, giá trị tài sản tại thời điểm xác lập việc bảo đảm lớn hơn tổng giá trị các nghĩa vụ được bảo đảm.
2. Nguyên tắc xác định tài sản đảm bảo:
Nguyên tắc xác định tài sản bảo đảm nói chung và nói riêng, xác định tài sản thế chấp, được thiết lập theo Điều 295
‘’Điều 295. Tài sản bảo đảm
1. Tài sản bảo đảm phải thuộc quyền sở hữu của bên bảo đảm, trừ trường hợp cầm giữ tài sản, bảo lưu quyền sở hữu.
2. Tài sản bảo đảm có thể được mô tả chung, nhưng phải xác định được.
3. Tài sản bảo đảm có thể là tài sản hiện có hoặc tài sản hình thành trong tương lai.
4. Giá trị của tài sản bảo đảm có thể lớn hơn, bằng hoặc nhỏ hơn giá trị nghĩa vụ được bảo đảm.’’
Tuy nhiên, việc xác định thời điểm đảm bảo cả ba điều kiện không được nêu rõ. Do đó, khi thực hiện, bên đảm bảo và bên nhận đảm bảo có thể thỏa thuận về thời điểm quan trọng nhất định phải đáp ứng ba điều kiện chứ không cần thiết phải đáp ứng mọi thời điểm.
Tại khoản 1 Điều 295 Bộ luật dân sự năm 2015 có quy định: “Tài sản bảo đảm phải thuộc quyền sở hữu của bên bảo đảm, trừ trường hợp cầm giữ tài sản, bảo lưu quyền sở hữu”. Như vậy trừ trường hợp cầm giữ tài sản và bảo lưu quyền sở hữu, tài sản bảo đảm phải thuộc quyền sở hữu của bên bảo đảm.
Thứ nhất: Tài sản bảo đảm vẫn phải thuộc quyền sở hữu của bên bảo đảm và chỉ loại trừ hai biện pháp bảo đảm là cầm giữ và bảo lưu quyền sở hữu. Điều này được giải thích rằng, khi đưa tài sản trở thành đối tượng của các biện pháp bảo đảm phải đảm bảo tài sản đó thuộc sở hữu của bên bảo đảm. Quy định này loại bỏ phần nào đó rủi ro cho bên nhận bảo đảm.
Thứ hai: Tài sản có thể được mô tả chung nhưng phải xác định được
Vì tài sản bảo đảm có thể là tài sản hiện có hoặc tài sản hình thành trong tương lai nên luật dự liệu quy định tài sản có thể được mô tả chung nhưng phải xác định được. Mô tả chung tức là không thể cụ thể hóa loại tài sản đó,— vì thực tế nó chưa hình thành hoặc chưa hình thành một cách đồng bộ nhưng phải xác định được – tức là có cơ chế xử lý chính xác loại tài sản đó khi phát sinh vấn đề xử lý tài sản bảo đảm.
Thứ ba: Giá trị của tài sản bảo đảm có thể lớn hơn, bằng hoặc nhỏ hơn giá trị nghĩa vụ được bảo đảm
Thông thường giá trị tài sản bảo đảm phải lớn hơn giá trị nghĩa vụ được bảo đảm để khi xử lý tài sản bảo đảm thì số tiền thu được từ việc bán tài sản bảo đảm để thanh toán các nghĩa vụ tài chính khác như chi phí bảo quản, chi phí xử lý tài sản. Tuy nhiên các bên có thể thỏa thuận giá trị tài sản bảo đảm bằng hoặc nhỏ hơn giá trị nghĩa vụ bảo đảm. Trường hợp này nếu tài sản bị xử lý thì bên nhận bảo đảm có thể chịu thiệt hại khi bên bảo đảm không còn tài sản khác để thanh toán.
Thứ tư: Tài sản bảo đảm có thể là tài sản hiện có hoặc tài sản hình thành tương tương lai. Bộ luật Dân sự năm 2015 cho phép tài sản hình thành trong tương lai được làm tài sản bảo đảm. Tài sản hình thành trong tương lai là tài sản thuộc sở hữu của bên bảo đảm sau thời điểm nghĩa vụ được xác lập hoặc giao dịch bảo đảm được giao kết.
Như vậy, tài sản bảo đảm theo quy định của Bộ luật Dân sự năm 2015 có thể là tài sản hiện có hoặc hình thành trong tương lai, lớn hơn hoặc nhỏ hơn giá trị nghĩa vụ được bảo đảm nhưng phải đảm bảo điều kiện là xác định được, phải thuộc quyền sở hữu của bên bảo đảm, trừ trường hợp cầm giữ tài sản, bảo lưu quyền sở hữu.
3. Xử lý tài sản đảm bảo:
Điều 308 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định về thứ tự ưu tiên thanh toán giữa các bên cùng nhận tài sản bảo đảm:
Thứ tự ưu tiên thanh toán giữa các bên cùng nhận bảo đảm được xác định khi một tài sản được dùng để bảo đảm thực hiện nhiều nghĩa vụ như sau:
a) Thứ tự thanh toán được xác định theo thứ tự xác lập hiệu lực đối kháng đối với trường hợp các biện pháp bảo đảm đều phát sinh hiệu lực đối kháng với người thứ ba.
b) Nghĩa vụ có biện pháp bảo đảm có hiệu lực đối kháng với người thứ ba được thanh toán trước đối với trường hợp có biện pháp bảo đảm phát sinh hiệu lực đối kháng với người thứ ba và có biện pháp bảo đảm không phắt sinh hiệu lực đối kháng với người thứ ba.
c) Thứ tự thanh toán được xác định theo thứ tự xác lập biện pháp bảo đảm đối với trường hợp các biện pháp bảo đảm đều không phất sinh hiệu lực đối kháng với người thú ba.
Thứ tự ưu tiên thanh toán quy định này có thể thay đổi, nếu các bên cùng nhận bảo đảm có thỏa thuận thay đổi thứ tự ưu tiên thanh toán cho nhau. Bên thế quyền ưu tiên thanh toán chỉ được ưu tiên thanh toán trong phạm vi bảo đảm của bên mà mình thế quyền.
Các biện pháp bảo đảm được đăng ký đúng thủ tục theo quy định của pháp luật luôn có hiệu lực ưu tiên đối với bên thứ ba. Tuy nhiên, trong trường hợp tài sản được dùng để bảo đảm thực hiện nhiều nghĩa vụ thì thứ tự ưu tiên thanh toán giữa các bên cùng nhận bảo đảm được xác định như sau:
– Trường hợp các biện pháp bảo đảm đều phát sinh hiệu lực đối kháng với người thứ ba: Đây là trường hợp được đăng ký phù hợp với quy định của pháp luật về đăng ký giao dịch bảo đảm hoặc bên nhận bảo đảm nắm giữ hoặc chiếm giữ tài sản bảo đảm theo quy định tại Điều 297 của Bộ luật dân sự năm 2015. Thứ tự ưu tiên thanh toán được xác định theo thứ tự xác lập hiệu lực đối kháng tức là thứ tự đăng ký hoặc việc nắm giữ, chiếm giữ hợp pháp của bên nhận bảo đảm.
– Trường hợp có biện pháp bảo đảm phát sinh hiệu lực đối kháng với người thứ ba và có biện pháp bảo đảm không phát sinh hiệu lực đối kháng với người thứ ba: đây là trường hợp có biện pháp được đăng ký theo quy định, có biện pháp bảo đảm không tự nguyện đăng ký. Trường hợp này thì nghĩa vụ có biện pháp bảo đảm được đăng ký hoặc nắm giữ, chiếm giữ hợp pháp được thanh toán trước; sau đến các nghĩa vụ được bảo đảm nhưng không đăng ký biện pháp bảo đảm.
– Trường hợp các biện pháp bảo đảm đều không phát sinh hiệu lực đối kháng với người thứ ba: Đây là các trường hợp không được đăng ký biện pháp bảo đảm, trừ biện pháp bảo lưu quyền sở hữu và cầm giữ tài sản, do đó thứ tự thanh toán được xác định theo thứ tự xác lập biện pháp bảo đảm.
Tuy nhiên, pháp luật cũng cho phép các bên thỏa thuận thay đổi thứ tự ưu tiên thanh toán cho nhau. Bên thế quyền ưu tiên thanh toán chỉ được ưu tiên thanh toán trong phạm vi bảo đảm của bên mà mình thế quyền.
Kết luận: Vấn đề định dạng tài sản bảo đảm đặc biệt quan trọng trong trường hợp tài sản được thế chấp. Lý do chính là trong thời gian thế chấp, tài sản thường vẫn được để lại cho người thế chấp sử dụng. Vấn đề càng trở nên phức tạp trong trường hợp tài sản thế chấp là tài sản vô hình, bởi việc định dạng và thẩm định giá trị của các tài sản loại này đòi hỏi sử dụng những công cụ đặc thù. Người nhận tài sản bảo đảm cần tìm hiểu rõ thông tin về tài sản bảo đảm để hạn chế được các rủi ro sau này.