Dân số Việt Nam mang một nền văn hóa đa dạng và truyền thống dân tộc. Sự gia tăng dân số không ngừng tạo ra những mặt tích cực nhưng cũng gây sức ép không nhỏ đến kinh tế - văn hóa - xã hội. Cùng bài viết này tìm hiểu nhé!
Mục lục bài viết
1. Đặc điểm dân số và phân bố dân cư nước ta:
1.1. Đặc điểm dân số:
Nước ta là một nước đông dân:
– Theo số liệu của Liên Hợp Quốc, dân số nước ta hiện nay đã đạt gần 100 triệu người (tính đến ngày 6/9/2023 là 99.830.176 người), hiện chiếm 1,24% dân số thế giới. Số dân Việt Nam đang đứng thứ 15 trên thế giới.
– Mật độ dân số là 322 người/km2, trong đó có 38,77% dân số sống ở thành thị (38.361.911 người vào năm 2019).
– Độ tuổi trung bình ở Việt Nam là 33,7 tuổi.
– Với đặc điểm dân số như vậy, có thể thấy nước ta có một nguồn lao động dồi dào và thị trường tiêu thụ rộng lớn. Tuy nhiên, nó cũng có mặt trái trong việc phát triển kinh tế, giải quyết việc làm…
Nhiều thành phần dân tộc:
– Nước ta có 54 dân tộc trên khắp mọi miền tổ quốc, tỏng đó dân tộc Kinh chiếm chủ yếu đến 86,2%, còn lại là các dân tộc ít người.
– Ngoài ra, khoảng 3,2 triệu đồng bào Việt đang sinh sống ở nước ngoài, nhiều nhất là ở Hoa Kỳ, Ôxtraylia, một số nước châu Âu…
– Đặc điểm đa dạng dân tộc giúp cho nước ta có một nền văn hóa đa dạng bản sắc văn hóa và truyền thống dân tộc. Tuy nhiên lại gây ra tình trạng không đều về trình độ và mức sống giữa các dân tộc.
Dân số tăng nhanh:
– Bình quân mỗi năm dân số nước ta tăng thêm 947 nghìn người. Theo trang dân số, Trong năm 2023, dân số của Việt Nam dự kiến sẽ tăng 745.096 người và đạt 100.059.299 người vào đầu năm 2024
– Tỉ lệ gia tăng dân số tự nhiên giảm.
– Khoảng thời gian dân số tăng gấp đôi ngày càng rút ngắn :
+ Từ năm 1921 – 1960 : tăng từ 16,6 – 30,2 triệu người (mất 39 năm).
+ Từ năm 1960 – 1989 : tăng từ 30,2 – 64 triệu người (mất 29 năm).
– Điều này đã dẫn đến hậu quả của sự gia tăng dân số: tạo nên sức ép lớn về nhiều mặt.
Cơ cấu dân số trẻ:
– Số dân trong độ tuổi lao dộng chiếm 64%, mỗi năm tăng thêm khỏang 1,15 triệu người.
– Con cố này cho thấy thuận lợi: Nguồn lao động đồi dào, năng động, sáng tạo. Đồng thời cũng khó khăn sắp xếp việc làm.
1.2. Phân bố dân cư:
Phân bố dân cư nước ta chưa hợp lý, mật độ dân số trung bình 254 người/ km2 (2006), phân bố không hợp lí giữa các vùng:
Phân bố dân cư không đều giữa các đồng bằng với trung du, miền núi:
+ Ở đồng bằng, mật độ dân số cao, tập trung khoảng 75% dân số, trong đó Đồng bằng sông Hồng có mật độ dân số 1225 người/ km2, Đồng bằng sông Cửu Long có mật độ dân số 429 người/ km2.
+ Ở vùng trung du, miền núi mật độ dân số thấp hơn nhiều so với khu vực đồng bằng, (Tây Nguyên 89 người/ km2, Tây Bắc 69 người/ km2). Đây cũng là vùng tập trung nhiều tài nguyên thiên nhiên quan trọng của đất nước .
Phân bố dân cư không đều giữa thành thị và nông thôn:
Theo số liệu năm 2005, dân số thành thị chiếm 26,9%, dân số nông thôn chiếm 73,1% .
+ Phạm vi từng vùng miền cũng chênh lệch (mật độ Đồng bằng sông Hồng cao gấp 2,8 lần Đồng bằng sông Cửu Long; trung du và miền núi thì càng lên cao thì càng giảm).
+ Ngay trong nội bộ vùng cũng không hợp lí (trong khu vực Đồng bằng sông Hồng thì Thái Bình là 1.200 người / km2 còn Ninh Bình thì 650 người / km2).
2. Tác động tích cực và tiêu cực của đặc điểm dân số nước ta:
2.1. Tác động tích cực:
– Nước ta có dân số đông tạo ra nguồn lao động dồi dào, tác động tích cực đến nền kinh tế, đặc biệt với những ngành cần nhiều lao động, thu hút đầu tư nước nước ngoài. Đồng thời, thị trường tiêu thụ rộng lớn, giúp thúc đẩy sản xuất và phát triển.
– Với mức dân số trẻ tạo ra sự năng động, sáng tạo, tiếp thu nhanh tiến bộ khoa học kĩ thuật. Theo đó, tỉ lệ người phụ thuộc cũng ít hơn, giúp cải thiện nâng cao chất lượng đời sống.
– Thành phần dân tộc đa dạng tạo ra một nền văn hóa đa dạng bản sắc, các dân tộc sống đoàn kết với nhau, phát huy truyền thống văn hóa, phong tục tập quán, tạo nên sức mạnh phát triển kinh tế, xây dựng đất nước.
2.2. Tác động tiêu cực:
Dân đông và tăng nhanh gây nên sức ép lớn và liên tục đến kinh tế – xã hội – môi trường.
– Về kinh tế :
+ Sự tăng trưởng kinh tế và sự gia tăng dân số nhanh không phì hợp với nhau làm kìm hãm sự phát triển và chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo ngành và lãnh thổ.
+ Dân số tăng quá nhanh dẫn đến nhiều người thất nghiệp hơn và vấn đề việc làm trở nên gay gắt.
+ Dân cư phân bố không hợp lí ở các vùng nên việc sử dụng và khai thác tài nguyên không hợp lí, hiệu quả. Đặc biệt ở khu vực trung du và miền núi phía Bắc tập trung rất nhiều tài nguyên nhưng dân cư thưa thớt.
– Về xã hội :
+ Dân số đông khiến chất lượng cuộc sống chậm cải thiện hơn, GDP bình quân đầu người thấp vẫn còn thấp.
+ Các dịch vụ y tế, giáo dục, văn hóa vẫn còn gặp nhiều khó khăn, đặc biệt ở những vùng miền núi.
– Về môi trường :
Dân số đông, mật độ dân số cao gây sức ép lên tài nguyên và môi trường. Đặc biệt là vấn đề ô nhiễm môi trường và cạn kiệt tài nguyên thiên nhiên.
3. Một số câu hỏi và bài tập vận dụng:
Bài 1. Từ hình dưới đây, hãy nhận xét tỉ lệ gia tăng dân số qua các giai đoạn.
Hướng dẫn trả lời:
Tỉ suất gia tăng dân số qua các thời kì không ổn định và đang có xu hướng giảm nhưng vẫn còn cao so với thế giới.
+Trong chiến tranh chống Pháp, mức gia tăng thấp (1921-1954)
+Trong giai đoạn xây dựng CNXH ở miền Bắc, mức gia tăng nhanh (1954-1976)
+Từ khi thống nhất đất nước mức gia tăng giảm dần (1976-2005)
Bài 2. Từ bảng dưới đây, hãy so sánh và nhận xét về mật độ dân số giữa các vùng.
– Phân bố dân cư chưa hợp lí giữa miền núi và đồng bằng:
+ Vùng đồng bằng chỉ chiếm ¼ diện tích nhưng tập trung tới 75% dân số, trong khi miền núi với ¾ diện tích nhưng chỉ có 25% dân số.
+ Mật độ dân số đồng bằng sông Hồng gấp 17,7 lần Tây Bắc; 8,3 lần Tây Bắc và 13,8 lần Tây Nguyên.
– Trong các đồng bằng có sự phân hóa: đồng bằng sông Hồng gấp 2 lần đồng bằng sông Cửu Long.
+ Đồng bằng sông Hồng tập trung đông dân nhất (mật độ 1225 người/km2)
+ Đồng bằng sông Cửu Long mật độ dân số là 429 người/km2)
– Giữa các vùng miền núi cũng có sự chênh lệch:
+ Thấp nhất là Tây Bắc với mật độ là 69 người/km2.
+ Tây Nguyên là 89 người/km2.
+ Đông Bắc là 148 người/km2 (gấp 2,1 lần Tây Bắc).
Bài 3. Từ bảng 16.3 (trang 71 SGK), hãy so sánh và cho nhận xét về sự thay đổi tỉ trọng dân số thành thị, nông thôn.
– Số dân nông thôn chiếm tỉ lệ cao hơn số dân thành thị (73.1% so với 26,9% năm 2005).
– Giai đoạn 1990 – 2005, cơ câu dân số phân theo thành thị và nông thôn có sự chuyển dịch theo hướng: giảm tỉ lệ dân số nông thôn, tăng tỉ lệ dân số thành thị.
=>Đây là sự chuyển dịch theo hướng tích cực, phù hợp với quá trình công nghiệp hóa và hiện đại hóa đất nước.
Bài 4. Hãy nêu hậu quả của phân bố dân cư chưa hợp lí.
Phân bố dân cư chưa hợp lí dẫn đến những tác động tiêu cực như:
– Về kinh tế : ảnh hưởng rất lớn đến việc sử dụng lao động và khai thác tài nguyên, có nơi thừa, nơi thiếu lao động.
– Về xã hội : gây ra nhiều vấn nạn như ùn tắc giao thông, chênh lệch giàu nghèo, trộm cắp tệ nạn xã hội… Sử dụng lao động lãng phí, nơi thừa, nơi thiếu. Khai thác tài nguyên ở những nơi ít lao động rất khó khăn…
– Môi trường : tài nguyên cạn kiệt, ô nhiễm môi trường ngày càng nghiêm trọng
Bài 5. Phân tích tác động của đặc điểm dân số nước ta đối với sự phát triển kinh tế – xã hội và môi trường.
– Đông dân
+ Thuận lợi: có nguồn lao động dồi dào, thị trường tiêu thụ rộng lớn.
+ Khó khăn: trở ngại lớn cho việc phát triển kinh tế, giải quyết việc làm, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân,..
– Có nhiều thành phần dân tộc:
+ Các dân tộc đoàn kết với nhau, phát huy truyền thống sản xuất, văn hóa, phong tục tập quán, tạo nên sức mạnh phát triển kinh tế, xây dựng đất nước.
+ Tuyệt đại bộ phận người Việt ở nước ngoài đều hướng về Tổ quốc và đang đóng góp công sức cho xây dựng, phát triển kinh tế -xã hội ở quê hương.
– Dân số còn tăng nhanh, cơ cấu dân số trẻ
+ Gia tăng dân số nhanh đã tạo nên sức ép rất lớn đối với phát triển kinh tế- xã hội, bảo vệ tài nguyên thiên nhiên, môi trường và việc nâng cao chât lượng cuộc sống của từng thành viên trong xã hội.
+ Dân số nước ta thuộc loại trẻ nên có nguồn lao động dồi dào (mỗi năm có thêm khoảng 1,1 triệu lao động mới), có khả năng tiếp thu nhanh các kĩ thuật và công nghệ tiên tiến. Nếu được đào tạo và sử dụng hợp lí, họ sẽ trở thành nguồn lực quyết định để phái triển đât nước. Tuy nhiên, nó cũng gây ra khó khăn về việc sắp xếp việc làm cho số lao động gia tăng.
Bài 6. Tại sao ở nước ta hiện nay, tỉ suất gia tăng dân số có xu hướng giảm nhưng quy mô dân số vẫn tiếp tục tăng? Nêu ví dụ minh họa.
Nguyên nhân : Tỉ lệ gia tăng dân số giảm nhưng do quy mô dân số lớn, số người trong độ tuổi sinh đẻ cao nên dân số vẫn tiếp tục tăng.
-Ví dụ:
+Với số dân 65 triệu người, tỉ lệ gia tăng dân số 1,5%, thì mỗi năm dân số tăng 0,975 triệu người.
+Nếu quy mô dân số 85 triệu người, tỉ lệ gia tăng dân số 1,3%, thì mỗi năm dân số tăng thêm 1,105 triệu người.
+Nếu quy mô dân số 90 triệu người, tỉ lệ gia tăng dân số 1,0%, thì mỗi năm dân số tăng thêm 0,9 triệu người.
Bài 7. Vì sao nước ta phải thực hiện phân bố lại dân cư cho hợp lí ? Nêu một số phương hướng và biện pháp đã thực hiện trong thời gian vừa qua.
Lý do nước ta phải thực hiện phân bố lại dân cư cho hợp lí:
– Ở đồng bằng : đất chật (chiếm 1/4), người đông (chiếm 3/4), khó khăn trong việc sử dụng hiệu quả nguồn lao động và khai thác tài nguyên hiện có.
– Ở miền núi và cao nguyên : đất đai rộng lớn (chiếm 3/4), tài nguyên phong phú nhưng lại thiếu lao động nhất là lao động có kĩ thuật, nên nhiều loại tài nguyên chưa được khai thác hợp lí hoặc còn dưới dạng tiềm năng. Kết quả là kinh tế chậm phát triển, thiếu lao động có kỹ thuật, cơ sở vật chất – kỹ thuật hạ tầng yếu kém nên không thể khai thác hết các ưu đãi của tài nguyên, đời sống nhân dân thấp kém.
– Ở thành thị : quá trình đô thị hóa không phù hợp với quá trình CNH gây nên nhiều khó khăn cho vấn đề giải quyết việc làm, tỉ lệ thất nghiệp cao, giao thông, các vấn đề XH khác và ô nhiễm môi trường đô thị.
– Ở nông thôn : chủ yếu là lao động thuần nông, đất canh tác ít nên tình trạng dư thừa lao động nhưng lại thiếu việc làm.
Một số phương hướng và biện pháp đã thực hiện trong thời gian vừa qua:
– Tiếp tục thực hiện các giải pháp kiềm chế tốc độ tăng dân số, đẩy mạnh tuyên truyền các chủ trương, chính sách, pháp luật về dân số và kế hoạch hóa gia đình.
– Xây dựng chính sách di cư phù hợp để thúc đẩy sự phân bố dân cư, lao động giữa các vùng.
– Xây dựng quy hoạch và chính sách thích hợp nhằm đáp ứng xu thế chuyển dịch cơ cấu dân số nông thôn và thành thị.
– Đưa xuất khẩu lao động thành một chương trình lớn, có giải pháp mạnh và chính sách cụ thể mở rộng thị trường xuất khẩu lao động. Đổi mới mạnh mẽ phương thức đào tạo người lao động xuất khẩu có tác phong công nghiệp.
– Đẩy mạnh đầu tư phát triển công nghiệp ở trung du, miền núi, phát triển công nghiệp nông thôn để khai thác tài nguyên và sử dụng tối đa nguồn lao động của đất nước.