Khái niệm bảo đảm quyền trẻ em trước tác động của biến đổi khí hậu. Những tác động và ý nghĩa trong việc bảo đảm quyền trẻ em trước tác động của biến đổi khí hậu.
Mục lục bài viết
1. Khái niệm bảo đảm quyền trẻ em trước tác động của biến đổi khí hậu:
1.1. Khái niệm trẻ em:
Theo Điều 1, Phần I của Công ước UNCRC năm 1989 “Trong phạm vi công ước này, trẻ em có nghĩa là mọi người dưới 18 tuổi, trừ trường hợp luật pháp áp dụng với trẻ em đó quy định tuổi thành niên sớm hơn. Theo Điều 1, Luật Bảo vệ, Chăm sóc và Giáo dục trẻ em năm 1991, sửa đổi, bổ sung năm 2004 quy định “Trẻ em là công dân Việt Nam dưới 16 tuổi”. Trong luận văn này, thuật ngữ “trẻ em” được áp dụng cho tất cả những người dưới 18 tuổi.
1.2. Khái niệm quyền trẻ em:
Quyền trẻ em là những quyền con người được áp dụng dành riêng cho trẻ em, ở mỗi độ tuổi khác nhau thì trẻ em được hưởng quyền và gánh vác những nghĩa vụ khác nhau. Việc xem xét quy định và thực hiện quyền trẻ em phải xuất phát từ quan điểm của trẻ em, vì vậy quyền trẻ em là những đặc lợi mà trẻ em được hưởng theo quy định của pháp luật.
Quyền trẻ em là tất cả những gì trẻ em cần có để được sống và lớn lên một cách lành mạnh và an toàn. Nó đảm bảo cho trẻ em không chỉ là người tiếp nhận sự yêu thương và chăm sóc của người lớn, mà các em là những thành viên tham gia tích cực vào quá trình phát triển. Việc bảo vệ, chăm sóc, giáo dục, bảo đảm quyền trẻ em được sống an toàn, hạnh phúc là bảo đảm cho tương lai phát triển bền vững của đất nước.
Các quyền cơ bản của trẻ em được quy định cả trong pháp luật quốc tế nói chung và pháp luật Việt Nam nói riêng. Các quyền cơ bản của trẻ em được quy định trong Công ước của Liên hợp quốc về quyền trẻ em 1989 gồm bốn nhóm quyền: quyền được sống còn, quyền được phát triển, quyền được bảo vệ, quyền được tham gia. Ở Việt Nam, các quyền cơ bản của trẻ em được quy định trong luật trẻ em mới nhất năm 2021. Luật đã quy định các quyền của trẻ em Việt Nam như Quyền sống; Quyền được khai sinh và có quốc tịch; Quyền được chăm sóc sức khỏe; Quyền được chăm sóc, nuôi dưỡng; Quyền được giáo dục, học tập và phát triển năng khiếu; Quyền vui chơi, giải trí; Quyền giữ gìn, phát huy bản sắc; Quyền tự do tín ngưỡng; tôn giáo; Quyền về tài sản; Quyền bí mật đời sống riêng tư; Quyền được sống chung với cha mẹ; Quyền được đoàn tụ, liên hệ và tiếp xúc với cha mẹ; Quyền được chăm sóc thay thế và nhận làm con nuôi; Quyền được bảo vệ để không bị xâm hại tình dục; Quyền được bảo vệ để không bị bóc lột sức lao động; Quyền được bảo vệ để không bị bạo lực, bỏ rơi, bỏ mặc,…
1.3. Biến đổi khí hậu:
Theo định nghĩa của Công ước khung Liên Hiệp Quốc (UNFCCC), Biến đổi khí hậu – Climate Change là sự thay đổi của khí hậu được quy trực tiếp hay gián tiếp là do hoạt động của con người làm thay đổi thành phần của khí quyển toàn cầu và đóng góp thêm vào sự biến động khí hậu tự nhiên trong các thời gian có thể so sánh được.
Biến đổi khí hậu xác định sự khác biệt giữa các giá trị trung bình dài hạn của một tham số hay thống kê khí hậu. Trong đó, trung bình được thực hiện trong một khoảng thời gian xác định, thường là vài thập kỷ.
Nguyên nhân chính dẫn đến biến đổi khí hậu là do sự gia tăng các hoạt động tạo ra các chất thải khí nhà kính, các hoạt động khai thác quá mức các bể hấp thụ và bể chứa khí nhà kính như sinh khối, rừng, các hệ sinh thái biển, ven bờ và đất liền khác.
1.4. Bảo đảm quyền trẻ em trước tác động của biến đổi khí hậu:
Bảo đảm quyền trẻ em trước tác động của biến đổi khí hậu là việc thực hiện các biện pháp phù hợp để bảo đảm trẻ em được sống an toàn, lành mạnh, phát triển trước tác động của biến đổi khí hậu. Các biện pháp bảo đảm có thể được sử dụng bằng nhiều hình thức khác nhau như: bảo đảm bằng pháp lý, chính trị, tư tưởng, kinh tế, văn hóa-giáo dục, và xã hội.
Việc bảo đảm quyền trẻ em trước tác động của biến đổi khí hậu là vô cùng cần thiết:
Thứ nhất, bảo đảm quyền trẻ em trước tác động của biến đổi khí hậu là góp phần đưa chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về bảo đảm quyền trẻ em vào đời sống thực tiễn.
Thứ hai, góp phần bảo đảm trẻ em được sống trong môi trường an toàn, lành mạnh, bảo vệ và trợ giúp trẻ em.
Thứ ba, bảo đảm quyền trẻ em trước tác động của biến đổi khí hậu góp phần phòng ngừa, ngăn chặn và xử lý các hành vi xâm hại, đối xử bất công với trẻ em, tăng cường pháp chế xã hội chủ nghĩa.
2. Những tác động và ý nghĩa trong việc bảo đảm quyền trẻ em trước tác động của biến đổi khí hậu:
2.1. Tác động của biến đổi khí hậu đối với nền văn minh nhân loại:
Dựa trên hơn 140.000 nghiên cứu khoa học, báo cáo của IPCC đưa ra bức tranh toàn cảnh và chi tiết về cách thức biến đổi khí hậu đang thay đổi thế giới tự nhiên và những gì có thể xảy ra trong tương lai. Các nhà khoa học đã lấy ví dụ về các điều kiện thời tiết cực đoan để cho thấy sự tác động nghiêm trọng của biến đổi khí hậu. Tại bang California, Mỹ, chỉ riêng trong ngày 9/8/2021, đã có 200.342 hecta rừng bị thiêu rụi trong khi tại Venice (Italy), khách du lịch phải lội qua những vùng nước sâu ở Quảng trường St.Mark. Theo các nhà khoa học, con người phải chịu trách nhiệm cho tình trạng biến đổi khí hậu hiện nay và cần có hành động nhanh chóng để cắt giảm khí phát thải nhà kính. Trong trường hợp các nước không thể thực hiện mục tiêu này, nhiệt độ trung bình toàn cầu có thể vượt mức tăng 1,5 độ C trong vòng 20 năm nữa. Theo đó, các cam kết cắt giảm khí phát thải mà các nước đưa ra cho đến nay vẫn chưa đủ để bắt đầu giảm mức độ khí nhà kính, chủ yếu là khí CO2 do đốt nhiên liệu hóa thạch. IPPC cũng cho biết lượng khí thải “rõ ràng do hoạt động của con người gây ra đẩy nhiệt độ trung bình toàn cầu lên 1,1 độ C so với trung bình thời kỳ tiền công nghiệp và có thể tăng thêm 0,5 độ C nếu không có tác động từ tình trạng ô nhiễm trong bầu khí quyển. Sự nóng lên 1,1 độ C đã được ghi nhận đủ để gây ra hiện tượng thời tiết thảm khốc. Từ đầu năm 2021 đến nay, các đợt nắng nóng đã giết chết hàng trăm người ở Tây Bắc Thái Bình Dương và phá vỡ các kỷ lục nhiệt trên khắp thế giới. Cháy rừng do nắng nóng và hạn hán đang quét sạch toàn bộ các thị trấn ở miền Tây nước Mỹ, giải phóng lượng khí thải carbon dioxide kỷ lục từ các khu rừng ở Siberia và khiến người Hy Lạp phải rời bỏ nhà cửa và chạy trốn bằng phà. Các nhà nghiên cứu của IPCC nhấn mạnh mức tăng 1,5 độ C được coi là mức cao nhất mà con người có thể đối phó mà không phải chịu những biến động về kinh và xã hội trên diện rộng. Theo Tổng thư ký Guterres, báo cáo đã gióng lên hồi chuông “báo tử” đối với việc sử dụng than đá và nhiên liệu hóa thạch, trước khi chúng hủy diệt hành tinh của nhân loại. Tuy nhiên, ngay cả để làm chậm tình trạng biến đổi khí hậu, báo cáo cho rằng con người không thể chần chừ hơn nữa. Nếu lượng khí thải được cắt giảm trong thập niên tới, nhiệt độ trung bình vẫn có thể tăng 1,5 độ C vào năm 2040 và có thể là 1,6 độ C vào năm 2060 trước khi ổn định ở mức cao. Ngược lại, nếu các hoạt động gây khí thải nhà kính vẫn tiếp diễn như hiện tại, thì nhiệt độ Trái Đất có thể tăng 2 độ C vào năm 2060 và 2,7 độ C vào cuối thế kỷ này và không thể loại trừ khả năng mức nước biển tăng gần 2 mét vào cuối thế kỷ này. Trái đất có thể trở nên tồi tệ hơn, nếu sự nóng lên kích hoạt các vòng phản hồi giải phóng nhiều khí thải carbon làm khí hậu nóng lên, như sự tan chảy của lớp băng vĩnh cửu ở Bắc Cực hoặc sự tàn lụi của các khu rừng toàn cầu. Theo các kịch bản phát thải cao này, vào năm 2081-2100, Trái Đất có thể bị tăng nhiệt độ lên đến 4,4 độ C so với mức trung bình trước thời kỳ công nghiệp. Nếu các dự đoán trên thành hiện thực, hàng triệu người ở các khu vực ven biển sẽ đối mặt với lũ lụt vào năm 2100. Có thể thấy rằng, biến đổi khí hậu là sự thay đổi mà con người không thể đảo ngược được. Đã quá muộn để ngăn chặn những thay đổi cụ thể này. Điều tốt nhất mà thế giới có thể làm là giảm tốc độ để các quốc gia có thêm thời gian chuẩn bị và thích ứng. Theo Tiến sĩ Tamsin Edwards, nhà khoa học khí hậu tại Đại học King’s College London, đồng tác giả của báo cáo IPCC cho biết: “Hiện nay chúng ta đưa ra cam kết thực hiện một số lĩnh vực của biến đổi khí hậu, một số lĩnh vực trong đó không thể đảo ngược trong hàng trăm đến hàng nghìn năm. Nhưng chúng ta càng hạn chế sự nóng lên, chúng ta càng có thể tránh hoặc làm chậm lại những thay đổi đó”.
2.2. Tác động của biến đổi khí hậu đối với trẻ em:
Trẻ em là tác nhân ít gây ra cuộc khủng hoảng khí hậu nhất nhưng lại phải trả giá nhiều nhất. Biến đổi khí hậu là một mối đe dọa hiện hữu, những người ủng hộ quyền trẻ em đã nhấn mạnh mức độ nghiêm trọng của biến đổi khí hậu đối với con người, và đặc biệt là trẻ em. Biến đổi khí hậu ngày càng trở nên rõ ràng hơn với những hậu quả nghiêm trọng trên toàn cầu và là một vấn đề cấp bách liên quan đến chính sách quốc gia vì nó ảnh hưởng trực tiếp đến nền chính trị, kinh tế trong nước cũng như ảnh hưởng đến sự hòa bình và an ninh quốc tế. Biến đổi khí hậu đã và đang có tác động tiêu cực và là mối đe dọa lớn nhất của toàn cầu trong thế kỷ XXI này. Ngoài phụ nữ, người già, người bản xứ và người tàn tật, trẻ em là nhóm người dễ bị tổn thương nhất. Phù hợp với quan điểm của những người ủng hộ quyền trẻ em, vào cuối những năm 80, đầu những năm 90 của thế kỷ trước, các nhà nghiên cứu khoa học nhấn mạnh những nguy cơ sức khỏe thảm khốc do biến đổi khí hậu gây ra. Tuy nhiên, đến thế kỷ XXI, khi các dấu hiệu của biến đổi khí hậu ngày càng trở nên nghiêm trọng hơn, những nguy hiểm ngoài tầm kiểm soát với hàng loạt hiện tượng thời tiết cực đoan xảy ra thì những lời kêu gọi của các tổ chức quốc tế, những người đứng đầu quốc gia cũng như việc nghiên cứu về biến đổi khí hậu mới trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết.
Biến đổi khí hậu đang làm thay đổi cuộc sống, nó ảnh hưởng đến trẻ em ở mức độ nghiêm trọng hơn người lớn rất nhiều, và trở thành thách thức đáng báo động đối với trẻ em ở ngay thời điểm hiện tại và trong tương lai. Có một sự thật không thể phủ nhận là tác động của biến đổi khí hậu khiến những người dễ bị tổn thương, người nghèo, dân tộc thiểu số, tôn giáo, người khuyết tật và trẻ em phải gánh chịu ngay lập tức và không thương tiếc bởi những tác động khắc nghiệt nhất do nó gây ra ở các nước có thu nhập thấp và trung bình, nơi sinh sống của 85% trẻ em trên thế giới.
Trong số 11 triệu trẻ em tử vong mỗi năm, 7,7 triệu trẻ em tử vong là do tiêu chảy, sốt rét, nhiễm trùng sơ sinh, viêm phổi, sinh non và thiếu oxy khi sinh, mỗi bệnh đều rất nhạy cảm với điều kiện khí hậu. 80% ca tử vong do sốt rét và 30% của những ca tử vong do suy dinh dưỡng xảy ra ở nhóm trẻ em dễ bị tổn thương, nhất là trẻ em từ 5 tuổi trở xuống. Khí hậu thay đổi làm tăng căng thẳng vấn đề về nước sạch và cản trở việc vệ sinh đầy đủ, dẫn đến 1,5 triệu trẻ em tử vong hàng năm do uống nước bị ô nhiễm. Lũ lụt cực đoan dẫn đến nhiều ca tử vong ở trẻ em hơn người lớn. Trẻ em phải di dời do biến đổi khí hậu bởi hạn hán nghiêm trọng hoặc nước biển dâng cao dẫn đến những cái chết về “bản sắc, văn hóa, đất đai và lối sống phong tục” điều này, dẫn đến tỷ lệ trẻ em gặp các vấn đề về tâm lý, trầm cảm, ý định tự tử và tự sát cao hơn. Ngay cả khi trẻ em sống sót sau các tác động của biến đổi khí hậu, chẳng hạn như suy dinh dưỡng ở trẻ sơ sinh, bị mất vài tháng hoặc nhiều năm giáo dục tiểu học, hoặc chấn thương của việc xa người chăm sóc, quỹ đạo cuộc sống của các em bị thay đổi tiêu cực. Hiện tại, khoảng 1/4 tỷ trẻ em dưới 5 tuổi ở các quốc gia có thu nhập thấp và trung bình có nguy cơ thiếu hụt tiềm năng phát triển đáng lẽ được hưởng và số lượng sẽ tiếp tục tăng khi biến đổi khí hậu đẩy nhiều trẻ em vào cảnh nghèo đói hơn. Sự cực đoan về khí hậu là tác nhân gây ra căng thẳng về môi trường sống, làm tổn thương sâu sắc cơ thể và tâm trí của trẻ em, lấy đi hy vọng và ước mơ của các em, điều này đẩy họ đến cái chết dễ dàng hơn bao giờ hết. Thảm họa ập đến bất ngờ khiến trẻ em dễ bị lạm dụng tình dục, bóc lột, buôn bán, lao động trẻ em nhiều hơn. Tình trạng trẻ em bị tuyển dụng vào lực lượng vũ trang, sử dụng vũ khí, gây nguy hiểm đến quyền được sống đàng hoàng của họ. Các quá trình biến đổi khí hậu diễn ra chậm chạp gây thất vọng và tăng nguy cơ trẻ em tiếp xúc với bạo lực gia đình. Biến đổi khí hậu được coi là “mối đe dọa hệ số nhân” cho xung đột chính trị, được minh chứng bằng mối liên hệ giữa hạn hán nghiêm trọng ở Syria giữa năm 2006-2011 và Mùa xuân Ả Rập, đặt ra một mối đe dọa nghiêm trọng đối với hạnh phúc của trẻ em. Khí hậu gây ra những thay đổi về tỷ suất sinh của trẻ em có thể làm giảm khả năng chăm sóc thế hệ tiếp theo của chúng, và vì các thế hệ trẻ em tiếp theo có khả năng sống trong một thế giới thời tiết khắc nghiệt xoắn ốc nhanh chóng, dẫn đến những thay đổi về tỷ suất sinh thậm chí nhiều hơn, tương lai phát triển của loài người đang bị đe dọa nghiêm trọng.
Theo báo cáo của UNICEF ngày 20/8/2021, “Khủng hoảng khí hậu là cuộc khủng hoảng về quyền trẻ em: Giới thiệu chỉ số rủi ro khí hậu liên quan tới trẻ em” là phân tích toàn diện đầu tiên được thực hiện về rủi ro khí hậu từ góc độ của trẻ em. Trong phân tích này, các quốc gia được xếp hạng dựa trên nguy cơ rủi ro của trẻ em trước các cú sốc về khí hậu và môi trường, chẳng hạn như lốc xoáy và các đợt nắng nóng, cũng như mức độ dễ bị tổn thương của trẻ em trước các cú sốc, dựa trên khả năng tiếp cận các dịch vụ thiết yếu của trẻ em. Báo cáo được thực hiện và phát hành với sự hợp tác của tổ chức Fridays for Future nhân dịp kỷ niệm ba năm phong trào biểu tình vì khí hậu toàn cầu do thanh niên lãnh đạo. Báo cáo cho thấy khoảng 1 tỷ trẻ em – gần một nửa trong số 2,2 tỷ trẻ em trên toàn thế giới – sống tại 33 quốc gia được phân loại là có “nguy cơ cực kỳ cao”. Các kết quả của báo cáo cho thấy số lượng trẻ em hiện đang bị ảnh hưởng; các con số có thể trở nên tồi tệ hơn khi tác động của biến đổi khí hậu tăng nhanh. Chỉ số rủi ro khí hậu liên quan tới trẻ em (CCCI) cho thấy: 240 triệu trẻ em có nguy cơ cao chịu ảnh hưởng của lũ lụt ven biển; 330 triệu trẻ em có nguy cơ cao chịu ảnh hưởng của lũ lụt ven sông; 400 triệu trẻ em có nguy cơ cao chịu ảnh hưởng của lốc xoáy; 600 triệu trẻ em có nguy cơ cao chịu ảnh hưởng của các bệnh do vector truyền bệnh; 815 triệu trẻ em có nguy cơ cao chịu ảnh hưởng của ô nhiễm chì; 820 triệu trẻ em có nguy cơ cao chịu ảnh hưởng của các đợt nắng nóng; 920 triệu trẻ em có nguy cơ cao chịu ảnh hưởng của khan hiếm nước; 1 tỷ trẻ em có nguy cơ cao chịu ảnh hưởng của ô nhiễm không khí cao vượt mức cho phép. Ước tính có khoảng 850 triệu trẻ em tương đương 1/3 trẻ em trên toàn thế giới – sống trong các khu vực có ít nhất bốn trong số những cú sốc về khí hậu và môi trường xảy ra chồng chéo. Có tới 300 triệu trẻ em tương đương 1/7 trẻ em trên toàn thế giới — sống trong các khu vực có ít nhất năm cú sốc lớn.
Ý nghĩa bảo đảm quyền trẻ em trước tác động của biến đổi khí hậu Bảo đảm quyền trẻ em trước tác động của biến đổi khí hậu là thể hiện trách nhiệm của người lớn đối với chính tương lai của con trẻ. Thực tế cho thấy, sức khỏe môi trường định hình sức khỏe, thành tích học tập và hạnh phúc của trẻ em theo những cách sâu sắc. Các nỗ lực nhằm tối đa hóa sự sống còn, sức khỏe và phúc lợi của trẻ em sẽ không thể hoàn thành nếu không giải quyết các yếu tố môi trường quyết định sức khỏe của các em. Trẻ em dễ bị tác động của biến đổi khí hậu và suy thoái môi trường hơn các nhóm tuổi khác, phần lớn là do các em đang trong giai đoạn lớn lên và phát triển, phụ thuộc vào người khác và thiếu tiếng nói trong các quyết định có ảnh hưởng đến các em. Vì vậy, mọi nguồn lực của xã hội cần tập trung hơn vào trẻ em và cần có những hành động mạnh mẽ ngay hôm nay, để không chỉ giúp con em chúng ta cho thế giới hôm nay, ngày mai và vì thế hệ tương lai sau này.