Những bài văn tả cối, đặc biệt là những loại cây bóng mát như cây đa, cây bàng, cây si, cây me,... luôn là dạng đề quen thuộc, biến hóa đa dạng trong môn tập làm văn lớp 4. Sau đây là bài viết về những bài văn tả cây bóng mát chọn lọc hay nhất, mời các bạn cùng tham khảo!
Mục lục bài viết
1. Tả cây bóng mát hay nhất (tả cây sấu):
Ở trước cổng nhà em có trông một cây sấu rất to, quanh năm che bóng mát. Năm nay cây sấu đó cũng đã hơn năm tuổi.
Cây sấu rất cao, cao gần 3m. Thân cây thẳng đứng, to như bắp chân người lớn trông rất chắc chắn. Bọc bên ngoài thân cây là lớp vỏ thô ráp, màu nâu sẫm. Ở phía dưới gốc, có mấy chỗ xám trắng. Cách gốc khoảng gần một mét rưỡi, các cành bắt đầu tỏa ra. Các cành ở thấp to như cổ tay, các cành ở trên cao thì có phần bé hơn. Từ các cành đó, các nhánh con lại thi nhau tỏa ra, đan cài vào nhau, dày đặc khiến cả cây sấu nhìn từ xa như một cây nấm khổng lồ màu xanh.
Lá cây sấu có hình như lá cây vải, cây nhãn nhưng dài hơn và màu xanh ít sẫm hơn. Đặc biệt, so với các loại cây bóng mát khác như cây bàng, cây đa, thì lá của cây sấu dày hơn nhiều. Mùa hè đứng dưới tán cây thì thật khó để có thể xuyên qua vòm lá nhìn lên trời xanh. Vào khoảng tháng 5, tháng 6 cây sấu sẽ bắt đầu ra hoa. Hoa sấu nhỏ li ti, màu trắng pha chút xanh nhạt. Thông thường, hoa sấu mọc thành từng chùm, trên cả một cành dài. Nhưng một phần vì hoa nhỏ, màu lại lẫn với lá, một phần vì tán lá quá dày và cao nên thường khi hoa sấu nở, chẳng mấy ai phát hiện sớm. Chỉ khi hoa đã nở rầm rộ, trắng xóa thì người ta mới nhận ra. Khoảng gần ba tuần sau khi hoa nở thì sẽ kết trái. Giống như hoa, quả sấu mọc từng chùm xanh biếc. Khi lớn, quả sấu thường to bằng một chén rượu nhỏ của các bố, các ông. Quả sấu ăn giòn và có vị chua nhẹ. Những quả sấu làm được đủ các món ngon vào những ngày mùa hè như sấu dầm đường, sấu muối giòn, canh sấu, ô mai sấu…
Hàng ngày, mỗi lần khi đi qua cổng, em luôn nhìn thấy cây sấu đầu tiên. Nó như một người bảo vệ thầm lặng cho cả ngôi nhà. Em mong rằng, cây sẽ luôn khỏe mạnh, xanh tốt, để tiếp tục đồng hành cùng em qua nhiều mùa hè nữa.
2. Tả cây bóng mát lớp 4 (tả cây bằng lăng):
Sân trường em có rất nhiều những loại cây, cây bàng với những tán lá xanh um tỏa bóng che mát cho sân trường hay cây phượng với những bông hoa đỏ rực tuyệt đẹp nhưng có lẽ em thích nhất là cây bằng lăng.
Cây bằng lăng mà em thích nằm bên cạnh lớp em. Thân cây to màu nâu với những đường vân sần sùi. Cây được trồng trong bồn với những bông hoa bé được xếp ở xung quanh. Cây cao tầm 2 mét, cành lá tỏa ra tứ phía trông như những cánh tay khổng lồ. Lá bằng lăng có màu xanh thẫm, to bằng bàn tay của người lớn. Lá bằng lăng không có viền răng cưa mà thay vào đó là những đường gân lá kéo dài từ cuống lá đến hết chiếc lá. Mùa hè đến bằng lăng bắt đầu nở rộ. Hoa bằng lăng có màu tím rất đẹp mắt. Hoa bằng lăng có nhiều cánh, mỗi cánh hoa đều mềm mại. Những cánh hoa ấy ôm ấp bao bọc lấy nhụy hoa màu vàng tươi bên trong tạo ra một sự hài hòa về màu sắc. Khi các bông hoa nở rộ cũng là lúc toàn bộ cây được bao phủ bởi màu tím chói mắt. Từ xa nhìn lại cây hoa lúc này trông chẳng khác gì một chiếc ô khổng lồ màu tím sang trọng tỏa bóng che mát cả một khoảng sân rộng. Hoa bằng lăng từ lâu đã được coi là hoa học trò bởi màu hoa rất giống màu mực tím cũng bởi vì hoa nở đúng vào mùa thi. Mỗi lần ngồi trong lớp em lại lơ đãng hướng ra cửa sổ ngắm nhìn những chùm hoa màu tím thanh thanh ấy, cảm xúc vừa buồn mà lại vừa vui. Vui là vì sắp được lên một lớp mới còn buồn là vì phải xa bạn bè thầy cô. Khi hoa bằng lăng bắt đầu rơi xuống cũng là lúc cây bắt đầu có quả. Quả bằng lăng lúc non sẽ có màu xanh lục bảo, hương thơm nhẹ, thanh khiết. Khi chín quả sẽ tự tách ra thành từng múi một.
Em rất yêu cây bằng lăng này bởi nó gắn liền với rất nhiều những kỉ niệm về tuổi học trò ngây thơ đầy nắng và gió của em. Em sẽ luôn nhớ về cây bằng lăng với rất nhiều kỷ niệm đẹp này.
3. Tả cây bóng mát Tập làm văn lớp 4 (tả cây me):
Những ngày tháng 4 ở miền quê Bắc Bộ, nắng chói chang. Giờ tan học trở về nhà, chúng em thường nghỉ lại dưới gốc cây me để tránh cái nắng chói chang ấy. Chính gốc me có bóng mát này đã ghi lại không biết bao nhiêu những kỉ niệm đẹp của tuổi học trò.
Cây me trông từ xa thực sự rất lớn, xòe tán lá sum suê che mát cả khoảng đất rộng đầu làng em. Những tán lá xanh mướt đung đưa trong làn gió nhẹ nhìn rất thích mắt. Người dân làng đi qua đây, dù vội cũng muốn dừng lại đôi lúc để ngồi nghỉ ngơi, tận hưởng làn gió nhẹ dưới gốc me, tránh cái nắng tháng tư. Gốc cây rất to, ước chừng hai vòng tay người lớn ôm không xuể. Những chiếc rễ to, nhỏ đủ cỡ bò lan trên mặt đất dùng làm như ghế ngồi cho khách đi đường, nay đã nhẵn bóng lên mặt đất. Bên ngoài vỏ cây xù xì, màu nâu xám. Ở trên cao, tán lá sum suê xòe rộng ra ấy là nơi những chú chim chào mào,… thỉnh thoảng thường tụ tập về đây hót râm ran cả một góc trời. Đến mùa ra hoa, cái vòm xanh lục khổng lồ này được điểm tô vô vàn những chấm nhỏ màu hồng tím. Cứ tưởng vòm lá như một tấm vải hoa sặc sỡ đủ màu, căng phồng lên giữa khoảng trời trong xanh vời vợi. Cây me là điểm tụ hội của lũ học trò chúng em sau buổi tan học. Khi cây ra quả, những chùm quả lấp lánh trên cây. Quả me có màu nâu, bên trong chứa nhiều hạt có vỏ cứng. Quả me màu nâu rất đẹp, phình to, từng đốt, từng đốt. Khi quả xanh, chúng được dùng để nấu canh chua, và khi chín, có thể làm mứt ăn rất ngon. Ngồi dưới gốc me, giữa cái nắng chói chang của mùa hạ mới cảm thấy mát mẻ và dễ chịu. Những trò chơi đá cầu, đánh bi,… đều diễn ra vui nhộn ở đây. Cứ thế, cây me gắn bó với chúng em suốt những ngày đi học với biết bao kỉ niệm vui buồn của tuổi trẻ.
Mai sau dù có phải đi xa quê hương, em sẽ luôn nhớ về hình ảnh cây me quen thuộc ven đường làng, nơi in dấu rất nhiều kỷ niệm quen thuộc thời thơ ấu.
4. Tả cây bóng mát ngắn gọn nhất (tả cây đa):
Sừng sừng sân đình làng là một cây đa cổ thụ lớn. Không biết cây đa đã ở đây từ bao giờ nhưng nó đã trở thành một phần không thể thiếu ở nơi đây.
Thân cây to và có nhưng tán dài vươn rộng, phủ rợp cả sân đình. Không biết cây đã qua bao mùa lá rụng nhưng từ khi em ra đời cây đã to lớn vô cùng. Nhìn từ xa, cây như một mái nhà xanh bao phủ hết những khoảng trống bên dưới. Thân cây to lớp vỏ nâu sần sùi, hai người vòng tay ôm không xuể. Cành cây đâm ra từ phía, có những cành đâm thẳng lên trời, vì vậy mà cây có tán lá rộng vô cùng. Lá đa to bằng lòng bàn tay, có màu xanh sẫm. Trên tán cây, tiếng chim ríu rít bởi có rất nhiều loài chim về đây làm tổ. Rễ đa dài và nổi ngoằn ngoèo trên mặt đất như những con rắn hổ mang khổng lồ. Trên cành đa phủ xuống những nhánh rễ dài, nhìn như chiếc rèm thưa xung quanh gốc đa già cổ kính.
Cây đa to lớn và tạo thành bóng mát dài, hàng ngày, những bác nông dân sẽ chọn vị trí dưới gốc đa để nghỉ ngơi giữa buổi vụ mùa. Bóng đa tỏa mát cả sân đình, làm dịu đi cái oi nồng ngày hạ, bởi vậy nơi đây cũng là chốn vui đùa của trẻ thơ. Những ngày hè oi ả tưởng chừng không ai muốn đặt chân ra ngoài thì nơi đây lại vô cùng đông vui, náo nhiệt. Nơi gốc đa làng ấy cũng tổ chức biết bao sự kiện, lễ hội của làng xóm, là nhân chứng lịch sử của mảnh đất quê từ bao đời. Gốc đa ấy từ bao giờ đã trở thành hình ảnh quen thuộc và gần gũi đến thế, là biểu tượng cho làng quê, cho nông thôn Việt Nam.
THAM KHẢO THÊM: