Bóng dáng bà cụ lưng còng trong chiếc áo bà ba màu nâu như màu của đất và hương vị của trà đã trở thành hình ảnh tươi đẹp trong kí ức tuổi thơ của bao thế hệ người trên quê hương. Sau đây là bài văn tả cụ bà bán hàng hay nhất, mời các bạn cùng tham khảo!
Mục lục bài viết
1. Tả bà cụ bán hàng ngắn gọn siêu hay lớp 5:
Trong ngõ xóm nhà em luôn có một bà cụ bán hàng nước. Trong ký ức của em, từ khi em còn rất nhỏ, cụ đã bán hàng ở đó rồi
Bà cụ năm nay đã ngoài 70 tuổi nhưng vẫn khỏe mạnh và rất nhanh nhẹn. Bà cao khoảng 1m5, lưng bà hơi gù vì phải bươn chải nhiều với cuộc sống. Bà khá gầy, làn da bà ngăm ngăm, nhăn nheo có đôi vết đồi mồi ở bàn tay, gò má. Khuôn mặt bà nhỏ, xếp chồng những nếp nhăn của năm tháng. Khi bà cười, đôi mắt nheo lại, khiến nếp nhăn xô vào nhau như vỏ cây quế sau vườn. Mũi bà khá thấp và hai má chảy xệ. Cái miệng nhỏ chỉ còn vài cái răng nhưng bà vẫn nhai trầu hàng ngày, răng rất chắc khỏe và đen láy. Bà thường mặc những bộ đồ bà ba màu nâu khá cũ nhưng rất gọn gàng. Chân bà đi đôi dép vải. Đầu bà lúc nào cũng quấn một chiếc khăn mùi soa với họa tiết sặc sỡ. Thỉnh thoảng khi vắng khách, bà mở ra để chải lại tóc cho gọn gàng. Những lúc ấy, em mới để ý nhìn thấy mái tóc dài đã bạc trắng gần hết và chỉ còn một nắm nhỏ của bà. Bà thoăn thoắt rửa cốc, rót nước, lấy kẹo, trả lại tiền cho khách. Lúc nào bà cũng luôn mỉm cười vui vẻ. Vì bà ngồi ở vị trí đầu ngõ nên lúc nào cũng có người hỏi thăm bà. Nhiều bạn nhỏ còn được bố mẹ gửi cho ngồi chơi với bà để đi có việc, bà đều đồng ý trông rất nhiệt tình.
Bà bán hàng nước đã gắn bó với kí ức tuổi thơ của em suốt những năm tháng qua. Em mong bà sẽ luôn mạnh khỏe để tiếp tục bán hàng, trở thành kí ức đẹp trong tuổi thơ của nhiều bạn nhỏ khác
2. Tả bà cụ bán hàng ngắn gọn hay nhất:
Ở đầu làng em có bà cụ Lan bán nước chè và đồ ăn vặt. Mỗi khi đi về làng, hình ảnh đầu tiên mà mọi người quê em nhìn thấy chính là hình ảnh thân quen của bà Lan bên những ấm nước chè nóng hôi hổi và thức quà đặc trưng của quê hương. Bà bán nước chè ở đây rất lâu rồi nên những câu chuyện về làng, từ xa xưa đến những sự kiện trong làng gần đây bà đều nắm rõ, khi khách đến uống nước, bà thường kể những câu chuyện vui để làm quà, vì vậy mà em và những người bạn trong xóm lúc rảnh rỗi thường cùng nhau ra gốc đa đầu làng, bên quán nước của bà Lan để lắng nghe những câu chuyện thú vị.
Bà Lan năm nay đã 80 tuổi, ở cái tuổi xế chiều ấy bà vẫn tự mình kiếm sống, mưu sinh bên quán nước của mình. Bà Lan có ba người con trai và hai người con gái, nhưng cả ba người con trai của bà đều bất hạnh hi sinh nơi chiến trường, hai người con gái thì đi lấy chồng xa xứ, không có điều kiện chăm sóc, phụng dưỡng bà lúc tuổi già. Bà Lan sống một mình trong căn nhà nhỏ đơn sơ, bà lúc nào cũng nở nụ cười thật hiền hậu, nhưng em vẫn cảm nhận được sự cô đơn trong đôi mắt của bà. Sau những câu chuyện kể cho khách uống nước nghe, bà Lan trở về trong ngôi nhà đầy cô đơn của mình, còn nỗi đau nào hơn khi người mẹ phải chứng kiến những đứa con của mình lần lượt hi sinh nơi chiến trường, thậm chí còn không nhận được hài cốt của con. Bởi thời điểm các anh hi sinh là vào giai đoạn dữ dội nhất của cuộc chiến tranh chống đế quốc Mĩ ở miền Nam Việt Nam, sự hủy diệt của quân đội Mĩ khiến cho những người lính hi sinh mà nhiều người không tìm thấy hài cốt. Khi nghe tin con mất, bà Lan đau buồn nhưng bà không hề gục ngã, bà vẫn kiên cường sống, nỗi đau mất con bà chỉ chôn giấu trong lòng, tự mình trải qua nỗi đau mất mát quá lớn ấy, đối với những người xung quanh,bà luôn đón tiếp bằng nụ cười nên ít ai biết được nỗi đau cất giấu trong tâm hồn của người đàn bà kiên cường ấy. Lần đầu tiên em nhìn thấy giọt nước mắt của bà Lan là ngày 27/7 – thương binh liệt sĩ, bà Lan ngồi bên những ngôi mộ của các con, tay lau đi những vết bụi trên tấm bia, đôi mắt hoe đỏ, có lẽ đây chính là lúc người mẹ kiên cường ấy khóc trước tấm bia mộ của các con.
Bà Lan là một người bà khiến cho em vô cùng cảm phục, là một người giàu tình cảm, một bà mẹ Việt Nam anh hùng tuyệt vời, vì độc lập của tổ quốc, mẹ động viên các con lên đường thực hiện trách nhiệm với tổ quốc, ở cái tuổi xế chiều bà vẫn sống vui vẻ, nghị lực sống vui cùng xóm làng của bà thật đáng quý.
3. Tả bà cụ đang bán hàng ngắn gọn:
Chốn quê hương là nơi chôn rau cắt rốn, chứa đựng rất nhiều ý nghĩa. Em yêu cây đa đầu làng, yêu cánh đồng lúa rộng mênh mông, yêu dòng sông êm đềm… và yêu bà cụ bán hàng nước dưới gốc cây đa đầu làng.
Em sinh ra và lớn lên ở một vùng nông thôn, nơi có những cánh diều tung bay, những cánh đồng xanh mãi tận chân trời, những cánh cò nghiêng nghiêng bay lượn. Trong kí ức tuổi thơ yên bình ấy, bà cụ bán hàng nước ghi lại dấu ấn vô cùng sâu đậm. Mọi người trong làng gọi bà là bà Nam. Bà Nam đã bước sang tuổi 70 – độ tuổi xế chiều. Dấu vết của thời gian đã in sâu lên cái lưng còng của bà. Khuôn mặt già nua với những nếp nhăn và chấm đồi mồi nhưng lại hồng hào, phúc hậu như những bà tiên trong truyện cổ tích. Vết chân chim tràn đầy nơi khóe mắt đã minh chứng cho quãng đời vất vả nhọc nhằn mà bà trải qua. Thế nhưng, ánh mắt của bà lại rất tinh tường, dường như có thể nhìn thấu mọi chuyện trên đời. Mái tóc bà đã bạc trắng như cước, vấn gọn gàng xung quanh đầu rồi vòng ra bên ngoài chiếc khăn mỏ quạ màu đen. Miệng bà lúc nào cũng móm mém nhai trầu. Đôi bàn tay bà nhăn nheo và chai sạn, những đường gân nổi rõ lên. Bà Nam là người hiền lành, tốt bụng. Chiến tranh ác liệt đã cướp đi người chồng và ba người con trai yêu quý của bà. Rời khỏi cuộc chiến, bà trở về quê hương, được nhà nước phong tặng danh hiệu “Bà mẹ Việt Nam anh hùng”. Ai nghe đến nỗi bất hạnh cuộc đời bà cũng ngậm ngùi xót xa, chỉ riêng bà luôn bình tĩnh và nở nụ cười hiền hậu. Quán nước bà dựng dưới gốc cây đa, đã hơn hai mươi năm qua đi. Ngày ngày, khi bình minh dần buông xuống khắp làng quê, bà lọ mọ chuẩn bị nước, bánh trái rồi gánh chiếc đòn gánh trên vai. Thân hình gầy gò của bà đổ ngả theo ánh nắng, tiến về phía mái rơm dưới gốc cây đa. Cả ngày dài, bà cứ lặng lẽ ngồi đó, mọi người đi qua chào hỏi, bà đáp lại vui vẻ. Giọng bà không rõ ràng, rành mạch nhưng rất ấm áp và thân thiết lạ thường. Lũ trẻ trong xóm chúng em ai cũng yêu quý và hay quấn quýt lấy bà.
Ở cái tuổi gần đất xa trời, bà luôn coi mọi người như những người thân thiết trong gia đình, đối xử rất tình cảm. Bà sẵn sàng mời khách cốc nước chè để giải mệt mỏi, nhọc nhằn sau buổi đi làm về. Bà âm thầm, lặng lẽ trở thành một phần của quê hương, bên mái đình, cây đa, một phần không thể thiếu của vùng quê yên bình này. Những người con xa quê hương mỗi khi nhớ về quê nhà cũng luôn bồi hồi nhớ đến hình ảnh bà cụ hiền hậu thường ngồi trong ánh chiều tà của quán nước đầu làng ngày xưa.
Bóng dáng bà cụ Nam lưng còng trong chiếc áo bà ba màu nâu như màu của đất và hương vị của trà đã trở thành hình ảnh tươi đẹp trong kí ức tuổi thơ của bao thế hệ người trên quê hương em. Em rất yêu quý và thương bà, em mong bà sẽ luôn hạnh phúc, khỏe mạnh.
THAM KHẢO THÊM: