Xã hội ngày càng phát triển, công nghệ tiên tiến, hiện đại khiến con người vô tình bị bủa vây trong vòng xoay của cuộc sống. Đồng tiền có vai trò quan trọng trong cuộc nhưng nhưng đồng thời cũng chứa đựng nhiều tác động tiêu cực. Dưới đây là bài viết: Suy nghĩ về sự chi phối của đồng tiền trong cuộc sống, mời các bạn cùng tham khảo.
Mục lục bài viết
1. Suy nghĩ về sự chi phối của đồng tiền trong cuộc sống hay nhất:
Xã hội ngày càng phát triển, công nghệ tiên tiến, hiện đại khiến con người vô tình bị bủa vây trong vòng xoay của cuộc sống. Chạy theo sức hút của đồng tiền, mà con người dần lãng quên đi những giá trị tinh thần tốt đẹp. Đồng tiền có vai trò quan trọng trong cuộc sống nhưng đồng thời cũng chứa đựng nhiều tác động tiêu cực.
Tiền xuất hiện từ xa xưa, ngay từ xã hội nguyên thủy dưới nhiều hình thức khác nhau. Hình dáng ban đầu của đồng tiền là hình tròn, đúc bằng kim loại đồng và bạc. Theo sự phát triển của công nghệ, người ta sáng tạo ra tiền bằng giấy hoặc polymer. Vàng, bạc, kim cương cũng có thể gọi là “tiền”. Dù xuất hiện dưới các hình thức khác nhau nhưng bản chất của đồng tiền chính là phương tiện mua bán, trao đổi hàng hóa, thỏa mãn các nhu cầu của con người trong cuộc sống.
Đồng tiền có vai trò và ảnh hưởng cụ thể như thế nào trong cuộc sống? Trước tiên, tiền giúp chúng ta duy trì cuộc sống. Ăn, mặc, ở, đi lại,…tất cả đều cần tiền chi trả. Rất nhiều người bởi vì không có tiền mà lang thang, cơ nhỡ, không được đi học, không có được cuộc sống sinh hoạt bình thường. Trẻ em sinh ra cần có tiền để chăm sóc, nuôi dưỡng. Người mất đi rồi cũng cần có tiền để làm lễ tang, phúng viếng, chôn cất. Các công trình trường học, bệnh viện, cầu đường,… muốn xây dựng được cần có nguồn vốn đầu tư lớn.
Muốn vượt qua khó khăn nhất định không thể thiếu sự có mặt của đồng tiền. Kháng chiến chống các thế lực xâm lược, chống bè lũ bán nước cướp nước năm xưa giành thắng lợi không chỉ nhờ vào sức người mà còn nhờ vào sức của. Thiên tai, bão lụt hay điển hình như đại dịch covid 19 đang diễn ra sẽ khó lòng đẩy lùi nếu không có tiền. Một dân tộc dù đồng lòng chống dịch đến đây cũng không thể vượt qua nếu không có đủ các thiết bị, vật tư y tế. Các thiết bị, vật tư ấy lại cần mua sắm bằng tiền.
Đồng tiền ngoài ra còn giúp thỏa mãn những nhu cầu về tinh thần của con người. Bạn muốn đi du lịch, muốn nghỉ ngơi thư giãn, muốn làm đẹp, bạn cần có tiền. Không ai có thể phủ định rằng việc có nhiều tiền sẽ giúp bản thân có được cuộc sống thuận lợi, nhẹ nhàng hơn. Đặc biệt còn có thể dùng tiền để làm từ thiện, giúp đỡ người khác, đóng góp cho quê hương, đất nước.
Song bên cạnh những giá trị tích cực đó, đồng tiền còn chứa đựng rất nhiều tác động tiêu cực. Tiền từ vị trí là phương tiện duy trì cuộc sống dần biến chất bởi những tham lam, ích kỉ. Đồng tiền hiện nay mang một sức mạnh thật đáng sợ. Trước kia, người ta dùng tiền để thay thế giá trị hàng hóa, dịch vụ. Còn ngày nay, rất nhiều thứ trong đời sống vật chất đều có thể mua được bằng tiền, nó thậm chí đại diện cho quyền lực, danh tiếng, sự trọng vọng trong xã hội… Câu nói “Tiền là tiên, là phật”, “Thứ gì không mua được bằng tiền thì có thể mua được bằng rất nhiều tiền” theo đó mà xuất hiện.
Tiền trở thành phương tiện chi phối các mối quan hệ và thỏa mãn mục đích dơ bẩn. Vì mâu thuẫn tiền bạc, con giết cha mẹ, anh em ruột thịt xa cách, kiện tụng… Biết bao gia đình vì tiền mà tan cửa nát nhà. Biết bao người vì tiền mà lâm vào cảnh tha hóa nhân cách, cướp của giết người. Những nghề nghiệp cao quý như nghề giáo, bác sĩ, những mối quan hệ tốt đẹp giữa thầy – trò… dần biến chất dưới mê lực của đồng tiền. Hàng năm, biết bao vụ tham nhũng, nhận hối lộ với con số hàng chục tỷ đồng được phơi bày chính là minh chứng cho mặt tối tăm của đồng tiền.
Tuy nhiên, bản thân đồng tiền vốn không phải xấu xa, bẩn thỉu. Tất cả những ảnh hưởng tiêu cực ấy suy cho cùng đều bắt nguồn từ nội tâm tham lam, mưu lợi của con người. Tiền tạo ra bằng công sức của chính mình, sử dụng cho mục đích chính đáng là tiền trong sạch.
Nhiều người thắc mắc tiền liệu có mua được tất cả, bao gồm hạnh phúc hay không? Câu trả lời là không, tiền không phải tất cả. Tiền chỉ là công cụ để trao đổi và phục vụ cuộc sống hàng ngày. Một gia đình nghèo nhưng các thành viên yêu thương nhau chắc chắn sẽ hạnh phúc, vui vẻ hơn gia đình giàu có mà cha mẹ con cái xa cách lạnh nhạt với nhau. Một người làm công việc bình thường, có thời gian cho bản thân hẳn sẽ vui vẻ hơn người cả ngày chỉ chạy theo mục đích kiếm tiền.
Mỗi yếu tố trong cuộc sống đều có giới hạn riêng, tiền cũng như vậy. Bản thân chúng ta cần biết đâu là đủ để đạt được những giá trị cần thiết thực sự. Cố gắng kiếm nhiều tiền để cuộc sống thoải mái, đầy đủ hơn nhưng tuyệt đối đừng để đồng tiền chi phối và thay đổi bản thân mình.
2. Suy nghĩ về sự chi phối của đồng tiền trong cuộc sống ngắn gọn:
Cuộc sống của chúng ta ngày một đổi thay với những giá trị. Khi mà đồng tiền lên ngôi, con người dần bị chi phối bởi đồng tiền và họ đã thay đổi thật khác. Đồng tiền chi phối tất cả hoạt động của đời sống. Nó chi phối các mối quan hệ, chi phối tình cảm, chi phối nhận thức. Chính đồng tiền biến con người ta trở thành một phiên bản khác mà bản thân người thay đổi cũng không nhận ra, không biết được. Quan hệ cha mẹ, con cái nhạt dần vì tiền. Phân tranh tài sản giữa anh em đều căng thẳng vì tiền của và thậm chí có thể đoạn tuyệt quan hệ. Tiền đã làm những giá trị đạo đức bị mai một. Từ khi nào, bao giờ, con người lại nói với nhau rằng tiền là tất cả. Họ sẵn sàng bán mạng vì tiền, vi phạm pháp luật vì tiền. Không ít người bị đồng tiền làm cho mờ mắt và có những hành vi sai phạm, phải trả giá bằng cả tính mạng. Đâu đâu cũng là thế giới của tiền. Tiền trở thành thước đo đẳng cấp. Tiền mua được con người, mua được tình yêu, mua được bằng cấp. Nó không chỉ còn là công cụ mà đã và đang trở thành ma lực khiến con người biến chất. Cuộc sống vì tiền sẽ làm ta đi đâu về đâu, làm thế giới này đổi thay như thế nào? Nếu bạn chọn làm nô lệ của đồng tiền, một mai, rồi hối hận cũng đã quá muộn màng! Cuộc sống này là vì ta, vì hạnh phúc hay vì đồng tiền? Chỉ chính chúng ta mới có thể trả lời mà thôi!
3. Suy nghĩ về sự chi phối của đồng tiền trong cuộc sống ấn tượng:
Trong một xã hội nếu như giá trị đồng tiền chi phối tất cả thì những giá trị khác của cuộc sống dễ dàng bị bỏ quên, bởi lúc này người ta mù quáng vì tiền. Bản thân đồng tiền không có tội, chỉ vì sức ảnh hưởng của nó quá lớn đến độ che khuất cả tầm nhìn của chúng ta. Nếu bị mù quáng vì sức mạnh của đồng tiền thì chúng ta không còn biết đến những gì đáng quý và quan trọng hơn, thậm chí chúng ta có thể rơi vào sai lầm, tội lỗi. Tiền bạc mang lại niềm vui và hạnh phúc cho con người, nhưng cũng chính nó cướp đi niềm vui và hạnh phúc của con người, vì chạy theo đồng tiền mà người ta quên đi những giá trị sống khác, thậm chí đánh mât bản thân, vì đồng tiền mà người ta sẵn sàng gieo đau khổ cho nhau và làm cho xã hội bất an, điên đảo. Tuy nhiên, tiền không phải là tất cả. Nếu suy xét kĩ, chúng ta sẽ thấy có nhiều thứ không thể mua hay đánh đổi bằng tiền. Đồng tiền có thể mua được thực phẩm, thuốc men, nhưng không mua được sức khỏe và sinh mạng. Đồng tiền có thể mua được các thú vui hưởng thụ, các trò tiêu khiến giải trí nhưng không mua được sự an vui. Tiền bạc có thể tạo ra nhà cửa chứ không xây dựng được tổ ấm gia đình. Đồng tiền có thể mang lại giàu sang chứ không mang lại hạnh phúc. Có tiền sẽ có được nhiều tiện nghi nhưng chưa hẳn có được sự thảnh thơi thoải mái. Đồng tiền không thể mua trí thông minh cho kẻ ngốc, mang lại sự thán phục cho kẻ hèn yếu, sự kính trọng cho kẻ bất tài. Những người muốn mua trí tuệ của những người tài giỏi hơn mình bằng tiền chứ không phải bằng lí trí thì cuối cùng sẽ trở thành nạn nhân của sự kém cỏi của chính anh ta. Đồng tiền có thể tạo nên danh vọng, sự nghiệp, quyền lực nhưng không lâu bền. Đồng tiền có thể giúp người ta trốn tránh tội lỗi, thoát khỏi lưới ngục tù nhưng không thể thoát khỏi sự giày vò, đày ải của lương tâm.
THAM KHẢO THÊM: