Bài viết dưới đây cung cấp cho các bạn học sinh, các bậc phụ huynh, các thầy, cô giáo Dàn ý và Bài văn mẫu về Suy nghĩ về đời sống tình cảm gia đình trong chiến tranh qua Chiếc lược ngà. Mong qua bài viết này giúp các bạn học sinh hoàn thành tốt bài tập của mình và đạt kết quả học tập tốt.
Mục lục bài viết
1. Dàn ý suy nghĩ về đời sống tình cảm gia đình trong chiến tranh qua Chiếc lược ngà:
1. Mở bài
– Giới thiệu đôi nét về tác giả, tác phẩm.
Ví dụ: Truyện ngắn “Chiếc lược ngà” của Nguyễn Quang Sáng đã tái hiện lại một mảng màu của chiến tranh qua tình cha con thắm thiết sâu sắc, tiêu cho cuộc sống, đời sống tình cảm gia đình những năm chiến tranh bom đạn.
2. Thân bài
– Tình cảm cha con:
+ Bé Thu là một nguồn sống lớn lao, là một phần máu thịt của ông Sáu
+ Chiến tranh khiến hai xa con phải xa nhau tám năm ròng rã->nỗi nhớ mong con cồn cào của cha và niềm mong gặp ba của bé Thu
+ Ngày gặp lại, Thu không nhận ra ba->những ngày ông Sáu ở nhà,em xa lánh ba->ông Sáu đau đớn, buồn bã.
+ Khi hiểu ra mọi chuyện, Thu thương ba nhiều hơn->ôm chặt, hôn ba->nỗi vui mừng khôn xiết trong lòng ông Sáu
+ Ba hi sinh, Thu theo bước cha trên con đường cách mạng
-> Tình cha con thắm thiết, bền chặt, thiêng liêng
– Tình vợ chồng:
+ Người vợ san sẻ những khó khăn, vượt hiểm nguy thăm chồng
+ Chăm lo vẹn tròn cho mẹ già, con nhỏ
-> Chu đáo, thương chồng. chịu khó, tình vợ chồng mặn nồng
– Tình bà cháu:
+ Bà ân cần giải thích cho cháu hiểu
+ Cháu luôn tin tưởng và trân trọng, yêu quý bà mình
-> Chiến tranh đã lấy đi rất nhiều thứ, song tình cảm gia đình bình dị và thương yêu vẫn luôn gắn bó bền chặt, tình thân thật cao quý và thiêng liêng.
3. Kết bài
– Nêu cảm nhận của bản thân về tác phẩm.
Ví dụ: Qua tác phẩm “Chiếc lược ngà” em cảm nhận sự thiêng liêng của tình cảm cha con, tình cảm gia đình không chỉ trong thời chiến mà lcus nào cũng sâu sắc như vậy, em thấy được được một tấm lòng trắc ẩn, lớn lao của một tác giả vùng đất Nam Bộ thân yêu.
2. Bài văn suy nghĩ về đời sống tình cảm gia đình trong chiến tranh qua Chiếc lược ngà hay nhất:
Trong bất cứ hoàn cảnh nào thì tình cảm gia đình luôn là tình cảm thiêng liêng nhất, gắn bó nhất và không thể tách rời. Trong chiến tranh khốc liệt, tình cảm đó càng được thể hiện một cách mãnh liệt, sâu sắc nhất. Ta có thể thấy được tình cảm thiêng liêng này qua truyện ngắn tiêu biểu “Chiếc lược ngà” của nhà văn Nguyễn Quang Sáng.
Trong câu truyện, nhân vật hiện lên đầu tiên là ông Sáu, ông Sáu đã quyết định tham gia kháng chiến cứu nước vì nền độc lập của đất nước mặc dù rất buồn khi phải xa gia đình của mình. Ông Sáu thoát ly đi kháng chiến khi ông mới chỉ biết mặt đứa con gái yêu quý của mình qua tấm ảnh. Đến tận tám năm sau, trong một lần về thăm nhà ông Sáu mới được gặp con mình. Việc trở lại gia đình sau từng ấy năm dài đằng đẵng xa cách không có gì là đặc biệt trong thời chiến này cả. Nhưng những ngày tháng chiến đấu quá dài ấy đã tạo nên một tình huống đau lòng mà chính một người cán bộ già dặn là ông Sáu cũng không thể nào ngờ đó là đứa con gái mà ông ngày đêm mong nhớ lại không nhận ra cha của mình. Tình huống này giống như thêm một nhát cắt vào mối tình phụ tử đối với một người lính vốn đã nhiều vết thương.
Ông Sáu cũng như bao người lính, bao người dân Việt Nam khác đều nghĩ rằng: một khi chiến tranh chưa qua đi, đất nước chưa có độc lập thì một gia đình nhỏ bé của ông cũng chưa thể được hạnh phúc. Còn đối với bé Thu, nó cho rằng ông Sáu không phải là cha của nó bởi đứa trẻ ngây thơ ấy đã dành hết lòng yêu thương hco cha của nó là người trên tấm hình chụp chung với má nó mà không có vết sẹo trên má. Ông Sáu được ở nhà ba ngày, ba ngày này với ông Sáu như một sự thử thách của lòng kiên nhẫn. Với ông Sáu, vì phải xa đứa con yêu quý của mình từ khi còn nhỏ nên ông nhớ còn da diết. Sau những ngày tháng chỉ có thể ngắm đứa con của mình qua tấm hình thì đến khi được trở về ông đã không thể kìm nén được cảm xúc. Khi ông càng cố làm thân với con thì bé Thu càng tỏ thái độ ngang ngạnh, hỗn xược, chống đối. Vì thương con mình nên dù ông có đau khổ trước sự lành lùng của con cũng chịu đựng, cố làm thân nhưng có lúc ông không kiềm chế được nỗi thất vọng ấy mà ra tay đánh nó để rồi ân hận. Cho đến khi bé Thu đột ngột thay đổi, khi nó bắt đầu nhận ra ông Sáu chính là người cha mà nó mong nhớ. Nhưng lúc này thời gian đã không còn nữa. Trong lúc bất ngờ nhất trước khi lên đường, nó đã cất tiếng gọi “Ba” mà nó đã đè nén bao lâu nay, cũng chính là tiếng gọi mà ông Sáu đã chờ đợi sau bảy, tám năm xa cách. Nó ôm chặt lấy ba nó như không muốn mất đi người ba mà nó đã chờ đợi. Hoá ra chính thái độ ương ngạnh có phần hỗn xược của Thu lại là tình yêu thương ba sâu sắc; tình cảm bền chắc này được bé Thu thể hiện rất đỗi hồn nhiên. Nỗi khổ của ông cuối cùng cũng được bù đắp bằng tình yêu mà bé Thu đã dành cho ông.
Ở chiến trường, ông dồn hết nỗi nhớ con, dồn hết tâm trí vào làm chiếc lược bằng ngà và tẩn mẩn khắc từng nét: “Yêu nhớ tặng Thu con của ba”. Chiếc lược được không chỉ được khắc bằng tay mà còn bằng cả tấm lòng, bằng tất cả nỗi nhớ, bằng tình yêu thương của ông dành cho bé Thu. Nhưng thật không may, bom đạn chiến tranh đã mang ông đi xa mãi mãi, không trở về với bé Thu nữa. Ông dồn chút sức lực cuối cùng của mình nhờ người bạn trao cây lược ngà để dành tặng con gái của mình. Tuy thân xác ông không còn được trở về với gia đình nhưng tâm hồn ông thì luôn ở bên con và gia đình của mình.
Bên cạnh tình cảm phụ tử thiêng liêng, tình vợ chồng thủy chung son sắc trong tác phẩm cũng khiến người đọc thật xúc động. Suốt mấy năm chồng đi kháng chiến, vợ chồng ông Sáu chỉ gặp nhau có mấy lần, mỗi lần cũng chỉ gặp nhau vài ngày. Để được gặp nhau cũng rất khó khăn, bà Sáu phải vượt đường xa, nguy hiểm đến thăm chồng. Khi ông Sáu về phép, bà cũng lo lắng chăm sóc cho chồng từng li từng tí (lo chuẩn bị đồ đạc, xếp từng chiếc áo…). Có thể thấy, chiến tranh tàn khốc có thể làm vợ chồng xa nhau về khoảng cách địa lý, chứ không thể làm họ xa nhau về tấm lòng.
Cùng với đó, tình cảm bà cháu tuy không được nhắc đến nhiều trong tác phẩm nhưng cũng vô cùng quan trọng trong đời sống của bé Thu. Bà ngoại chính là người mà bé Thu thường tìm đến tâm sự mỗi lần bị mẹ mắng. Và cũng chỉ bà là người duy nhất được biết lý do Thu không nhận ba. Điều đó cho thấy bé Thu vô cùng tin tưởng bà. Cũng chính bà ngoại đã giảng giải cho Thu hiểu rõ nguyên nhân của vết sẹo trên gương mặt của ba. Nhờ đó mà cô bé đã nhận lại ba mình trước khi mọi chuyện quá muộn. Như vậy, chính bà ngoại là cầu nối giữa tình cảm của cha con bé Thu.
Câu chuyện cảm động với những tình huống éo le và diễn biến tâm trạng phức tạp cảu các nhân vật được miêu tả hết sức tinh tế đã khiến cho mỗi người đọc đều phải rung động trước tình cha con giữa ông Sáu và bé Thu, tình cảm gia đình trong chiến tranh. Chiến tranh có thể huỷ diệt được vật chất, hủy diệt cuộc sống, nhưng không thể huỷ diệt được tình cảm gia đình thiêng liêng của con người.
3. Bài văn suy nghĩ về đời sống tình cảm gia đình trong chiến tranh qua Chiếc lược ngà ý nghĩa nhất:
Mỗi chúng ta ai cũng có một gia đình của riêng mình. Trong đời sống tinh thần của mỗi con người, tình cảm gia đình là những điều thiêng liêng nhất. Nhưng chiến tranh tàn khốc đã chia cắt những con người yêu thương nhau trong một mái nhà, dẫn đến cảnh bi thương người mẹ phải mất con, vợ phải xa chồng, những đứa con sinh ra không được thấy mặt cha. Truyện ngắn “Chiếc lược ngà” của nhà văn Nguyễn Quang Sáng đã thể hiện một phần trong những điều thiêng liêng ấy. Tình cha con sâu nặng giữa ông Sáu và bé Thu bị chia cắt rồi nối lại trong lòng người đọc với sự cảm thông sâu sắc bởi cuộc kháng chiến chống Pháp.
Chiến tranh đã khiến gia đình ông Sáu lâm vào cảnh chia li, xa đứa con gái đầu lòng chưa đầy một tuổi. Suốt tám năm trời, cả ông và bé Thu chỉ thấy nhau qua tấm ảnh nhỏ và bé. Trong một lần về thăm nhà trước khi nhận công tác mới, ông được trở về gia đình, được gặp con. Chừng ấy năm thương nhớ, ngay từ phút đầu nhận ra con ông đã không thể kìm lòng “xuồng chưa cập bến đã nhón chân nhảy thót lên bờ”. Người cha không thể chờ lâu hơn được nữa, ông vội “bước những bước dài” đến bên con, rồi bằng tất cả lòng nhung nhớ chất chứa bấy lâu, bật ra tiếng gọi vừa thiết tha, vừa đau đớn. Nhưng hệ luỵ của chiến tranh quá dài đã tạo nên một tình huống thật éo le mà chính người cán bộ già dặn là ông Sáu cũng không thể ngờ tới. Khi ông nghĩ rằng con ông cũng sẽ chạy ra xô vào lòng và ôm lấy cổ ông. Nhưng ngược lại hoàn toàn với hi vọng của ông, con bé im lặng, sợ hãi, ông Sáu càng hồ hỏi bao nhiêu thì bé Thu càng lảng tránh bấy nhiêu. Ngược lại hoàn toàn tất cả những gì người cha mong đợi. Trong lòng ông Sáu đau đớn, hụt hẫng, thất vọng, ông không biết rằng: bé Thu sợ hãi khi gặp ông là bởi vết thẹo trên mặt ông khiến ông không giống người cha chụp chung với má nó trong tấm hình nhỏ mà nó vẫn hàng ngày ngắm. Bé Thu cũng đâu biết rằng, vết sẹo ấy là vết tích của chiến tranh tàn khốc đã để lại trên thân thể người cha thân yêu của mình. Bom đạn chiến tranh đã chia rẽ cuộc sống của hai cha con ông Sáu, cũng như bao gia đình Việt Nam khác đã chịu đựng hy sinh gian khổ để cứu đất nước. Đó là một thực tế, là nỗi đau không thể quên đối với nhiều thế hệ người dân Việt Nam.
Thế nhưng tình cảm gia đình là thứ mà dù chiến tranh có tàn khốc, bom đạn có ác liệt đến đâu cũng không thể chia cắt. Bé Thu tỏ ra xa cách, lạnh nhạt với ông Sáu, thái độ ngang ngạnh, hỗn xược khi ông Sáu cố làm thân trong ba ngày ở lại nhà. Sự ương ngạnh ấy chính là cách thể hiện đặc biệt tình yêu thương sâu sắc của Thu dành cho người ba mà nó vẫn thấy trong tấm hình – người đàn ông hiền lành không có vết thẹo từng chụp hình cùng má nó. Cũng chính vì vậy mà bé Thu nhất quyết không chịu gọi người đàn ông khác lạ trước mắt dù chỉ một lần tiếng ba. Tới khi bé Thu hiểu rõ mọi chuyện thì thời gian không còn nữa, ông Sáu sắp phải ra đi, nó mới bày tỏ tình cảm của mình một cách cuống quýt, vội vàng mà cũng thật quyết liệt. Nó bỗng kêu thét lên tiếng “Ba”, tiếng kêu như tiếng xé, xé sự im lặng và xé cả ruột gan mọi người. Chắc hẳn, nó đã dồn nén tiếng gọi này từ lâu lắm để dành cho người cha đích thực và phải đợi đến gần phút ra đi, nó mới nhận ra ông Sáu chính là người cha mà nó hằng mong nhớ. Tiếng gọi ba “lúc ấy mới vỡ tung ra từ đáy lòng đứa trẻ, làm mọi người sửng sốt. Bé Thu chạy như bay đến bên ông, nó hôn ông, hôn tóc, hôn cổ, hôn vai và hôn cả vết thẹo dài trên má”. Đó là lòng yêu cha mà Thu đã giấu kín đối với người cha chụp hình với má. Chính vết thẹo chiến tranh ấy đã cướp đi quãng thời gian vui vẻ bé Thu được ở bên người cha yêu quý của mình, làm cho hai người không hiểu nhau, không thể gần nhau, dù tình cảm của họ rất mãnh liệt luôn gắn kết họ lại. Nhưng dù thái độ của nó với ông Sáu là ngang ngạnh, là hỗn xược, ông Sáu lại thể hiện lòng yêu con của mình một cách thầm lặng. Chịu nỗi đau của chiến trường, về nhà ông lại chịu đựng nỗi đau tinh thần khi đứa con gái không nhận mình. Ba ngày ở nhà như sự thử thách lòng kiên nhẫn của ông Sáu. Đến khi bất lực, không thể im lặng được nữa, ông mới tức giận và đánh con. Cái tát ấy khiến cho ông sáu ân hận và đau đớn. Cho đến phút cuối cùng trước lúc rời đi, ông mới được hưởng trọn vẹn hạnh phúc của người cha. Ông cảm động rút khăn ra lau nước mắt “khi bé Thu cuống quýt bày tỏ tình cảm với mình. Giờ đây, nó ôm chặt ông Sáu bằng tất cả sức mình, níu giữ ông lại như sợ mất đi một thứ gì đó quý giá nhất. Người cha chụp cùng má nó giờ như đẹp hơn khi có vết thẹo trên mặt, một dấu tích anh hùng. Dường như, ngay từ giờ phút thức tỉnh đó, Thu bắt đầu thay đổi. Cô bé không chỉ yêu cha mà còn thương cha và tự hào về cha.
Nhưng khoảnh khắc ấy chẳng được bao lâu, chiến tranh lại chia cắt họ. Những ngày tháng xa con ở chiến trường, ông Sáu dồn hết nỗi nhớ để làm chiếc lược khắc lên đó dòng chữ “Yêu nhớ tặng Thu con của ba”. Đến khi cận kề cái chết, ông dành chút sức lực cuối cùng để nhờ người bạn trao chiếc lược cho bé Thu. Ánh mắt trăng trối ấy in sâu vào lòng người bạn, làm người đó không thể nào quên cũng như chỉ có tình cha con là không thể chết được. Chiến tranh đã cướp đi người cha của bé Thu mãi mãi.
Tình cảm vợ chồng thủy chung sắt son trong chiến tranh cũng được Nguyễn Quang Sáng thể hiện rõ nét. Suốt bao năm chồng đi kháng chiến, hai vợ chồng ông Sáu chỉ được gặp nhau có mấy lần, mỗi lần cũng chỉ gặp có vài ngày. Nhưng quãng đường đi thăm cũng nhiều khó khăn, bà Sáu vẫn vượt đường xa, nguy hiểm để đến thăm chồng. Khi ông Sáu về phép, bà lo lắng chăm sóc cho chồng (lo chuẩn bị đồ đạc, xếp từng chiếc áo…). Có thể thấy chiến tranh có thể làm vợ chồng xa nhau về khoảng cách địa lý, chứ không thể làm tấm lòng họ xa nhau được.
Tình cảm bà cháu cũng vô cùng quan trọng trong cuộc sống của bé Thu. Bà ngoại là người mà bé Thu tin tưởng nhất, người mà bé thu thường tâm sự khi bị mẹ mắng. Bởi vậy mà bà là người rõ nhất lí do bé Thu không nhận ba và đã giảng giải cho Thu hiểu rõ nguyên nhân của vết sẹo hằn trên gương mặt của ba. Chính vì vậy bé Thu mới có thể nhận lại ba mình vào thời khắc quan trọng nhất. Chính bà là cầu nối giữa hai cah con.
Câu chuyện cảm động với những tình huống éo le và diễn biến tâm trạng phức tạp cảu các nhân vật được miêu tả hết sức tinh tế đã khiến cho mỗi người đọc đều phải rung động trước tình cha con giữa ông Sáu và bé Thu, tình cảm gia đình trong chiến tranh. Đọc truyện, chúng ta hiểu rằng chiến tranh có thể huỷ hoại cuộc sống, bom đạn có thể vùi lấp thân thể nhưng tình cảm gia đình thiêng liêng của con người là thứ mà chiến tranh không thể cướp đi được