Việc học tập từ lâu luôn được coi là con đường ngắn nhất để đi đến thành công. Để làm nên đại sự, con người phải tiếp thu rất nhiều kiến thức, phải dấn thân thực hành rất nhiều trải nghiệm mới tích được cái gọi là đạo. Bài viết dưới đây cung cấp một số mẫu văn nghị luận suy nghĩ về câu nói: Ngọc không mài không thành đồ vật, người không học không biết rõ đạo.
Mục lục bài viết
- 1 1. Bài văn suy nghĩ về câu nói “Ngọc không mài không thành đồ vật, người không học không biết rõ đạo”:
- 2 2. Bài văn nghị luận suy nghĩ về câu nói “Ngọc không mài không thành đồ vật, người không học không biết rõ đạo”:
- 3 3. Dàn ý bài văn suy nghĩ về câu nói “Ngọc không mài không thành đồ vật, người không học không biết rõ đạo”:
1. Bài văn suy nghĩ về câu nói “Ngọc không mài không thành đồ vật, người không học không biết rõ đạo”:
Câu nói “Ngọc không mài không thành đồ vật, người không học không biết rõ đạo” của La Sơn phu tử Nguyễn Thiếp có ý nghĩa sâu sắc và mang tính triết lý. Câu nói nhằm hẳng định rằng chúng ta muốn được thành công và trở thành người có giá trị thì bản thân mỗi người cần phải làm việc chăm chỉ và rèn luyện bản thân. Từ “ngọc” trong câu này được sử dụng để so sánh với con người. Mỗi một viên ngọc để có thể trở nên quý giá và có giá trị cao cần phải có sự tác động mài dũa của người thợ tạo nên. Con người cũng vậy, không ai sinh ra đã tài giỏi, “rõ đạo” mà cần phải tự rèn luyện, hoàn thiện bản thân thông qua việc học tập và trau dồi kiến thức thì con ngưới mới đạt đến cảnh giới của sự thông tuệ, thông đạo. Chỉ khi ta học hỏi và nắm vững kiến thức mới có khả năng hiểu rõ được những điều quan trọng trong cuộc sống. Tương tự, “mài” ở đây đại diện cho quá trình rèn luyện, cải thiện kỹ năng của chúng ta. Chỉ khi chúng ta dành thời gian và công sức để hoàn thiện bản thân thông qua việc học tập liên tục, rèn kỹ năng mới có khả năng phát triển thành công. “Đạo” ở đây là triết lý sống của mỗi người. Sống ở đời phải cần đến cái gọi là triết lý cuộc sống thì con người mới có thể phát triển bản thân. Từ “đạo” mà Nguyễn Thiếp sử dụng như khẳng định với những ai không học tập và không rèn luyện bản thân, họ sẽ không hiểu rõ về cuộc sống và không biết cách tiến xa hơn trong con đường của mình. Bởi vì không phải kinh nghiệm, kiến thức nào của thế hệ trước thì sẽ luôn đúng. Và chẳng có thứ gì luôn đúng đắn, trọn vẹn khi thời gian đã trôi qua. Điều quan trọng nhất, là ta biết mình cần phải học gì, học như thế nào. Có như thế, việc học mới phát huy được giá trị tối đa.Học là một điều rất tốt, nhưng để việc học thực sự đạt được giá trị tối đa của nó. Chúng ta không thể nào chỉ dựa và việc học lý thuyết suông trên những trang giấy. Vì học phải đi đôi với hành. Ta phải thực hành, phải đưa nó vào thực tiễn, và biến nó thành của mình. Cùng với đó, phải rèn luyện bản thân mình có một tư duy phản biện, phân tích vấn đề. Để tiếp thu có chọn lọc, có chủ đích. Khi ta có đủ lượng kiến thức, kinh nghiệm nhất định. Ta sẽ có hiểu biết thấu đáo hơn, nhìn nhận vấn đề đa chiều và sáng suốt hơn. Và việc chinh phục được những mục tiêu, ước mơ của bản thân sẽ dễ dàng hơn. Đó chính là lúc ta đã chạm đến được “đạo”. Một người có “đạo”, không chỉ thành công trong cuộc sống, mà còn giúp tạo ấn tượng tốt, tạo mối quan hệ tốt với mọi người. Tuy nhiên, hiện nay, một số đối tượng không thực sự hiểu được giá trị, ý nghĩa của việc học. Họ không đề cao việc việc học mà chỉ tập trung vào những những thú vui nhất thời. Họ học vẹt, học đối phó, để kiến thức trôi qua mỗi kẽ tay. Một bộ phận khác thì chưa biết cách học sao cho đúng đến đến việc tiếp thu kiến thức bị rối loạn, ôm đồm, chỉ học lý thuyết mà không thực hành. Như việc một bộ phận người dùng mạng xã hội tung hô, ủng hộ hiện tượng mạng Huấn Hoa Hồng bởi những hành vi sai lệch, những phát ngôn không phù hợp với chuẩn mực xã hội. Đây là những tư tưởng sai lệch, cần phải thay đổi ngay. Tóm lại, câu nói trên của Nguyễn Thiếp đã khẳng định tầm quan trọng của việc học tập và tự hoàn thiện bản thân. Chỉ khi chúng ta dành thời gian và nỗ lực để rèn luyện kỹ năng và trau dồi kiến thức, chúng ta mới có khả năng hiểu rõ về cuộc sống và tiến xa hơn trong con đường của mình.
2. Bài văn nghị luận suy nghĩ về câu nói “Ngọc không mài không thành đồ vật, người không học không biết rõ đạo”:
Dân tộc Việt Nam từ xưa đến nay được biết đến với truyền thống hiếu học. Để khuyến khích thế hệ sau chăm chỉ học tập, La Sơn phu tử Nguyễn Thiếp đã từng viết: “Ngọc không mài không thành đồ vật, người không học không biết rõ đạo”. Câu nói vốn mang giá trị ý nghĩa sâu sắc. Ngọc là một loại khoáng chất có trong tự nhiên, để làm nên một viên ngọc quý giá cần trải qua thời gian lâu dài với sự tác động từ những áp lực và nhiệt độ cao. Tác giả dùng “ngọc” vốn là kết tinh của tự nhiên với giá trị cao để so sánh với “con người”. Còn “mài” là một hoạt động cơ bản của người thợ để tác động lên tạo vật qua việc cọ xát, chông gai, uốn nắn. Câu nói “Ngọc không mài không thành đồ vật” là để khẳng định rằng viên ngọc dù quý giá, đẹp đẽ đến mấy, nếu không được mài dũa thì mãi cũng chỉ là một viên đá, không có giá trị với con người. Cũng như viên ngọc kia, con người cũng cần phải có giá trị riêng của mình thông qua việc học nhưng nếu “người không học không biết rõ đạo”. Học là hành động tiếp thu, trau dồi thêm những kiến thức cho bản thân; còn đạo là những đạo lý, lẽ sống, lẽ phải mà con người nên trau dồi, tiếp thu và thực hành. Người mà không có sự học tập, trau dồi thì thiếu hiểu biết, khó mà làm nên việc lớn, khó gây dựng được địa vị trong xã hội. Câu nói như một lời khẳng định về ý nghĩa, vai trò của việc học, việc trau dồi, nâng cao kiến thức, trình độ. Học là quá trình cả đời, chúng ta tiếp thu kiến thức từ sách vở, do thầy cô chỉ dạy, từ những người đi trước, từ những kinh nghiệm trong cuộc sống, do chính bản thân rút ra được mà không giới hạn ở trường học, sách vở. Việc học mang nhiều giá trị cho mỗi người học. Đầu tiên việc học giúp nâng cao trình độ, hiểu biết của con người; giúp ta nhận biết được những điều hay, lẽ phải, giúp ta hình thành tư duy, ứng xử chuẩn mực, có cách nhìn nhận đúng đắn, sáng suốt về cuộc đời. Nếu không chịu “học” thì sẽ thiếu hiểu biết, dễ có suy nghĩ, hành động sai lầm, lạc lối và khó đạt được thành công trong sự nghiệp cuộc sống. Để có phương “học” có hiệu quả mỗi người cần biết học mọi lúc, mọi nơi. Học có chọn lọc từ thầy, từ bạn, từ người thân,… Quan trọng nhất là biết kết hợp giữa học và hành, học có mục đích, có kế hoạch nhất định. Học tập là quá trình cả đời, chúng ta cần phải chăm chỉ, cố gắng học tập, biết cân bằng giữa học và hành, giữa học tập và rèn luyện đạo đức. Không ngừng theo đuổi ước mơ của mình bằng những nhiệt huyết, sức trẻ mãnh liệt nhất. Mỗi người chỉ được sống một lần, hãy cố gắng học tập và trở thành một công dân tốt để khiến cho đất nước phát triển văn minh hơn.
3. Dàn ý bài văn suy nghĩ về câu nói “Ngọc không mài không thành đồ vật, người không học không biết rõ đạo”:
Mở bài:
– Dẫn dắt, giới thiệu câu nói “Ngọc không mài không thành đồ vật, người không học không biết rõ đạo” của La Sơn phu tử Nguyễn Thiếp.
Thân bài:
– Giải thích: Ngọc không mài không thành đồ vật (Ngọc là món đồ quý tự nhiên, sinh ra đã mang giá trị và vẻ đẹp; Mài: sự cọ xát, chông gai, uốn nắn). Như vậy, một viên ngọc dù quý giá, đẹp đẽ đến mấy, nếu không được mài dũa thì mãi cũng chỉ là một viên đá, không có giá trị. Người không học không biết rõ đạo (Học là hoạt động tiếp thu, trau dồi thêm những kiến thức cho bản thân, đạo: những đạo lý, điều hay, lẽ phải mà con người nên noi theo). Do đó, làm người mà không học tập, trau dồi thì thiếu hiểu biết, khó mà làm được việc lớn, tỏa sáng, có vị trí trong xã hội.
– Câu nói “Ngọc không mài không thành đồ vật, người không học không biết rõ đạo” khẳng định ý nghĩa, vai trò của việc học, việc trau dồi, nâng cao kiến thức, trình độ.
– Bàn luận: Học là gì? Ý nghĩa to lớn của việc học? Nếu không chịu “học” thì sẽ có tác hại gì? Làm sao để “học” có hiệu quả
– Liên hệ bản thân: Rút ra bài học cá nhân (nỗ lực, chăm chỉ, cố gắng học tập; cân bằng giữa học và hành, giữa học tập và rèn luyện; Biết chọn lọc đối tượng để học…)
Kết bài:
– Suy nghĩ, đánh giá của bản thân về câu nói của La Sơn phu tử Nguyễn Thiếp “Ngọc không mài không thành đồ vật, người không học không biết rõ đạo”.