Trong nền kinh tế thị trường như hiện nay thì giữa các doanh nghiệp đều có sự cạnh tranh lẫn nhau, khả năng cạnh tranh ngày càng cao và các doanh nghiệp có sức mạnh thị trường có thể sẽ hạn chế sản lượng và tăng giá bán trên mức cạnh tranh và kiếm lợi nhuận độc quyền. Vậy sức mạnh của thị trường là gì?
Mục lục bài viết
1. Sức mạnh của thị trường là gì?
Trong kinh tế và đặc biệt là trong tổ chức công nghiệp, sức mạnh thị trường là khả năng của một doanh nghiệp có thể tăng lợi nhuận giá thị trường của hàng hóa hoặc dịch vụ so với chi phí vận biên. Trong thị trường cạnh tranh hoàn hảo, những người tham gia thị trường không có sức mạnh thị trường. Một công ty có tổng sức mạnh thị trường có thể tăng giá mà không mất bất kỳ khách hàng nào trước các đối thủ cạnh tranh.
Do đó, những người tham gia thị trường có sức mạnh thị trường đôi khi được gọi là “người quyết định giá” hoặc “người tạo giá”, trong khi những người không có quyền lực này đôi khi được gọi là “người nhận giá”. Sức mạnh thị trường đáng kể xảy ra khi giá vượt quá chi phí cận biên và chi phí trung bình dài hạn, vì vậy công ty sẽ tạo ra lợi nhuận kinh tế.
Sức mạnh của thị trường tên tiếng Anh là: “Market power”.
2. Sức mạnh của thị trường theo Luật cạnh tranh:
Khác với Luật Cạnh tranh của các nước, trong Luật Cạnh tranh của Việt Nam thì thị phần đóng vai trò trung tâm trong việc đánh giá sức mạnh thị trường.
Theo Điều 24 Luật cạnh tranh 2018 quy định:
“Điều 24. Doanh nghiệp, nhóm doanh nghiệp có vị trí thống lĩnh thị trường
1. Doanh nghiệp được coi là có vị trí thống lĩnh thị trường nếu có sức mạnh thị trường đáng kể được xác định theo quy định tại Điều 26 của Luật này hoặc có thị phần từ 30% trở lên trên thị trường liên quan.
2. Nhóm doanh nghiệp được coi là có vị trí thống lĩnh thị trường nếu cùng hành động gây tác động hạn chế cạnh tranh và có sức mạnh thị trường đáng kể được xác định theo quy định tại Điều 26 của Luật này hoặc có tổng thị phần thuộc một trong các trường hợp sau đây:
a) Hai doanh nghiệp có tổng thị phần từ 50% trở lên trên thị trường liên quan;
b) Ba doanh nghiệp có tổng thị phần từ 65% trở lên trên thị trường liên quan;
c) Bốn doanh nghiệp có tổng thị phần từ 75% trở lên trên thị trường liên quan;
d) Năm doanh nghiệp trở lên có tổng thị phần từ 85% trở lên trên thị trường liên quan.
3. Nhóm doanh nghiệp có vị trí thống lĩnh thị trường quy định tại Khoăn 2 Điều này không bao gồm doanh nghiệp có thị phần ít hơn 10% trên thị trường liên quan.”
Pháp luật cạnh tranh của Việt Nam chủ yếu dựa vào thị phần của các doanh nghiệp liên quan để đánh giá sức mạnh thị trường và thống nhất lấy mức thị phần 30% làm thước đo để suy đoán sức mạnh thị trường của (các) doanh nghiệp đó. Các thỏa thuận, giao dịch hay hành vi phản cạnh tranh được cho là chỉ có thể gây tác hại đáng kể đến cạnh tranh trên thị trường nếu các doanh nghiệp tham gia thỏa thuận, giao dịch hay hành vi đó có sức mạnh đủ lớn trên thị trường (tức là có thị phần trên 30%). Nhóm doanh nghiệp được coi là có vị trí thống lĩnh thị trường nếu cùng hành động gây tác động hạn chế cạnh tranh và có sức mạnh thị trường đáng kể và có tổng thị phần từ 50% trở lên đối với hai doanh nghiệp, hoặc 65% trở lên trên thị trường liên quan đối với ba doanh nghiệp, hoặc 75% trở lên trên thị trường liên quan đối với bốn doanh nghiệp, 85% trở lên trên thị trường liên quan đối với năm doanh nghiệp. Nhóm doanh nghiệp có vị trí thống lĩnh thị trường được quy định sẽ không bao gồm doanh nghiệp có thị phần ít hơn 10% trên thị trường liên quan.
Xác định sức mạnh của thị trường đáng kể, tại Điều 26 Luật cạnh tranh 2018 quy định:
” Điều 26. Xác định sức mạnh thị trường đáng kể
1. Sức mạnh thị trường đáng kể của doanh nghiệp, nhóm doanh nghiệp được xác định căn cứ vào một số yếu tố sau đây:
a) Tương quan thị phần giữa các doanh nghiệp trên thị trường liên quan;
b) Sức mạnh tài chính, quy mô của doanh nghiệp;
c) Rào cản gia nhập, mở rộng thị trường đối với doanh nghiệp khác;
d) Khả năng nắm giữ, tiếp cận, kiểm soát thị trường phân phối, tiêu thụ hàng hóa, dịch vụ hoặc nguồn cung hàng hóa, dịch vụ;
đ) Lợi thế về công nghệ, hạ tầng kỹ thuật;
e) Quyền sở hữu, nắm giữ, tiếp cận cơ sở hạ tầng;
g) Quyền sở hữu, quyền sử dụng đối tượng quyền sở hữu trí tuệ;
h) Khả năng chuyển sang nguồn cung hoặc cầu đối với các hàng hóa, dịch vụ liên quan khác;
i) Các yếu tố đặc thù trong ngành, lĩnh vực mà doanh nghiệp đang hoạt động kinh doanh.
2. Chính phủ quy định chi tiết Khoản 1 Điều này.”
Theo đó để xác định sức mạnh của thị trường đáng kể dựa vào một trong các yếu tố như: tương quan thị phần giữa các doanh nghiệp trên thị trường liên quan, sức mạnh tài chính- quy mô của doanh nghiệp, rào cản gia nhập- mở rộng thị trường đối với các doanh nghiệp khác, khả năng nắm giữ- tiếp cận- kiểm soát thị trường phân phối, tiêu thụ hàng hóa, dịch vụ hoặc nguồn cung hàng hóa, dịch vụ, lợi thế về công nghệ- hạ tầng kỹ thuật, quyền sở hữu, nắm giữ, tiếp cận cơ sở hạ tầng, quyền sở hữu, sử dụng đối tượng quyền sở hữu trí tuệ, khả năng chuyển sang nguồn cung hoặc cầu đối với các hàng hóa, dịch vụ liên quan khác, các yếu tố đặc thù trong ngành, lĩnh vực mà doanh nghiệp đang hoạt động kinh doanh.
Bên cạnh đó, Luật cạnh tranh 2918 còn quy định các hành vi lạm dụng vị trí thống lĩnh thị trường, lạm dụng vị trí độc quyền bị cấm tại Điều 27, cụ thể:
“Điều 27. Hành vi lạm dụng vị trí thống lĩnh thị trường, lạm dụng vị trí độc quyền bị cấm
1. Doanh nghiệp, nhóm doanh nghiệp có vị trí thống lĩnh thị trường thực hiện hành vi sau đây:
a) Bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ dưới giá thành toàn bộ dẫn đến hoặc có khả năng dẫn đến loại bỏ đối thủ cạnh tranh;
b) Áp đặt giá mua, giá bán hàng hóa, dịch vụ bất hợp lý hoặc ấn định giá bán lại tối thiểu gây ra hoặc có khả năng gây ra thiệt hại cho khách hàng;
c) Hạn chế sản xuất, phân phối hàng hóa, dịch vụ, giới hạn thị trường, cản trở sự phát triển kỹ thuật, công nghệ gây ra hoặc có khả năng gây ra thiệt hại cho khách hàng;
d) Áp dụng điều kiện thương mại khác nhau trong các giao dịch tương tự dẫn đến hoặc có khả năng dẫn đến ngăn cản doanh nghiệp khác tham gia, mở rộng thị trường hoặc loại bỏ doanh nghiệp khác;
đ) Áp đặt điều kiện cho doanh nghiệp khác trong ký kết hợp đồng mua, bán hàng hóa, dịch vụ hoặc yêu cầu doanh nghiệp khác, khách hàng chấp nhận các nghĩa vụ không liên quan trực tiếp đến đối tượng của hợp đồng dẫn đến hoặc có khả năng dẫn đến ngăn cản doanh nghiệp khác tham gia, mở rộng thị trường hoặc loại bỏ doanh nghiệp khác;
e) Ngăn cản việc tham gia hoặc mở rộng thị trường của doanh nghiệp khác;
g) Hành vi lạm dụng vị trí thống lĩnh thị trường bị cấm theo quy định của luật khác.
2. Doanh nghiệp có vị trí độc quyền thực hiện hành vi sau đây:
a) Hành vi quy định tại các điểm b, c, d, đ và e Khoản 1 Điều này;
b) Áp đặt điều kiện bất lợi cho khách hàng;
c) Lợi dụng vị trí độc quyền để đơn phương thay đổi hoặc hủy bỏ hợp đồng đã giao kết mà không có lý do chính đáng;
d) Hành vi lạm dụng vị trí độc quyền bị cấm theo quy định của luật khác.”
Tại Điều 28 Luật cạnh tranh 2018 quy định kiểm soát doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực độc quyền nhà nước, theo đó:
1. Nhà nước kiểm soát doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực độc quyền nhà nước bằng các biện pháp sau đây:
a) Quyết định giá mua, giá bán hàng hóa, dịch vụ thuộc lĩnh vực độc quyền nhà nước;
b) Quyết định số lượng, khối lượng, phạm vi thị trường của hàng hóa, dịch vụ thuộc lĩnh vực độc quyền nhà nước;
c) Định hướng, tổ chức các thị trường liên quan đến hàng hóa, dịch vụ thuộc lĩnh vực độc quyền nhà nước theo quy định của Luật này và quy định khác của pháp luật có liên quan.
2. Khi doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực độc quyền nhà nước thực hiện hoạt động kinh doanh khác ngoài lĩnh vực độc quyền nhà nước thì hoạt động kinh doanh đó của doanh nghiệp không chịu sự điều chỉnh quy định tại Khoản 1 Điều này nhưng vẫn chịu sự điều chỉnh của quy định khác của Luật này.
3. Ý nghĩa của sức mạnh thị trường:
– Một công ty nắm giữ sức mạnh thị trường đáng kể có khả năng thao túng giá thị trường và từ đó kiểm soát tỉ suất lợi nhuận của công ty đó, và có là khả năng tăng trở ngại cho những người mới tham gia vào thị trường.
– Các công ty có sức mạnh thị trường thường được mô tả là “người tạo giá” bởi vì họ có thể thiết lập hoặc điều chỉnh giá thị trường của một mặt hàng mà không từ bỏ thị phần.
– Sức mạnh thị trường còn được gọi là sức mạnh định giá.
Do đó, điều quan trọng là sức mạnh thị trường chỉ phát sinh khi đặt trong mối quan hệ với thị trường. Sức mạnh thị trường có nghĩa rằng một doanh nghiệp có sức mạnh thị trường sẽ được bảo vệ trước những đối thủ cạnh tranh tiềm năng, những đối thủ bị ngăn cản không thể tham gia thị trường được.
Những rào cản tham gia thị trường một mặt cho phép một doanh nghiệp thu lợi nhuận độc quyền mặt khác cản trở các doanh nghiệp khác tham gia thị trường đó, sẽ là yếu tố quan trọng trong việc xác định sức mạnh thị trường. Định nghĩa, nhận dạng và tầm quan trọng của rào cản tham gia thị trường là những vấn đề gây tranh cãi nhất trong kinh tế học chống độc quyền.
Căn cứ pháp lý sử dụng trong bài viết: