Ngành chăn nuôi là một trong những ngành phát triển mạnh và được Nhà nước chú trọng đầu tư. Ngành chăn nuôi phân bố khắp các miền của đất nước ta, tùy vào điều kiện tự nhiên xã hội của từng vùng mà ngành chăn nuôi lại có những đặc trưng riêng. Vậy sự phát triển và phân bố ngành chăn nuôi phụ thuộc chặt chẽ vào?
Mục lục bài viết
1. Sự phát triển và phân bố ngành chăn nuôi phụ thuộc chặt chẽ vào?
A. cơ sở thức ăn.
B. con giống.
C. hình thức chăn nuôi.
D. thị trường tiêu thụ sản phẩm.
Đáp án đúng: A
Lời giải chi tiết:
Sự phát triển và phân bố chăn nuôi phụ thuộc chặt chẽ vào cơ sở thức ăn. Ngoài các đồng cỏ tự nhiên thì phần lớn thức ăn của ngành chăn nuôi đều do ngành trồng trọt cung cấp
2. Thực trạng ngành thức ăn chăn nuôi Việt Nam:
Tích cực:
– Ngành thức ăn chăn nuôi đã giữa vững mức độ tăng trưởng về số lượng và công suất thiết kế của cơ sở sản xuất. Theo thống kê của Cục Chăn nuôi, năm 2011, cả nước có 233 cơ sở sản xuất thức ăn chăn nuôi với tổng công suất thiết kế đạt 16,1 triệu tấn, đến năm 2019 có 264 cơ sở với tổng công suất thiết kế đạt 40,5 triệu tấn. Mặc dù số lượng cơ sở sản xuất thức ăn chăn nuôi trong giai đoạn 2011-2019 chỉ tăng 13,1% (tương đương 1,48%/năm), nhưng công suất thiết kế đã tăng 151,6% (tương đương 16,8%/năm). Năm 2011, công suất thiết kế trung bình của một cơ sở là 69,1 nghìn tấn/năm, đến năm 2019 là 154,0 nghìn tấn/năm (tăng 2,2 lần). Như vậy các cơ sở sản xuất chăn nuôi quy mô nhỏ đã dần được thay thế bởi các cơ sở chăn nuôi quy mô vừa và lớn.
– Sản lượng thức ăn chăn nuôi cả nước không ngừng tăng, cụ thể, trong giai đoạn 2011-2019, sản lượng thức ăn chăn nuôi liên tục, tốc độ trung bình 8,1%, đưa sản lượng thức ăn chăn nuôi từ 11,5 triệu tấn năm 2011 lên 20,2 triệu tấn trong năm 2016 và 19,0 triệu tấn năm 2019 và ước đạt 20,5 triệu tấn năm 2020, đưa Việt Nam trở thành quốc gia đứng thứ 10 trên thế giới và số 1 trong khu vực ASEAN về sản lượng thức ăn chăn nuôi công nghiệp, không chỉ đáp ứng được nhu cầu phát triển chăn nuôi trong nước mà còn xuất khẩu sang các nước trong khu vực và trên thế giới.
– Công nghệ chế biến thức ăn chăn nuôi ngày càng phát triển, cụ thể, dây chuyền và thiết bị chế biến thức ăn chăn nuôi không ngừng được cải tiến và hiện đại hóa. Do thị trường thức ăn chăn nuôi Việt Nam phát triển muộn và tăng trưởng nhanh, đầu tư hiệu quả nên phần lớn các dây chuyền sản xuất thức ăn chăn nuôi đều được đầu tư thộc thế hệ mới và có xuất xứ từ các nước phát triển như châu Âu, Hoa Kỳ. Hiện nay, số lượng cơ sở sản xuất thức ăn chăn nuôi có dây chuyền sản xuất tự động, bán tự động chiếm khoảng 80%.
Theo ATLAS, tổng tiêu chí đánh giá về công nghệ của ngành công nghiệp chế biến thức ăn chăn nuôi của Việt Nam đạt mức khá cao, với 876/1000 điểm. Điều này thể hiện trình độ công nghệ của ngành sản xuất thức ăn chăn nuôi nước ta đang ở mức khá cao so với các nước trên thế giới. Các doanh nghiệp trong nước đang ngày càng phát triển, mở rộng quy mô và làm chủ được công nghệ hiện đại, quản trị tiên tiến ngang tầm với các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, điển hình như DABACO, Masan, GreenFeed, Lái Thiêu, Vina, Hòa Phát…
– Cùng với việc sử dụng các dây chuyền sản xuất đồng bộ có tính tự động cao, các cơ sở sản xuất thức ăn chăn nuôi đã quan tâm nhiều hơn đến việc áp dụng các hệ thống quản lý chất lượng hoạt động sản xuất, kinh doanh. Trước đây, số lượng cơ sở thức ăn chăn nuôi áp dụng hệ thống quản lý chất lượng chỉ chiếm tỉ lệ thấp, khoảng trên 30%, nhưng hiện nay đã có trên 80% số cơ sở có áp dụng ít nhất một hệ thống quản lý chất lượng như ISO, HACCP, GMP hoặc tương đương, trong đó nhóm cơ sở sản xuất thức ăn chăn nuôi nước ngoài đạt 100%.
Những mặt còn tồn tại
– Công nghệ sản xuất và quản lý thức ăn chăn nuôi vẫn thiếu đồng bộ, tự động hóa chưa cao, nhất là ở những cơ sở sản xuất nhỏ, chế biến thức ăn bổ sung; chi phí đầu vào của sản xuất thức ăn chăn nuôi trong nước cao, nhất là tín dụng, logistics; hiệu quả đầu tư thấp, nhiều cơ sở sản xuất chỉ khai thác được từ 40-50% công suất thiết kế.
– Nguyên liệu thức ăn chăn nuôi nhập khẩu lớn và ngày càng gia tăng, trong đó có nhiều nhóm nguyên liệu mà trong nước có khả năng sản xuất được như DCP, bột máu, bột thịt xương, các chế phẩm vi sinh, thảo dược… Ứớc tính có tới 65% nguyên liệu thức ăn truyền thống cho sản xuất thức ăn chăn nuôi công nghiệp được nhập khẩu: ngô hạt (nhập khẩu mỗi năm 5,0-7,0 triệu tấn/năm), khô dầu đậu tương và khô dầu hạt cải (nhập khẩu khoảng 4,0-5,0 triệu tấn/ năm), DDGS (nhập khẩu khoảng 0,5-1,0 triệu tấn/năm), thức ăn bổ sung các loại (650 000 tấn/năm). Ngoài ra, nhiều nguyên liệu trong nước chưa được khai thác có hiệu quả, như các loại khoáng chất, cây dược liệu, rong tảo biển, phụ phẩm nông nghiệp, công nghiệp; quản trị nguồn nguyên liệu thức ăn chăn nuôi chưa tốt vừa gây lãng phí vừa ô nhiễm môi trường.
– Phân bố các cơ sở sản xuất thức ăn chăn nuôi công nghiệp không đồng đều, tập trung chủ yếu ở đồng bằng sông Hồng (các tỉnh như Hưng Yên, Hải Dương, Hà Nam, Hà Nội, Đông Nam Bộ (Đồng Nai, Bình Dương…), ĐBSCL (Tiền Giang, Long An…). Ngoài ra, việc việc hầu hết thức ăn chăn nuôi trong nước được phân phối qua hệ thống đại lý trung gian, việc quản trị và sản xuất theo chuỗi giá trị chưa phát triển dẫn đến giá thành thức ăn còn cao. Cùng với đó, năng lực quản lí nhà nước về thức ăn chăn nuôi còn nhiều bất cập, hiệu quả và hiệu lực chưa cao, thiếu đồng bộ, thiếu thống nhất giữa các bộ ngành và địa phương gây phát sinh khó khăn cho doanh nghiệp và công tác quản lí.
3. Phương hướng phát triển ngành thức ăn chăn nuôi Việt Nam:
Thực trạng trên cho thấy, nếu Việt Nam chủ động được nguồn thức ăn chăn nuôi sẽ khiến ngành chăn nuôi phát triển một cách bền vững; đồng thời, sẽ giúp cho nền kinh tế nông nghiệp nước ta phát triển mạnh mẽ, quan trọng nhất là không phải phụ thuộc vào nguồn nhập từ nước ngoài. Tuy nhiên, để thực hiện được mục tiêu này, Việt Nam cần phải có chiến lược dài hơi…
– Trong Chiến lược phát triển ngành trồng trọt đến năm 2020, Cục Trồng trọt đã đề xuất ưu tiên tăng diện tích trồng ngô từ 1,1 triệu ha lên 1,4 – 1,5 triệu ha, có áp dụng thâm canh, đưa tiến bộ kỹ thuật, giống mới vào sản xuất nhằm hạ giá thành sản phẩm. Theo đó, sẽ chuyển một phần diện tích lúa kém hiệu quả (ở khu vực miền Bắc và miền Trung) sang trồng ngô; đồng thời, điều chuyển thời vụ cây trồng vụ Hè Thu để tăng diện tích ngô Đông sớm. Với vùng đồng bằng sông Cửu Long, Ðông Nam bộ, nơi có năng suất ngô cao, khả năng cạnh tranh được với ngô nhập khẩu thì sẽ chuyển một phần diện tích lúa vụ Đông Xuân sang chuyên canh ngô.
– Về thức ăn xanh cho đại gia súc, các địa phương có nhu cầu thức ăn xanh sẽ mở rộng diện tích trồng cỏ ở vùng miền núi, nơi hoang hóa, tận dụng triệt để đất lúa, đất rừng kém hiệu quả. Thức ăn xanh có thể đa dạng hóa từ trồng cỏ đến trồng ngô dày, ngô nếp; hoặc đưa công nghệ vào chế biến rơm rạ, thân ngô, bã mía làm thức ăn hỗn hợp TMR cho chăn nuôi bò sữa, đại gia súc. Với phương án sử dụng thóc để thay thế, sẽ gieo trồng loại giống lúa siêu cao sản, phẩm cấp trung bình. Tuy nhiên, để xây dựng được vùng nguyên liệu, các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp chế biến thức ăn chăn nuôi phải là cầu nối, ký kết hợp đồng tiêu thụ để người trồng có thể hoàn toàn yên tâm sản xuất, tránh tính trạng giá cả bấp bênh khiến người dân thay trồng các cây nguyên liệu sản xuất thức ăn chăn nuôi bằng các loại cây ăn quả, cây công nghiệp có giá trị khác.
– Nhà nước cần có chính sách bảo hộ tốt hơn nữa cho những người trồng nguyên liệu. Cụ thể, cần tiếp tục tăng thuế nhập khẩu để khuyến khích nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi chú trọng hơn đến thị trường nguyên liệu trong nước. Ngoài ra, cũng nên ban hành chính sách thuế đối với việc xuất khẩu các mặt hàng nguyên liệu sản xuất thức ăn thô để tránh tình trạng xuất đi một cách ồ ạt, giá trị thu về không lớn, qua đó, bảo đảm nguồn cung ổn định cho thị trường nội địa.
– Cần phải có sự định hướng quy hoạch tốt, lường trước các rủi ro bằng cách tiến hành từng giai đoạn thử nghiệm để thăm dò thị trường. Trước mắt, Nhà nước và các tổ chức tín dụng nên có những chính sách ưu đãi cho doanh nghiệp vay vốn đầu tư tạo vùng nguyên liệu. Cùng với đó, Nhà nước cần có chính sách khuyến khích các tập thể, cá nhân xây dựng cầu cảng, hệ thống vận chuyển, nhà kho chuyên dụng, mở sàn giao dịch về thức ăn chăn nuôi qua mạng để các doanh nghiệp, người chăn nuôi cập nhật thông tin về giá nguyên liệu, giá thành phẩm thức ăn chăn nuôi trong nước và trên thị trường thế giới.
– Các Viện nghiên cứu, các nhà khoa học cần tập trung nghiên cứu các công thức phối trộn thức ăn phù hợp điều kiện chăn nuôi nước ta, sớm đưa cây trồng biến đổi gen vào sản xuất rộng rãi; khuyến khích chế biến bột cá; khuyến khích nghiên cứu tạo nguyên liệu mới như: thức ăn bổ sung, thức ăn dinh dưỡng sao cho phù hợp với từng giai đoạn tăng trưởng của vật nuôi…
THAM KHẢO THÊM: