Trong cuộc sống nhiều khi có những chuyện mà chúng ta không thể lường trước được và có những sự việc chúng ta buộc không phải thấy trước, không thể dự kiến được hậu quả của nó. Vậy khi có sự kiện bất ngờ xảy ra thì câu hỏi đặt ra là chúng ta có phải chịu trách nhiệm hình sự về hành vi này không?
Mục lục bài viết
1. Sự kiện bất ngờ là gì?
Sự kiện bất ngờ là người thực hiện hành vi gây ra hậu quả nguy hại cho xã hội do sự kiện bất ngờ tức là trong trường hợp này không thể thấy trước hoặc không buộc phải thấy trước hậu quả của hành vi đó thì không phải chịu trách nhiệm hình sự.
Đây chính là một trong những căn cứ để loại trừ trách nhiệm hình sự, điều này có nghĩa là mặc dù có hành vi gây hại cho xã hội và phạm vào các tội mà Bộ Luật Hình sự quy định nhưng sẽ không được coi là tội phạm.
– Sự kiện bất ngờ xảy ra có thể là do hoàn cảnh cụ thể
Ví dụ: A và D là hai thanh niên đang đi chơi với nhau trên vỉa hè, họ cười đùa với nhau; C nghịch, xô nhẹ D xuống đường, không ngờ D khi bị xô lại giẫm phải dầu nhớt nên ngã, thái dương của D đập vào một viên đá ở lòng đường, D bị trọng thương.
– Hoặc do đặc điểm chủ quan của người thực hiện hành vi
Ví dụ: Một công nhân mới vào học việc ở nhà máy, được giao đứng coi máy cho người phụ trách máy đi ra ngoài có việc cần; anh thấy có tia lửa ở một bộ phận của máy đó nên hoảng hốt vội vàng hãm máy, do không theo đúng trình tự hãm máy, bộ phận đáng lẽ hãm sau lại hãm trước, bộ phận đáng hãm trước lại hãm sau, anh công nhân đó đã làm hỏng máy.
Sự kiện bất ngờ trong tiếng Anh là Surprise event.
2. Quy định về sự kiện bất ngờ trong Bộ luật hình sự:
Điều 20 Bộ luật Hình sự năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017 quy định về sự kiện bất ngờ như sau: “Người thực hiện hành vi gây hậu quả nguy hại cho xã hội trong trường hợp không thể thấy trước hoặc không buộc phải thấy trước hậu quả của hành vi đó, thì không phải chịu trách nhiệm hình sự.”
Gây thiệt hại trong trường hợp sự kiện bất ngờ có những đặc điểm rất giống với một tội phạm cụ thể về mặt khách quan như có hành vi và có gây thiệt hại cho nhà nước, cá nhân, tô chức nào đó. Cũng có môi quan hệ nhân quả giữa hành vi và hậu quả. Điểm khác biệt quan trọng nhất và cũng là do đặc điểm này mà một người gây thiệt hại trong trường hợp sự kiện bât ngờ không phải là tội phạm và không phải chịu trách nhiệm hình sự đó là người thực hiện hành vi gây thiệt hại trong sự bất ngờ không có lỗi (không cố ý và cũng không vô ý). Bởi lẽ họ không có tự do để lựa chọn cách xử sự (hành vi) của mình.
Trách nhiệm pháp lý của người gây thiệt hại trong trường hợp có sự kiện bất ngờ
Sự kiện bất ngờ là trường hợp đã gây ra hậu quả thiệt hại cho xã hội nhưng người có hành vi đó lại không phải chịu trách nhiệm hình sự vì họ không buộc phải thấy trước hoặc không thể thấy trước hậu quả nguy hiểm cho xã hội của hành vi của mình hay nói cách khác vì họ không có lỗi. Ví dụ: Một người lái xe đang đi đúng phần đường quy định, đúng tốc độ, thì có hai người đột nhiên từ trong nhà đuổi nhau ra đường và bị xe đụng bị thương.
Sự kiện bất ngờ xảy ra có thể là do hoàn cảnh cụ thể: (Ví dụ: A và B đang đi chơi với nhau trên vỉa hè, họ cười đùa với nhau; A nghịch, xô nhẹ B xuống đường, không ngờ B khi bị xô lại dẫm phải dầu nhớt nên ngã, thái dương của B đập vào một viên đá ở lòng đường, B bị trọng thương).
Sự kiện bất ngờ do đặc điểm chủ quan của người thực hiện hành vi: (Ví dụ: Một công nhân mới vào học việc ở nhà máy, được giao đứng coi máy cho người phụ trách máy đi ra ngoài có việc cần; anh thấy có tia lửa ở một bộ phận của máy đó nên hoảng hốt vội vàng hãm máy, do không theo đúng trình tự hãm máy, bộ phận đáng lẽ hãm sau lại hãm trước, bộ phận đáng hãm trước lại hãm sau, anh công nhân đó đã làm hỏng máy).
– Lưu ý: Trường hợp sự kiện bất ngờ và trường hợp có lỗi vô ý vì cẩu thả có điểm giống nhau là chủ thể thực hiện đều không thấy trước hậu quả nguy hiểm cho xã hội mà hành vi của mình đã gây ra. Nhưng ở trường hợp vô ý vì cẩu thả, người phạm tội có nghĩa vụ phải thấy trước và có đủ điều kiện để thấy trước hậu quả nguy hiểm cho xã hội của hành vi của mình. Người phạm tội đã không thấy trước hậu quả nguy hiểm cho xã hội của hành vi của mình là do cẩu thả. Còn trong trường hợp sự kiện bất ngờ, chủ thể không có nghĩa vụ phải thấy trước hậu quả gây nguy hiểm cho xã hội của hành vi của mình hoặc tuy có nghĩa vụ phải thấy trước nhưng không có đủ điều kiện để thấy trước hậu quả đó. Như vậy, trong trường hợp sự kiện bất ngờ, việc chủ thể đã không thấy trước hậu quả nguy hiểm cho xã hội mà hành vi của mình gây ra là do khách quan.
3. Bình luận về sự kiện bất ngờ theo quy định của Bộ luật Hình sự:
Trong Điều luật này chính mặt khách quan đã không được thỏa mãn. Cụ thể mặt khách quan bao gồm các yếu tố: Hành vi nguy hiểm cho xã hội, hậu quả của hành vi nguy hiểm đó và mối quan hệ nhân quả giữa chúng… Trong đó, hành vi nguy hiểm là bắt buộc phải có ở tất cả các loại tội phạm.
Điều luật này có thể được phân tích như sau để dễ dàng nắm bắt nội dung hơn:
Điều kiện giả định bao gồm:(1) hành vi gây hậu quả nguy hại + (2) không thể thấy trước hoặc không buộc phải thấy trước hậu quả
Hệ quả: Không phải chịu trách nhiệm hình sự
Phần hệ quả đã quá rõ ràng nên sau đây tác giả chỉ tập trung phân tích (1) (2)
(1) Hành vi gây hậu quả nguy hại
Lưu ý rằng đây là hành vi gây hậu quả nguy hại chứ không phải là hành vi nguy hiểm như trong mặt khách quan của cấu thành tội phạm. Tác giả nhấn mạnh nội dung này vì bản chất của chúng là khác nhau và hậu quả pháp lý cũng vậy. Hành vi gây hậu quả nguy hại, tức nhà làm luật chú trọng và tập trung vào cái hậu quả nguy hại chứ không phải là hành vi. Hành vi gây nguy hại có thể là những hành vi hợp pháp hoặc hành vi bất hợp pháp. Nghe có vẻ phi lý vì sao hành vi hợp pháp nhưng lại có thể gây nguy hại được và sự kiện bất ngờ là một minh chứng rõ ràng nhất.
Ví dụ: A đang lưu thông trên đường đúng quy định của pháp luật giao thông đường bộ (làn đường, tốc độ di chuyển và các biện pháp an toàn khác…) (hành vi hợp pháp), bỗng nhiên có 1 người xuất hiện đột ngột trước đầu xe với khoảng cách gần đến mức không thể xử lý việc dừng xe, do đó đã tông người này và người này tử vong ngay lập tức (hậu quả nguy hại). Như vậy chúng ta có thể thấy rất rõ người điều khiển phương tiện đã thực hiện một hành vi hợp pháp nhưng lại gây ra một hậu quả nguy hại cho xã hội.
Như vậy một câu hỏi đặt ra nếu hành vi đó phạm pháp gây hậu quả nguy hại và thỏa mãn điều kiện (2) thì có loại trừ trách nhiệm hình sự của người thực hiện hành vi hay không? Câu trả lời là không. Bởi lẽ, không có hành vi phạm pháp luật hình sự nào mà chủ thể đó không nhận thấy trước được hậu quả có thể xảy ra và pháp luật cũng không bắt buộc họ phải nhìn thấy trước, bản chất của hành vi vi phạm đã hàm chứa trong nó về một hậu quả nguy hại cho xã hội. Vì thế có thể hiểu hành vi trong trường hợp trên là hành vi hợp pháp.
(2)Không thể thấy trước hậu quả hoặc không bắt buộc phải nhìn thấy trước hậu quả. Vẫn với ví dụ trên, chúng ta thấy rằng việc người điều khiển phương tiện tham gia giao thông đúng với các quy định của pháp luật giao thông thì không có lý do gì để anh ta có thể thấy hậu quả của việc chết người xảy ra từ việc lái xe đúng quy định của mình và pháp luật cũng không bắt buộc anh ta phải thấy, lường trước hậu quả có một người nào đó lại bỗng nhiên xuất hiện trước đầu xe để rồi gây ra hậu quả chết người.
Phân tích thêm một chút để chúng ta hiểu thêm về trường hợp pháp luật bắt buộc phải nhìn thấy trước hậu quả:
Trong một số trường hợp người phạm tội thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội nhưng ý chí chủ quan của người đó không nhận thấy trước hậu quả có thể xảy ra từ hành vi nguy hiểm của mình. Ví dụ: B giăng bẫy điện dân dụng để diệt chuột tại nơi đông dân cư qua lại thường xuyên. Trong trường hợp này có thể B không thấy trước được hậu quả chết người có thể xảy ra khi bị giật điện nhưng pháp luật bắt buộc B phải thấy được điều này. Nếu hậu quả chết người xảy ra thì đã thỏa mãn yếu tố mặt khách quan (hành vi nguy hiểm), nếu thỏa mãn các yếu tố cầu thành còn lại thì B phải chịu trách nhiệm hình sự của hành vi giăng điện bẫy chuột này.
Kết luận: Khi xảy ra sự kiện bất ngờ, nằm ngoài phạm vi kiểm soát của cá nhân thì sẽ không phải chịu trách nhiệm hình sự liên quan. Tuy nhiên, cần xác định và chứng minh rõ đâu là sự kiện bất ngờ, đâu là sự kiện xảy ra do lỗi bất cẩn của một hoặc một số bên dẫn đến thiệt hại để áp dụng quy định pháp luật cho đúng.