Hủy bỏ hợp đồng và đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng đều là các trường hợp chấm dứt hợp đồng dân sự theo quy định Bộ luật dân sự hiện hành. Vậy hủy bỏ hợp đồng là gì? Khác nhau giữa đơn phương chấm dứt với hủy bỏ hợp đồng như thế nào?
Mục lục bài viết
1. Hủy bỏ hợp đồng là gì?
Hủy bỏ hợp đồng dân sự là trường hợp khi một bên vi phạm hợp đồng là điều kiện hủy bỏ mà các bên đã thoả thuận hoặc pháp luật có quy định thì bên còn lại có quyền xóa bỏ việc thực hiện hợp đồng và yêu cầu bên vi phạm bồi thường thiệt hại. Điều 425
“1. Một bên có quyền hủy bỏ hợp đồng và không phải bồi thường thiệt hại khi bên kia vi phạm hợp đồng là điều kiện hủy bỏ mà các bên đã thoả thuận hoặc pháp luật có quy định.
2. Bên hủy bỏ hợp đồng phải thông báo ngay cho bên kia biết về việc hủy bỏ, nếu không thông báo mà gây thiệt hại thì phải bồi thường.
3. Khi hợp đồng bị hủy bỏ thì hợp đồng không có hiệu lực từ thời điểm giao kết và các bên phải hoàn trả cho nhau tài sản đã nhận; nếu không hoàn trả được bằng hiện vật thì phải trả bằng tiền.
4. Bên có lỗi trong việc hợp đồng bị hủy bỏ phải bồi thường thiệt hại.”
Đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng dân sự là trường hợp mà các bên đã thoả thuận với nhau hoặc pháp luật có quy định thì một bên có quyền xóa bỏ hợp đồng và yêu cầu bên còn lại bồi thường thiệt hại. Điều 426 Bộ luật dân sự năm 2015 quy định:
“1. Một bên có quyền đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng nếu các bên có thoả thuận hoặc pháp luật có quy định.
2. Bên đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng phải thông báo ngay cho bên kia biết về việc chấm dứt hợp đồng, nếu không thông báo mà gây thiệt hại thì phải bồi thường.
3. Khi hợp đồng bị đơn phương chấm dứt thực hiện thì hợp đồng chấm dứt từ thời điểm bên kia nhận được thông báo chấm dứt. Các bên không phải tiếp tục thực hiện nghĩa vụ. Bên đã thực hiện nghĩa vụ có quyền yêu cầu bên kia thanh toán.
4. Bên có lỗi trong việc hợp đồng bị đơn phương chấm dứt phải bồi thường thiệt hại.”
Sự khác nhau căn bản giữa hủy bỏ hợp đồng dân sự và đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng dân sự thể hiện qua hai tiêu chí sau:
– Về điều kiện áp dụng:
+ Hủy bỏ hợp đồng dân sự sẽ được áp dụng khi một bên vi phạm hợp đồng là điều kiện hủy bỏ mà các bên đã thoả thuận hoặc pháp luật có quy định.
+ Đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng dân sự được áp dụng nếu các bên có thoả thuận hoặc pháp luật có quy định, tức là không cần phải có sự vi phạm hợp đồng hoặc vi phạm pháp luật.
– Về hậu quả pháp lý:
+ Hủy bỏ hợp đồng dân sự làm hợp đồng không có hiệu lực từ thời điểm giao kết và các bên phải hoàn trả cho nhau tài sản đã nhận; nếu không hoàn trả được bằng hiện vật thì phải trả bằng tiền. Như vậy, nội dung nào của hợp đồng đã được thực hiện trước thời điểm tuyên hủy bỏ thì vẫn có hiệu lực.
+ Đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng dân sự làm hợp đồng chấm dứt từ thời điểm bên kia nhận được thông báo chấm dứt. Các bên không phải tiếp tục thực hiện nghĩa vụ. Bên đã thực hiện nghĩa vụ có quyền yêu cầu bên kia thanh toán. Như vậy, khi đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng dân sự thì coi như chưa có hợp đồng
2. Công chứng việc hủy bỏ hợp đồng, giao dịch:
Trình tự thực hiện:
– Việc sửa đổi, bổ sung, huỷ bỏ hợp đồng, giao dịch đã được công chứng chỉ được thực hiện khi có sự thoả thuận, cam kết bằng văn bản của tất cả những người đã tham gia hợp đồng, giao dịch đó và phải được công chứng.
– Người thực hiện việc công chứng sửa đổi, bổ sung, huỷ bỏ hợp đồng, giao dịch phải là công chứng viên của tổ chức hành nghề công chứng đã thực hiện việc công chứng đó. Trường hợp tổ chức hành nghề công chứng đã thực hiện việc công chứng chấm dứt hoạt động hoặc giải thể thì công chứng viên thuộc tổ chức hành nghề công chứng đang lưu trữ hồ sơ công chứng thực hiện việc sửa đổi, bổ sung, huỷ bỏ hợp đồng, giao dịch.
– Công chứng việc sửa đổi, bổ sung, huỷ bỏ hợp đồng, giao dịch được thực hiện theo thủ tục công chứng hợp đồng, giao dịch.
Cách thức thực hiện: Nộp hồ sơ tại tổ chức hành nghề công chứng
Thành phần hồ sơ:
– Phiếu yêu cầu công chứng hợp đồng, giao dịch
– Dự thảo hủy bỏ hợp đồng, giao dịch (trường hợp tự soạn thảo);
– Bản sao giấy tờ tuỳ thân;
– Bản sao giấy chứng nhận quyền sở hữu, quyền sử dụng hoặc bản sao giấy tờ thay thế được pháp luật quy định đối với tài sản mà pháp luật quy định phải đăng ký quyền sở hữu, quyền sử dụng, trong trường hợp hợp đồng, giao dịch liên quan đến tài sản đó;
– Bản sao giấy tờ khác có liên quan đến hợp đồng, giao dịch mà pháp luật quy định phải có.
Bản sao nêu trên là bản chụp, bản in, bản đánh máy hoặc bản đánh máy vi tính nhưng phải có nội dung đầy đủ, chính xác như bản chính và không phải có chứng thực. Khi nộp bản sao thì phải xuất trình bản chính để đối chiếu.
Số lượng hồ sơ: Không quy định cụ thể
Thời hạn giải quyết: Không quá hai (02) ngày làm việc; đối với hợp đồng, giao dịch yêu cầu công chứng phức tạp thì thời hạn công chứng có thể kéo dài hơn nhưng không quá mười (10) ngày làm việc (Thời gian xác minh, giám định không tính vào thời hạn công chứng).
Đối tượng thực hiện thủ tục hành chính: Cá nhân, tổ chức
Cơ quan có thẩm quyền quyết định: Tổ chức hành nghề công chứng
Cơ quan thực hiện thủ tục hành chính: Tổ chức hành nghề công chứng
Kết quả thực hiện thủ tục hành chính: Văn bản công chứng
Lệ phí: 20.000 đồng
Yêu cầu, điều kiện thực hiện thủ tục hành chính (nếu có): Việc sửa đổi, bổ sung, huỷ bỏ hợp đồng, giao dịch đã được công chứng chỉ được thực hiện khi có sự thoả thuận, cam kết bằng văn bản của tất cả những người đã tham gia hợp đồng, giao dịch đó và phải được công chứng.
3. Thay đổi, bổ sung, hủy bỏ hợp đồng công chứng:
Tóm tắt câu hỏi:
Chào luật sư, Em và chồng em có vay bên B số tiền là 500 triệu và có thế chấp 2 sổ đỏ. Thời hạn vay là một năm (thời gian từ ngày 05/11/2014 – 05/11/2015). Hợp đồng vay này có công chứng vào ngày 05/11/2014. Trong hợp đồng này, hai bên có thỏa thuận với nhau rằng: “Hợp đồng này sẽ tự hủy trong vòng một năm (tức là từ ngày 05/11/2014- 05/11/2015). Tuy nhiên, bên B lại nói là cho em vay đến tháng 01/2016 tức là trễ so với hạn vay 2 tháng.
Đến tháng 1/2016 e đã trả cả gốc lẫn lãi và yêu cầu bên B đi công chứng hủy hợp đồng. Thì bên B nói rằng hợp đồng đã quá hạn và đã tự hủy và trên bộ công chứng tự động công chứng và tự ủy quyền hai sổ đỏ ngược lại cho vợ chồng em rồi nên bây giờ không phải đi công chứng nữa. Điều đó đồng nghĩa là em không cần đi công chứng hủy hợp đồng vay mà sổ đỏ của em đã thuộc sở hữu của vợ chồng em đúng không ạ? Chân thành cảm ơn luật sư!
Luật sư tư vấn:
Căn cứ vào khoản 1 và khoản 3 điều 51 Luật công chứng 2014 thì:
“1. Việc công chứng sửa đổi, bổ sung, hủy bỏ hợp đồng, giao dịch đã được công chứng chỉ được thực hiện khi có sự thỏa thuận, cam kết bằng văn bản của tất cả những người tham gia hợp đồng, giao dịch đó.
3. Thủ tục công chứng việc sửa đổi, bổ sung, hủy bỏ hợp đồng, giao dịch đã được công chứng được thực hiện như thủ tục công chứng hợp đồng, giao dịch quy định tại chương này.”
Như thế, mọi hoạt động sửa đổi, bổ sung hay hủy bỏ hợp đồng đều phải có sự thỏa thuận, cam kết bằng văn bản của tất cả các bên trong hợp đồng và được thực hiện tại nơi đã công chứng trước đó.
Trong trường hợp của bạn, do bên B chỉ thỏa thuận miệng với bạn về việc kéo dài thời hạn trả nợ cho bạn mà không đi công chứng lại thì việc thỏa thuận lại không được sửa đổi trong hợp đồng công chứng trước đó. Nghĩa là, bạn vẫn phải trả nợ đúng hạn (tức ngày 05/11/2015). Khi bạn trả nợ không đúng hạn, bên B vẫn có quyền xử lý tài sản thế chấp tức là mảnh đất của vợ chồng bạn theo điều 335 Bộ luật dân sự 2015:
“Trong trường hợp đã đến hạn thực hiện nghĩa vụ mà bên có nghĩa vụ không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ thì việc xử lý tài sản thế chấp được thực hiện theo quy định của điều 336 và điều 338 Bộ luật này. “
Tiếp theo là đến phần hủy bỏ hợp đồng công chứng. Dù bạn và bên B có thỏa thuận với nhau về điều khoản hợp đồng tự hủy bỏ nhưng theo quy định của pháp luật về công chứng thì các bên trong hợp đồng phải đến nơi mình công chứng và cùng nhau hủy bỏ hợp đồng. Chứ hợp đồng không thể tự hủy như bên B đã nói. Đối với quyền sử dụng đất mà bạn đã thế chấp thì cho đến khi hợp đồng công chứng vay đã bị hủy bỏ thì lúc đó hợp đồng thế chấp quyền sử dụng đất mới được hủy bỏ.
4. Trường hợp nào hủy bỏ hợp đồng không phải bồi thường:
Tóm tắt câu hỏi:
Tôi muốn tìm hiểu luật khởi kiện dân sư , về vi phạm
Nhưng khi tôi tìm hiểu thì hiện tại cộng hoà Séc không ký bất kỳ visa lao động nào cho người Việt Nam như Công ty TNHH Hưng An Bình đã ký kết với tôi, công ty thoả thuận sau 2-3 tháng tôi sẽ được ra Hà Nội ký kết hợp đồng với công ty nước ngoài và được tham gia đào tạo định hướng trước khi xuất cảnh một tháng. Sau khi ký hợp đồng với công ty nước ngoài Tôi phải chờ 1-2 tháng ra visa vá xuất cảnh.
Nhưng tới giờ là 4 tháng 6 ngày tôi vân chưa được ký kết bất cứ một hợp đồng nào cũng như tham gia bất cứ một khoá định hướng nào, khi tôi gọi điện hỏi thì công ty trả lời qua loa, hoặc bảo bận lát gọi lại thì không bao giờ gọi lại, và khi tôi cố gắng ngộ thì cứ bao tuần nay hoặc tuần sau, tôi trực tiếp xuống công ty thì Giám đốc không chịu gặp tôi, gọi điện anh ta không nghe máy, tôi muốn khởi kiện anh ta về tội lừa đảo và chiếm dụng tài sản, với phạm hợp đồng xuất khẩu lao động , vậy theo anh chị tôi có thể khởi kiện được không ạ ?
Luật sư tư vấn:
Theo tình huống trên, để xác định trách nhiệm cụ thể của các bên trong giao dịch cần phải căn cứ vào nội dung của hợp đồng giữa hai bên. Nếu như có căn cứ để cho rằng một bên tham gia hợp đồng có sự vi phạm trong việc thực hiện nội dung đã thỏa thuận trong hợp đồng thì hoàn toàn có quyền yêu cầu hủy bỏ hợp đồng. Theo quy định tại Điều 425 Bộ luật Dân sự:
“1. Một bên có quyền hủy bỏ hợp đồng và không phải bồi thường thiệt hại khi bên kia vi phạm hợp đồng là điều kiện hủy bỏ mà các bên đã thoả thuận hoặc pháp luật có quy định.
2. Bên hủy bỏ hợp đồng phải thông báo ngay cho bên kia biết về việc hủy bỏ, nếu không thông báo mà gây thiệt hại thì phải bồi thường.
3. Khi hợp đồng bị hủy bỏ thì hợp đồng không có hiệu lực từ thời điểm giao kết và các bên phải hoàn trả cho nhau tài sản đã nhận; nếu không hoàn trả được bằng hiện vật thì phải trả bằng tiền.
4. Bên có lỗi trong việc hợp đồng bị hủy bỏ phải bồi thường thiệt hại.”
Do đó, khi có sự vi phạm về nghĩa vụ trong hợp đồng, hai bên có thể thỏa thuận với nhau về việc giải quyết vi phạm hoặc bên còn lại có thể yêu cầu hủy bỏ hợp đồng. Sau khi tuyên bố hủy bỏ hợp đồng do có sự vi phạm của bên kia, người có quyền bị vi phạm có thể yêu cầu bên vi phạm phải hoàn trả lại số tài sản đã nhận do việc thực hiện hợp đồng, nếu không hoàn trả được bằng hiện vật thì phải trả bằng tiền. Nếu như trong hợp đồng, có thỏa thuận phạt thì hai bên có quyền thực hiện việc nộp phạt. Nếu bên nào có lỗi trong việc hợp đồng bị hủy bỏ thì phải bồi thường thiệt hại.
Sau khi hủy bỏ hợp đồng, nếu như bên vi phạm không thực hiện việc hoàn trả lại những tài sản đã nhận, bên có quyền bị vi phạm có thể khởi kiện ra tòa án dân sự để yêu cầu bên kia phải hoàn trả lại tài sản của mình. Chị cần căn cứ chủ thể nào đã ký kết hợp đồng với mình, là công ty hay một cá nhân cụ thể để xác định tòa án sẽ nộp đơn khởi kiện.
Nếu như, bên vi phạm hợp đồng có dấu hiệu cố tình không thực hiện hợp đồng và có dấu hiệu chiếm đoạt tài sản thì người đó mới có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Còn đối với chị, theo quy định tại Điều 101 Bộ luật tố tụng hình sự, việc tố giác tội phạm được quy định như sau:
“Công dân có thể tố giác tội phạm với Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Tòa án hoặc với các cơ quan khác, tổ chức. Nếu tố giác bằng miệng thì cơ quan, tổ chức tiếp nhận phải lập biên bản và có chữ ký của người tố giác.
Cơ quan, tổ chức khi phát hiện hoặc nhận được tố giác của công dân phải báo tin ngay về tội phạm cho Cơ quan điều tra bằng văn bản.“
Trong bất kỳ trường hợp nào, bất kì công dân nào phát hiện có dấu hiệu tội phạm thì đều có quyền tố giác hành vi đó ra cơ quan cảnh sát điều tra.
Nếu trong trường hợp công ty lấy tiền của bạn mà không có liên lạc với bạn và bạn cũng không thể liên lạc được với công ty do phía bên công ty trốn tránh để nhằm mục đích chiếm đoạt số tiền đó của bạn thì khi bạn khai báo ra cơ quan công an theo quy định tại Điều 174. Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản Bộ Luật hình sự quy định như sau:
“Điều 174. Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản
1. Người nào bằng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt tài sản của người khác trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng hoặc dưới 2.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:
a) Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi chiếm đoạt tài sản mà còn vi phạm;
b) Đã bị kết án về tội này hoặc về một trong các tội quy định tại các điều 168, 169, 170, 171, 172, 173, 175 và 290 của Bộ luật này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm;
c) Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội;
d) Tài sản là phương tiện kiếm sống chính của người bị hại và gia đình họ.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:
a) Có tổ chức;
b) Có tính chất chuyên nghiệp;
c) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng;
d) Tái phạm nguy hiểm;
đ) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn hoặc lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức;
e) Dùng thủ đoạn xảo quyệt;
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:
a) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;
c) Lợi dụng thiên tai, dịch bệnh.
4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân:
a) Chiếm đoạt tài sản trị giá 500.000.000 đồng trở lên;
c) Lợi dụng hoàn cảnh chiến tranh, tình trạng khẩn cấp.
5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.”
5. Căn cứ hủy bỏ hợp đồng dân sự:
Tóm tắt câu hỏi:
Thưa luật sư tôi có bản hợp đồng xây dựng như sau:
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc Lập- Tự Do – Hạnh Phúc
HỢP ĐỒNG XÂY NHÀ
Hôm nay ngày 18 tháng 9 năm 2016. Tại nhà Ông Phạm Thanh Quân, Thôn Trung Đông xã Trung Lễ – huyện Đức Thọ – tỉnh Hà tĩnh Chúng tôi gồm:
Chủ thuê làm nhà: Ông Phạm Thanh Quân (Gọi tắt là bên A),
Chủ thợ làm nhà: Ông Đinh Quang Thắng (Gọi tắt là bên B)
Sau khi bàn bạc thống nhất các nội dung sau: Bên B xây theo bản thiết kế (Kèm theo) gồm:
+) Đào móng nhà, gia cường cọc tre cho móng, xây móng tường, xây tường, hom (hom 4 lần chống thấm trong đó có 2 lần mác 1-1), trát be bờ, đổ mặt bằng toàn bộ sàn nhà bằng bê tông, lát sàn nhà trong đó có ốp ri tường (Ri cao 80 cm), trang trí mặt trước, lợp ngói.
+) Sơn phần trước Yêu cầu kĩ thuật Tường phải thẳng phẳng nếu không thẳng, Phẳng bên B phải sửa lại và bồi thường vật liệu. Thời gian đổ mái theo ngày của bên A ấn định là : ngày 24 tháng 10 năm 2016 (Dương lịch). II) Đơn giá
+) Phần nhà đổ bằng với giá 900.000 đ/m2 (Chín trăm ngàn đồng trên một mét vuông).
+) Phần nhà gỗ với giá 600.000 đ/m2 (Sáu trăm ngàn đồng trên một mét vuông) Chú ý: phần đổ bằng chỉ được tính phần nào đổ bê tông trần nhà, phần còn lại là diện tích ngôi nhà trừ đi phần đổ bằng.
+) Phần sơn mặt trước với giá 20.000 đ/m2 (Hai mươi ngàn đồng trên một mét vuông). Tiền bồi dưỡng buổi chiều trong quá trình làm nhà là 3.000.000đ [Ba triệu đồng]. III) Thời gian thi công: Kể từ ngày 20 tháng 9 năm 2016 Dương lịch (tức 20/8 âm lịch) hoàn thiện trước ngày 17 tháng 1 năm 2017 Dương lịch (tức 20/12/2016 âm lịch). Nếu bên A có nhu cầu ốp tường nhà bên B phải thực hiện theo đơn giá 50.000 đ/m2, nếu sơn theo đơn giá 20.000 đ/m2 (Hai mươi ngàn đồng trên một mét vuông). IV) Hình thức thanh toán tiền mặt.
+) Thời gian thanh toán xây xong phần thô thanh toán khoảng 50 phần trăm. Phần còn lại thanh toán ngay sau khi hoàn thiện công trình theo hợp đồng trên. V) Ngừng hợp đồng Bên B ngừng hợp đồng khi bên A không thanh toán đầy đủ theo yêu cầu trên. Bên A ngừng hợp đồng khi bên B làm không đúng thiết kế, không đảm bảo kỹ thuật về xây dựng và không đúng tiến độ thi công. Chú ý trong quá trình thi công bên B phải chịu trách nhiệm về an toàn lao động quản lí phương tiện của mình.
Hợp đồng được làm thành 02 bản có giá trị pháp lí ngang nhau. Bên A giữ một bản và bên B giữ một bản. Trung Lễ, ngày 18 tháng 9 năm 2016, Bên A Bên B Phạm Thanh Quân Đinh Quang Thắng. Trong quá trình làm phần móng bên B đã làm sai kỹ thuật một vài chỗ xét thấy năng lực yếu bên A muốn chấm dứt hợp đồng nhưng bên B không chấp nhận cứ yêu cầu làm tiếp.
Tôi đã gặp 4 lần yêu cầu chấm dứt hợp đồng nhưng bên B không chịu kể cả chúng tôi cho phép tính đầy đủ tiền công bên A đã làm và bồi thường tiền đơn phương chấm dứt hợp đồng này cho bên B. Vậy xin hỏi quý luật sư làm thế nào để chúng tôi có cơ sở pháp lí để chấm dứt hợp đồng này để thực hiện với một chủ thầu khác? Xin cảm ơn.
Luật sư tư vấn:
Theo thông tin bạn cung cấp, trong hợp đồng ký kết giữa bạn và bên B có điều khoản quy định rõ về ngừng hợp đồng: Bên A ngừng hợp đồng khi bên B làm không đúng thiết kế, không đảm bảo kỹ thuật về xây dựng và không đúng tiến độ thi công.
Nếu bạn có căn cứ chứng minh rõ là bên B không làm đúng thiết kế, không đảm bảo kỹ thuật về xây dựng và không đúng tiến độ thi công thì bạn có quyền hủy bỏ hợp đồng và bên bạn không phải bồi thường thiệt hại theo quy định tại Điều 425
“Điều 425. Hủy bỏ hợp đồng dân sự
1. Một bên có quyền hủy bỏ hợp đồng và không phải bồi thường thiệt hại khi bên kia vi phạm hợp đồng là điều kiện hủy bỏ mà các bên đã thoả thuận hoặc pháp luật có quy định.
2. Bên hủy bỏ hợp đồng phải thông báo ngay cho bên kia biết về việc hủy bỏ, nếu không thông báo mà gây thiệt hại thì phải bồi thường.
3. Khi hợp đồng bị hủy bỏ thì hợp đồng không có hiệu lực từ thời điểm giao kết và các bên phải hoàn trả cho nhau tài sản đã nhận; nếu không hoàn trả được bằng hiện vật thì phải trả bằng tiền.
4. Bên có lỗi trong việc hợp đồng bị hủy bỏ phải bồi thường thiệt hại.”
Theo quy định trên, bên bạn phải thông báo ngay cho bên kia biết về việc hủy bỏ, nếu không thông báo mà gây thiệt hại thì phải bồi thường. Nếu bên B không đồng ý chấm dứt hợp đồng thì bạn có thể khởi kiện tới Tòa án nhân dân cấp huyện nơi bên B cư trú để giải quyết.