Để quản lý tốt nguồn điện được sử dụng an toàn, tránh lãng phí Nhà nước đặt ra nhiều quy chuẩn để quản lý việc sử dụng năng lượng này. Vậy, sử dụng thiết bị điện quá tải so với thiết kế bị phạt bao nhiêu? Cơ quan nào có thẩm quyền xử phạt khi có vi phạm trong sử dụng thiết bị điện?
Mục lục bài viết
- 1 1. Hiểu biết chung về sử dụng thiết bị điện quá tải:
- 2 2. Sử dụng thiết bị điện quá tải so với thiết kế bị phạt bao nhiêu:
- 3 3. Thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính khi sử dụng thiết bị điện quá tải so với thiết kế:
- 4 4. Thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính khi có sai phạm trong sử dụng thiết bị điện:
1. Hiểu biết chung về sử dụng thiết bị điện quá tải:
1.1. Những tác hại khi xảy ra tình trạng quá tải điện?
Quá tải điện (Overload) là hiện tượng diễn ra ngày càng phổ biến trong đời sống hàng ngày, xuất hiện khi cường độ dòng điện vượt quá giới hạn cho phép. Đặc biệt, trong những thời điểm trọng yếu nhu cầu sử dụng điện năng tăng nhanh nên thiết bị dẫn nguồn điện có thể bị quá tải dẫn đến những sự cố điện không đáng có.
Tình trạng quá tải điện diễn ra gây ảnh hưởng lớn đến cuộc sống sinh hoạt của người dân cũng như ảnh hưởng tính mạng, sức khỏe nếu tình trạng này diễn ra thường xuyên và mức độ nguy hiểm cao. Những tác hại cho hệ thống điện và người sử dụng, có thể kể đến:
– Thiết bị điện không hoạt động đúng cách: trong quá trình sử dụng tình trạng quá tải điện có thể làm nên những sự cố điện không đáng có, làm cho thiết bị điện hoạt động không đúng cách hoặc bị hư hỏng.
– Trực tiếp làm suy giảm tuổi thọ của thiết bị điện: việc phải truyền tải nguồn điện quá với thiết kế ban đầu dẫn đến việc quá tải, đương nhiên làm cho các thiết bị điện bị hư hỏng sớm hơn.
– Làm tăng đột ngột chi phí sử dụng điện: Cá nhân đồng thời sử dụng nhiều thiết bị điện trong một thời gian ngắn nên điện năng sẽ bị tập trung và quá tải trên hệ thống điện. Điều này, là một trong những yếu tố làm tăng chi phí sử dụng điện.
– Gây cháy nổ, điện bị chập chờn: Quá tải điện có thể dẫn đến cháy nổ trong quá trình đang sử dụng, chập điện và các sự cố liên quan đến điện, đặc biệt khi sử dụng các thiết bị điện không đúng cách.
– Mất điện: Về cơ chế khi thiết bị cung cấp điện được lắp ráp để truyền tải điện theo đúng chức năng nhưng khi hiện tượng quá tải điện xảy ra, thì sẽ có cơ chế tự động ngắt kết nối điện để bảo vệ hệ thống điện khỏi sự cố, dẫn đến mất điện tạm thời.
– Không chủ ảnh hưởng lớn đến cá nhân sử dụng điện mà tình trạng quá tải điện còn làm ảnh hưởng đến môi trường: Nhu cầu sử dụng điện tăng cao thì việc cung cấp năng lượng này cũng phải diễn ra liên tục làm cho khí thải xả ra môi trường ngày càng nhiều.
1.2. Hành vi vi phạm trong hoạt động điện lực và sử dụng điện:
Căn cứ Điều 7 Văn bản hợp nhất 06/VBHN-VPQH 2022 Luật Điện lực quy định về các hành vi bị cấm trong hoạt động điện lực và sử dụng điện, như sau:
– Bất kì một cá nhân, tổ chức nào có hành vi gây phá hoại các trang thiết bị điện, thiết bị đo đếm điện và công trình điện lực đều bị pháp luật nghiêm cấm;
– Kinh doanh hoạt động điện lực là nhu cầu thiết yếu nhưng phải đảm bảo theo đúng trình tự pháp luật. Đó là tiến hành xin cấp giấy phép đăng ký kinh doanh. Việc không có giấy phép là trái với Luật này;
– Nghiêm cấm hành vi đóng, cắt điện trái quy định của pháp luật.
– Trong quá trình sử dụng để đảm bảo an toàn thì các cá nhân không được có bất kỳ hành vi nào làm mất an toàn trong phát điện, truyền tải điện, phân phối điện và sử dụng điện.
– Cản trở việc kiểm tra hoạt động điện lực và sử dụng điện.
– Sử dụng nguồn điện không hợp pháp như trộm cắp điện từ chính cơ quan, trụ sở, hoặc của cá nhân khác,..
– Đem nguồn điện để sử dụng trong việc bẫy, bắt động vật hoặc làm phương tiện bảo vệ. Những hoạt động này đi ngược lại với mục tiêu ban đầu khi đưa nguồn điện vào trong đời sống, sản xuất của con người trừ trường hợp được quy định tại Điều 59 của Luật này.
– Chủ sử dụng điện không được có hành vi vi phạm đến việc đảm bảo hành lang an toàn lưới điện, giữ một khoảng cách an toàn của đường dây và trạm điện đến nơi sử dụng;
– Cung cấp thông tin có sự giấu diếm, không trung thực làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân hoạt động điện lực và sử dụng điện.
– Với những cá nhân có chức vụ, quyền hạn mà lợi dụng chức vụ, quyền hạn này gây khó khăn, sách nhiễu, đặc biệt là thu lợi bất chính trong hoạt động điện lực và sử dụng điện.
– Ngoài ra, bất kỳ hành vi trái với mục đích ban đầu khi đưa nguồn điện sử dụng thì đều là các hành vi khác vi phạm quy định của pháp luật về điện lực.
2. Sử dụng thiết bị điện quá tải so với thiết kế bị phạt bao nhiêu:
Căn cứ theo Điều 36, Nghị định 144/2021/NĐ-CP xử phạt hành chính lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội quy định về phòng cháy và chữa cháy trong lắp đặt, quản lý, sử dụng điện thì cá nhân, tổ chức có những hành vi dưới đây sẽ áp dụng mức phạt hành chính. Cụ thể như sau:
– Cá nhân, tổ chức nếu có bất kỳ hành vi vi phạm dưới đây nào dưới đây sẽ bị xử phạt từ 2.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng:
+ Cá nhân tự ý thay đổi thiết kế hoặc thông số chủ yếu của hệ thống điện, thiết bị điện mà không được cơ quan có thẩm quyền chấp thuận;
+ Để đảm bảo an toàn trong quá trình sử dụng thì khi lắp đặt, sử dụng dây dẫn điện, cáp dẫn điện hoặc thiết bị đóng ngắt, bảo vệ hoặc thiết bị sử dụng điện phải đảm bảo theo quy định. Trường hợp, không bảo đảm an toàn phòng cháy và chữa cháy thì sẽ bị xử phạt theo quy định của pháp luật.
– Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:
+ Phòng tránh cháy nổ là yêu cầu quan trọng nhất trong khi sử dụng thiết bị điện. Những thiết bị không bảo đảm yêu cầu phòng nổ theo quy định trong môi trường nguy hiểm cháy, nổ được đưa vào sử dụng hoàn toàn bị nghiêm cấm;
+ Nguồn điện dự phòng giữ vai trò quan trọng được đem ra sử dụng với một số trường hợp cấp thiết. Nếu không có hoặc không bảo đảm nguồn điện dự phòng cho hệ thống phòng cháy, chữa cháy và hệ thống kỹ thuật có liên quan theo quy định của pháp luật là một trong những hành vi vi phạm;
– Các cá nhân có thể bị áp dụng mức phạt tiền từ 15.000.000 đồng đến 25.000.000 đồng đối với hành vi không lắp đặt các hệ thống, thiết bị điện phục vụ yêu cầu phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ theo quy định của pháp luật.
– Ngoài ra, trong văn bản pháp luật điều chỉnh quá trình lắp đặt, sử dụng điện còn ghi nhận biện pháp khắc phục hậu quả như buộc cá nhân, tổ chức lắp đặt hệ thống điện phục vụ yêu cầu phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 3 Điều này.
Như vậy, sử dụng thiết bị điện quá tải so với thiết kế là hành vi không đảm bảo an toàn trong quá trình sử dụng khi lắp đặt, sử dụng dây dẫn điện, cáp dẫn điện nên có thể bị xử phạt với mức từ 2.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng.
3. Thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính khi sử dụng thiết bị điện quá tải so với thiết kế:
Căn cứ theo Điều 5, Nghị định 144/2021/NĐ-CP xử phạt hành chính lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội quy định về thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực phòng cháy, chữa cháy như sau:
– Trong thời hạn một năm khi phát hiện hành vi vi phạm hành chính dẫn đến không đảm bảo về phòng cháy chữa cháy thì cơ quan có thẩm quyền tiến hành ra quyết định xử phạt.
– Thời điểm để tính thời hiệu phạt vi phạm hành chính được quy định như sau:
+ Đối với hành vi vi phạm hành chính đã thực hiện xong mặc dù chưa xảy ra hậu quả thì khi bị phát hiện thời hiệu xử phạt được tính từ thời điểm chấm dứt hành vi vi phạm;
+ Đối với hành vi vi phạm hành chính đang thực hiện mà bị người có thẩm quyền phát hiện hành vi vi phạm thì thời hiệu được tính từ thời điểm người có thẩm quyền thi hành công vụ phát hiện ra hành vi đó;
+ Với các trường hợp cá nhân, tổ chức có hành vi vi phạm và đã bị lập biên bản thì thời hiệu xử phạt được áp dụng theo quy định tại khoản 1 Điều này và các điểm a và b khoản này tính đến thời điểm ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính.
4. Thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính khi có sai phạm trong sử dụng thiết bị điện:
Căn cứ theo từng lỗi vi phạm được quy định tại Chương III, Nghị định 144/2021 về thẩm quyền xử lý vi phạm hành chính thì những cá nhân, cơ quan sau có thẩm quyền lập biên bản, xử phạt hành vi vi phạm:
– Chủ tịch Ủy ban nhân dân các cấp có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính xảy ra tại địa phương thuộc phạm vi quản lý ( Uỷ ban nhân dân xã; huyện; tỉnh) xử phạt vi phạm quy định tại các điều từ Điều 34 đến Điều 37 của Nghị định này.
– Thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính của Thanh tra:
+ Thanh tra viên, người được giao thực hiện nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành về lĩnh vực điện lực, sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả đang thi hành công vụ có thẩm quyền xử phạt cảnh cáo đối với các hành vi vi phạm quy định;
+ Chánh Thanh tra Sở Công Thương, Trưởng đoàn thanh tra chuyên ngành cấp sở, Trưởng đoàn thanh tra chuyên ngành của cơ quan quản lý nhà nước được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành về lĩnh vực điện lực, sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả có quyền xử phạt đối với các hành vi vi phạm quy định;
– Chánh Thanh tra Sở Xây dựng có thẩm quyền xử phạt đối với các hành vi vi phạm quy định tại Khoản 3 Điều 35;
– Chánh Thanh tra Sở Giao thông vận tải có thẩm quyền xử phạt đối với các hành vi vi phạm quy định tại Điều 26 Nghị định này trong phạm vi quản lý;
– Trưởng đoàn thanh tra chuyên ngành cấp bộ của cơ quan quản lý nhà nước về lĩnh vực điện lực, sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả có thẩm quyền xử phạt đối với hành vi vi phạm quy định tại Khoản 5 Điều 35;
– Chánh Thanh tra Bộ Công Thương có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính trên phạm vi cả nước;
– Chánh Thanh tra Bộ Giao thông vận tải có thẩm quyền xử phạt đối với các hành vi vi phạm quy định tại Điều 26 Nghị định này trong phạm vi quản lý;
– Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực có thẩm quyền xử phạt đối với các hành vi vi phạm quy định tại Điều 5 và các điều từ Điều 7 đến Điều 14 Nghị định này trên phạm vi cả nước;
– Cục trưởng Cục Kỹ thuật an toàn và Môi trường công nghiệp có thẩm quyền xử phạt đối với các hành vi vi phạm quy định từ Điều 15 đến Điều 18 Nghị định này trên phạm vi cả nước;
– Thẩm quyền xử phạt của Công an nhân dân
Những người sau đây khi phát hiện các hành vi vi phạm quy định tại Nghị định này thuộc địa bàn quản lý thì có quyền xử phạt;
– Cục trưởng Cục An ninh kinh tế, Cục trưởng Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội có thẩm quyền xử phạt đối với hành vi vi phạm quy định tại Điều 18 Nghị định này trên phạm vi cả nước;
Các văn bản pháp luật được sử dụng:
– Văn bản hợp nhất 06/VBHN-VPQH 2022 Luật Điện lực;
– Nghị định số 144/2021/NĐ-CP của Chính phủ: Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy, chữa cháy; cứu nạn, cứu hộ; phòng, chống bạo lực gia đình.