Việc sử dụng trái phép chất ma túy là một vấn nạn phức tạp và khó xử lý dứt diểm hiện nay, ảnh hưởng nghiệm trọng đến nền an ninh, trật tự, an toàn xã hội. Nhà nước Việt Nam đã có những quy định nghiêm ngặt xử lý các hành vi nêu trên. Vậy hành vi sử dụng ma túy đá trong khách san có bị đi tù hay không?
Mục lục bài viết
1. Ma túy đá là gì?
Ma túy đá (hay còn được gọi là hàng đá, chấm đá) đây là tên gọi chỉ chung cho các loại ma túy tổng hợp, nó có chứa chất methamphetamine (meth) và amphethamine (amph) thậm chí là niketamid được phối trộn từ nguyên liệu và hóa chất khác nhau trong đó thành phần chính, phổ biến là methamphetamine. Loại ma túy đá này được nhóm người sử dụng gọi là “đá” vì hình dạng bên ngoài trông giống đá – là tinh thể kết tinh thành những mảnh vụn li ti, gần giống với hạt mì chính hoặc giống hạt muối và óng ánh giống đá. Ngoài ra, ma túy đá còn lưu thông bất hợp pháp trên thị trường dưới các dạng khác như cục, bột, viên nén. Đây là loại ma túy được tồn tại dưới dạng tinh thể, trông giống như pha lê.
Việc sử dụng ma túy đá có tác động trực tiếp gây kích thích hệ thần kinh trung ương và có thể gây nên ảo giác trong một thời gian dài. Sự hưng phấn, sung mãn, tự tin của những người sau khi sử dụng ma túy đá sẽ khiến họ có thể làm những điều không tưởng như: chạy xe điên cuồng, tự rạch, cào, cắn vào chính cơ thể mình, quan hệ tình dục tập thể, nhảy nhót, la hét… Trong ma túy cũng có chứa chất dùng trong thuốc giảm cân, nên dù người sử dụng ma túy đá hoạt động với tần suất cao nhưng lại không làm cho họ thèm ăn, buồn ngủ sau đó 3 – 4 ngày liền, hoặc lâu hơn.
Theo quy định tại khoản 1 Điều 2 của Luật Phòng, chống ma túy ngày 30/3/2021, chất ma túy được định nghĩa là những chất gây nghiện hoặc chất hướng thần nằm trong danh mục do Chính phủ ban hành. Điều này có nghĩa là việc sử dụng, sản xuất và phân phối các chất này đều bị pháp luật nghiêm cấm, nhằm bảo vệ sức khỏe cộng đồng và trật tự xã hội
2. Sử dụng ma túy đá trong khách sạn có phải đi tù không?
Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi, bổ sung 2017 chưa có quy định cụ thể về tội danh sử dụng trái phép chất ma túy, vì vậy hành vi sử dụng ma túy đá không dẫn đến án tù, mà sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính theo Nghị định 144/2021/NĐ-CP.
Cụ thể theo quy định tại khoản 1 Điều 23 Nghị định 144/2021/NĐ-CP quy định mức phạt đối với các hành vi vi phạm quy định phòng, chống và kiểm soát ma túy, theo đó đối với hành vi sử dụng trái phép chất ma túy thì người có hành vi vi phạm có thể bị áp dụng hình phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng.
Bên cạnh đó, tại quy định khoản 8 Điều 23 Nghị định 144/2021/NĐ-CP thì người có hành vi sử dụng trái phép chất ma túy có thể bị áp dụng các hình thức phạt bổ sung như tịch thu tang vật, phương tiện liên quan đến hành vi sử dụng trái phép chất ma túy, đối với trường hợp người nước ngoài có hành vi sử dụng trái phép ma túy có thể bị trục xuất về nước. Điều này có nghĩa là nếu một người bị bắt về hành vi sử dụng trái phép ma túy đá trong khách sạn, các vật dụng liên quan đến hành vi vi phạm nhu ma túy đá, dụng cụ sử dụng hoặc phương tiện vận chuyển cũng bị thu giữ. Việc pháp luật quy định cụ thể cũng thể hiện tính nghiêm minh của nhà nước trong việc đối phó với các tệ nạn liên quan đến ma túy.
Tóm lại, người sử dụng ma túy đá trái phép trong khách sạn không bị áp dụng án tù tuy nhiên hành vi sử dụng trái phép chất ma túy có thể được áp dụng hình phạt tiển và các hình thức xử phạt bổ sung.
3. Sử dụng ma túy đá có tổ chức trong khách sạn có bị phạt tù hay không?
Hiện pháp luật chưa có quy định về hành vi sử dụng ma túy đá trái phép. Tuy nhiên, đối với hành vi sử dụng ma túy đá có tổ chức trong khách sạn hoặc bất kỳ nơi nào đều có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự.Việc sử dụng ma túy có tổ chức được thể hiện qua việc: cùng nhau chuẩn bị địa điểm (như thuê khách sạn), rủ rê, lôi kéo nhiều người tham gia, hoặc có người chịu trách nhiệm cung cấp ma túy, thì đây không chỉ là hành vi sử dụng trái phép mà còn có thể cấu thành tội phạm.
Theo quy định tại Điều 255 Văn bản hợp nhất 01/VBHN-VPQH năm 2017 hợp nhất Bộ luật Hình sự về tội tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy thì mức phạt tù thấp nhất được áp dụng đối với hành vi tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy là 02 năm tù, mức hình phạt cao nhất có thể áp dụng là tù chung thân. Ngoài ra, người phạm tội còn có thể được áp dụng các hình phạt bổ sung như phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng, phạt quản chế, cấm cư trú từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản của mình. Như vậy, tùy vào hành vi sử dụng ma túy có tổ chức ở tính chất, mức độ khác nhau có thể phải lãnh mức án phạt tù. Như vậy, hành vi sử dụng ma túy đá có tổ chức trong khách sạn không chỉ bị xử phạt vi phạm hành chính mà còn có thể bị xử lý hình sự nghiêm khắc.
4. Người sử dụng ma túy trái phép bị phạt bao nhiêu tiền?
Trong vấn đề phòng, chống tệ nạn xã hội cụ thể là ma túy, việc xử lý các hành vi vi phạm đã được quy đinh cụ thể tại Nghị định 144/2021/NĐ-CP. Theo quy định tại khoản 1 Điều 23 Nghị định 144/2021/NĐ-CP, hành vi sử dụng trái phép chất ma túy, bao gồm ma túy đá sẽ bị phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng. Mức phạt này được áp dụng với mục đích nhắc nhở, răn đe, giáo dục người có hành vi vi phạm, đồng thời phản ánh thái độ của nhà nước trong việc phòng, chống và kiểm soát ma túy.
Tuy nhiên, nếu người có hành vi vi phạm không chỉ có hành vi sử dụng trái phép chất ma túy, mà còn tham gia vào các hoạt động khác liên quan đến hành vi vi phạm như: tàng trữ, vận chuyển trái phép hoặc chiếm đoạt chất ma túy nhưng không bị truy cứu trách nhiệm hình sự; Tàng trữ, vận chuyển, mua bán hoặc chiếm đoạt tiền chất dùng vào việc sản xuất trái phép chất ma túy; Sản xuất, tàng trữ, vận chuyển hoặc mua, bán phương tiện, dụng cụ dùng vào việc sản xuất hoặc sử dụng trái phép chất ma túy, mức phạt tiền được áp dụng từ 2.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng.
Bên cạnh đó, người đứng đầu hoặc quản lý các cơ sở kinh doanh, dịch vụ mà để xảy ra tình trạng sử dụng trái phép chất ma túy trong khu vực bản thân quản lý hoặc môi giới, giúp sức hoặc hành vi khác giúp người khác sử dụng trái phép chất ma túy có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng. Như vậy, cá nhân để hành vi sử dụng trái phép chất ma túy xảy ra trong khu vực bản thân quản lý hoặc có hành vi giúp sức người khác sử dụng trái phép chất ma túy sẽ bị xử phạt hành chính với mức phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng. Theo quy định tại khoản 2 Điều 4 Nghị định 144/2021/NĐ-CP, mức phạt tối đa trong lĩnh vực phòng, chống tệ nạn xã hội đối với cá nhân có thể lên đến 75.000.000 đồng, trong khi mức phạt đối với tổ chức có thể lên tới 150.000.000 đồng. Điều này cho thấy sự nghiêm minh của pháp luật Việt Nam trong việc xử lý các hành vi vi phạm liên quan đến ma túy, không chỉ nhằm bảo vệ sức khỏe cộng đồng mà còn để ngăn chặn sự lây lan của tệ nạn xã hội.
Tóm lại, người có hành vi sử dụng trái phép ma túy sẽ phải đối mặt với mức phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng. Tuy nhiên, mức phạt này có thể tăng lên nếu các hành vi vi phạm nghiêm trọng hơn được thực hiện. Điều này cũng cho thấy sự cứng rắn và quyết tâm của Nhà nước trong việc đối phó với tệ nạn ma túy trong xã hội hiện nay.
THAM KHẢO THÊM: