Flycam có lẽ là một thiết bị không còn xa lạ đối với mỗi người, tuy nhiên việc sử dụng thiết bị này cần được cơ quan có thẩm quyền cho phép. Vậy trường hợp sử dụng Flycam khi chưa được cấp phép bị xử lý thế nào? Cùng tìm hiểu bài viết dưới đây.
Mục lục bài viết
1. Sử dụng Flycam khi chưa được cấp phép bị xử lý thế nào?
Flycam có thể hiểu, Fly có nghĩa là bay và Cam là viết tắt của camera, Flycam là một thiết bị bay có gắn camera, được sử dụng điều khiển từ xa để chụp ảnh, quay phim. Có thể hiểu flycam như một thiết bị bay không có người lái. Tàu bay không người lái là thiết bị bay mà việc điều khiển, duy trì hoạt động của chuyến bay không cần có sự tham gia điều khiển trực tiếp của phi công, tổ lái trên thiết bị bay đó.
Pháp luật Việt Nam cũng đặt ra giới hạn nhất định đối với hoạt động bay này, đó là trước khi thực hiện hoạt động bay phải xin phép cơ quan có thẩm quyền. Nếu không xin phép hoặc chưa được cấp giấy phép mà thực hiện hoạt động bay đối với flycam sẽ phải chịu hình thức xử phạt theo quy định.
Căn cứ khoản 2, khoản 10 Điều 7 Nghị định 144/2021/NĐ-CP thì hành vi sử dụng Flycam khi chưa được cấp phép có mức xử phạt như sau:
– Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với các đối tượng thực hiện một trong những hành vi sau đây:
+ Hành vi sử dụng tàu bay không người lái hoặc phương tiện bay siêu nhẹ chưa được đăng ký cấp phép bay hoặc tổ chức các hoạt động bay khi chưa có giấy phép hoặc đã đăng ký nhưng điều khiển bay không đúng thời gian, địa điểm, khu vực, tọa độ, giới hạn cho phép.
+ Hành vi tổ chức các hoạt động bay của tàu bay không người lái, phương tiện bay siêu nhẹ khi phương tiện bay chưa đáp ứng các tiêu chuẩn đủ điều kiện bay;
– Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với hành vi thực hiện hoạt động bay không người lái và các phương tiện bay siêu nhẹ khi chưa có phép bay do cơ quan có thẩm quyền cấp.
Ngoài ra, hành vi vi phạm này còn bị áp dụng hình thức phạt bổ sung là tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính đối với hành vi vi phạm.
Như vậy, những hành vi không đăng ký mà cho bay flycam trên bầu trời có thể bị xử phạt vi phạm hành chính. Thậm chí, nếu hành vi này gây ra hậu quả đến tính mạng, danh dự, sức khoẻ,… thì còn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
2. Thẩm quyền xử phạt hành vi sử dụng Flycam khi chưa được cấp phép:
Căn cứ Điều 68, 69 Nghị định 144/2021/NĐ-CP xử phạt hành chính lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội thì thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính của Chủ tịch Ủy ban nhân dân các cấp, Công an nhân dân được quy định như sau:
– Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã có thẩm quyền phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền đến 4.000.000 đồng đối với hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội.
– Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện có thẩm quyền phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền đến 20.000.000 đồng đối với hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội.
– Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có thẩm quyền phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền đến 40.000.000 đồng đối với hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội.
– Chiến sĩ Công an nhân dân đang thi hành công vụ có thẩm quyền phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền đến 400.000 đồng đối với hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội.
– Thủ trưởng đơn vị Cảnh sát cơ động cấp đại đội, Trưởng trạm, Đội trưởng của người được quy định tại khoản 1 Điều này có quyền phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền đến 1.200.000 đồng đối với hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội.
– Trưởng Công an cấp xã, Trưởng đồn Công an, Trưởng trạm Công an cửa khẩu, khu chế xuất, Trưởng Công an cửa khẩu Cảng hàng không quốc tế, Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn Cảnh sát cơ động, Thủy đội trưởng có thẩm quyền phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền đến 2.000.000 đồng đối với hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội.
– Trưởng Công an cấp huyện; Trưởng phòng nghiệp vụ thuộc Cục An ninh chính trị nội bộ; Trưởng phòng nghiệp vụ thuộc Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội; Trưởng phòng nghiệp vụ thuộc Cục Cảnh sát giao thông; Trưởng phòng nghiệp vụ thuộc Cục Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ; Trưởng phòng nghiệp vụ thuộc Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao; Trưởng phòng nghiệp vụ thuộc Cục Quản lý xuất nhập cảnh; Trưởng phòng Công an cấp tỉnh gồm: Trưởng phòng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội, Trưởng phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội, Trưởng phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu, Trưởng phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy, Trưởng phòng Cảnh sát giao thông, Trưởng phòng Cảnh sát giao thông đường bộ – đường sắt, Trưởng phòng Cảnh sát giao thông đường bộ, Trưởng phòng Cảnh sát đường thủy, Trưởng phòng Cảnh sát cơ động, Trưởng phòng Cảnh sát bảo vệ, Trưởng phòng Cảnh sát thi hành án hình sự và hỗ trợ tư pháp, Trưởng phòng Cảnh sát phòng, chống tội phạm về môi trường, Trưởng phòng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ, Trưởng phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Trưởng phòng Quản lý xuất nhập cảnh, Trưởng phòng An ninh chính trị nội bộ, Trưởng phòng An ninh kinh tế, Trưởng phòng An ninh đối ngoại, Trung đoàn trưởng Trung đoàn Cảnh sát cơ động, Thủy đoàn trưởng có thẩm quyền phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền đến 8.000.000 đồng đối với hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội.
– Giám đốc Công an cấp tỉnh có thẩm quyền phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền đến 20.000.000 đồng đối với hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội.
– Cục trưởng Cục An ninh chính trị nội bộ, Cục trưởng Cục An ninh kinh tế, Cục trưởng Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội, Cục trưởng Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội, Cục trưởng Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu, Cục trưởng Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy, Cục trưởng Cục Cảnh sát giao thông, Cục trưởng Cục Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ, Cục trưởng Cục Cảnh sát phòng, chống tội phạm về môi trường, Cục trưởng Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Cục trưởng Cục An ninh nội địa, Cục trưởng Cục Cảnh sát quản lý tạm giữ, tạm giam và thi hành án hình sự tại cộng đồng, Tư lệnh Cảnh sát cơ động có thẩm quyền phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền đến 40.000.000 đồng đối với hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội.
– Cục trưởng Cục Quản lý xuất nhập cảnh có thẩm quyền xử phạt giống Cục trưởng Cục An ninh chính trị nội bộ và có quyền quyết định áp dụng hình thức xử phạt trục xuất.
Căn cứ vào quy định trên, đồng thời do mức phạt của hành vi sau đây sử dụng tàu bay không người lái hoặc phương tiện bay siêu nhẹ chưa được đăng ký cấp phép bay hoặc tổ chức các hoạt động bay khi chưa có giấy phép hoặc đã đăng ký nhưng điều khiển bay không đúng thời gian, địa điểm, khu vực, tọa độ, giới hạn cho phép hoặc hành vi tổ chức các hoạt động bay của tàu bay không người lái, phương tiện bay siêu nhẹ khi phương tiện bay chưa đáp ứng các tiêu chuẩn đủ điều kiện bay có mức xử phạt là từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng vậy nên Chiến sĩ Công an nhân dân đang thi hành công vụ không có thẩm quyền xử phạt hành vi này.
3. Thủ tục xin cấp phép bay flycam:
Điều 9 Văn bản hợp nhất 12/NĐHN-BQP quy định hồ sơ xin cấp phép sử dụng flycam bao gồm:
– Đơn đề nghị cấp phép bay theo mẫu
– Giấy phép hoặc giấy uỷ quyền hợp pháp cho phép tàu bay, phương tiện bay thực hiện cất cánh, hạ cánh tại sân bay, khu vực trên mặt đất, mặt nước.
– Các giấy tờ, tài liệu khác theo quy định về tàu bay, phương tiện bay
Quy trình nộp hồ sơ như sau:
– Chuẩn bị một bộ hồ sơ nêu trên và nộp theo hình thức nộp trực tiếp hoặc nộp qua đường bưu điện đến địa chỉ văn phòng Cục tác chiến – Bộ Quốc Phòng, địa chỉ: Số 1 Nguyễn Tri Phương, Quận Ba Đình, Hà Nội
Lưu ý: Hồ sơ đầy đủ phải được gửi về Cục tác chiến chậm nhất 07 ngày trước ngày dự kiến dự kiến tổ chức các chuyến bay và nếu các tổ chức cá nhân muốn sửa đổi lại phép bay đến Cục Tác chiến – Bộ Tổng Tham mưu thì nộp đơn đề nghị sửa đổi chậm nhất 07 ngày làm việc, trước ngày dự kiến tổ chức thực hiện các chuyến bay.
Các văn bản pháp luật được sử dụng trong bài viết:
– Văn bản hợp nhất 12/NĐHN-BQP năm 2013 do Bộ Quốc phòng ban hành hợp nhất Nghị định về việc quản lý tàu bay không người lái và các phương tiện bay siêu nhẹ
– Nghị định 144/2021/NĐ-CP xử phạt hành chính lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội