Vợ chồng A Phủ là một trong những thành công lớn của nhà văn Tô Hoài, là tác phẩm tiêu biểu cho chương trình ngữ văn THPT. Bài viết dưới đây sẽ hướng dẫn cách soạn bài bao gồm các nội dung như: tác giả, tác phẩm, bố cục và hình tượng các nhân vật.
Mục lục bài viết
1. Tác giả Tô Hoài:
Nhà văn Tô Hoài sinh năm 1920, tên khai sinh là Nguyễn Sen. Ông sinh ra và lớn lên tại thị trấn Kim Bài, huyện Thanh Oai, tỉnh Hà Đông (nay thuộc Hà Nội). Gia đình ông có truyền thống thợ thủ công, thời trẻ, ông đã phải lăn lộn kiếm sống bằng nhiều nghề khác nhau. Tô Hoài bước vào con đường văn học bằng một số bài thơ có tính chất lãng mạn và một cuốn truyện thể loại võ hiệp. Sau đó, Tô Hoài chuyển sang văn xuôi hiện thực và được chú ý ngay từ những sáng tác đầu tay, trong đó có Dế Mèn phiêu lưu kí.
Năm 1943, ông gia nhập Hội Văn hoá cứu quốc, làm báo và hoạt động văn nghệ ở vùng
Năm 1996 ông được tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật.
– Tác phẩm chính: Dế Mèn phiêu lưu kí (truyện, 1941), Ổ chuột (tập truyện, 1942), Quê người (tiểu thuyết, 1942), Nhà nghèo (tập truyện ngắn, 1944), Truyện Tây Bắc (tập truyện, 1953), Miền Tây (tiểu thuyết, 1967), Cát bụi chân ai (hồi kí, 1992), Chiều chiều (tự truyện, 1999), Ba người khác (tiểu thuyết, 2006).
2. Tác phẩm Vợ chồng A Phủ:
Truyện ngắn Vợ chồng A Phủ (1952) in trong tập Truyện Tây Bắc. Tác phẩm được tặng giải Nhất – Giải thưởng Hội Văn nghệ Việt Nam 1954 – 1955. Sau hơn nửa thế kỷ đã qua, đến nay tác phẩm vẫn giữ gần như nguyên vẹn giá trị và sức thu hút đối với nhiều thế hệ người đọc.
Tác phẩm được viết khi Tô Hoài có chuyến đi cùng với bộ đội có chuyến đi thực tế vào giải phóng toàn bộ Tây Bắc năm 1952.
3. Bố cục của truyện ngắn Vợ chồng A Phủ:
Bố cục gồm 3 phần:
Phần 1 (từ đầu … “bao giờ chết thì thôi”): tâm trạng và hoàn cảnh sống của Mị trong nhà thống lí.
Phần 2 (tiếp … “đánh nhau ở Hồng Ngài”): Hoàn cảnh và cuộc sống của A Phủ trong nhà thống lí.
Phần 3 (còn lại): Công cuộc tự giải thoát của Mị và A Phủ.
4. Hướng dẫn tìm hiểu chi tiết về nhân vật Mị:
a. Cảnh ngộ của nhân vật Mị:
– Hoàn cảnh khiến Mị phải là con dâu gạt nợ của nhà thống lí: cha mẹ nghèo, không trả được nợ (món nợ từ ngày cưới, lớn dần lên vì nặng lãi), Mị bị bắt về làm dâu gạt nợ.
– Mị chỉ biết làm những công việc mà quanh năm ngày tháng làm đi làm lại như “Con trâu con ngựa nó còn có lúc đứng gãi chân nhai cỏ chứ đàn bà con gái nhà này thì làm không nghỉ tay”.
– Mị sống trong ở một căn phòng có không gian nhỏ hẹp chỉ có một ô vuông bằng bàn tay để ngắm nhìn ra bên ngoài cũng không thể biết được trời nắng hay mưa chỉ thấy mờ mờ, trăng trắng.
b. Sức sống tiềm tàng trong nhân vật Mị:
– Đâu đó trong tâm hồn người đàn bà câm lặng vì cơ cực, khổ đau ấy vẫn tiềm tàng một cô Mị trẻ đẹp như đoá hoa rừng đầy sức sống, một người con gái trẻ trung, giàu đức hiếu thảo.
– Ở Mị, khát vọng tình yêu tự do mãnh liệt, nếu không bị hoàn cảnh bắt làm con dâu gạt nợ, khát vọng của Mị sẽ trở thành hiện thực bởi “trai đến đứng nhẵn cả chân vách đầu buồng Mị”, Mị đã từng hồi hộp khi nghe tiếng gõ cửa của người yêu.
– Bị bắt về làm dâu gạt nợ, đã mấy lần Mị định tự tử, Mị tìm đến cái chết chính là cách phản kháng duy nhất của một con người có sức sống tiềm tàng mà không thể làm khác trong hoàn cảnh ấy. Chính khát vọng sống khiến nhân vật không thể chấp nhận cuộc sống bị chà đạp, bị đối xử bất công như một con vật.
→ Tất cả những phẩm chất trên đây sẽ là tiền đề, là cơ sở cho sự trỗi dậy mạnh của nhân vật Mị sau này. Chế độ phong kiến nghiệt ngã cùng với tư tưởng thần quyền, cường quyền có thể giết chết mọi ước mơ, khát vọng, làm tê liệt cả ý thức lẫn cảm xúc con người nhưng từ trong sâu thẳm, bản chất người vẫn luôn tiềm ẩn và chắc chắn nếu có cơ hội sẽ thức dậy, bùng lên.
c. Sự trỗi dậy của lòng ham sống và khát vọng hạnh phúc ở Mị:
Những nhân tố tác động đến sự hồi sinh của Mị:
– Không khí và âm thanh của làng Hồng Ngài trong những ngày xuân: “Những chiếc váy hoa đã đem phơi trên mỏm đá, xòe như bướm sặc sỡ, hoa thuốc phiện vừa nở trắng lại đổi ra màu đỏ au, đỏ thậm rồi sang màu tím man mác”, “Đám trẻ đợi tết chơi quay cười ầm trên sân chơi trước nhà.”
– Rượu là chất xúc tác trực tiếp để tâm hồn yêu đời, khát sống của Mị trỗi dậy. “Mị đã lấy hũ rượu uống ừng ực từng bát một”, hơi men rượu đã rìu dắt Mị nghe theo tiếng gọi của con tim.
– Trong đoạn diễn tả tâm trạng hồi sinh của Mị, tiếng sáo có một vai trò đặc biệt quan trọng, nó được lặp đi lặp lại trong tâm trí của nhân vật. “Mị nghe tiếng sáo vọng lại, thiết tha, bồi hồi. Mị ngồi nhẩm thầm bài hát của người đang thổi”. “Ngày trước Mị thổi sáo giỏi… Mị uốn chiếc lá trên môi, thổi lá cũng hay như thổi sáo”, “Tai Mị vang tiếng gọi bạn đầu làng”, “mà tiếng sáo gọi bạn yêu vẫn lửng lơ bay ngoài đường”, “Mị vẫn nghe tiếng sáo đưa Mị đi theo những cuộc chơi, những đám chơi”, “trong đầu Mị rập rờn tiếng sáo”…
d. Diễn biến tâm trạng Mị trong đêm tình mùa xuân:
– Dấu hiệu đầu tiên của việc sống lại đó là Mị nhớ lại quá khứ, nhớ về hạnh phúc ngắn ngủi trong cuộc đời tuổi trẻ của mình và ý thức “Mị còn trẻ lắm. Mị vẫn còn trẻ lắm. Mị muốn đi chơi”.
– Từ những suy nghĩ đó đã thúc giục Mị hành động “lấy ống mỡ xắn một miếng bỏ thêm vào đĩa dầu”, Mị muốn thắp lên ánh sáng cho cuộc đời tăm tối của mình.
– Mị đang chuẩn bị sắm sửa để đi chơi nhưng A Sử không cho, hắn nhẫn tâm trói đứng Mị vào cột nhà, Mị vẫn đang ru mình trong đêm xuân. Nhưng tiếng ngựa ngoài kia làm cho Mị tỉnh giấc, nàng đã trở lại với hiện tại tàn ác và đau khổ.
e. Diễn biến tâm lý trong đêm đông:
– Trước cảnh A Phủ bị trói, ban đầu Mị hoàn toàn vô cảm: “Mị vẫn thản nhiên thổi lửa hơ tay”. Vì chính Mị cũng đã không còn cảm thấy có thể thương cảm cho số phận nào nữa.
– Nhưng “Mị lé mắt trông sang… một dòng nước mắt lấp lánh bò xuống hai hõm má đã xám đen lại”, giọt nước mắt tuyệt vọng của A Phủ đã tác động mạnh vào trong ý thức của Mị, khiến cô nhớ lại mình, nhận ra mình, xót xa cho mình và thương người đồng cảnh, tấm lòng thương người trắc ẩn và tình giai cấp đã khiến Mị có hành động mạnh bạo: cắt dây cởi trói cứu A Phủ.
– Mị quyết định chạy trốn theo A Phủ.
– Cắt dây cởi trói cứu A Phủ và cùng A Phủ chạy trốn khỏi Hồng Ngài của Mị là hành động vùng dậy tự phát của nhân vật, nhưng nó thể hiện sự phản ứng lại đối với sự cai trị tàn bạo của bọn thống trị, nhằm mục đích tự giải phóng.
5. Hướng dẫn tìm hiểu chi tiết nhân vật A Phủ:
a. Xuất thân của A Phủ
– A Phủ là đứa trẻ mồ côi cha mẹ, sống tự do, khỏe mạnh, siêng năng, giàu bản lĩnh, nhưng không kiêu ngạo, là “con trâu tốt” của bản Mường, nhưng vì nghèo nên không lấy được vợ.
– Là con người không bao giờ chùn bước trước cường quyền, bạo chúa, do vậy, mặc dù biết A Phủ biết A Sử là con thống lí nhưng vẫn ra tay đánh, vẫn phải trừng trị kẻ xấu, kẻ gây rối.
b. Hoàn cảnh của A Phủ trong những ngày tháng đọa đày cùng cực trong nhà thống lí
– Sau việc đánh con quan làng, bị làng phạt vạ, A Phủ thành người ở không công quần quật với công việc: “đốt rừng”, “cày nương”, “cuốc mương”, “săn bò tót”, “bẫy hổ”, “chăn bò”, “chăn ngựa”, “quanh năm một thân một mình bôn ba rong ruổi ngoài gò, ngoài rừng”.
– Khi bị hổ vồ mất bò, anh phải tự tay đóng cọc để người ta trói mình.
– Sự đau khổ cùng cực đến mức độ khi Mị nhìn sang thì thấy “một dòng nước lấp lánh bò xuống hai hõm má đã xám đem lại”, “thở phè từng hơi, không biết mê hay tỉnh”. Dường như, chính A Phủ cũng đang mường tượng số phận của chính mình.
c. Nổi bật ở A Phủ là một sức phản kháng mãnh liệt
– Điều này thống nhất với bản tính gan góc từ nhỏ: cả nhà chết hết vì bệnh dịch, làng chết và đói nên “người làng đói bụng bắt A Phủ đem xuống bán đổi lấy thóc của người Thái dưới cánh đồng, khi ấy A Phủ mới mười tuổi, nhưng rất ngang bướng, không chịu ở dưới cánh đồng thấp”.
– Trong đêm tình mùa xuân, trước việc gây chuyện của đám trai làng do A Sử cầm đầu, A Phủ đã gan góc “vung tay ném con quay rất to vào mặt A Sử”, “xộc tới, nắm cái vòng cổ, kéo đập đầu xuống đất, xé vai áo, đánh tới tấp”, hành động dẫu chỉ là bộc phát, nhưng thể hiện sự dũng cảm và tinh thần bất khuất, không sợ cường quyền.
– Đặc biệt khi được Mị cởi trói, mặc dù rất đau đớn đến “khuỵu xuống, không bước nổi”, trong người không còn sức lực do phải chịu cực hình, trói đứng và nhịn đói, nhưng anh đã “quật sức vùng lên, chạy” khỏi nơi ngục tù tối tăm ấy, cùng với Mị tự giải thoát khỏi nhà thống lí.