Tự học - một thú vui bổ ích của tác giả Nguyễn Hiến Lê mang lại cho người đọc cảm giác thích thú, vui sướng khi đọc, thuyết phục được người đọc về tác dụng, vai trò quan trọng của tự học. Sau đây, là soạn văn tham khảo để giúp bạn đọc hiểu tác phẩm tốt hơn.
Mục lục bài viết
1. Tìm hiểu tác giả, tác phẩm Tự học – một thú vui bổ ích:
1.1. Tác giả Nguyễn Hiến Lê:
– Nguyễn Hiến Lê (1912- 1984), quê ở tỉnh Sơn Tây (nay thuộc Ba Vì, Hà Nội), xuất thân trong một gia đình nhà nho
– Ông là một tác giả, dịch giả, nhà giáo dục, nhà văn hoá với nhiều tác phẩm sáng tác, biên soạn và dịch thuật thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau.
– Trong các tác phẩm của mình, ông chọn bút danh là Lộc Đình
– Một số tác phẩm tiêu biểu của ông:
+ Kim chỉ nam cho học sinh (1951)
+ Nghệ thuật nói trước công chúng (1953)
+ Tương lai trong tay ta (1962)
+ Hương sắc trong vườn văn (1962)
+ Cổ văn Trung Quốc (1966)
+ Chiến Quốc sách (viết chung với Giản Chi) (1968)
+ Sử Ký Tư Mã Thiên (viết chung với Giản Chi) – (1970)
+ Tô Đông Pha (1970)
+ Nhân sinh quan và thơ văn Trung Hoa (dịch) (1970),…
1.2. Văn bản Tự học – một thú vui bổ ích
– Được in trong quyển sách Tự học – một như cầu thời đại, NXB Văn hóa Thông tin, Hà Nội, 2007
– Bố cục: (3 phần)
+ Phần 1 (từ đầu đến nó là một cái thú): Tác giả nêu định nghĩa về tự học
+ Phần 2 (tiếp theo đến “đọc sách một giờ mà không hết buồn”): Tác giả nêu ra vài dẫn chứng nhằm thuyết phục người đọc về tác dụng của việc tự học cũng như là đọc sách.
+ Phần 3 (còn lại): Tác giả chỉ ra niềm vui, sự quan trọng của tự học thông qua kể vài dẫn chứng là các nhà khoa học nổi tiếng.
– Thể loại: văn bản nghị luận
– Nội dung và nghệ thuật tác phẩm: Văn bản Tự học – một thú vui bổ ích khẳng định: Tự học là cần thiết, giúp con người chúng ta tự do, tự chủ nên nó được coi như một cái thú. Tác giả ví tự học là “một cuộc du lịch say mê gấp trăm lần du lịch bằng chân”, là du lịch trong không gian và thời gian vì sự hiểu biết của loài người là một thế giới mênh mông. Bằng lập luận sắc bén, thuyết phục, logic cùng hệ thống dẫn chứng đa dạng, thuyết phục, tác giả khiến chúng ta nhận rõ vai trò quan trọng và tác dụng của nó đối với tất cả con người đang trên hành trình hoàn thiện và chứng tỏ bản thân.
2. Chuẩn bị đọc:
Câu 1 (trang 6 sgk Ngữ văn lớp 7 Tập 2 sách Chân trời sáng tạo) : Thế nào là tự học?
Trả lời: Tự học là khả năng tự mày mò, tìm hiểu tri thức của nhân loại. Việc tự học đòi hỏi người học có khả năng tiếp nhận, chắt lọc, đúc kết thông tin trong tài liệu để biến tri thức thành của mình và kỉ luật sẽ giúp việc tự học hiệu quả hơn.
Câu 2 (trang 6 sgk Ngữ văn lớp 7 Tập 2 Chân trời sáng tạo) : Theo em, việc tự học có gì thú vị?
Trả lời: Việc tự học giúp bản thân chúng ta chủ động trong việc tìm cách tiếp cận thông tin, nhớ bài và hiểu bài hơn. Tự học giúp chúng ta đào sâu kiến thức, không phụ thuộc vào tư duy của người dạy, giúp chúng ta tự đánh giá được năng lực của bản thân.
3. Trải nghiệm cùng văn bản Tự học – Một thú vui bổ ích:
Câu 1: (trang 6 sgk Ngữ văn lớp 7 Tập 2 Chân trời sáng tạo)
Theo dõi: Vì sao tự học là “một cuộc du lịch say mê gấp trăm lần du lịch bằng chân”?
Trả lời: Tự học là “một cuộc du lịch say mê gấp trăm lần du lịch bằng chân” vì:
– Tự học là du lịch trong không gian và thời gian
– Những sự hiểu biết của loài người là một thế giới mênh mông
– Kể làm sao hết được những vật hữu hình và vô hình mà ta sẽ thấy trong cuộc du lịch bằng sách vở?
Câu 2: (trang 7 sgk Ngữ văn lớp 7 Tập 2 Chân trời sáng tạo)
Suy luận: Những trích dẫn được sử dụng trong đoạn văn nhằm mục đích gì ?
Trả lời:
– Những dẫn chứng được tác giả sử dụng trong đoạn văn trên là:
+ Bạn thích cái xã hội đời Đường bên Trung Quốc thì đã có những thi nhân đại tài tả viên Dạ minh châu của Đường Minh Hoàng;
+ Nghiên cứu về đời con sâu, con kiến – thì đã có J.H. Pha – bơ- rê (J.H.Fabre);
+ Theo bác sĩ E.Gờ-ron-nơ-veo, những bệnh nhân biết đọc sách cũng mau khoẻ mạnh hơn những bệnh nhân khác; nhiều bác sĩ Pháp và Anh cũng thừa nhận bác sĩ E.Gờ-ron-nơ-veo có lý;
+ Mon-tin nói: “Sự tiếp xúc với sách an ủi tôi trong cảnh giả và cô độc”;
-> Những trích dẫn được sử dụng trong đoạn văn nhằm mục đích làm sáng tỏ, bình luận, thuyết phục người đọc về hiệu quả của việc tự học, đọc sách.
4. Suy ngẫm và phản hồi:
Câu 1: (trang 8 sgk Ngữ văn lớp 7 Tập 2 Chân trời sáng tạo)
Văn bản trên được viết nhằm mục đích gì?
Trả lời: Văn bản trên được viết ra nhằm mục đích bàn về việc tự học, từ đó thuyết phục bạn đọc về những lợi ích to lớn mà việc tự học đem lại cho chúng ta trên hành trình học tập, từ đó động viên chúng ta rèn thói quen tự học.
Câu 2: (trang 8 sgk Ngữ văn lớp 7 Tập 2 Chân trời sáng tạo)
Em hãy chỉ ra mối liên hệ giữa các ý kiến, lí lẽ, bằng chứng trong văn bản dựa vào sơ đồ sau?
Trả lời:
Câu 3: (trang 9 sgk Ngữ Văn lớp 7 Tập 2 Chân trời sáng tạo)
Em có nhận xét gì về những bằng chứng tác giả nêu ra trong đoạn trích dưới đây? Vì sao những bằng chứng này tăng sức thuyết phục cho đoạn trích?
Quan trọng hơn cả, tự học còn là một thú vui rất thanh nhã, nó nâng cao tâm hồn ta lên. Ta vui vì thấy khả năng của ta đã thăng tiến và ta giúp đời nhiều hơn trước. Một thầy kí, một bác nông phu, bất kì hạng người nào, nếu chịu học hỏi tìm kiếm, cũng có thể cải thiện phương pháp làm việc của mình, và giảng giải những kinh nghiệm của mình cho người khác. Sau cùng, còn gì vui bằng tìm tòi và khám phá: Pat-xơ-tơ, Anh-xơ-tanh, hai vợ chồng Kiu-ri và hàng trăm nhà bác học khác, suốt đời nghèo nàn mà lúc nào cũng mãn nguyện hơn những vua chúa trên ngai vàng; cả tháng cả năm tự giam trong phòng thí nghiệm, không hề biết những tiêu khiển của người đời mà thấy thời giờ trôi qua vẫn quá mau, là nhờ thú tự học tìm tòi của họ.
Trả lời:
– Có hai dẫn chứng được tác giả liệt kê ở trên:
+ Dẫn chứng số 1 về một thầy kí, một bác nông phu, hay bất kì hạng người nào trong xã hội
+ Dẫn chứng số 2 về Pat-xơ-tơ, Anh-xơ-tanh, hai vợ chồng Kiu-ri và hàng trăm nhà bác học khác
–> Hai dẫn chứng được tác giả liệt kê từ gần gũi, rõ ràng, quen thuộc đến nổi tiếng, có tên tuổi, có sức ảnh hưởng trong ngành khoa học. Hai dẫn chứng được sắp xếp hợp lý, theo trình tự giúp gia tăng tác dụng của việc tự học, thuyết phục người đọc về giá trị to lớn tự học đem lại. Tác giả muốn cho chúng ta thấy rằng việc tự học có thể được thực hiện với bất kì ai, bất kì giai cấp, tầng lớp nào miễn là chúng ta muốn thực hiện việc tự học.
Câu 4: (trang 9 sgk Ngữ Văn lớp 7 Tập 2 Chân trời sáng tạo):
Những dấu hiệu nào giúp em nhận ra Tự học – một thú vui bổ ích là văn bản nghị luận về một vấn đề đời sống?
Trả lời: Những dấu hiệu giúp em nhận ra Tự học – một thú vui bổ ích là văn bản nghị luận về một vấn đề đời sống:
– Vấn đề bàn luận: tự học- một thú vui bổ ích, thuộc lĩnh vực tư tưởng, đạo đức, đời sống của con người
– Tác phẩm thể hiện rõ quan điểm đồng tình, tán thành tác dụng, ý nghĩa của việc tự học đối với con người
– Tác phẩm được tác giả sử dụng lập luận chặt chẽ, dẫn chứng thuyết phục và đa dạng.
– Cách thức triển khai các ý rõ ràng, theo một trình tự nhất định: ý lớn, ý nhỏ, lý lẽ, dẫn chứng.
Câu 5: (trang 9 sgk Ngữ Văn lớp 7 Tập 2 Chân trời sáng tạo):
Có bạn cho rằng: Tự học là không cần sự trợ giúp của người khác. Em hãy viết một đoạn văn (khoảng 100 chữ) để trao đổi về ý kiến này?
Trả lời: Có bạn cho rằng: Tự học là không cần sự trợ giúp của người khác là chưa hoàn toàn đúng đắn. Trước hết, tự học có thể hiểu là tự bản thân khám phá, học hỏi, tìm tòi tri thức của nhân loại, tự biến nó thành của mình. Tự học giúp ta rèn khả năng tư duy, phân tích, đào sâu phần kiến thức mà mình không hiểu rõ. Tuy nhiên, có rất nhiều kiến thức vượt ngoài khả năng của bản thân mà dù ta có cố gắng thế nào nhưng khả năng của bản thân có hạn thì lúc đó ta cần một người thầy như cái la bàn hướng ta đi đúng hướng, rồi từ đó ta sẽ lại tự tiếp tục nghiên cứu tiếp, đào sâu và phản biện lại trên nền kiến thức thầy cô cho ta. Tự học là đức tính, thói quen tốt nhưng nếu có thể nên có một người định hướng cho ta trên hành trình tự học đó.