"Phong ba bão táp không bằng ngữ pháp Việt Nam", từ trong tiếng Việt vô cùng phong phú và đa dạng, cùng một từ có thể có nhiều nghĩa khác nhau tùy thuộc vào ngữ cảnh và cách sử dụng khác nhau. Tính nhiều nghĩa của từ là kết hợp của quá trình chuyển nghĩa. Cùng tìm hiểu bài viết dưới đây nhé:
Mục lục bài viết
1. Từ là gì?
Từ được hiểu là đơn vị nhỏ nhất để cấu thành một câu hoàn chỉnh. Từ có thể được dùng để chỉ sự vật, hoạt động, hiện tượng, tính chất, trạng thái. Từ có nhiều công dụng và đóng nhiều vai trò ngữ pháp trong một câu. Nó có thể là một danh từ, động từ, tính từ hay trạng từ, đại từ,….
Từ bao gồm hai phần: phần hình thức (vật chất) và phần nội dung (ý nghĩa). Phần hình thức được thể hiện ra thành chữ khi viết, thành tiếng khi đọc. Phần nội dung được thể hiện ra thành nghĩa của từ. Hai mặt của từ thường được kết nối và có tác động qua lại lẫn nhau. Ý nghĩa của từ không tồn tại trong ý thức của con người.
Đơn vị cấu tạo nên từ là tiếng, đơn vị cấu tạo nên câu là từ. Mỗi từ được tạo thành từ một âm tiết thì được gọi là từ đơn. Những từ có hai hoặc nhiều từ là từ phức. Từ phức được tạo thành bằng cách ghép một số từ có quan hệ nghĩa với nhau. Từ ghép là những từ phức mà giữa các từ đều có ý nghĩa.
2. Nghĩa của từ:
– Theo định nghĩa về từ được nêu ra trong SGK lớp 6, nghĩa của từ là nội dung bao gồm những thuộc tính, khái niệm, quan hệ, chức năng mà từ đó biểu thị, đi kèm với đó là những yếu tố ngoại lai như sự vật, hiện tượng, tư duy,… Hiểu một cách đơn giản thì nghĩa của từ là nội dung mà từ biểu thị. Nội dung đó có thể là sự vật, tính chất, hoạt động, quan hệ. Khi ta nhìn một chữ, hoặc nghe một tiếng mà ta hiểu được chữ đó, tiếng đó biểu thị cái gì là ta đã hiểu được nghĩa của từ đó.
Nghĩa của từ trong sử dụng: Là khả năng biểu hiện về nghĩa của từ đó trong thực tế sử dụng.
Ví dụ, khi ta nghe ai đọc từ tập quán mà trong đầu ta hiểu được rằng từ đó biểu thị “thói quen của một cộng đồng được hình thành từ lâu trong đời sống, được mọi người làm theo” là ta đã hiểu nghĩa của từ này.
– Khi nói về nghĩa của từ, người ta thường phân biệt các thành phần nghĩa sau đây:
+Nghĩa biểu vật
+ Nghĩa biểu niệm
+ Ngoài hai thành phần nghĩa trên đây, khi xác định nghĩa của từ, người ta còn phân biệt hai thành phần nghĩa nữa. Đó là nghĩa ngữ dụng và nghĩa cấu trúc.
Ví dụ:
Cây: Là một loại thực vật trong thiên nhiên có rễ, thân, cành, lá
Bâng khuâng: tính từ chỉ trạng thái tình cảm không rõ ràng của con người
3. Soạn bài Thực hành về nghĩa của từ trong sử dụng:
3.1. Câu 1 trang 74 SGK Ngữ văn 11 tập 1:
a. Trong câu thơ Lá vàng trước gió khẽ đưa vèo (Nguyễn Khuyến), từ lá được sử dụng theo nghĩa gốc hay nghĩa chuyển? Hãy xác định nghĩa đó.
Lời giải: Từ lá được sử dụng theo nghĩa gốc: chỉ bộ phận của cây, thường ở trên cành cây, thường có màu xanh (đôi khi có màu vàng, đỏ…), thường có dáng mỏng, có chức năng hô hấp và quang hợp cho cây.
b. Trong tiếng Việt, từ lá còn được dùng theo nhiều nghĩa khác trong những trường hợp sau:
– lá gan, lá phổi, lá lách…
– lá thư, lá đơn, lá thiếp, lá phiếu, lá bài…
– lá cờ, lá buồm …
– Lá cót, lá chiếu, lá thuyền
– lá tôn, lá đồng, lá vàng, …
Hãy xác định nghĩa của từ lá trong mỗi trường hợp kể trên, cho biết cơ sở và phương thức chuyển nghĩa của từ lá.
Lời giải:
Các trường chuyển nghĩa của từ “lá”:
– Lá gan, lá phổi, lá lách: những từ lá ở đây được dùng để chỉ bộ phận cơ thể người, động vật có hình dáng giống lá cây.
– Lá thư, lá đơn, lá phiếu, lá thiếp, lá bài: những từ lá ở đây được dùng với các thừ chỉ vật bằng giấy.
– Lá cờ, lá buồm: từ lá dùng để chỉ các vật bằng vải.
– Lá cót, lá chiếu, lá thuyền: từ lá dùng với các từ chỉ những vật làm bằng chất liệu như gỗ, cói, tre, nứa…có bề mặt mỏng như lá cây.
– Lá tôn, lá đồng, lá vàng: từ lá dùng với các từ chỉ những vật làm bằng kim loại, vó bề mặt dát mỏng.
Như vậy, từ lá dùng ở các trường nghĩa khác nhau nhưng đều xuất phát từ điểm chung giống nhau ở các vật dựa theo đặc điểm của từ nghĩa gốc: hình dạng mỏng , dẹt, có bề mặt hoặc có cuống (như lá cây) – mang nét nghĩa tương đồng.
3.2. Câu 2 (trang 74 SGK Ngữ văn 11 tập 1):
Có nhiều từ có nghĩa gốc chỉ bộ cơ thể người (đầu, chân, tay, miệng, óc, tim, …) có thể chuyển nghĩa để chỉ cả con người. Hãy đặt câu với mỗi từ đó theo nghĩa chỉ cả con người.
Mẫu: Bạc tình nổi tiếng lầu xanh,
Một tay chôn biết mấy càng phù dung. (Nguyễn Du, Truyện Kiều)
hoặc: Đó chính là tay bóng bàn cừ khôi của lớp tôi.
Lời giải:
Một số câu sử dụng từ nghĩa gốc chỉ bộ phận cơ thể theo nghĩa chỉ cả con người như:
– Anh ấy là một tay súng cừ khôi.
– Anh ấy thường giữ chân tiền vệ trong đội bóng của trường
– Cậu ấy có một chân trong đội tuyển của trường.
– Một mình bà ấy phải nuôi năm miệng ăn ở nhà
– Ông là gương mặt mới trong làng thơ trữ tình Việt Nam
Như vậy có thể rút ra nhận xét: Các câu trên đều lấy bộ phận cơ thể để chỉ cả con người sử dụng với nghĩa chuyển (nghĩa hoán dụ).
3.3. Câu 3 (trang 75 SGK Ngữ văn 11 tập 1):
Tìm các từ có nghĩa gốc chỉ vị giác có khả năng chuyển nghĩa chỉ đặc điểm của âm thanh (giọng nói), chỉ tính chất của tình cảm, cảm xúc. Hãy đặt câu với mỗi từ đó theo nghĩa chuyển.
Mẫu: Ngọt – Nói ngọt lọt đến xương
Lời giải:
Một số từ chỉ vị giác như: mặn, ngọt, chua, cay, đắng, chát, bùi… các từ này chuyển nghĩa để chỉ:
– Đặc điểm của âm thanh lời nói:
+ Nó mở mồm ra là nói những lời chua chát
+ Họ nói với nhau bằng những lời mặn nồng, thắm thiết
+ Nghe cách ông ấy nói cũng bùi tai quá.
+ Câu chuyện anh ấy kể rất nhạt
– Mức độ của tình cảm, cảm xúc:
+ Tình cảm ngọt ngào của mọi người dành cho tôi làm tôi rất xúc động.
+ Chuyện tình của tôi đã trải qua bao đắng cay, ngọt bùi.
+ Lời cô ấy nói nghe thật bùi tai.
3.4. Câu 4 (trang 75 SGK Ngữ văn 11 tập 1):
Tìm từ đồng nghĩa với từ cậy, từ chịu trong câu thơ:
Cậy em em có chịu lời,
Ngồi lên cho chị lạy rồi sẽ thưa (Nguyễn Du, Truyện Kiều)
Giải thích lý do tác giả chọn từ cậy, chịu, mà không dùng các từ khác có nghĩa với mỗi từ đó.
Lời giải:
– Từ đồng nghĩa với từ cậy là từ nhờ, giúp… các từ này đều có sự giống nhau về nghĩa. Nhưng từ cậy khác từ nhờ, giúp ở chỗ thể hiện được niềm tin và hiệu quả giúp đỡ từ người khác.
– Từ đồng nghĩa với từ chịu là từ nhận, nghe…. Các từ này đều mang nghĩa chung đó là sự đồng ý, sự chấp nhận với người khác. Nhưng từ chịu thuận theo người khác theo một lẽ nào đó mà mình không thể không từ chối được giống như cam chịu. Từ nhận là sự tiếp nhận đồng ý một cách bình thường giống như nhận lời. Từ Nghe là đồng ý, chấp nhận, nghe lời đối với người trên.
3.5. Câu 5 (trang 75 SGK Ngữ văn 11 tập 1):
a. Chọn “canh cánh”, vì :
– Các từ khác nếu dùng chỉ nói đến một tấm lòng nhớ nước như một đặc điểm nội dung của tác phẩm
– Từ canh cánh: khắc hoạ rõ nét tâm trạng day dứt triền miên, nhớ nhung trong tâm hồn Bác.
b. Dùng từ “liên can”
c. Các từ: bầu bạn, bạn hữu, bạn, bạn bè đều có nghĩa chung là bạn nhưng khác nhau ở chỗ:
– Bầu bạn có nghĩa khái quát
– Bạn hữu: nghĩa cụ thể, bạn thân thiết không phù hợp để nói về mối quan hệ giữa các quốc gia
– Bạn bè: nghĩa khái quát, sắc thái thân mật.
4. Các cách giải thích nghĩa của từ:
– Thể hiện khái niệm mà từ biểu thị:
Để có thể giải thích nghĩa của từ theo cách này, bạn cần phải nghiên cứu trong từ điển và học cách giải thích của từ điển rồi tự rút cho mình cách giải thích sao cho ngắn gọn và dễ hiểu.
Ví dụ:
Lạnh lẽo: cảm giác hiu quạnh, thiếu hơi ấm của con người
Sừng: phần cứng nhô ra phía trên đầu của một số loài động vật
Lung lay: bị làm cho nghiêng ngả, không còn đứng vững
Sính lễ: lễ vật nhà trai đem đến nhà gái để xin cưới con gái của họ
Cầu hôn: xin được lấy làm vợ
Bồn chồn: trạng thái mong ngóng, thấp thỏm, chờ đợi một việc gì đó chưa diễn ra, chưa biết kết quả ra sao
Hồ sơ: các loại giấy tờ liên quan đến một vấn đề, một sự việc hoặc một đối tượng cụ thể nào đó
Phóng khoáng: sự thoải mái, không bị gò bó bởi một quy chuẩn nào đó
Cố gắng: bỏ nhiều công sức ra để thực hiện một điều gì đó
Vui vẻ: tính từ thể hiện trạng thái cảm xúc rất vui của con người
– Dùng để đưa ra từ đồng nghĩa hoặc trái nghĩa:
Muốn giải thích nghĩa của từ được bằng cách này, bạn cần phải không ngừng làm giàu vốn từ đồng nghĩa và trái nghĩa của mình.
Ví dụ:
Chăm chỉ: đồng nghĩa với từ cần cù, siêng năng
Tâu: thưa trình, bẩm báo
Tiêu cực: trái nghĩa với từ tích cực
Hùng dũng: đồng nghĩa với từ oai nghiêm, lẫm liệt
– Giải thích ý nghĩa của từng thành tố:
Một số từ Hán Việt người ta cần giải nghĩa bằng cách phân tích từ thành các tiếng rồi giải nghĩa từng tiếng đó.
Ví dụ:
Thuỷ cung: thuỷ là nước, cung là nơi ở của vua chúa, thuỷ cung là cung điện dưới nước
Thảo nguyên: thảo là cỏ, nguyên là vùng đất bằng phẳng, thảo nguyên là đồng cỏ
Khán giả: khán là xem, giả là người, khán giả là người xem