“Minh sư” là tiểu thuyết được tác giả Thái Bá Lợi sáng tác trong suốt 5 năm (2004-2009) tái hiện cuộc đời và sự nghiệp của Đoan Quốc công Nguyễn Hoàng - người mở đầu cho triều đại phong kiến cuối cùng của Việt Nam trong nhận thức của ông khi đọc kinh Phật. Cùng bài viết này tìm hiểu về tác phẩm nhé:
Mục lục bài viết
1. Tìm hiểu chung về tác phẩm Minh sư:
– Tác giả: Thái Bá Lợi (1945), quê ở Nghệ An, là một nhà văn quân đội với nhiều tác phẩm viết về chiến tranh.
– Thể loại: Tác phẩm Minh sư thuộc thể loại tiểu thuyết
– Xuất xứ và hoàn cảnh sáng tác: Tác phẩm được tác giả viết sau khi Đoàn Quốc công Nguyễn Hoàng (gọi theo tước hiệu vua Lê Phong) qua đời, ông muốn bày tỏ sự tôn kính của mình với người qua nội dung của tác phẩm.
– Phương thức biểu đạt: Tự sự, được kể theo ngôi thứ ba
– Bố cục văn bản: gồm 2 phần:
+ Phần 1: Từ đầu đến “ta phải biết rận trong chăn”: Đoan Quốc quân với chuyến công du xuống phía Nam.
+ Phần 2: Còn lại: Câu chuyện của hai người lính và hoàn cảnh ý nghĩa xuất hiện của “minh sư”.
– Giá trị nội dung: Văn bản Minh sư tái hiện cuộc đời và sự nghiệp của Đoàn Quốc công Nguyễn Hoàng (gọi theo tước hiệu vua Lê Phong) – người gắn liền với sự nghiệp mở cõi phía Nam, mở đầu cho triều đại phong kiến cuối cùng của Việt Nam.
– Giá trị nghệ thuật: Truyện lịch sử được thể hiện bằng những đặc sắc nghệ thuật: tạo dựng bối cảnh, xây dựng cốt truyện, khắc hoạ nhân vật, sử dụng ngôn ngữ kể chuyện.
2. Nội dung chính của tác phẩm:
Câu 1. Cái nhìn đa chiều về nhân vật Nguyễn Hoàng – người gắn liền với sự nghiệp mở cõi về phía Nam, khẳng định chủ quyền đất nước:
Văn bản kể về công cuộc mở mang bờ cõi của Chúa Nguyễn Hoàng vô cùng kỳ khu và gian khổ với những cái nhìn đa chiều của các tùy tùng, những người lính về ông như sau:
– Có người nói ông là người có sức khỏe dẻo dai, có thể cầm quân cho đến khi nhắm mắt.
– Có người nói Đoan Quốc công là người không ngại việc khổ, tuy tuổi cao nhưng vẫn phải cáng đáng việc nước.
– Có người nói Ngài là một người tài giỏi, xuất chúng, mỗi bước đi đều tính toán kĩ càng, tính được thời vận như thần.
– Có người nói ông sợ bị Trịnh Kiểm giết, tìm đường chạy thoát thân vào đây, gặp đất rộng thì mở thôi.
Câu 2. Những đặc sắc nghệ thuật của truyện lịch sử được thể hiện trong văn bản: tạo dựng bối cảnh, xây dựng cốt truyện, khắc họa nhân vật, sử dụng ngôn ngữ kể chuyện,…
– Nghệ thuật tạo dựng bối cảnh: bối cảnh được xây dựng là Thời Trịnh – Nguyễn phân tranh, Nguyễn Hoàng buộc phải rời kinh để đi sâu vào vùng đất phía Nam, tránh được cái chết trước mắt.
– Nghệ thuật xây dựng cốt truyện: Cốt truyện của văn bản kể về Quốc công trong một buổi tối đi mở mang bờ cõi đã nghe được cuộc nói chuyện cả tùy tùng về mình. Có người lính hết lời ca ngợi ông cũng có người lính cho rằng Nguyễn Hoàng do sợ Trịnh Kiểm sát hại mà tìm đường trốn vào Thuận Hóa.
– Nghệ thuật khắc họa nhân vật: Văn bản đã khắc họa rõ nét chân dung của Nguyễn Hoàng với những đặc điểm: dũng cảm, can trường, khôn khéo, quyết đoán những cũng đầy tình cảm.
– Nghệ thuật sử dụng ngôn ngữ kể chuyện: Tác giả sử dụng ngôn ngữ lịch sử, nghệ thuật trần thuật,…
Câu 3. Tình cảm, thái độ đối với các nhân vật, sự kiện lịch sử mà tác phẩm gợi lên trong em:
– Đọc xong tác phẩm, em cảm thấy cảm phục trước tinh thần của Nguyễn Hoàng và thái độ mềm dẻo, hồn hậu của ông khi nghe được hai người lính nói chuyện tốt – xấu về mình.
– Qua văn bản này, người đọc không chỉ hiểu hơn về một giai đoạn lịch sử của đất nước mà còn hiểu hơn về những con người tưởng đã là huyền thoại đi cùng với năm tháng lịch sử ấy. Bên cạnh đó, tác giả Thái Bá Lợi còn đưa ra cho chúng ta những tình tiết lịch sử phức tạp, một cái nhìn mới mẻ, nhân văn về lịch sử của đất nước.
3. Tóm tắt văn bản Minh sư:
Trong tiểu thuyết Minh sư, tác giả Thái Bá Lợi đã miêu tả cuộc đời và sự nghiệp của nhân vật chính là Đoan Quốc công Nguyễn Hoàng. Dù ông đã tròn 80 tuổi nhưng vẫn không ngại mà tham gia chinh chiến với sự kiên cường và khí thế như một tráng sĩ trẻ. Suốt một ngày dài điều động quân đội, ông chỉ ngồi cáng hai lần trên lưng ngựa. Tới khi lên đỉnh núi, do cái lạnh và sương mù, ông và binh đoàn của mình phải nghỉ chân lại đây. Đêm đó, ông tháo thức không ngủ và hoài niệm về những người đã cùng ông chiến đấu suốt nhiều năm qua nhưng giờ đây đã không còn đầy đủ nữa. Khi đang đi dạo quanh nơi hạ trại và tình cờ nghe được cuộc trò chuyện của hai người lính gác đang nói về ông. Một người nói rằng ông tài giỏi, dẻo dai, phải cầm quân cho đến khi chết, trong khi người kia lại cho rằng ông sợ bị Trịnh Kiểm giết nên mới tìm đường chạy thoát thân vào đây. Nghe được những lời này, Nguyễn Hoàng sợ bị lộ và đánh mất phẩm chất của một anh hùng nhưng chẳng may bị trượt ngã. Hai người lính gác phát hiện ra ông, sợ hãi tay chân run lẩy bẩy. Tuy nhiên, Nguyễn Hoàng không hề giận dữ mà thay vào đó, ông vô cùng bình tĩnh và chân thành nói với hai người lính rằng những gì họ nói về ông đều đúng, tất cả chúng ta đều phải tri ân những người đã giúp mở mang kiến thức và tầm nhìn của mình. Nguyễn Hoàng gọi những người này là minh sư, cho thấy sự tôn trọng và biết ơn của mình đối với tất cả những người đã giúp đỡ mình trên con đường sự nghiệp và cuộc đời của ông.
4. Dàn ý phân tích Minh Sư:
a, Mở bài:
Giới thiệu đôi nét về tác giả và hoàn cảnh ra đời của tác phẩm
b, Thân bài:
– Phân tích bối cảnh của câu truyện
– Phân tích câu chuyện xoay quanh cuộc đời Đoan Quốc Công Nguyễn Hoàng.
– Phân tích hoàn cảnh và lý giải ý nghĩa xuất hiện của “minh sư”
c, Kết bài
Khẳng định giá trị nội dung và giá trị nghệ thuật của tác phẩm.
5. Bài văn phân tích Minh sư:
Nhà văn Thái Bá Lợi nổi tiếng là một nhà văn quân đội với các sáng tác mang phong cách truyền thống với ca từ mới mẻ, lột tả hiện thực rõ nét về chiến tranh. “Minh sư” là tiểu thuyết được ông sáng tác trong suốt 5 năm (từ năm 2004 đến năm 2009). Tác phẩm viết về cuộc đời và sự nghiệp của Nguyễn Hoàng – Đoan Quốc Công trong nhận thức của ông khi đọc kinh Phật.
Nhà văn bắt đầu câu truyện từ cuộc đời của Đoan Quốc Công thời ông mở rộng giang sơn bờ cõi. Khi ấy ông đã gần tám mươi tuổi nhưng vẫn giữ một khí thế hiên ngang như một thanh niên trai tráng, chỉ “nằm cáng hai lần còn thì ngồi trên lưng ngựa”. Trải qua bao nhiên nắng gió nơi thao trường, cho đến một hôm khi quân đoàn đang nghỉ chân trên đỉnh núi sương mờ, khi ông đang hồi tưởng về những con người đã cùng với ông vào sinh ra tử suốt mấy chục năm chiến đấu, đến nay nhiều người đã không còn nữa. Khi ông lắng nghe câu chuyện của hai người lính nói về mình, vừa được một người hết lòng ca ngợi, vừa bị một người lại cho rằng ông là kẻ sợ chết, sợ bị ám sát bởi Trịnh kiểm nên mới tìm đường trốn vào Thuận Hóa. Để không bị phát hiện, ông lẳng lặng đi lùi về sau nhưng một mảnh rêu đã làm ông ngã sõng soài trước sự sửng sốt và sợ hãi của hai tên lính. Tưởng chừng tội này của hai người đó sẽ khó dung tha nhưng Nguyễn Hoàng lại nhìn họ với ánh mắt đôn hậu trìu mến. Ông bình tĩnh thừa nhận những gì họ nói về mình đều là sự thật, không một lời chối cãi hay biện minh cho uy nghiêm của một anh hùng. Ông nói với họ rằng: “Các anh đã nhắc ta biết một sự thật mà ta có thể quên thì đó là minh sư của ta”. Từ “minh sư” đã được xuất hiện khi Nguyễn Hoàng nghe được câu chuyện của hai người lính được tác giả diễn tả theo lòng của Nguyễn Hoàng với ý nghĩa rộng hơn không phải chỉ gồm những người thân quen, người nói thuận lòng mình mà còn gồm cả những người xa lạ, kẻ thù hay những người nói phật ý ta,… tất cả họ đều là những bậc thầy sáng suốt, và ta cần phải tri ân họ vì họ giúp ta mở mang nhiều điều.
Qua hình tượng “Minh sư” trên cơ sở nhận thức của tác giả về kinh Phật khi nhấc bút viết nên cuốn sách “Nguyễn Hoàng – người để lại dấu ấn mạnh mẽ trong suy tư của tôi” Đoạn trích trong tác phẩm “Minh sư” trên đem lại cho chúng ta, mỗi người đọc cái nhìn rõ nét về một “minh sư”, là bậc thầy của bất cứ ai, bất cứ hoàn cảnh nào, không chỉ nói với ta điều tốt mà còn cả những điều không tốt để từ đó ta có những bài học của riêng mình. Với “Minh sư”, tác giả Thái Bá Lợi đã khẳng định một phong cách, qua đó thấy được tình yêu cao đẹp của ông với lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc.