Soạn bài Đi cấp cứu trên tàu viễn dương - Soạn văn lớp 8 với các câu trả lời chi tiết cho từng câu hỏi theo hướng dẫn sách giáo khoa giúp các em học sinh có những sự so sánh về đáp án, hỗ trợ tự học, soạn bài, nghiên cứu bài trước khi đến lớp để có những kiến thức vững chắc, học tập hiệu quả hơn.
Mục lục bài viết
- 1 1. Tìm hiểu chung về văn bản Đi cấp cứu trên tàu Viễn Dương:
- 2 2. Trả lời câu hỏi SGK Ngữ văn 8 – Bộ sách Chân trời sáng tạo:
- 2.1 2.1. Câu 1 SGK Ngữ văn 8 tập 1 – Bộ sách Chân trời sáng tạo:
- 2.2 2.2. Câu 2 SGK Ngữ văn 8 tập 1 – Bộ sách Chân trời sáng tạo:
- 2.3 2.3. Câu 3 SGK Ngữ văn 8 tập 1 – Bộ sách Chân trời sáng tạo:
- 2.4 2.4. Câu 4 SGK Ngữ văn 8 tập 1 – Bộ sách Chân trời sáng tạo:
- 2.5 2.5. Câu 5 SGK Ngữ văn 8 tập 1 – Bộ sách Chân trời sáng tạo:
- 2.6 2.6. Câu 6 SGK Ngữ văn 8 tập 1 – Bộ sách Chân trời sáng tạo:
- 2.7 2.7. Câu 7 SGK Ngữ văn 8 tập 1 – Bộ sách Chân trời sáng tạo:
- 3 3. Kết luận:
1. Tìm hiểu chung về văn bản Đi cấp cứu trên tàu Viễn Dương:
Văn bản Đi cấp cứu trên tàu Viễn Dương là một đoạn trích được in trong tập Lưu Quang Vũ và Xuân Quỳnh gửi lại, Hội Văn học nghệ thuật Đà Nẵng năm 1989. Văn bản có nội dung đề cập đến vấn đề ông Toàn Nha muốn thay đổi xã để trở nên tốt đẹp hơn. Tuy nhiên, ông lại là người không có kiến thức khi “mới chỉ học hết lớp 4”. Vì sĩ diện, cộng thêm sự thiếu hiểu biết của mình, ông đã gây ra vụ cháy nổ lớn tại trụ sở Ủy ban và bị thương. Cuối cùng, kết quả là ông đã phải đi cấp cứu trên con tàu chở phân đạm mà ông coi là tàu viễn dương do con rể tương lai của mình lái.
Nội dung tác phẩm được tóm tắt như sau:
Ông Toàn Nha, chủ tịch xã kiêm chủ nhiệm hợp tác xã Cà Hạ, vì hảo danh mà phát động một cuộc “thay trời đổi đất, sắp đặt giang sơn”, mong biển xã nhà thành một biểu tượng của phong trào đổi mới nông thôn, mặc dù về trình độ văn hoả, ông mới chỉ “học hết lớp 4″. Với sự tham mưu của thư kí Văn Sửu, ông cho tiến hành một loạt “cải cách” như: đổi tên xã (xã “Cà Hạ” thành xã “Hùng Tâm”); đổi tên các phòng, ban dưới quyền mình thành các “Trung tâm … ; lấy sản xuất pháo nổ, thu mua lông vịt xuất khẩu,… làm trọng điểm phát triển kinh tế xã; coi trọng việc báo cáo, tuyên truyền về thành tích trong các hội nghị, lễ tổng kết hơn phát triển thực lực của địa phương. Hưng, một anh thợ lái tàu đường sống, người yêu của cô Nhàn, con gái ông Toàn Nha, có chuyển về quê đúng dịp ở địa phương tổ chức lễ tổng kết phong trào đổi mới do ông Toàn Nha chủ trì. Theo lời khuyên của người chủ, anh bất đắc dĩ phải nói dối mình là một thuyền trưởng tàu viễn dương để xuất hiện như một khách mới làm sang cho buổi lễ, nhằm mong được ông Toàn Nha chấp nhận là con rể.
Nhưng vì tự trọng. Hưng bỏ dở “vai diễn”, định lái tàu bỏ trốn. Một vụ cháy nổ lớn xảy ra tại trụ sở Uỷ ban xã, do thuốc pháo không được bảo quản đúng cách, gây nên cảnh náo loạn. Bị bỏng nặng, phải đi cấp cứu bằng đường sông trên chiếc tàu chở phân đạm của Hưng, ông Toàn Nha vẫn mơ màng, hãnh diện rằng ông đang được chở đi trên chuyển “tàu viễn dương” (tàu đi lại trên các vùng biển xa) do chàng rể tương lai — một vị thuyền trưởng đạn dày với hành trình trên các đại dương – điều khiển. Phần văn bản trong bài này được trích ở cảnh cuối của vở kịch.
2. Trả lời câu hỏi SGK Ngữ văn 8 – Bộ sách Chân trời sáng tạo:
2.1. Câu 1 SGK Ngữ văn 8 tập 1 – Bộ sách Chân trời sáng tạo:
Câu 1. Theo em, giữa người coi trọng “sĩ diện” với người mắc “bệnh sĩ” có gì khác nhau? Văn bản trên (và đoạn tóm tắt vở kịch Bệnh sĩ) cho thấy nhân vật nào hiện thân đầy đủ cho người mắc “bệnh sĩ”. Phân tích một số chi tiết tiêu biểu để làm rõ ý kiến.
Đáp án là:
Theo em, các điểm khác nhau giữa người coi trọng “sĩ diện” và người mắc “bệnh sĩ” được biểu hiện như sau:
– Thứ nhất, người coi trọng sĩ diện sẽ làm mọi việc để làm sao bảo vệ được lòng tự trọng, tự tôn của bản thân. Trong khi đó, người mắc bệnh sĩ diện là người sẽ làm mọi thứ để có thể khoe khoang và thể hiện bản thân trước mọi người.
– Thứ hai, người coi trọng sĩ diện là người hiểu biết, biết điểm dừng của mình ở đâu, biết làm thế nào để bảo vệ lòng tự trọng của mình. Những gì họ không biết chắc chắn, họ sẽ dè chừng. Còn những người mắc bệnh sĩ diện dù không biết cũng cố tỏ ra là hiểu biết, coi mình là nhất, tự cho mình là tài giỏi và thông thái.
Văn bản Đi cấp cứu trên tàu Viễn Dương và tóm tắt vở kịch Bệnh sĩ đã cho chúng ta thấy được rõ ràng, chi tiết về hình mẫu người mắc bệnh sĩ thông qua nhân vật Ông Toàn Nha. Ông chính là hiện thân đầy đủ cho những dấu hiệu đích thực là một người mắc bệnh sĩ diện. Những chi tiết trong văn bản cho thấy rõ ràng căn bệnh sĩ diện của ông được thể hiện qua các chi tiết sau:
– Ông Toàn Nha vì háo danh mà phát động cuộc thay trời đổi đất, mặc dù ông chỉ học hết lớp 4, không kiến thức, không tài năng.
– Ông cho người đóng giả làm thuyền trưởng của tàu Viễn Dương
– Ông làm tất cả mọi việc chỉ để thể hiện bản thân, nâng cao tên tuổi của mình trước người khác mà bất chấp làm giả, thậm chí là hãm hại người khác.
Chỉ với những chi tiết ấy cũng đã có thể cho ta thấy bộ mặt của một tên sĩ diện hão là như thế nào. Và việc mắc căn bệnh sĩ diện này cũng sẽ gây lên những hậu quả nghiêm trọng không chỉ cho người “mắc bệnh sĩ” mà còn cả mọi người xung quanh.
2.2. Câu 2 SGK Ngữ văn 8 tập 1 – Bộ sách Chân trời sáng tạo:
Câu 2. Điều gì khiển ông Toàn Nha nghĩ rằng ông đang được chở đi cấp cứu trên một “con tàu viễn dương”, mặc dù trên thực tế, đó chỉ là chiếc tàu chở phân đạm cho địa phương?
Đáp án là:
Ông Toàn Nha nghĩ rằng ông đang được chở đi cấp cứu trên một “con tàu Viễn Dương”, mặc dù trên thực tế, đó chỉ là chiếc tàu chở phân đạm cho địa phương là bởi sự háo danh của mình, ông đã bảo anh Hưng – con rể tương lai của mình giả làm thuyền trưởng để được cảm giác như mình đang được đi trên một “con tàu Viễn Dương”
2.3. Câu 3 SGK Ngữ văn 8 tập 1 – Bộ sách Chân trời sáng tạo:
Câu 3. Nêu một số ví dụ trong văn bản về lời đối thoại và lời chỉ dẫn sân khấu.
Đáp án là:
Trước khi đi lấy ví dụ về lời đối thoại và lời chỉ dẫn sân khấu trong văn bản, trước tiên cần biết dấu hiệu nhận biết của lời chỉ dẫn sân khấu và lời đối thoại. Lời đối thoại sẽ được in thẳng, còn lời chỉ dẫn sân khấu sẽ được in nghiêng và để trong ngoặc đơn.
Ví dụ trong văn bản về lời đối thoại và lời chỉ dẫn sân khấu như sau:
– Thứ nhất, về lời đối thoại:
Cá lửa nữa, phải đập mau… ta phải về đấy! Nào, Nhàn!
Ở đấy đã! Đã có người dập lửa! Cứu người cần hơn! Các anh ở đây đã! Cứu người! Cấp cứu!
Chúng ta vẫn thắng lợi lớn! Rất lớn! Nổ máy! Mục tiêu: Bệnh viện huyện. Tiến lên! Các đồng chí! Hùng Tâm ta tiến lên!
– Thứ hai, về lời chỉ dẫn sân khấu:
(Có mấy người định chạy đi thì có tiếng huyên náo)
(Anh Văn Sửu cùng ông Độp, ông Thình khiêng một cái cáng trên đó ông Toàn Nha nằm bất tỉnh, áo quần tơi tả, lấm lem khói pháo, người nhiều vết bỏng, tay, măt đen sì…)
(Cố ngồi dậy, nửa nằm nửa quỳ, vung tay), (ngã gục)…
2.4. Câu 4 SGK Ngữ văn 8 tập 1 – Bộ sách Chân trời sáng tạo:
Câu 4. Tóm tắt các hành động làm nảy sinh xung đột và giải quyết xung đột giữa Tiến và Hưng; giữa Tiến, Hưng và Xoan, Nhàn, giữa Hưng và Nhàn trong văn bản (làm vào vở).
Đáp án là:
– Các hành động làm nảy sinh xung đột và giải quyết xung độ giữa Tiến và Hưng là: Hành động xung đột khi Hưng cởi bộ quần áo thuyền trưởng ra và có ý định chạy trốn. Hành động giải quyết xung đột đó là Tiến chỉ chỗ trốn cho Hưng là trong hòm, Tiến giúp Hưng đẩy bọn Nhàn ra.
– Các hành động làm nảy sinh xung đột và giải quyết xung độ giữa Tiến, Hưng và Xoan, Nhàn là: Hành động xung đột khi Nhàn và Xoan luôn khen ngợi chiếc tàu Viễn Dương và tài năng của những người trên chiếc tàu đó trong cuộc trò chuyện trên thuyền trở phân đạm cho địa phương mà phủ nhận đi tàu phân đạm. Sau đó, xung đột được giải quyết bằng hành động cùng nhau đi dập lửa khi nghe thấy tiếng nổ lớn
– Các hành động làm nảy sinh xung đột và giải quyết xung độ giữa Hưng và Nhàn là: Hành động xung đột khi Hưng nói dối Nhàn về thân phận lái con tàu chở phân đạm. Sau đó xung đột được giải quyết bằng hành động Hưng nói sự thật cho Nhàn biết.
2.5. Câu 5 SGK Ngữ văn 8 tập 1 – Bộ sách Chân trời sáng tạo:
Câu 5. Phân tích một số thủ pháp trào phúng trong văn bản.
Một số thủ pháp trào phúng trong văn bản là:
– Thứ nhất, thông qua cách nhà văn xây dựng các tình huống xung đột giữa các nhân vật:
+ Hưng nói dối mình là thuyền trưởng tàu Viễn Dương với Nhàn nhằm mục đích hỏi cưới Nhàn nhưng sau đó Nhàn biết sự thật
+ Ông Nha bị bỏng đi cấp cứu nhưng vẫn nghĩ mình đang đi trên con tàu Viễn Dương
Thứ hai, nhà văn sử dụng các từ ngữ mang tính mỉa mai, xây dựng lời thoại xung đột giữa các nhân vật bằng những từ ngữ mỉa mai, châm biếm để cho người đọc thấy rõ được tính cách và thói sĩ diện của từng người. Các từ ngữ mang tính mỉa mai cao ấy bao gồm: Hảo danh, sĩ, cứ phải viễn dương cơ, biển cơ. Không có cái hảo danh của các vị thì làm gì có việc gì rắc rối….
2.6. Câu 6 SGK Ngữ văn 8 tập 1 – Bộ sách Chân trời sáng tạo:
Câu 6. Những dấu hiệu nào giúp em nhận biết văn bản trên là hài kịch?
Đáp án là:
Những dấu hiệu giúp em nhận biết văn bản trên là hài kịch được thông qua hai dấu hiệu sau:
+ Có bố cục rõ ràng, có lời kể, lời thoại, lời dẫn.
+ Tình huống truyện vừa mỉa mai, vừa hài hước, thể hiện nét châm biếm của tác giả.
2.7. Câu 7 SGK Ngữ văn 8 tập 1 – Bộ sách Chân trời sáng tạo:
Câu 7. Cùng các bạn trong nhóm phân vai, diễn xuất hoặc đọc diễn cảm một cảnh trong văn bản trên.
(Các bạn thực hiện phân vai, diễn xuất với bạn bè của mình)
3. Kết luận:
Qua văn bản Đi cấp cứu trên tàu Viễn Dương chúng ta rút ra được nhiều bài học quý giá về dấu hiệu căn bệnh “sĩ diện” và những hậu quả khôn lường mà căn bệnh này mang lại. Từ đó, chúng ta cần rèn luyện cho mình những đức tính tốt, xóa bỏ đi những tính xấu như bệnh sĩ diện này. Muốn bảo vệ cái tôi, bảo vệ lòng tự trọng, bảo vệ sĩ diện của bản thân, chúng ta cần rèn luyện, ngày ngày nâng cao tri thức, trí tuệ bản thân để được người khác kính trọng, nể phục thay vì làm mọi thứ để thể hiện bản thân, để khoe khoang với mọi người. Nếu ta tài giỏi, hãy để hành động chứng minh, đừng cố tỏ ra tài giỏi, khoe mẽ với mọi người. Điều đó chỉ làm xấu chính chúng ta trong ánh mắt của họ mà thôi.