Cô bé bán diêm - SGK mới bao gồm tóm tắt nội dung chính, lập dàn ý phân tích, bố cục, giá trị nội dung, giá trị nghệ thuật cùng hoàn cảnh sáng tác, ra đời của tác phẩm và tiểu sử, quan điểm cùng sự nghiệp sáng tác phong cách nghệ thuật giúp các em học tốt môn văn 6
Mục lục bài viết
1. Tìm hiểu về tác giả và tác phẩm:
1.1. Tác giả:
* Tiểu sử:
– An-đéc-xen (1805 – 1875) là nhà văn Đan Mạch.
– Ông sớm mồ côi cha và đã phải bươn chải kiếm sống. Tuổi thơ ông đã phải làm nhiều công việc từ dệt vải, may mặc, công nhân sau đó trở thành diễn viên và sau này chuyển qua viết văn. Có lẽ những gì mà ông từng trải qua trong thời thơ ấu đã trở thành niềm cảm hứng cho các sáng tác sau này của ông.
– Đời sống tình cảm gặp nhiều trắc trở và đau khổ khi không được đáp lại tình yêu. Nhiều ý kiến cho rằng ông là nhà văn đồng tính luyến ái.
* Sự nghiệp văn học:
– Ông là nhà văn lớn của Đan Mạch thế kỉ XIX, là danh nhân văn hoá thế giới.
– Nổi tiếng với thể loại truyện dành cho thiếu nhi.
– Nhiều truyện ông soạn lại từ truyện cổ tích, tuy nhiên cũng có những câu chuyện do ông tự sáng tác ra.
– Tác phẩm chính: Cô bé bán diêm, Bầy chim thiên nga, Nàng tiên cá, Bộ quần áo mới của nhà vua, Nàng công chúa và hạt đậu. ..
– Phong cách sáng tác: Truyện của ông nhẹ nhàng, gợi dậy tình thương yêu con người, nhuốm màu huyền ảo và mộng mơ, bày tỏ niềm tin tưởng vào sự chiến thắng sau cùng của điều tốt lành trên cõi đời.
1.2. Tác phẩm:
– Xuất xứ: Đoạn trích Cô bé bán diêm trích trong tác phẩm Cô bé bán diêm – một trong những truyện ngắn hay, nổi tiếng giàu giá trị nhân văn.
– Bố cục: 3 phần
+ Phần 1 (từ đầu… “cứng đờ ra”): Hoàn cảnh đáng thương của cô bé bán diêm.
+ Phần 2 (tiếp… “chầu Thượng đế”): Những lần quẹt diêm những mơ ước giản dị hiện ra.
+ Phần 3 (còn lại) Cái chết của cô bé bán diêm và thái độ của mọi người.
– Tóm tắt: Truyện kể về một cô bé bán diêm trong đêm giao thừa. Cô bé có một hoàn cảnh khó khăn mẹ và bà đều đã qua đời em đang ở với một người bố độc ác trong một căn nhà tồi tàn. Vào đêm giao thừa em đi bán diêm với một bộ quần áo mỏng manh rách rưới và cái bụng không có đồ ăn lót dạ. Nhưng em không dám về nhà bởi sợ khi về nhà bố sẽ đánh khi không bán nổi bao diêm nào cả. Em lạnh quá không thể nào tiếp tục đi được nữa nên đã ngồi vào một xó nhỏ giữa hai bức tường. Em quẹt diêm để giữ ấm. Và khi những que diêm được quẹt thì bao ước mơ trong lòng em xuất hiện. Đến khi em quẹt que diêm thứ tư thì người bà hiền hậu hiện lên. Em cầu khẩn bà hãy cho phép em được đi với bà. Cuối cùng cả hai bà cháu đã cùng cầm tay nhau bước đến thiên đường nơi mẹ đang đứng đó đợi.
– Giá trị nội dung: Hoàn cảnh đáng thương của cô bé bán diêm nghèo, thông qua đó bày tỏ sự thương xót, cảm thông của nhà văn với những số phận bất hạnh.
– Giá trị nghệ thuật
+ Trí tưởng tượng bay bổng.
+ Đan xen yếu tố thực và tưởng tượng
+ Kết hợp tường thuật, miêu tả, biểu cảm.
2. Trước khi đọc:
Câu 1 (trang 60 SGK Ngữ văn 6 tập 1)
Giới thiệu ngắn gọn một truyện kể hoặc một bộ phim có nhân vật trẻ em gây ấn tượng với em.
Phương pháp giải: Nhớ lại các truyện hoặc phim em đã xem có nhân vật trẻ em.
Lời giải chi tiết: Em đã xem nhiều bộ phim có nhân vật thiếu nhi, trong đó em ấn tượng và có nhiều tình cảm nhất với bộ phim hoạt hình “Ngôi mộ đom đóm” của Nhật Bản. Bộ phim nói đến hiện thực tàn khốc của xã hội Nhật bản thời kỳ chiến tranh thế giới thứ hai và ngợi ca tình cảm anh em của hai đứa trẻ mồ côi. Hai anh em phải đối mặt với cảnh đói khát của chiến tranh, sự giúp đỡ của mọi người mới có thể sống sót. Không nhà cửa, không người thân, không bạn bè và đặc biệt không có cơm mà ăn khiến cuộc sống hai đứa bé trở lên vô cùng bi thảm. Chiến tranh đã khiến hai đứa bé trở nên khốn khổ, đáng thương tâm nhưng hai anh em thể hiện tình yêu thương và chăm sóc lẫn nhau. Cuối cùng, hai anh em đã chết trong đói khát và bệnh tật.
Câu 2 (trang 60 SGK Ngữ văn 6 tập 1)
Chia sẻ một vài cảm nhận của em về nhân vật đó.
Phương pháp giải: Nêu cảm nhận về nhân vật em đã nêu ở câu 1.
Lời giải chi tiết: Em đặc biệt ấn tượng với nhân vật người anh Seita, cậu em mới khoảng hơn 10 tuổi nhưng đã phụ giúp bố mẹ gồng gánh nuôi nấng em gái, cõng em qua hết nơi này đến chỗ khác, thậm chí còn ăn trộm và bị đánh đập để đem cơm về cho em gái ăn. Hai anh em đã chết do đói khát và bệnh tật. Hi vọng ở một thế giới khác kia, anh em họ sẽ có một cuộc sống tốt đẹp hơn và không có chiến tranh như trong truyện. Cậu bé khiến em nhớ về anh trai của em, anh trai cũng yêu thương em vô điều kiện như thế. Hai đứa trẻ đáng yêu khiến em thấy chiến tranh quá tàn nhẫn, vô ích và em cảm thấy yêu hơn nữa gia đình của em.
3. Đọc văn bản:
Câu 1 (trang 61 SGK Ngữ văn 6 tập 1)
Điều gì sẽ đến với cô bé bán diêm trong đêm giao thừa?
Phương pháp giải: Đọc văn bản và tìm ý.
Lời giải chi tiết: Điều sẽ đến với cô bé bán diêm trong đêm giao thừa: Giữa tiết trời đông rét buốt, em lặn lội trên đường, đến những nơi đông người qua lại để bán vài que diêm tuy nhiên không ai quan tâm đến lời chào bán của em.
Câu 2 (trang 62 SGK Ngữ văn 6 tập 1)
Sau khi bà mất, gia đình cô bé bán diêm rơi vào tình cảnh như thế nào?
Phương pháp giải: Đọc và chú ý chi tiết nói về hoàn cảnh của cô bén bán diêm.
Lời giải chi tiết: Sau khi bà qua đời, gia đình cô bé bán diêm rơi vào cảnh “gia sản tan tành, gia đình phải bỏ căn nhà xinh xinh có dây trường xuân quấn xung quanh để rúc trong một xó tối tăm, thường xuyên nghe những tiếng mắng nhiếc, chửi rủa”.
Câu 3 (trang 62 SGK Ngữ văn 6 tập 1)
Mỗi lần quẹt diêm, cô bé bán diêm nhìn thấy những hình ảnh gì? Đó là thực hay mơ?
Phương pháp giải: Chú ý 5 lần quẹt diêm của cô bé.
Lời giải chi tiết: Mỗi lần quẹt diêm cô bé bán diêm đều được đắm chìm trong phút giây sung sướng:
– Lần quẹt diêm thứ nhất: em thấy lò sưởi, bởi vì giữa mùa đông giá rét em thèm được sưởi ấm.
– Lần quẹt diêm thứ 2: em thấy một bàn tiệc linh đình em thấy mơ ước lớn lao nhất lúc này của em là được ăn no.
– Lần quẹt diêm thứ 3, em thấy biểu tượng của cây thông. Đó thiết yếu là hình ảnh của mái ấm gia đình hạnh phúc.
– Lần quẹt diêm thứ 4: bà hiện lên rất thân thương, gần gũi. Cô bé tha thiết van xin bà hãy theo mình, vì cô bé biết khi ngọn lửa diêm tàn thì bà cũng biến mất tăm.
– Lần cuối cùng: em quẹt nốt phần diêm sót lại được trông thấy bà và thật kì diệu ước nguyện sau cùng của em đã thành sự thật.
=> Bốn lần quẹt diêm trước chỉ là giấc mộng, lần quẹt diêm cuối đã thành hiện thực khi em đã lìa khỏi thế giới thực bước qua thế giới bên kia.
Câu 4 (trang 64 SGK Ngữ văn 6 tập 1)
Điều gì xảy ra với cô bé bán diêm? Có giống với dự đoán của em không?
Phương pháp giải: Chú ý chi tiết nói về những tình huống xảy đến với cô bé bán diêm.
Lời giải chi tiết: Đúng với linh cảm của em, cô bé bán diêm đã chết bởi rét giữa đêm giao thừa nhưng em không hề phải đối diện với đòn roi, những lời chửi mắng, cái đói rét, nỗi cô đơn nữa, em đã tìm đến một thế giới khác, thế giới có bà kề vai.
Câu 5 (trang 64 SGK Ngữ văn 6 tập 1)
Có những hình ảnh trái ngược nào trong quang cảnh ngày năm mới?
Phương pháp giải: Đọc văn bản và tìm các hình ảnh trái ngược được miêu tả.
Lời giải chi tiết: Những hình ảnh đối lập trong quang cảnh ngày năm mới: Trong quang cảnh của năm mới, mặt trời lên rực rỡ, chói lọi trên bầu trời xanh, nhiều người vui mừng rời khỏi nhà nhưng có một em bé đã qua đời trong đêm giao thừa do lạnh: “Ở một xó tường, người ta nhìn thấy em với đôi má hồng và đôi môi đang mỉm cười”.
4. Sau khi đọc:
Câu 1 (trang 65 SGK Ngữ văn 6 tập 1)
Truyện Cô bé bán diêm được kể bằng lời của người kể chuyện ngôi thứ mấy?
Phương pháp giải: Xem lại truyện và xác định người kể chuyện.
Lời giải chi tiết: Truyện Cô bé bán diêm được kể bằng lời của người kể chuyện ngôi thứ ba (tác giả).
Câu 2 (trang 65 SGK Ngữ văn 6 tập 1)
Cô bé bán diêm phải ở ngoài đường phố trong một đêm như thế nào? Vì sao cô bé không dám trở về nhà?
Phương pháp giải: Đọc và tìm ý.
Lời giải chi tiết:
– Cô bé bán diêm phải lang thang ngoài đường giữa một đêm giao thừa mùa đông đầy giá rét với tuyết trắng giăng đầy phố phường.
– Dù có nhà nhưng em không muốn về bởi nếu về em không lấy nổi đồng xu nào thì sẽ bị cha em mắng, đánh.
Câu 3 (trang 65 SGK Ngữ văn 6 tập 1)
Nêu các chi tiết miêu tả ngoại hình của cô bé bán diêm? Những chi tiết đó giúp em hình dung như thế nào về cuộc sống của nhân vật?
Phương pháp giải: Đọc và chú ý các chi tiết tả ngoại hình.
Lời giải chi tiết: Các chi tiết mô tả hình dáng của cô bé bán diêm:
– Em phải đi chân đất, chân em sưng tấy lên rồi thâm tím lại.
– Chiếc túi cũ kỹ của em đựng đầy diêm và tay em vẫn cầm tiếp một bao.
– Bông tuyết bám dày đặc trên mái tóc buông xuống như hàng búp trên lưng em.
Câu 4 (trang 65 SGK Ngữ văn 6 tập 1)
Những hình ảnh xuất hiện sau mỗi lần quẹt diêm thể hiện những ước mong nào của cô bé bán diêm? Theo em, có thể thay đổi trình tự xuất hiện của các hình ảnh đó không.
Phương pháp giải: Đọc lại 5 lần quẹt diêm và chú ý trình tự xuất hiện.
Lời giải chi tiết:
– Các hình ảnh xuất hiện sau mỗi lần quẹt diêm phản ánh mơ ước được sưởi ấm, được ăn ngon và được gặp gỡ bà của cô bé bán diêm.
– Theo em, không thể nào thay đổi trình tự xuất hiện của những hình ảnh trên được vì thứ tự của các hình ảnh này phản ánh được mức độ lớn dần của sự thèm khát của cô bé bán diêm với các sự vật ấy. Nỗi khao khát lớn lao nhất của cô bé trong đêm giao thừa đó là được gặp gỡ người bà đã từng thương yêu cô bé. Nếu như thay đổi thứ tự xuất hiện của các hình ảnh trên thì truyện sẽ mất hết nội dung của truyện.
Câu 5 (trang 65 SGK Ngữ văn 6 tập 1)
Nêu cảm nhận của em về thái độ của người kể chuyện với cô bé bán diêm. Phân tích một vài chi tiết làm cơ sở cho sự cảm nhận đó.
Phương pháp giải: Chú ý từ ngữ trong văn bản.
Lời giải chi tiết:
– Câu chuyện thể hiện tình cảm xót thương sâu sắc của tác giả trước cảnh ngộ bất hạnh của cô bé bán diêm.
– Những chi tiết làm cơ sở cho sự đồng cảm ấy:
+ Khắc hoạ hình ảnh nhân vật với hoàn cảnh đáng thương.
+ Lời nói đầy đồng cảm, yêu thương “… nhưng em không về nhà lúc này được, cha em sẽ đánh đòn em “;” chà, giá như em thắp que diêm lên mà sưởi cho ấm áp nhỉ! “…
+ Tái hiện các ước mơ của cô bé đúng với ước mơ của em.
– Thông qua tác phẩm, nhà văn muốn gửi gắm đến người đọc thông điệp đầy sâu sắc, đậm tính nhân văn: hãy thương yêu trẻ em và giúp cho chúng có thể sống một cuộc sống đủ đầy, hạnh phúc, tạo dựng đời sống no ấm cho tất cả mọi người, đặc biệt cho các em bé thiếu thốn vật chất và tình cảm.
Câu 6 (trang 65 SGK Ngữ văn 6 tập 1)
Đọc lại một số câu văn miêu tả lại cách ứng xử của người đi đường trước tình cảnh của cô bé bán diêm. Em nghĩ gì về cách ứng xử của họ.
Phương pháp giải: Chú ý các chi tiết và thái độ của người đi đường.
Lời giải chi tiết:
– Cách ứng xử của người qua đường đối với hoàn cảnh của em bé bán diêm: “Khách qua đường thường rảo bước đi thật nhanh, không ai để ý đến câu chào của em, không ai bố thí cho em một ít“, “khách qua đường vội vàng mặc quần áo ấm đến các nơi hò hẹn, hoàn toàn thờ ơ với tình cảnh khốn khổ của em bé bán diêm”, “Nhiều người kháo rằng: chắc nó cần sưởi ấm”.
– Đây là thái độ thể hiện sự ứng xử vô tâm, thiếu vắng sự cảm thông và lòng thương yêu của con người đối với con người.
Câu 7 (trang 65 SGK Ngữ văn 6 tập 1)
Trong truyện, tác giả đã sử dụng nhiều hình ảnh, chi tiết tương phản như: cảnh đoàn tụ của các gia đình trong đêm giao thừa với cảnh giá rét, đơn độc ngoài đường phố của cô bé bán diêm; không khí tươi vui ngày đầu năm mới với cảnh tượng em bé chết rét nơi xó tường. Em hãy chỉ ra ý nghĩa, tác dụng của một vài chi tiết, hình ảnh đó.
Phương pháp giải: Đọc kĩ các chi tiết này và nêu lên tác dụng.
Lời giải chi tiết:
– Trong truyện ngắn, tác giả đã sử dụng nhiều hình ảnh, chi tiết tương phản như:
+ Cảnh sum họp của các gia đình trong đêm giao thừa với cảnh tượng lạnh lẽo, đơn độc ngoài đường của cô bé bán diêm;
+ Không khí tươi vui ngày đầu năm mới với cảnh em bé chết lạnh nơi xó tường.
– Tác giả đã sử dụng các hình ảnh đối lập nhau nhằm làm rõ hoàn cảnh vô cùng thương tâm của cô bé. Hình ảnh tương phản của cô bé bán diêm cùng mọi người đã để lại trong tim những người độc giả trên khắp thế giới này sự đau đớn vô tận.
Câu 8 (trang 66 SGK Ngữ văn 6 tập 1)
Những câu chuyện cổ tích thường kết thúc có hậu: nhân vật chính được hưởng cuộc sống bình yên, hạnh phúc. Theo em, truyện cổ tích Cô bé bán diêm có kết thúc như vậy không? Vì sao?
Phương pháp giải: Đọc lại đoạn kết và trả lời.
Lời giải chi tiết:
– Các câu chuyện cổ tích đều kết thúc có hậu: nhân vật trữ tình được tận hưởng cuộc sống yên bình, thanh thản.
– Theo em, truyện cổ tích Cô bé bán diêm cũng đã có một kết thúc có hậu (khi bàn đến khía cạnh giải thoát số phận con người). Cái chết của cô bé bán diêm tuy là một cảnh tượng thương tâm, song đây là một cái chết có hậu, hình hài thân xác chết mà linh hồn, khát khao của em bé được sống, sống trên đôi má hồng, đôi môi đang mỉm cười, sống giữa quang cảnh huy hoàng khi bà bay đi đón chào năm mới. Nói tới cái chết, người ta thường liên tưởng tới bi kịch. Viết về cái chết của cô bé bán diêm như vậy, nhưng tác phẩm của An-đéc-xen là một bi kịch lạc quan.
Viết kết nối với đọc
Viết đoạn văn (khoảng 5-7 câu) với nhan đề: Gửi tác giả truyện cô bé bán diêm.
Phương pháp giải: Tưởng tượng những điều muốn nói với tác giả và viết đoạn văn đúng hình thức.
Lời giải chi tiết:
Thân gửi nhà văn An-đéc-xen – tác giả câu chuyện Cô bé bán diêm: Đã hơn một thế kỉ trôi qua kể từ khi ông sáng tác truyện Cô bé bán diêm, song người đọc trên toàn thế giới này, kể cả các bạn thiếu nhi vẫn còn nghe văng vẳng đâu đây lời cầu nguyện tội nghiệp của cô bé. Ước mơ của cô bé trong truyện là muốn ở mãi với bà đầy tình yêu thương, được giải thoát khỏi cảnh đói rét, đau khổ. Thực tế, cô bé đã chết rét, chết đói trong đêm giao thừa giữa phố với những mái nhà tràn ngập ánh sáng. Nhưng dưới ngòi bút tràn đầy yêu thương, chan chứa niềm cảm thông của ông, người ta có cảm giác như cô bé bất hạnh kia không chết. Em đang đi vào một thế giới khác, tươi đẹp và yêu thương hơn bao giờ hết.