Tuy có sự tương đồng về mặt chủ thể, mặt chủ quan của tội phạm nhưng khách thể và mặt khách quan của tội làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người so với tội vi phạm quy định về an toàn lao động, vệ sinh lao động, về an toàn ở nơi đông người có sự khác biệt rõ ràng.
Có thể so sánh sự khác biệt về dấu hiệu pháp lý của tội làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người so với tội vi phạm quy định về an toàn lao động, vệ sinh lao động, về an toàn ở nơi đông người và Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác như sau:
Mục lục bài viết
- 1 1. Sự khác biệt về dấu hiệu pháp lý của tội làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người so với tội vi phạm quy định về an toàn lao động, vệ sinh lao động, về an toàn ở nơi đông người (Điều 295 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017)):
- 2 2. Sự khác biệt về dấu hiệu pháp lý của tội làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người so với tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác (Điều 134 Bộ luật Hình sự năm 2015) (sửa đổi, bổ sung năm 2017):
1. Sự khác biệt về dấu hiệu pháp lý của tội làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người so với tội vi phạm quy định về an toàn lao động, vệ sinh lao động, về an toàn ở nơi đông người (Điều 295 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017)):
Mặc dù có sự tương đồng về mặt chủ thể và mặt chủ quan của tội phạm nhưng khách thể và mặt khách quan của tội làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người so với tội vi phạm quy định về an toàn lao động, vệ sinh lao động, về an toàn ở nơi đông người có sự khác biệt rõ ràng, cụ thể:
– Về khách thể của tội phạm: Khách thể của tội vi phạm quy định về an toàn lao động, vệ sinh lao động, về an toàn ở nơi đông người là quy tắc, trật tự an toàn lao động, vệ sinh lao động, sự an toàn ở nơi đông người, trong khi đó tội lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người xâm phạm đến chế độ bảo vệ môi trường cũng như sức khỏe cộng đồng. Tuy vậy, cả hai tội này có sự tương đồng trong khách thể, thể hiện qua việc hai tội đều gián tiếp xâm phạm đến sức khỏe, tính mạng con người.
– Về mặt khách quan của tội phạm:
Tội vi phạm quy định về an toàn lao động, vệ sinh lao động, về an toàn ở nơi đông người được chủ thể của tội phạm thực hiện khi không tuân thủ các nguyên tắc bảo đảm an toàn khi lao động; hoặc vi phạm nội quy, quy trình, biện pháp về chống tác động của các yếu tố có hại, làm suy giảm sức khỏe, gây bệnh tật cho người; hoặc tại nơi có hoạt động đồng người dẫn đến thiệt hại cho người khác về tính mạng, sức khỏe hoặc tài sản. Trong khi đó, tội làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người được thực hiện bằng các hành vi: đưa ra hoặc cho phép đưa ra khỏi vùng có dịch bệnh vật phẩm có khả năng lây truyền dịch bệnh nguy hiểm cho người; hoặc đưa vào hoặc cho phép đưa vào lãnh thổ Việt Nam động vật, thực vật hoặc sản phẩm động vật, thực vật bị nhiễm bệnh hoặc mang mầm bệnh nguy hiểm có khả năng lây truyền cho người từ đó làm lây lan dịch bệnh.
Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh COVID–19 hiện nay, Hội đồng Thẩm phán Toà án nhân dân tối cao đã ban hành Công văn số 45/TANDTC–PC hướng dẫn xét xử tội phạm liên quan đến phòng, chống dịch bệnh COVID–19, trong đó có hướng dẫn xử lý các hành vi phạm tội có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự đối với tội vi phạm quy định về an toàn lao động, vệ sinh lao động, về an toàn ở nơi đông người theo Điều 295 Bộ luật Hình sự như sau:
Người chưa bị xác định mắc bệnh COVID–19 nhưng sống trong khu vực đã có quyết định cách ly, quyết định phong tỏa thực hiện một trong các hành vi sau đây gây thiệt hại từ 100.000.000 đồng trở lên do phát sinh chi phí phòng, chống dịch bệnh thì bị xử lý về tội vi phạm quy định về an toàn lao động, vệ sinh lao động, về an toàn ở nơi đông người theo Điều 295: trốn khỏi khu vực cách ly, không tuân thủ quy định cách ly; từ chối, trốn tránh việc áp dụng biện pháp cách ly, cưỡng chế cách ly; không khai báo y tế, khai báo không đầy đủ hoặc khai báo gian dối. Chủ cơ sở kinh doanh, người quản lý cơ sở kinh doanh dịch vụ (như quán bar, vũ trường, karaoke, dịch vụ mát–xa, cơ sở thẩm mỹ...) thực hiện hoạt động kinh doanh đã có quyết định tạm đình chỉ hoạt động kinh doanh để phòng, chống dịch bệnh COVID–19 của cơ quan, người có thẩm quyền, gây thiệt hại từ 100.000.000 đồng trở lên do phát sinh chi phí phòng, chống dịch bệnh thì cũng bị xử lý về tội này theo Điều 295.
– Về mặt chủ quan của tội phạm: Lỗi trong mặt chủ quan của tội vi phạm quy định về an toàn lao động, vệ sinh lao động, về an toàn ở nơi đông người theo Điều 295 Bộ luật Hình sự là lỗi vô ý, theo đó có thể là vô ý vì quá tự tin hoặc vô ý do cẩu thả. Ngược lại, lỗi của tội làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người theo Điều 240 Bộ luật Hình sự là lỗi cố ý.
2. Sự khác biệt về dấu hiệu pháp lý của tội làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người so với tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác (Điều 134 Bộ luật Hình sự năm 2015) (sửa đổi, bổ sung năm 2017):
Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác theo Điều 134 Bộ luật Hình sự năm 2015 hiện hành có sự tương đồng nhất định trong dấu hiệu về khách thể và mặt chủ quan so với tội làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người theo Điều 240, cụ thể là cả hai tội đều gây thiệt hại đến sức khỏe, tính mạng con người và lỗi của người phạm tội đều là lỗi cố ý. Tuy nhiên, giữa hai tội phạm này cũng có những điểm khác biệt cơ bản như sau:
– Về khách thể của tội phạm: Khách thể trực tiếp của tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác đó là quyền bất khả xâm phạm về thân thể, được pháp luật bảo hộ về sức khoẻ, danh dự và nhân phẩm. Trong khi đó, khách thể trực tiếp của tội làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người là chế độ bảo vệ môi trường. Đối tượng tác động của hai loại tội phạm này cũng khác nhau, nếu như tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác có đối tượng tác động là thân thể con người, thì đối tượng tác động của tội làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người lại là động, thực vật, sản phẩm từ động, thực vật hoặc vật khác có chứa mầm bệnh có khả năng làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người.
– Về mặt khách quan của tội phạm: Hành vi khách quan của tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác đó là hành vi gây thương tích, tổn hại trực tiếp cho thân thể của người khác một cách trái pháp luật và để lại tổn thương cơ thể ở mức độ nhất định theo quy định của pháp luật. Mặt khác, hành vi khách quan của tội làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người không tác động trực tiếp lên thân thể con người mà lại là các hành vi trung gian hoặc gián tiếp làm lây lan mầm bệnh truyền nhiễm nguy hiểm (như đưa ra hoặc cho phép đưa ra khỏi vùng có dịch bệnh động vật, thực vật, sản phẩm động vật, thực vật hoặc vật phẩm khác có khả năng lây truyền dịch bệnh nguy hiểm cho người, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác; đưa vào hoặc cho phép đưa vào lãnh thổ Việt Nam động vật, thực vật hoặc sản phẩm động vật, thực vật bị nhiễm bệnh hoặc mang mầm bệnh nguy hiểm có khả năng lây truyền cho người; một số hành vi khác làm lây lan dịch bệnh nguy hiểm cho người).