So sánh quy định của luật hình sự Trung Quốc và luật hình sự Việt Nam về phòng vệ chính đáng, có thể thấy pháp luật của hai quốc gia có những điểm giống và khác nhau rõ rệt, qua đó, có thể nghiên cứu, học hỏi để hoàn thiện chế định này.
Pháp luật hình sự Trung Quốc từ khi được ban hành đã qua nhiều thời kỳ, đến nay đã thay đổi và hoàn thiện hơn rất nhiều. BLHS nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa được Quốc hội Trung Quốc thông qua tại kỳ họp thứ II, ngày 01/7/1979, có hiệu lực từ ngày 01/01/1980. Luật sửa đổi, bổ sung BLHS này được sửa đổi vào năm 1997, có hiệu lực từ ngày 01/10/1997. BLHS Trung Quốc được sửa đổi, bổ sung nhiều lần và gần đây nhất là năm 2005 tại Hội nghị lần thứ 14 của Ủy ban Thường vụ Đại hội đại biểu nhân dân toàn quốc khóa X. Qua nhiều lần sửa đổi, đồng thời với thể chế chính trị cũng như mô hình tố tụng hình sự tương đồng, các quy định của pháp luật hình sự Trung Quốc nói chung và về phòng vệ chính đáng nói riêng rất đáng để học hỏi và tham khảo.
So sánh các quy định của luật hình sự Trung Quốc và luật hình sự Việt Nam về phòng vệ chính đáng, có thể thấy pháp luật của hai quốc gia có những điểm giống và khác nhau rõ rệt.
Mục lục bài viết
1. Một số điểm tương đồng giữa các quy định về phòng vệ chính đáng của pháp luật hình sự Việt Nam và pháp luật hình sự Trung Quốc:
Nhìn chung các quy định về phòng vệ chính đáng của Việt Nam và Trung Quốc có nhiều điểm tương đồng. Trước hết, về tinh thần pháp luật, cả Việt Nam và Trung Quốc đều quy định phòng vệ chính đáng là hành vi không phải chịu trách nhiệm hình sự và là một quyền của con người, quyền công dân. Điều 22 BLHS Việt Nam có quy định “Phòng vệ chính đáng không phải là tội phạm” và Điều 20 BLHS Trung Quốc cũng quy định “Trách nhiệm hình sự không được đặt ra đối với hành vi phòng vệ chính đáng”. Đồng thời, Điều 37 Hiến pháp Cộng hòa nhân dân Trung Hoa quy định “Quyền tự do thân thể của công dân nước Cộng hoà nhân dân Trung Hoa là bất khả xâm phạm” [59], trong khi đó Hiến pháp Việt Nam quy định “Mọi người có quyền bất khả xâm phạm về thân thể, được pháp luật bảo hộ về sức khoẻ, danh dự và nhân phẩm, không bị tra tấn, bạo lực, truy bức, nhục hình hay bất kỳ hình thức đối xử nào khác xâm phạm thân thể, sức khỏe, xúc phạm danh dự, nhân phẩm.”. Xét thấy Trung Quốc chỉ quy định quyền này cho công dân nước mình, còn Việt Nam quy định quyền này cho con người nói chung, nhưng về tinh thần pháp luật vẫn tương tự nhau.
Thứ hai, về căn cứ xác định phòng vệ chính đáng, cả Việt Nam và Trung Quốc đều có những căn cứ xác định tương tự nhau. Cả hai quốc gia đều xác định hành vi phòng vệ chính đáng dưới các điều kiện là (1) có hành vi vi phạm pháp luật xảy ra trước đó, (2) hành vi đó gây thiệt hại hoặc đe dọa gây thiệt hại cho cá nhân người phòng vệ, cho Nhà nước, cho cơ quan, tổ chức, công cộng và cho người khác và (3) hành vi phòng vệ phải trong giới hạn cho phép.
Thứ ba, cả hai quốc gia đều đồng ý rằng, hành vi phòng vệ chính đáng là hành vi nhằm mục đích bảo vệ, tự vệ, ngăn chặn hành vi phạm tội. Hành vi phòng vệ chính đáng là hành vi được ủng hộ, khuyến khích thực hiện và được đảm bảo về mặt pháp lý. Thực tế, có nhiều quốc gia trên thế giới quy định về phòng vệ chính đáng như một trường hợp không phải chịu hình phạt, không khuyến khích, ủng hộ thực hiện. Tuy nhiên cả Việt Nam và Trung Quốc đều khuyến khích người dân tham gia vào công cuộc phòng chống tội phạm, tự bảo vệ bản thân và bảo vệ người khác, như những người anh hùng” trong thời kỳ hiện đại.
Thứ tư, cả pháp luật hình sự Việt Nam và pháp luật hình sự Trung Quốc đều có quy định về hành vi vượt quá giới hạn của phòng vệ chính đáng và hậu quả pháp lý của việc thực hiện hành vi đó. Tuy nhiên, nội dung cụ thể có một số điểm khác biệt. Việc quy định như vậy của cả hai quốc gia đã tạo cơ sở pháp lý để xử lý những hành vi vượt quá giới hạn hợp lý của hành vi phòng vệ chính đáng.
2. Một số điểm khác biệt giữa các quy định về phòng vệ chính đáng của pháp luật hình sự Việt Nam và pháp luật hình sự Trung Quốc:
Mặc dù hai quốc gia có nền pháp luật nói chung và pháp luật hình sự nói riêng khá tương tự nhau, tuy nhiên khi đi sâu phân tích, có thể rút ra một số điểm khác biệt cơ bản nhất.
Thứ nhất, pháp luật hình sự Trung Quốc cho rằng phòng vệ chính đáng không phải chịu trách nhiệm hình sự, còn pháp luật hình sự Việt Nam khẳng định phòng vệ chính đáng không phải tội phạm. Mặc dù hai khái niệm “không phải chịu trách nhiệm hình sự” và “không phải tội phạm” có chung một hậu quả pháp lý là không phải chịu trách nhiệm hình sự cho hành vi của mình nhưng bản chất chúng không giống nhau. Hành vi không phải tội phạm là một hành vi không nguy hiểm cho xã hội, không đủ cấu thành tội phạm và là hành vi được nhà nước khuyến khích thực hiện. Còn hành vi không phải chịu trách nhiệm hình sự là một hành vi vẫn được coi là tội phạm, vẫn nguy hiểm nhưng người thực hiện hành vi không phải chịu trách nhiệm đối với hành vi đó. Khác biệt này tưởng chừng nhỏ nhưng lại có ý nghĩa rất lớn. Theo đó, pháp luật hình sự Việt Nam đã nhân văn hơn rất nhiều khi xác định hành vi phòng vệ chính đáng không phải tội phạm. Bởi đã không phải tội phạm thì những người thực hiện hành vi không cần cảm thấy áy náy, day dứt hay xấu hổ về việc thực hiện hành vi phòng vệ chính đáng, nó có tính khoan hồng nhiều hơn so với một hành vi vẫn là tội phạm nhưng được miễn trách nhiệm hình sự.
Thứ hai, pháp luật hình sự Trung Quốc quy định thêm một mức độ phòng vệ là phòng vệ đặc biệt, còn pháp luật hình sự Việt Nam không có quy định này. Pháp luật hình sự Trung Quốc phân chia rõ ràng giữa các hành vi phòng vệ gây ra thiệt hại là chết người hoặc thương tích nặng với những hành vi phòng vệ chính đáng gây thiệt hại nhẹ hơn. Đối với pháp luật hình sự Việt Nam chỉ quy định những hành vi phòng vệ chính đáng và vượt quá phòng vệ chính đáng, việc xác định thiệt hại chết người hoặc thương tích nặng có hợp lý hay không phụ thuộc vào cơ quan xét xử. Như vậy, pháp luật hình sự Trung Quốc đã giới hạn phạm vi các hành vi phòng vệ chính đáng gây chết người hoặc thương tích nặng chỉ được áp dụng trong một số trường hợp đặc biệt. Việc phân chia rõ ràng như vậy có thể gây thiếu linh hoạt trong quá trình xét xử, tuy nhiên lại tạo được một căn cứ rõ ràng hơn để xét xử dễ dàng hơn.
Thứ ba, pháp luật hình sự Trung Quốc xác định rõ ràng những hành vi vi phạm pháp luật là tiền đề cho sự phòng vệ chính đáng còn pháp luật hình sự Việt Nam không quy định rõ ràng vấn đề này. Cụ thể, pháp luật hình sự Trung Quốc quy định hành vi vi phạm bao gồm: hành vi đang diễn ra, hành vi đã trở thành mối nguy và sắp xảy ra, hành vi bị gián đoạn tạm thời nhưng có khả năng sẽ tiếp tục, hành vi lấy tài sản đã hoàn thành nhưng người lấy tài sản vẫn đang bị truy đuổi. Đối với pháp luật hình sự Việt Nam, những hành vi không được quy định cụ thể như vậy mà chỉ được nhắc đến là hành vi đang gây thiệt hại hoặc đe dạo gây thiệt hại ngay tức khắc. Đối với hành vi đang gây thiệt hại có thể dễ xác định, nhưng hành vi đe dọa gây thiệt hại ngay tức khắc lại rất khó xác định, phụ thuộc ý chí chủ quan của cơ quan xét xử.
Thứ tư, pháp luật Trung Quốc yêu cầu người phòng vệ phải là người bị động trong việc bị xâm hại, có nghĩa là hành vi xâm hại trái pháp luật không bắt nguồn từ những hành vi trước đó của người phòng vệ. Pháp luật Việt Nam hoàn toàn không có quy định về vấn đề này, mà chỉ có ý kiến riêng của từng Thẩm phán. Việc quy định như vậy của pháp luật Trung Quốc nhằm hạn chế việc dàn dựng một tình huống phòng vệ chính đáng để thực hiện hành vi gây hại cho người khác. Những hành vi như vậy sẽ làm mất đi ý nghĩa thực sự của phòng vệ chính đáng và gây ra những trường hợp bỏ lọt tội phạm, ảnh hưởng xấu tới xã hội.
Thứ năm, pháp luật hình sự Trung Quốc nêu rõ thế nào là một hành vi phòng vệ quá mức, đặt ra những tiêu chuẩn và căn cứ xác định cụ thể, đồng thời quy định rõ chế tài xử phạt cho những tình huống như vậy, còn pháp luật Việt Nam chưa có những quy định về vấn đề này, chỉ có những quy định chung chung: Vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng là hành vi chống trả rõ ràng quá mức cần thiết, không phù hợp với tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi xâm hại. Người có hành vi vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng phải chịu trách nhiệm hình sự theo quy định của Bộ luật này.