Kết hôn là gì? So sánh kết hôn trái pháp luật và kết hôn không đúng thẩm quyền.
Kết hôn là việc quan trọng trong cuộc đời mỗi người. Hôn nhân được xem là hợp pháp khi hai bên đăng ký kết hôn tại cơ quan có thẩm quyền và được cấp Giấy chứng nhận đăng ký kết hôn theo đúng quy định của pháp luật. Tuy nhiên, hiện nay nhiều cặp đôi vẫn còn không tuân thủ đúng theo quy định pháp luật về đăng ký kết hôn. Do đó mà dẫn đến việc kết hôn trái pháp luật và kết hôn không đúng thẩm quyền. Vậy kết hôn trái pháp luật và kết hôn không đúng thẩm quyền có giống nhau hay không? Bài viết sau đây sẽ trình bày so sánh về về kết hôn trái pháp luật và kết hôn không đúng thẩm quyền.
Luật sư tư vấn luật trực tuyến miễn phí qua tổng đài: 1900.6568
Căn cứ pháp lý:
–
– Luật Hộ tịch năm 2014;
–
–
Mục lục bài viết
1. Quy định pháp luật về kết hôn:
Theo quy định tại khoản 5 Điều 3 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014, kết hôn là sự kiện pháp lý để cho nam và nữ xác lập quan hệ vợ chồng với nhau theo quy định của Luật Hôn nhân và gia đình về điều kiện kết hôn và đăng ký kết hôn.
Về cơ bản, điều kiện để nam nữ kết hôn với nhau gồm:
– Độ tuổi quy định của nam là đủ 20 tuổi trở lên và độ tuổi quy định của nữ là đủ 18 tuổi trở lên; ngoài ra cả hai người phải đảm bảo không bị mất năng lực hành vi dân sự.
– Việc kết hôn do hai bên nam nữ tự nguyện quyết định
2. So sánh kết hôn trái pháp luật và kết hôn không đúng thẩm quyền:
2.1. Khái niệm:
Thứ nhất, khái niệm Kết hôn trái pháp luật.
Kết hôn trái pháp luật được quy định tại khoản 6 Điều 3 Luật Hôn nhân và gia đình hiện hành. Theo đó, kết hôn trái pháp luật là việc nam và nữ đã đăng ký kết hôn tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền nhưng một bên nam hoặc nữ hoặc cả hai bên vi phạm điều kiện kết hôn được pháp luật về hôn nhân và gia đình quy định.
Theo đó, vi phạm về điều kiện kết hôn được quy định tại Điều 8 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014, cụ thể là:
– Vi phạm về tuổi kết hôn: nam không đủ từ 20 tuổi trở lên, nữ không đủ từ 18 tuổi trở lên;
– Vi phạm nguyên tắc tự nguyện trong hôn nhân: việc kết hôn không xuất phát từ sự tự nguyện của hai bên;
– Vi phạm về năng lực hành vi dân sự: Nam, nữ kết hôn bị mất năng lực hành vi dân sự
– Việc kết hôn không thuộc các trường hợp cấm được quy định tại Luật Hôn nhân và gia đình, cụ thể:
+ Cấm việc kết hôn giả tạo hoặc ly hôn giả tạo;
+ Cấm hành vi cản trở việc kết hôn, cưỡng ép kết hôn, lừa dối kết hôn, tảo hôn;
+ Cấm việc kết hôn đối với người đang có vợ, có chồng mà kết hôn hoặc chung sống với người khác như vợ chồng hoặc người chưa có vợ, chưa có chồng mà kết hôn hoặc chung sống với người khác như vợ chồng với người đang có vợ, có chồng;
+ Cấm kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng giữa những người có cùng dòng máu trực hệ; giữa những người có cùng huyết thống trong phạm vi ba đời; giữa cha, mẹ nuôi với con nuôi; giữa những người đã từng là cha, mẹ nuôi với con nuôi; giữa mẹ chồng với con rể và bố chồng với con dâu; giữa cha dượng với con riêng của vợ hoặc mẹ kế với con riêng của chồng.
+ Cấm kết hôn giữa những người bị mất năng lực hành vi dân sự không thể nhận thức, làm chủ được hành vi của mình hoặc bị Toà án tuyên bố là người mất năng lực hành vi dân sự trên cơ sở kết luận giám định pháp y về tâm thần.
Như vậy, khi việc kết hôn được đăng ký tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền nhưng lại không đáp ứng các điều kiện đã nêu trên hoặc vi phạm vào điều cấm kết hôn thì hôn nhân được xem là kết hôn trái pháp luật. Việc kết hôn trái pháp luật sẽ bị huỷ theo quy định của pháp luật về Hôn nhân và gia đình.
Thứ hai, khái niệm Kết hôn không đúng thẩm quyền.
Kết hôn không đúng thẩm quyền được hiểu là nam, nữ đủ điều kiện kết hôn theo Điều 8 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 nhưng lại đăng ký kết hôn tại cơ quan nhà nước không có thẩm quyền đăng ký kết hôn theo quy định pháp luật.
Theo đó, cơ quan có thẩm quyền đăng ký kết hôn là Uỷ ban nhân dân cấp xã/ phường nơi cư trú của một trong hai bên nam, nữ đủ điều kiện đăng ký kết hôn.
Tuy nhiên, đối với trường hợp kết hôn có yếu tố nước ngoài ( một trong hai bên nam, nữ là người nước ngoài hoặc không quốc tịch hoặc công dân Việt Nam định cư ở nước ngoài) thì cơ quan có thẩm quyền đăng ký kết hôn được quy định như sau:
– Đăng ký kết hôn từ ngày 31/12/2015 trở về trước, cơ quan có thẩm quyền đăng ký kết hôn là Sở Tư pháp;
– Đăng ký kết hôn từ ngày 01/1/2016, cơ quan có thẩm quyền đăng ký kết hôn là Uỷ ban nhân dân cấp huyện.
2.2. Xử lý vi phạm:
Thứ nhất, đối với việc xử lý vi phạm khi kết hôn trái pháp luật.
– Huỷ việc kết hôn trái pháp luật theo quy định pháp luật.
Theo quy định tại Điều 11 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014, việc xử lý kết hôn trái pháp luật được thực hiện bởi cơ quan Toà án theo quy định của luật Hôn nhân và gia đình và pháp luật về Tố tụng dân sự. Theo đó, Toà án khi nhận được yêu cầu và thụ lý, giải quyết, xét thấy việc kết hôn đó là trái pháp luật thì Toà án sẽ ra Quyết định huỷ bỏ kết hôn trái pháp luật. Sau khi Toà án có Quyết định thì phải gửi Quyết định đó về cơ quan đã thực hiện đăng ký kết hôn trái pháp luật ghi vào Sổ hộ tịch của địa phương.
Trong trường hợp khi Toà án có Quyết định huỷ kết hôn trái pháp luật mà các bên nam, nữ đã có đủ điều kiện kết hôn theo quy định của Luật Hôn nhân và gia đình hiện hành và hai bên có yêu cầu công nhận quan hệ hôn nhân thì Toà án công nhận hôn nhân đó.
– Xử phạt vi phạm hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.
Việc kết hôn trái pháp luật ngoài việc bị Toà án tuyên bố Huỷ kết hôn trái pháp luật, người vi phạm còn bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Tuỳ vào mức độ vi phạm thì người vi phạm phải nộp phạt hành chính theo quy định tại Nghị định số 110/2013/NĐ-CP và Nghị định số 167/2013/NĐ-CP. Theo đó, người vi phạm phải nộp phạt từ 500.000 đồng đến 20.000.000 đồng.
Bên cạnh đó, một số hành vi kết hôn trái pháp luật sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Chẳng hạn như vi phạm về độ tuổi kết hôn, trong trường hợp khi kết hôn trái pháp luật, người chồng đã đủ tuổi kết hôn còn người vợ chưa đủ 16 tuổi và đã có giao cấu với nhau thì người chồng có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội giao cấu với trẻ em theo quy định tại Điều 115 Bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017. Đối với vi phạm về tự nguyện kết hôn thì người vi phạm có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội cưỡng ép hoặc cản trở hôn nhân tiến bộ, tự nguyện theo quy định tại Điều 146 Bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017.
Thứ hai, xử lý vi phạm khi kết hôn không đúng thẩm quyền.
– Cơ quan nhà nước có thẩm quyền thu hồi và huỷ bỏ Giấy chứng nhận kết hôn không được đăng ký đúng thẩm quyền theo quy định của Luật Hộ tịch năm 2014.
Khác với việc Huỷ kết hôn trái pháp luật, Toà án không phải là cơ quan có thẩm quyền xử lý vi phạm kết hôn không đúng thẩm quyền. Theo quy định tại Điều 69 Luật Hộ tịch năm 2014, cơ quan có thẩm quyền thu hồi và huỷ bỏ Giấy chứng nhận kết hôn không đăng ký đúng thẩm quyền là Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh/ thành phố trực thuộc trung ương hoặc Uỷ ban nhân dân cấp quận/ huyện. Tuỳ vào từng trường hợp cụ thể sau:
+ Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh/ thành phố trực thuộc trung ương có thẩm quyền thu hồi và huỷ bỏ giấy tờ hộ tịch ( Giấy chứng nhận kết hôn) do Uỷ ban nhân dân cấp quận/ huyện cấp trái quy định của pháp luật;
+ Uỷ ban nhân dân cấp quận/ huyện có thẩm quyền thu hồi và hủy bỏ giấy tờ hộ tịch ( Giấy chứng nhận kết hôn) do Uỷ ban nhân dân cấp xã/ phường cấp trái quy định của pháp luật.
Theo quy định trên thì thẩm quyền thu hồi, huỷ bỏ Giấy chứng nhận kết hôn được cấp không đúng thẩm quyền thì Uỷ ban nhân dân cấp trên thu hồi Giấy chứng nhận kết hôn do Uỷ ban cấp dưới cấp sai thẩm quyền.
– Yêu cầu hai bên thực hiện lại việc đăng ký kết hôn tại cơ quan nhà nước thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận đăng ký kết hôn.
Sau khi bị thu hồi và huỷ bỏ Giấy chứng nhận kết hôn được cấp sai thẩm quyền thì hai bên buộc phải đến cơ quan nhà nước có thẩm quyền để đăng ký kết hôn lại. Việc đăng ký kết hôn lại tại đúng cơ quan có thẩm quyền thì vẫn được tính thời gian kể từ ngày đăng ký kết hôn thể hiện trên Giấy chứng nhận kết hôn cũ đã bị thu hồi, huỷ bỏ. Quy định này được pháp luật ban hành để đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp và một số vấn đề khác có liên quan đến thời kỳ hôn nhân.