Trái phiếu hay còn gọi là chứng khoán được nhiều ngươi dân đầu tư vào với mục đích đầu tư có lợi nhuận. Hiện nay, trái phiếu được phát hành dưới hai hình thức là trái phiếu Chính phủ và trái phiếu doanh nghiệp. Vậy, người đầu tư nên lựa chọn đầu tư vào hình thức trái phiếu nào để đảm bảo an toàn và phát sinh lợi nhuận cao?
Mục lục bài viết
- 1 1. Thế nào là trái phiếu?
- 2 2. Quy định về trái phiếu Chính phủ và trái phiếu doanh nghiệp:
- 3 3. So sánh giữa trái phiếu Chính phủ và trái phiếu doanh nghiệp:
1. Thế nào là trái phiếu?
Hiện nay, trái phiếu được xác định là loại chứng khoán được thực hiện nhằm xác nhận nghĩa vụ nợ của Chính phủ hoặc doanh nghiệp với người nắm giữ phần trái phiếu. Theo đó, khoản nợ của Chính phủ hoặc doanh nghiệp với người nắm giữ trái phiếu được xác định là một khoản tiền trong một khoảng thời gian nhất định. Vì vậy mà đơn vị phát hành trái phiếu (ở đây là Chính phủ hoặc doanh nghiệp) phải thực hiện nghĩa vụ trả lợi tức phát sinh từ trái phiếu cho người nắm giữ trái phiếu và thực hiện nghĩa vụ hoàn trả khoản tiền vay khi trái phiếu đó đáo hạn.
Với khái niệm trên, dễ dàng có thể xác định được trái phiếu hiện nay được chia làm các loại cụ thể, bao gồm:
– Trái phiếu chính phủ: được xác định là loại trái phiếu do Chính phủ phát hành để đảm bảo đáp ứng được nhu cầu chi tiêu của cá nhân, tổ chức. Trong các loại trái phiếu hiện nay thì trái phiếu Chính phủ được xác định là loại trái phiếu uy tín nhất và ít rủi ro nhất trong thị trường ngày nay;
– Trái phiếu doanh nghiệp: được xác định là trái phiếu do doanh nghiệp phát hành để phục vụ cho mục đích tăng vốn hoạt động của doanh nghiệp đó. Tuy nhiên đây là loại trái phiếu mang tính rủi ro vì hoạt động của doanh nghiệp đôi khi sẽ rơi vào trạng thái không ổn định, một số trường hợp sẽ rơi vào trạng thái phá sản khiến cho việc thu hồi khoản vay và lợi tức của người nắm giữ trở nên khó khăn;
– Trái phiếu ngân hàng: được xác định là loại trái phiếu do các tổ chức tín dụng- ngân hàng phát hành với mục đích tăng vốn hoạt động của ngân hàng.
2. Quy định về trái phiếu Chính phủ và trái phiếu doanh nghiệp:
Căn cứ theo quy định của pháp luật hiện hành tại khoản 1 Điều 2
Trái phiếu doanh nghiệp là trái phiếu được doanh nghiệp phát hành và thường được phát hành dưới 02 loại trái phiếu phổ biến như:
– Trái phiếu niêm yết: đây là loại trái phiếu được giao dịch rộng rãi và thường thấy trên các sàn chứng khoán tập trung như HNX và HSX. Theo đó quá trình giao dịch này phải tuân thủ theo quy định cửa Sở Giao dịch chứng khoán nơi doanh nghiệp có trụ sở;
– Trái phiếu OTC: đây là loại trái phiếu được tiến hành theo nguyên tắc thuận mua vừa bán và không bị ràng buộc bởi các chính sách pháp lý.
3. So sánh giữa trái phiếu Chính phủ và trái phiếu doanh nghiệp:
Hiện nay, nhiều người dân muốn đầu tư trái phiếu với mục đích thu được lợi tức từ khoản đầu tư đó nhưng lại băn khoăn không biết nên lựa chọn việc đầu tư vào trái phiếu Chính phủ hay trái phiếu doanh nghiệp. Sau đây Luật Dương Gia sẽ so sánh giữa trái phiếu Chính phủ và trái phiếu doanh nghiệp để quý bạn đọc có thể tham khảo và có lựa chọn đầu tư sáng suốt:
3.1. Những điểm tương đồng giữa trái phiếu Chính phủ và trái phiếu doanh nghiệp:
Do trái phiếu Chính phủ và trái phiếu doanh nghiệp đều là trái phiếu được phát hành để cho cá nhân hay tổ chức đầu tư thu lợi tức nên sẽ có những điểm tương đồng như:
– Đều là chứng chỉ để xác nhận nghĩa vụ nợ, quy định nghĩa vụ nợ của bên phát hành trái phiếu phải thực hiện nghĩa vụ thanh toán với bên nắm giữ;
– Người đầu tư vào trái phiếu, mua trái phiếu đều đóng vai trò là người cho bên phát hành vay và có thu nhập dựa trên lãi suất định kỳ hay còn gọi là thu nhập lợi tức;
– Trái phiếu Chính phủ và Trái phiếu doanh nghiệp đều có khả năng mua đi bán lại, tặng cho hoặc thực hiện chuyển nhượng;
– Lãi suất của trái phiếu thường cao hơn so với lãi suất tiết kiệm;
– Kỳ hạn của trái phiếu đều được quy định thời gian tối thiểu là 01 năm.
3.2. Những điểm khác nhau giữa trái phiếu Chính phủ và trái phiếu doanh nghiệp:
Việc phân biệt giữa trái phiếu Chính phủ và trái phiếu doanh nghiệp được phân biệt thông qua các tiêu chí sau:
3.2.1. Tiêu chí phân biệt về đơn vị phát hành:
– Đối với Trái phiếu Chính phủ: Căn cứ theo quy định tại khoản 1 Điều 2 và Điều 3 Nghị định số 01/2011/NĐ-CP thì chủ thể hay đơn vị phát hành trái phiếu Chính phủ được xác định là:
+ Bộ Tài chính là chủ thể phát hành trái phiếu Chính phủ;
+ Bên cạnh đó, chủ thể phát hành trái phiếu Chính phủ bảo lãnh là các doanh nghiệp, ngân hàng chính sách của Nhà nước và các tổ chức tín dụng, tài chính là đối tượng được cấp bảo lãnh Chính phủ.
– Đối với Trái phiếu doanh nghiệp: Căn cứ theo quy tại khoản 1 Điều 2 Nghị định số 153/2020/NĐ-CP của Chính phủ ban hành thì đơn vị phát hành trái phiếu doanh nghiệp được xác định là các nhóm công ty như: công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn được thành lập và hoạt động theo quy định của pháp luật Việt Nam về hoạt động doanh nghiệp.
3.2.2. Tiêu chí phân biệt về mục đích phát hành:
– Đối với Trái phiếu Chính phủ: Căn cứ theo quy định tại khoản 1 Điều 4 Nghị định số 01/2011/NĐ-CP thì mục đích phát hành của Trái phiếu Chính phủ như sau:
+ Mục đích là đầu tư phát triển kinh tế – xã hội thuộc nhiệm vụ chi của ngân sách trung ương theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước;
+ Trái phiếu Chính phủ được ban hành để bù đắp thiếu hụt tạm thời của ngân sách nhà nước từ vay trái phiếu ngắn hạn;
+ Trái phiếu Chính phủ được ban hành nhằm cơ cấu lại khoản nợ, danh mục nợ của Chính phủ;
+ Nhằm bảo đảm cho doanh nghiệp, tổ chức tài chính, tín dụng, chính quyền địa phương vay lại theo quy định của pháp luật;
+ Thực hiện các mục đích khác nhằm bảo đảm an ninh về tài chính quốc gia.
– Đối với Trái phiếu doanh nghiệp: Căn cứ theo quy định tại khoản 2 Điều 1 Nghị định số 65/2022/NĐ-CP sửa đổi bổ sung khoản 2 Điều 5 Nghị định số 153/2022/NĐ-CP thì mục đích ban hành trái phiếu doanh nghiệp được xác định là:
+ Để thực hiện các chương trình, dự án đầu tư, cơ cấu lại nợ của chính doanh nghiệp;
+ Mục đích phát hành trái phiếu theo quy định của pháp luật chuyên ngành.
Lưu ý: Theo đó, Doanh nghiệp phải nêu cụ thể về mục đích phát hành tại phương án phát hành theo quy định tại Điều 13 Nghị định số 65/2022/NĐ-CP và công bố thông tin cho nhà đầu tư đăng ký mua trái phiếu.
3.2.3. Tiêu chí phân biệt về lãi suất:
– Đối với Trái phiếu Chính phủ: mức lãi suất của loại trái phiếu này trên thực tế thường thấy được giữ ở mức cố định và bình ổn;
– Đối với Trái phiếu doanh nghiệp: mức lãi suất không cố định, không có một mức lãi suất chung mà tuỳ vào từng doanh nghiệp phát hành và quy định.
3.2.4. Tiêu chí phân biệt về kỳ hạn thu lợi tức từ trái phiếu:
– Đối với Trái phiếu Chính phủ: Căn cứ theo quy định tại khoản 1 Điều 6 Nghị định số 01/2011/NĐ-CP thì kỳ hạn của trái phiếu Chính phủ được xác định như sau: Trừ trường hợp tín phiếu kho bạc do Bộ Tài chính phát hành, thì các loại trái phiếu Chính phủ khác có kỳ hạn từ 01 năm trở lên.
– Đối với Trái phiếu doanh nghiệp: Căn cứ theo quy định tại khoản 1 Điều 6 Nghị định số 153/2020/NĐ-CP thì Kỳ hạn của Trái phiếu doanh nghiệp là do doanh nghiệp phát hành quyết định đối với từng đợt chào bán căn cứ vào nhu cầu sử dụng vốn của doanh nghiệp.
3.2.5. Tiêu chí phân biệt về khả năng bảo toàn vốn và rủi ro:
Đối với tiêu chí này thì khả năng bảo toàn vốn của Trái phiếu Chính phủ con hơn so với Trái phiếu doanh nghiệp. Do bản chất ổn định của Nhà nước nên mọi hoạt động liên quan đến nhà nước thường mang tính chất ổn định và đảm bảo an toàn hơn so với doanh nghiệp. Do đó việc rủi ro khi cá nhân hoặc tổ chức đầu tư vào Trái phiếu Chính phủ sẽ là cực thấp và chủ yếu chỉ chịu ảnh hưởng rủi ro từ tỷ giá đối hoái. Còn đối với Trái phiếu doanh nghiệp, khả năng bảo toàn vốn là tương đối và khả năng rủi ro được xác định là ở mức trung bình và chủ yếu những rủi ro là đến từ khả năng thanh toán nợ của doanh nghiệp phát hành trái phiếu.
Các văn bản pháp luật được sử dụng trong bài viết:
–
– Nghị định số 153/2020/NĐ-CP của Chính phủ ban hành ngày 31 tháng 12 năm 2020 Quy định về chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ tại thị trường trong nước và chào bán trái phiếu doanh nghiệp ra thị trường quốc tế;
– Nghị định số 65/2022/NĐ-CP của Chính phủ quy định ngày 16 tháng 9 năm 2022 Sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 153/2020/NĐ-CP ngày 31 tháng 12 năm 2020 quy định về chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ tại thị trường trong nước và chào bán trái phiếu doanh nghiệp ra thị trường quốc tế.