Chỉ dẫn địa lý và nguồn gốc xuất xứ hàng hóa đều là những dấu hiệu để chỉ sản phẩm có từ một khu vực, lãnh thổ, quốc gia hoặc một địa phương nhất định, vì vậy rất dễ gây nhầm lẫn. Dưới đây là bài viết so sánh về chỉ dẫn địa lý, nguồn gốc và xuất xứ hàng hóa.
Mục lục bài viết
1. So sánh chỉ dẫn địa lý và nguồn gốc, xuất xứ hàng hóa:
Hiện nay, rất nhiều người bị nhầm lẫn giữa chỉ dẫn địa lý, chỉ dẫn nguồn gốc và chỉ dẫn xuất xứ hàng hóa. Trước hết cần phải hiểu về chỉ dẫn nguồn gốc. Chỉ dẫn nguồn gốc là bất kỳ dấu hiệu chính xác dùng để chỉ dẫn một sản phẩm có nguồn gốc từ một quốc gia, một khu vực hoặc một vùng địa lý cụ thể. Chỉ dẫn nguồn gốc là thuật ngữ xuất hiện sớm nhất trong ba thuật ngữ nói trên, thông qua việc gắn các dấu hiệu trên sản phẩm để phân biệt sản phẩm hàng hóa của mình với sản phẩm hàng hóa của chủ thể khác. Các dấu hiệu này có thể chỉ đơn thuần mang chức năng xác định người tạo ra sản phẩm đó, có thể bao gồm cả chức năng xác định nơi mà sản phẩm đó được tạo ra. Công ước Paris năm năm 1883 không đề cập đến khái niệm chỉ dẫn địa lý mà chỉ nêu tên “chỉ dẫn nguồn gốc” và “tên gọi xuất xứ hàng hóa”. Chỉ dẫn nguồn gốc là khái niệm rộng nhất, trong đó bao gồm chỉ dẫn địa lý và tên gọi xuất xứ hàng hóa.
Chỉ dẫn nguồn gốc bao gồm tên gọi, chỉ dẫn, dấu hiệu hay những chỉ dẫn khác dẫn chiếu tới một nước nhất định hoặc tới một khu vực của nước đó nơi có thể truyền tải khái niệm rằng hàng hóa mang chỉ dẫn này có nguồn gốc từ nước đó hoặc địa phương đó. Ví dụ: Nhãn mác “Made in Vietnam”; “Made in China” trên sản phẩm chỉ dẫn cho người tiêu dùng biết nguồn gốc của những sản phẩm đó là từ Việt Nam và Trung Quốc. Hiệp định Lisbon năm 1958 về bảo hộ tên gọi xuất xứ và đăng ký quốc tế tên gọi xuất xứ, sira đổi bổ sung năm 1979 (Hiệp định Lisbon), thuật ngữ tên gọi xuất xứ được định nghĩa là “tên gọi địa lý của quốc gia, khu vực, địa phương nơi mà hàng hóa được sản xuất và hàng hóa đó mang tính chất, chất lượng đặc thù của môi trường địa lý, bao gồm yếu tố tự nhiên và con người. Từ những khái niệm trên, có thể rút ra những điểm khác biệt giữa chỉ dẫn nguồn gốc, tên gọi xuất xứ hàng hóa, chỉ dẫn địa lý như sau:
Đối tượng | Chỉ dẫn nguồn gốc | Tên gọi xuất xứ hàng hóa | Chỉ dẫn địa lý |
Hiệp ước điều chỉnh | Công ước Paris Hiệp định Madrid | Công ước Paris Hiệp định Lisbon | Hiệp định TRIPS |
Dấu hiệu | Là dấu hiệu bất kỳ | Là tên địa lý | Là dầu hiệu bất kỳ |
Chức năng | Chỉ dẫn về xuất xứ của sản phẩm | Chỉ dẫn về xuất xứ của sản phẩm Chỉ dẫn sản phẩm đến từ 01 khu vực địa lý đặc biệt | Chỉ dẫn về xuất xứ của sản phẩm Chỉ dẫn sản phẩm đến từ 01 khu vực địa lý đặc biệt |
Yêu cầu đối với sản phẩm | Không yêu cầu điều kiện về chất lượng hoặc danh tiếng của sản phẩm đó | Sản phẩm phải có chất lượng hoặc tính chất đặc thù | Sản phẩm phải có chất lượng, uy tín và tính chất nhất định |
Mối liên quan giữa chất lượng và nguồn gốc địa lý | Không cần có mối liên quan giữa chất lượng và nguồn gốc địa lý | Có mối liên quan chặt chẽ giữa chất lượng, đặc tính của sản phẩm với các yếu tố địa lý | Chất lượng, uy tín hoặc đặc tính của sản phẩm có gắng với xuất xứ địa lý |
2. Đặc điểm của việc xác lập quyền sở hữu công nghiệp đối với chỉ dẫn địa lý:
Theo nghĩa khách quan, xác lập quyền sở hữu công nghiệp được hiểu là các thủ tục pháp lý do pháp luật quy định mà các chủ thể cần phải tiến hành nhằm mục đích đạt được sự công nhận quyền sở hữu của họ đối với đối tượng sở hữu công nghiệp từ phía cơ quan có thẩm quyền, cụ thể là Cục Sở hữu trí tuệ. Từ đó có thể hiểu, việc xác lập quyền sở hữu công nghiệp đối với chỉ dẫn địa lý là việc các chủ thể thực hiện trình tự và thủ tục theo quy định của pháp luật, từ đó nhằm đạt được sự công nhận từ phía nhà nước một dấu hiệu đã được sử dụng và thừa nhận rộng rãi trong cộng đồng để chỉ các sản phẩm có chất lượng và danh tiếng nhờ điều kiện địa lý mang lại. Theo đó, có thể kể đến một số đặc điểm của việc xác lập quyền sở hữu công nghiệp đối với chỉ dẫn địa lý như sau:
– Quyền sở hữu công nghiệp đối với chỉ dẫn địa lý được xác lập trên nguyên tắc đăng ký tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo thủ tục, trình tự do pháp luật quy định mà không dựa trên nguyên tắc bảo hộ tự động như trước đây;
– Quyền sở hữu công nghiệp đối với chỉ dẫn địa lý được phát sinh trên cơ sở quyết định cấp giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý do cơ quan có thẩm quyền cấp theo trình tự, thủ tục luật định. Công nhận một dấu hiệu là chỉ dẫn địa lý và sản phẩm mang dấu hiệu đó có danh tiếng, chất lượng, tính chất đặc thù nhờ điều kiện địa lý; quyền sở hữu của nhà nước; tổ chức có chức năng quản lý chỉ dẫn địa lý ở địa phương và quyền sử dụng đối với cá nhân, tổ chức sản xuất sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý;
– Trình tự và thủ tục xác lập quyền đối với chỉ dẫn địa lý, thì có thời gian thẩm định dài, thủ tục thẩm định phức tạp do cơ quan đăng ký phải kiểm tra, đánh giá, xác định khả năng đáp ứng các tiêu chuân bảo hộ của chỉ dẫn địa lý;
– Giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý có hiệu lực vô thời hạn kể từ ngày cấp và chỉ bị chấm dứt khi các điều kiện địa lý tạo nên danh tiếng, chất lượng, đặc tính của sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý bị thay đổi làm mất danh tiếng, chất lượng, đặc tính của sản phẩm đó.
3. Ý nghĩa của việc xác lập quyền sở hữu công nghiệp đối với chỉ dẫn địa lý:
Thứ nhất, đăng ký xác lập quyền sở hữu công nghiệp là sự ghi nhận bảo hộ một cách chính thức của cơ quan nhà nước có thẩm quyền về chỉ dẫn địa lý được đăng ký bởi vì chỉ dẫn địa lý là tài sản quốc gia thuộc sở hữu duy nhất của nhà nước, không ai được độc quyền sử dụng. Vì vậy, xác lập quyền sở hữu công nghiệp đối với chỉ dẫn địa lý có vai trò rất quan trọng trong việc ngăn chặn.
Thứ hai, việc sử dụng chỉ dẫn địa lý đối với các sản phẩm không có nguồn gốc từ nước, vùng, địa phương tương ứng và ngăn chặn việc sử dụng chỉ dẫn địa lý được bảo hộ cho sản phẩm không có tính chất, chất lượng đặc thù gắn liền với nước, vùng, địa phương đó.
Thứ ba, kết quả của việc đăng ký xác lập quyền đối với chỉ dẫn địa lý là văn bằng bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp do cơ quan có thẩm quyền cấp (giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý). Đây được coi là chứng chỉ ghi nhận sự đầu tư về thời gian, tiền bạc và trí tuệ của những người tham gia vào quá trình đăng ký bảo hộ chỉ dẫn địa lý và là sự đảm bảo về chất lượng, uy tín, danh tiếng của sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý.
Thứ tư, việc một chỉ dẫn địa lý được cấp bảo hộ giúp các nhà sản xuất có quyền khai thác chỉ dẫn địa lý trong việc phát triển thị trường, thậm chí cả ở những thị trường có nhiều hàng nông sản có tính năng tương tự. Việc chứng nhận đó sẽ chứng tỏ một đẳng cấp về chất lượng của sản phẩm mà chất lượng của chúng được hình thành trên cơ sở đặc tính lãnh thổ chẳng hạn như điều kiện về thổ nhưỡng, khí hậu, nguồn nước, con người.
Các văn bản pháp luật được sử dụng trong bài viết:
– Văn bản hợp nhất số 11/VBHN-VPQH Luật Sở hữu trí tuệ;
– Nghị định 17/2023/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Sở hữu trí tuệ về quyền tác giả, quyền liên quan;
– Nghị định 65/2023/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Sở hữu trí tuệ về sở hữu công nghiệp, bảo vệ quyền sở hữu công nghiệp, quyền đối với giống cây trồng và quản lý Nhà nước về sở hữu trí tuệ.