Cầm đồ và cầm cố tài sản là hai thuật ngữ đã xuất hiện rất lâu trong đời sống xã hội. Mặc dù ý nghĩa của hai cụ từ này hoàn toàn khác nhau tuy nhiên trên thực tế đã không ít người nhầm lẫn.
Mục lục bài viết
1. So sánh cầm đồ và cầm cố:
Trong các văn bản pháp luật thì thường sử dụng từ cầm cố tài sản, còn về giao dịch thực tế ngoài xã hội thì người ta thường sử dụng từ cầm đồ nhiều hơn. Như vậy, cần đặt ra vấn đề phân biệt giữa khái niệm: Cầm đồ và cầm cố, cụ thể như sau:
1.1. Điểm giống nhau:
Một là, đều những hình thức phát triển của quan hệ cầm cố nhưng có tính chất chuyên nghiệp hơn, thể hiện thông qua hình thức kinh doanh dịch vụ tiền tệ và có tài sản bảo đảm.
Hai là, cầm đồ và cầm cố đều là giao dịch dân sự được hình thành dựa trên sự thỏa thuận giữa các bên.
Ba là, cầm đồ và cầm cố đều nhằm đảm bảo cho việc thực hiện nghĩa vụ.
Bốn là, đối tượng cầm đồ và đối tượng của cầm cố đều là tài sản theo quy định của pháp luật dân sự.
1.2. Điểm khác nhau:
Tiêu chí | Cầm đồ | Cầm cố |
Cơ sở pháp lí | Nghị định số 56/2023/NĐ-CP của Chính phủ: Sửa đổi, bổ sung một số điều của | Điều 309 Bộ luật Dân sự năm 2015 |
Khái niệm | Cầm đồ là một loại hình kinh doanh có điều kiện. Dịch vụ cầm đồ là hình thức cho vay tiền đòi hỏi người vay phải có tài sản cầm cố để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ của mình ghi trong hợp đồng cầm đồ. Người vay tiền có tài sản cầm cố gọi là bên cầm đồ, và người cho vay tiền nhận tài sản cầm cố gọi là bên nhận cầm đồ. | Cầm cố tài sản là biện pháp bảo đảm, theo đó bên cầm cố giao tài sản và các giấy tờ liên quan tới tài sản thuộc quyền sở hữu của mình cho bên nhận cầm cố để bảo đảm việc thực hiện nghĩa vụ của bên có nghĩa vụ. |
Loại hình | Là một dịch vụ kinh doanh theo quy định của pháp luật | Là một trong những biện pháp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ trong giao dịch dân sự |
Đặc điểm | Hoạt động cầm đồ mang những đặc điểm cơ bản sau: Thứ nhất, đăng ký kinh doanh theo đúng quy định của pháp luật. Để hoạt động dịch vụ cầm đồ thì chủ cửa hàng cầm đồ phải thực hiện các quy định của pháp luật về đăng ký kinh doanh hoạt động của cửa hàng cầm đồ và thực hiện theo quy định của pháp luật về hoạt động kinh doanh dịch vụ. Thứ hai, phải có tên và địa chỉ kinh doanh rõ ràng. Việc đăng ký tên và địa chỉ kinh doanh sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ quan quản lý nhà nước như cơ quan thuế hoặc cơ quan công an và một số cơ quan khác trong lĩnh vực quan hệ dân sự. Thứ ba, tài sản bảo đảm thực hiện nghĩa vụ cầm đồ. Tài sản bảo đảm phải thuộc quyền sở hữu hợp pháp của bên bảo đảm và được phép giao dịch theo quy định của pháp luật để bảo đảm cho việc bên có nghĩa vụ phải có trách nhiệm thực hiện nghĩa vụ của mình đối với bên có quyền, và nếu không thực hiện được thì tài sản dùng để bảo đảm sẽ được xử lý, về vấn đề này thì bản chất cũng giống như hoạt động cầm cố theo quy định của Bộ luật Dân sự. | Thứ nhất, cầm cố phát sinh hiệu lực đối kháng với bên thứ ba kể từ thời điểm bên nhận cầm cố nắm giữ tài sản cầm cố, trường hợp tài sản cầm cố là bất động sản thì có hiệu lực đối kháng với bên thứ ba kể từ thời điểm đăng ký. Thứ hai, bên cầm cố phải chuyển giao thực tế tài sản cầm cố cho bên nhận cầm cố. Đây là đặc điểm để phân biệt giữa cầm cố và thế chấp. Thứ ba, cầm cố là biện pháp bảo đảm để thực hiện nghĩa vụ dân sự. Cũng giống như các biện pháp bảo đảm khác thì cầm cố không tồn tại độc lập mà luôn phụ thuộc và gắn liền với một nghĩa vụ nào đó, sự phụ thuộc thể hiện ở chỗ khi có quan hệ nghĩa vụ chính thì các bên mới cùng nhau thiết lập một biện pháp bảo đảm. Thứ tư, đối tượng của cầm cố là lợi ích vật chất. Lợi ích của các bên hướng tới trong nghĩa vụ dân sự có biện pháp bảo đảm là những lợi ích vật chất không thể là những lợi ích về tinh thần. Lợi ích vật chất là đối tượng của cầm cố là tài sản, có thể là động sản hay bất động sản, các tài sản này phải có đầy đủ các yếu tố mà pháp luật đã yêu cầu đối với một đối tượng của nghĩa vụ dân sự nói chung và của cầm cố nói riêng. Thứ năm, cầm cố là sự thỏa thuận của các bên. Nếu các nghĩa vụ dân sự phát sinh từ những căn cứ khác nhau thì cầm cố chỉ có thể phát sinh thông qua sự thỏa thuận của các bên trong một giao dịch dân sự, các bên tự thỏa thuận về việc sử dụng tài sản để bảo đảm nghĩa vụ, cách thức và toàn bộ nội dung của cầm cố trong phạm vi mà pháp luật cho phép. |
2. Cầm đồ có phải là cầm cố hay không?
Căn cứ theo quy định tại Nghị định số 56/2023/NĐ-CP của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 96/2016/NĐ-CP ngày 01 tháng 7 năm 2016 quy định điều kiện về an ninh, trật tự đối với một số ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện, Nghị định số 99/2016/NĐ-CP ngày 01 tháng 7 năm 2016 về quản lý và sử dụng con dấu, Nghị định số 137/2020/NĐ-CP ngày 27 tháng 11 năm 2020 quy định về quản lý, sử dụng pháo, thì có thể thấy, dịch vụ cầm đồ là một loại hình kinh doanh có điều kiện do hoạt động này ảnh hưởng đến an ninh và trật tự trong đời sống dân cư. Theo đó thì các chủ thể cần phải đáp ứng một số điều kiện nhất định thì mới được phép hoạt động kinh doanh dịch vụ cầm đồ, cụ thể như sau:
– Phải tiến hành đăng ký kinh doanh và được cấp phép thành lập theo quy định của pháp luật bởi cơ quan nhà nước có thẩm quyền;
– Các chủ thể có nhu cầu kinh doanh dịch vụ cầm đồ phải là công dân mang quốc tịch Việt Nam và không bị khởi tố hình sự theo các quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền hoặc người Việt Nam định cư ở nước ngoài và người nước ngoài phải được cơ quan nhà nước có thẩm quyền trên lãnh thổ của Việt Nam cấp phép cư trú;
– Những chủ thể chịu trách nhiệm về an toàn và trật tự của các cơ sở hoạt động kinh doanh dịch vụ cầm đồ phải đắp ứng được điều kiện đó là có hộ khẩu thường trú tại xã phường nơi đặt địa điểm kinh doanh dịch vụ cầm đồ ít nhất là 05 năm trở lên;
– Trong thời gian theo quy định của pháp luật đó là 05 năm liền kề trước khi có nhu cầu tiến hành đăng ký kinh doanh dịch vụ cầm đồ thì người chịu trách nhiệm về an ninh và trật tự của cơ sở kinh doanh dịch vụ cầm đồ đó không bị xử phạt vi phạm hành chính về các hành vi như chống người thi hành công vụ, gây rối trật tự công cộng, cho vay nặng lãi, đánh bạc, trộm cấp tài sản hoặc lừa đảo chiếm đoạt tài sản …
Nói tóm lại thì có thể thấy, dịch vụ cầm đồ sẽ bao gồm cả hoạt động cầm cố theo quy định của pháp luật dân sự, tuy nhiên cầm đồ được ghi nhận ở văn bản pháp luật khác với cầm cố. Trong khi cầm cố là một biện pháp bảo đảm thì cầm đồ lại là một loại hình kinh doanh có điều kiện. Dịch vụ cầm đồ mang tính chất chuyên nghiệp hơn so với cầm cố và phải tuân thủ các điều kiện nghiêm ngặt của pháp luật. Vì vậy, cầm đồ và cầm cố là hai khái niệm chỉ hai quan hệ khác nhau. Cần phải có nhìn nhận đúng đắn về hai thuật ngữ này để tránh hiểu sai vấn đề.
3. Mục đích của quan hệ cầm cố tài sản:
Nhìn chung thì mục đích của hoạt động cầm cố tài sản đó là để nhằm bảo đảm thực hiện nghĩa vụ cho bên nhận cầm cố, tránh rủi ro của bên nhận cầm cố khi bên cầm cố không thực hiện được nghĩa vụ của mình. Và việc cầm cố tài sản phải được lập thành văn bản theo quy định của pháp luật. Căn cứ theo quy định tại Điều 310 của Bộ luật Dân sự năm 2015 hiện hành thì hợp đồng cầm cố tài sản sẽ có hiệu lực kể từ thời điểm giao kết, trường hợp các bên có thỏa thuận khác hoặc pháp luật có quy định khác. Nhìn chung thì thời hạn cho việc cầm cố theo quy định của pháp luật dân sự hiện nay là:
– Nghĩa vụ được bảo đảm bằng cầm cố chấm dứt;
– Việc cầm cố tài sản được hủy bỏ hoặc được thay thế bằng biện pháp bảo đảm khác;
– Tài sản cầm cố đã được xử lý;
– Theo thỏa thuận của các bên.
4. Hậu quả pháp lý khi tiệm cầm đồ tự ý bán tài sản cầm cố:
Căn cứ theo quy định tại Nghị định 21/2021/NĐ-CP hướng dẫn Bộ luật Dân sự về bảo đảm thực hiện nghĩa vụ, thì khi chủ tiệm cầm đồ có hành vi đem bán tài sản cầm cố để đảm bảo thực hiện nghĩa vụ trái với quy định của pháp luật theo Điều 313 của Bộ luật Dân sự năm 2015 hiện nay thì tiệm cầm đồ sẽ phải thực hiện trách nhiệm bồi thường, bên cầm cố có quyền đòi lại tài sản đó và yêu cầu bên nhận cầm cố bồi thường thiệt hại dựa trên thiệt hại thực tế đã xảy ra hoặc theo quy định của hợp đồng nếu như các bên đã thỏa thuận về vấn đề bồi thường thiệt hại trước đó. Căn cứ theo quy định tại Điều 131 của Bộ luật Dân sự năm 2015 thì có ghi nhận về hậu quả pháp lý đối với các giao dịch dân sự vô hiệu như sau: Giao dịch dân sự vô hiệu sẽ không làm phát sinh, thay đổi hoặc chấm dứt quyền nghĩa vụ dân sự của các bên kể từ thời điểm giao dịch được xác lập, khi xét thấy một giao dịch dân sự vô hiệu thì các bên cần khôi phục lại tình trạng ban đầu và hoàn trả cho nhau những gì đã nhận. Đối với trường hợp không thể hoàn trả bằng hiện vật thì sẽ phải quy đổi thành tiền, ngoài ra thì bên nào có lỗi gây ra thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật dân sự. Theo đó, khi tiệm cầm đồ tự ý bán tài sản cầm cố trái với quy định của pháp luật thì sẽ thuộc trường hợp giao dịch dân sự vô hiệu. Các bên cần ngồi lại thỏa thuận với nhau để tìm hướng giải, nếu như không thể thỏa thuận được giải quyết thì bên cầm cố có thể khởi kiện ra tòa án để bảo vệ quyền lợi của mình.
Các văn bản pháp luật được sử dụng trong bài viết:
– Bộ luật Dân sự năm 2015;
– Nghị định 21/2021/NĐ-CP hướng dẫn Bộ luật Dân sự về bảo đảm thực hiện nghĩa vụ;
– Nghị định số 56/2023/NĐ-CP của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 96/2016/NĐ-CP ngày 01 tháng 7 năm 2016 quy định điều kiện về an ninh, trật tự đối với một số ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện, Nghị định số 99/2016/NĐ-CP ngày 01 tháng 7 năm 2016 về quản lý và sử dụng con dấu, Nghị định số 137/2020/NĐ-CP ngày 27 tháng 11 năm 2020 quy định về quản lý, sử dụng pháo.