So sánh các hình thức chế tài tạm ngừng, đình chỉ và hủy bỏ hợp đồng trong kinh doanh. Thủ tục giải quyết yêu cầu mở thủ tục phá sản.
So sánh các hình thức chế tài tạm ngừng, đình chỉ và hủy bỏ hợp đồng trong kinh doanh. Thủ tục giải quyết yêu cầu mở thủ tục phá sản.
Tóm tắt câu hỏi:
Tôi đang nghiên cứu môn luật kinh tế tôi muốn được nghe tư vấn về các vấn đề sau: 1) So sánh các hình thức chế tài tạm ngừng, đình chỉ và hủy bỏ hợp đồng trong kinh doanh 2) Quyết định mở thủ tục phá sản của Tòa án là thủ tục bắt buộc để giải quyết yêu cầu mở thủ tục phá sản có đúng không? tại sao 3) Bên phải thi hành không tự nguyện thi hành quyết định trọng tài thì quyết định trọng tài sẽ được bảo đảm thi hành tại cơ quan Thi hành án, nếu Tòa án có thẩm quyền công nhận quyết định trọng tài đó có đúng không? Tại sao ?
Luật sư tư vấn:
Cám ơn bạn đã gửi câu hỏi của mình đến Ban biên tập – Phòng tư vấn trực tuyến của Công ty LUẬT DƯƠNG GIA. Với thắc mắc của bạn, Công ty LUẬT DƯƠNG GIA xin được đưa ra quan điểm tư vấn của mình như sau:
- Cơ sở pháp lý:
Luật trọng tài thương mại năm 2010
- Nội dung tư vấn:
1, So sánh các hình thức chế tài tạm ngừng, đình chỉ và hủy bỏ hợp đồng trong kinh doanh
* Giống nhau:
Thứ nhất, cả ba hình thức này đều thuộc một trong các chế tài trong thương mại được quy định tại Điều 292 Luật thương mại năm 2005.
Thứ hai, cả ba hình thức đều được áp khi xảy ra hành vi vi phạm mà các bên đã thoả thuận là điều kiện để hủy bỏ hợp đồng hoặc một bên vi phạm cơ bản nghĩa vụ hợp đồng và không áp dụng cho các trường hợp quy định tại Điều 294 Luật thương mại năm 2005.
Thứ ba, Bên bị vi phạm có quyền yêu cầu bồi thường thiệt hại trong cả ba trường hợp này.
* Khác nhau:
– Về cơ sở pháp lý:
Tạm ngừng thực hiện hợp đồng được quy định tại Điều 308 và Điều 309 Luật thương mại năm 2005. Còn, Đình chỉ thực hiện hợp đồng được quy định tại Điều 310 và Điều 311 Luật thương mại năm 2005. Cuối cùng, Hủy bỏ hợp đồng được quy định tại Điều 312, Điều 313 và Điều 314 Luật thương mại năm 2005.
– Về khái niệm:
Tạm ngừng thực hiện hợp đồng là việc một bên tạm thời không thực hiện nghĩa vụ trong hợp đồng.
Đình chỉ thực hiện hợp đồng là việc một bên chấm dứt thực hiện nghĩa vụ hợp đồng.
Hủy bỏ hợp đồng là việc bãi bỏ hoàn toàn việc thực hiện tất cả hoặc một phần các nghĩa vụ trong hợp đồng.
– Về tính chất:
Tạm ngừng thực hiện hợp đồng có tính chất tạm thời của một bên hợp đồng không thực hiện nghĩa vụ trong hợp đồng. Còn đối với, Đình chỉ thực hiện hợp đồng thì một bên hợp đồng sẽ chấm dứt hẳn việc thực hiện nghĩa vụ trong hợp đồng. Trong trường hợp, hủy bỏ hợp đồng là việc bãi bỏ hẳn 1 phần hay toàn bộ các nghĩa vụ trong hợp đồng, trong trường hợp hủy bỏ một phần hợp đồng thì các phần còn lại trong hợp đồng vẫn còn hiệu lực.
– Về hậu quả pháp lý:
Khi hợp đồng bị tạm ngừng thực hiện thì hợp đồng vẫn còn hiệu lực. Trường hợp hợp đồng bị đình chỉ thực hiện thì hợp đồng chấm dứt từ thời điểm một bên nhận được thông báo đình chỉ và các bên không phải tiếp tục thực hiện nghĩa vụ hợp đồng. Bên đã thực hiện nghĩa vụ có quyền yêu cầu bên kia thanh toán hoặc thực hiện nghĩa vụ đối ứng. Còn đối với việc hủy bỏ hợp đồng trừ trường hợp quy định tại Điều 313 của Luật thương mại năm 2005 thì sau khi huỷ bỏ hợp đồng, hợp đồng không có hiệu lực từ thời điểm giao kết, các bên không phải tiếp tục thực hiện các nghĩa vụ đã thoả thuận trong hợp đồng, trừ thỏa thuận về các quyền và nghĩa vụ sau khi huỷ bỏ hợp đồng và về giải quyết tranh chấp.
2, Quyết định mở thủ tục phá sản của Tòa án là thủ tục bắt buộc để giải quyết yêu cầu mở thủ tục phá sản có đúng không? tại sao?
Thủ tục giải quyết yêu cầu mở thủ tục phá sản theo quy định tại Luật phá sản năm 2014 như sau:
Thứ nhất, nộp đơn yêu cầu mở thủ tuc phá sản.
Khi yêu cầu Tòa án nhân dân mở thủ tục phá sản, các đối tượng quy định tại từ Điều 26 đến Điều 29 Luật phá sản năm 2014 thì phải làm đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản. Người có yêu cầu mở thủ tục phá sản phải nộp đơn và tài liệu, chứng cứ kèm theo đến Tòa án nhân dân có thẩm quyền bằng cách nộp trực tiếp tại Tòa án nhân dân hoặc gửi đến Tòa án nhân dân qua bưu điện.Ngày nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản được tính từ ngày Tòa án nhân dân nhận đơn hoặc ngày có dấu bưu điện nơi gửi. Trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận được đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản, Chánh án Tòa án nhân dân phân công một Thẩm phán hoặc Tổ Thẩm phán gồm 03 Thẩm phán giải quyết đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản.
Thứ hai, xử lý đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản.
Theo quy định tại Điều 32 Luật phá sản năm 2014 thì việc xử lý đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản như sau:
“Điều 32. Xử lý đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản
1. Trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày được phân công, Thẩm phán phải xem xét đơn yêu cầu và xử lý như sau:
a) Trường hợp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản hợp lệ, Thẩm phán thông báo cho người nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản về việc nộp lệ phí phá sản, tạm ứng chi phí phá sản, trừ trường hợp không phải nộp lệ phí phá sản, tạm ứng chi phí phá sản;
b) Trường hợp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản không đủ các nội dung quy định tại Điều 26, Điều 27, Điều 28 hoặc Điều 29 của Luật này thì Thẩm phán thông báo cho người nộp đơn sửa đổi, bổ sung đơn;
c) Chuyển đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản cho Tòa án nhân dân có thẩm quyền nếu thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án nhân dân khác;
d) Trả lại đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản.
2. Thông báo việc xử lý đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản phải bằng văn bản và gửi cho người nộp đơn và doanh nghiệp, hợp tác xã mất khả năng thanh toán biết.”
Trong trường hợp, doanh nghiệp, hợp tác xã mất khả năng thanh toán thì trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày Tòa án nhân dân nhận đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản hợp lệ, doanh nghiệp, hợp tác xã mất khả năng thanh toán và chủ nợ nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản có quyền đề nghị bằng văn bản gửi Tòa án nhân dân để các bên thương lượng việc rút đơn. Tòa án nhân dân ấn định thời gian thương lượng nhưng không quá 20 ngày kể từ ngày nhận được đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản hợp lệ. Nếu thương lượng thành thì Tòa án nhân dân trả lại đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản, còn ngược lại là thương lượng không thành hoặc hết thời hạn thương lượng mà các bên không tiến hành thương lượng thì Tòa án nhân dân thông báo cho người nộp đơn nộp lệ phí phá sản, tạm ứng chi phí phá sản và thụ lý đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản theo quy định của Luật phá sản năm 2014.
Sau khi nhận được đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản hợp lệ trong vòng 03 ngày làm việc, Tòa án nhân dân dự tính số tiền tạm ứng chi phí phá sản và thông báo cho người yêu cầu mở thủ tục phá sản để nộp lệ phí phá sản, tạm ứng chi phí phá sản.
Trường hợp có đề nghị thương lượng thì việc thông báo cho người yêu cầu mở thủ tục phá sản để nộp lệ phí phá sản, tạm ứng chi phí phá sản thực hiện theo quy định tại khoản 3 Điều 37 của Luật phá sản năm 2014.Từ khi nhận được thông báo về việc nộp lệ phí phá sản, tạm ứng chi phí phá sản trong thời hạn 15 ngày, người nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản phải thực hiện việc nộp lệ phí phá sản tại cơ quan thi hành án dân sự, nộp tạm ứng chi phí phá sản vào tài khoản do Tòa án nhân dân mở tại ngân hàng.
Thứ ba, Thụ lý đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản.
Sau khi nhận được biên lai nộp lệ phí phá sản, biên lai nộp tạm ứng chi phí phá sản thì Tòa án nhân dân thụ lý đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản. Trường hợp không phải nộp lệ phí phá sản, tạm ứng chi phí phá sản thì thời điểm thụ lý được tính từ ngày Tòa án nhân dân nhận đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản hợp lệ. Trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày thụ lý đơn, Tòa án nhân dân phải thông báo bằng văn bản cho người nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản, doanh nghiệp, hợp tác xã mất khả năng thanh toán, các cơ quan, tổ chức đang giải quyết vụ việc liên quan đến doanh nghiệp, hợp tác xã mất khả năng thanh toán do các bên cung cấp và Viện kiểm sát nhân dân cùng cấp về việc thụ lý đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản.
Như vậy, Quyết định mở thủ tục phá sản của Tòa án không phải là một trong các thủ tục để giải quyết đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản. Mà quyết định mở thủ tục phá sản là một trong các thủ tục để mở thủ tục phá sản, cụ thể chính là bước đầu tiên để mở thủ tục phá sản được quy định tại Khoản 1 Điều 42 Luật phá sản năm 2014 như sau: “Trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày thụ lý đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản, Thẩm phán phải ra quyết định mở hoặc không mở thủ tục phá sản, trừ trường hợp quy định tại Điều 105 của Luật này”, còn thủ tục cuối cùng của bước yêu cầu giải quyết mở thủ tục phá sản. Cho nên, nói quyết định mở thủ tục phá sản của Tòa án là thủ tục bắt buộc để giải quyết yêu cầu mở thủ tục phá sản là sai.
3, Bên phải thi hành không tự nguyện thi hành quyết định trọng tài thì quyết định trọng tài sẽ được bảo đảm thi hành tại cơ quan Thi hành án, nếu Tòa án có thẩm quyền công nhận quyết định trọng tài đó có đúng không? Tại sao?
Do sự thỏa thuận giữa các bên có thể lựa chọn giải quyết tranh chấp tại trọng tài hoặc tòa án. Cho nên phán quyết của trọng tài và phán quyết của tòa án có giá trị pháp lý như nhau được đưa ra thi hành. Chỉ trừ một số trường hợp thì tòa án được hủy phán quyết của trọng tài trong các trường hợp quy định tại Điều 68 Luật trọng tài thương mại năm 2010 như sau:
>>>
“Ðiều 68. Căn cứ huỷ phán quyết trọng tài
1. Tòa án xem xét việc hủy phán quyết trọng tài khi có đơn yêu cầu của một bên.
2. Phán quyết trọng tài bị hủy nếu thuộc một trong các trường hợp sau đây:
a) Không có thoả thuận trọng tài hoặc thỏa thuận trọng tài vô hiệu;
b) Thành phần Hội đồng trọng tài, thủ tục tố tụng trọng tài không phù hợp với thoả thuận của các bên hoặc trái với các quy định của Luật này;
c) Vụ tranh chấp không thuộc thẩm quyền của Hội đồng trọng tài; trường hợp phán quyết trọng tài có nội dung không thuộc thẩm quyền của Hội đồng trọng tài thì nội dung đó bị huỷ;
d) Chứng cứ do các bên cung cấp mà Hội đồng trọng tài căn cứ vào đó để ra phán quyết là giả mạo; Trọng tài viên nhận tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác của một bên tranh chấp làm ảnh hưởng đến tính khách quan, công bằng của phán quyết trọng tài;
đ) Phán quyết trọng tài trái với các nguyên tắc cơ bản của pháp luật Việt Nam.
3. Khi Tòa án xem xét đơn yêu cầu hủy phán quyết trọng tài, nghĩa vụ chứng minh được xác định như sau:
a) Bên yêu cầu hủy phán quyết trọng tài quy định tại các điểm a, b, c và d khoản 2 Điều này có nghĩa vụ chứng minh Hội đồng trọng tài đã ra phán quyết thuộc một trong các trường hợp đó;
b) Đối với yêu cầu hủy phán quyết trọng tài quy định tại điểm đ khoản 2 Điều này, Tòa án có trách nhiệm chủ động xác minh thu thập chứng cứ để quyết định hủy hay không hủy phán quyết trọng tài.”
Do vậy, khi thi hành phán quyết trọng tài sẽ tôn trọng các bện tự nguyện thi hành. Nếu hết thời hạn thi hành phán quyết trọng tài mà bên phải thi hành phán quyết không tự nguyện thi hành và cũng không yêu cầu huỷ phán quyết trọng tài theo quy định tại Điều 69 của Luật trọng tài năm 2010 thì bên được thi hành phán quyết trọng tài có quyền làm đơn yêu cầu Cơ quan thi hành án dân sự có thẩm quyền thi hành phán quyết trọng tài. Đối với trường hợp là phán quyết của Trọng tài vụ việc thì bên được thi hành có quyền làm đơn yêu cầu Cơ quan thi hành án dân sự có thẩm quyền thi hành phán quyết trọng tài sau khi phán quyết được đăng ký theo quy định tại Điều 62 của Luật trọng tài năm 2010.
Như vậy, từ phân tích trên có thể thấy việc thi hành phán quyết của trọng tài tại cơ quan thi hành án không phụ thuộc vào việc tòa án có thẩm quyền công nhận quyết định đó hay không chỉ cần có đơn yêu cầu của bên được thi hành phán quyết trọng tài gửi đến cơ quan thi hành án dân sự có thẩm quyền. Việc thi hành phán quyết trọng tài được thi hành theo quy định của pháp luật về thi hành án dân sự.