Bài thơ Sóng của Xuân Quỳnh và Vội vàng của Xuân Diệu là hai bài thơ nổi tiếng trong văn học Việt Nam cùng nói về tình yêu và khát vọng tuổi trẻ. Sau đây là bài so sánh Sóng của Xuân Quỳnh và Vội vàng của Xuân Diệu chi tiết nhất, mời các bạn cùng tham khảo!
Mục lục bài viết
1. So sánh bài thơ Sóng (Xuân Quỳnh) và Vội vàng (Xuân Diệu):
Có thể nói tình yêu và khát vọng tuổi trẻ là những yếu tố cần thiết trong cuộc đời mỗi con người. Vì chỉ khi khao khát yêu và được yêu, khát khao khát sống và trân trọng cuộc sống thì mới làm nên giá trị của cuộc sống. Bởi vậy mỗi nhà thơ, những con người thiết tha với cuộc đời và nhạy cảm trước thời cuộc càng hiểu rõ hơn điều đó. Họ có những vần thơ được viết ra như thay lời muốn nói cho tất cả mọi người, tình cảm thiết tha và mãnh liệt đang muốn được thể hiện. “Sóng” và “Vội vàng” là hai bài thơ tiêu biểu, nói lên khát vọng tình yêu, khát vọng sống và cống hiến.
Tác giả hai bài thơ là Xuân Quỳnh và Xuân Diệu đều ý thức rất lớn về sự chảy trôi của thời gian, dù muốn nhưng vẫn không thể ngưng lại sự chảy trôi ấy.
“Cuộc đời tuy dài thế
Năm tháng vẫn đi quá”
Cuộc đời có dài nhưng thời gian không chậm, vẫn lặng lẽ vụt qua rút ngắn cái hữu hạn của đời người. Đó là nỗi lo âu trước thời gian, nỗi ngậm ngùi trước năm tháng cuộc đời, vừa lo sợ, lại vừa lưu luyến.
“Như biển kia dẫu rộng
Mây vẫn bay về xa”
Dù biển kia có rộng và bao la vô tận cũng không thể ngăn cản được mây bay, cả hai vẫn không thể nào gặp gỡ. Xuân Diệu cũng thế, cũng lo sợ trước thời gian, cũng vội vàng:
“Xuân đang tới, nghĩa là xuân đang qua,
Xuân còn non, nghĩa là xuân sẽ già,
Mà xuân hết, nghĩa là tôi cũng mất.
Lòng tôi rộng, nhưng lượng trời cứ chật,
Không cho dài thời trẻ của nhân gian,”
Tác giả lo sợ trước tuổi trẻ rồi sẽ dần qua đi, sau tất cả còn lại sự luyến tiếc, ngậm ngùi. Thời gian vẫn trôi qua, mùa xuân cứ tuần hoàn, đến rồi đi, con người chợt nhận ra thanh xuân không còn mãi, tuổi tác ngày một lớn thêm và khi xuân hết nghĩa là tôi cũng đã mất, càng nhận ra sự ngắn ngủi của cuộc đời, của tuổi trẻ. Xuân Quỳnh cùng mối tình đằm thắm, chân thành, một mối tình mãnh liệt của một người con gái, thể hiện được sự dũng cảm trong tình yêu:
“Làm sao được tan ra
Thành trăm con sóng nhỏ
Của biển lớn tình yêu
Để ngàn năm vẫn vỗ”
Chỉ một con sóng làm sao có thể làm nên đại dương bao la, mà con sóng ấy phải hoà cùng nhịp điệu của biển sóng, của muôn ngàn con sóng mãnh liệt, vỗ bờ đến biển lớn. Sóng được hoà mình giữa đại dương để mãi mãi trường tồn, bất tử, ngàn năm sóng vẫn vỗ, vẫn đến bên bờ. Cũng như tình yêu của em dành cho anh lớn như biển cả, mênh mông như đại dương. Đây không chỉ là biển của thiên nhiên mà còn là biển của tình yêu, là đại dương của tình yêu và tình yêu ấy mãi mãi trường tồn, bất tử, không hữu hạn như đời người, kiếp người. Một khát khao tình yêu thật cao đẹp và đầy phi thường. Tình yêu là một khát vọng vĩnh hằng, rất mãnh liệt, thổn thức trong trái tim tuổi trẻ.
Xuân Diệu cũng thế, càng lo sợ thời gian, càng nhận ra đời người ngắn ngủi, hữu hạn lại càng hối hả, thúc giục con người sống vội hơn để chạy đua với thời gian, để tận hưởng những tinh túy, tươi đẹp của đất trời. Đó là khát khao được thực hiện những điều kì lạ, những ước muốn để giữ trọn vẹn nhất vẻ đẹp của tạo hóa để nắng không thể tàn và hương hoa chẳng vội biến mất.
2. So sánh bài thơ Sóng của Xuân Quỳnh và Vội vàng của Xuân Diệu:
Xuân Diệu và Xuân Quỳnh là hai nhà thơ nổi bật của thơ ca hiện đại. Xuân Diệu được mệnh danh là ông hoàng thơ tình thì Xuân Quỳnh được mệnh danh là bà hoàng trong thơ tình yêu. Hai hồn thơ này là hơi thở tình yêu dạt dào và lòng ham sống mạnh mẽ.
Xuân Diệu từ được đánh già là “nhà thơ mới nhất trong các nhà thơ mới” vì cách sử dụng từ cũng như cảm hứng thi ca. Khác với những nhà thơ trong cùng giai đoạn thơ của Xuân Diệu không tuân theo cảm hứng dân tộc mà theo tình cảm lãng mạn. Ông tập trung thể hiện cái tôi cá nhân và lòng ham muốn được sống.
“Ta muốn ôm
Cả sự sống mới bắt đầu mơn mởn
Ta muốn riết mây đưa và gió lượn.
Ta muốn say cánh bướm với tình yêu
Ta muốn thâu trong một cái hôn nhiều
Và non nước, và cây, và cỏ rạng
Cho chếnh choáng mùi thơm, cho đã đầy ánh sáng
Cho no nê thanh sắc của thời tươi.”
Cái tôi mãnh liệt của tác giả được thể hiện rõ ràng qua cụm từ “ta muốn”. Ta là đại từ thể hiện cái tôi cá nhân khẳng định chủ thể khác biệt với chúng tôi, chúng ta. Đoạn thơ được xem là một tuyên ngôn sống của tác giả tự xác định thái độ sống gấp muốn tận hưởng và cảm nhận sự hữu hạn của cuộc đời. Xuân Diệu muốn ôm từ “sự sống mới bắt đầu mơn mởn” là những thứ nhỏ bé nhất như hạt mầm và “riết mây đưa và gió lượn”. Tiếp đến là say trong những “cánh bướm với tình yêu” và “một cái hôn nhiều”. Và tất cả “non nước, cây, cỏ rạng” những thứ trên mặt đất đang tồn tại, để cho cơ thể chếnh choáng mùi thơm cho đã đầy ánh sáng và cho no nê thanh sắc của thời tươi. Với hàng loạt các động từ mạnh như “ôm”, “riết”, “thâu”, “say”, “chếnh choáng”, “no nê” đã cho thấy lòng ham muốn chiếm lĩnh sự sống của tác giả lớn thế nào. Xuân Diệu không chỉ muốn sống một cách bình thường mà muốn sống nhanh sống gấp sống làm sao tận hưởng được hết những vẻ đẹp của sự sống.
Có một nhà thơ nữa tiêu biểu cho cảm hứng lãng mạn đó là Xuân Quỳnh – nhà thơ nữ hiếm hoi là gương mặt tiêu biểu cho thế hệ thơ trẻ của thời kỳ kháng chiến chống Mỹ. Thơ của Xuân Quỳnh mang đậm vẻ đẹp nữ tính, vẻ đẹp tâm hồn của người phụ nữ nhạy cảm. Đoạn thơ trích trong tác phẩm “Sóng” dưới đây thể hiện rõ nhất phong cách thơ của tác giả:
“Làm sao được tan ra
Thành trăm con sóng nhỏ
Giữa biển lớn tình yêu
Để ngàn năm còn vỗ.”
Với Xuân Quỳnh thì tình yêu là lẽ sống nhưng tình cảm không chỉ hữu hạn trong cái tôi nhỏ bé mà còn được hòa mình vào biển lớn tình yêu của nhân loại:
“Làm sao được tan ra
Thành trăm con sóng nhỏ”
Từ “trăm con sóng nhỏ” hòa mình vào với “biển lớn tình yêu” là cách biến tình yêu trở thành bất tử và tình yêu thương từ đó sẽ lan tỏa đến mọi nơi trên thế giới mang đến cho con người một thế giới hòa bình. Qua việc phân tích 2 bài thơ của hai tác giả Xuân Diệu và Xuân Quỳnh ta thấy cả hai đều bộc lộ cảm xúc mãnh liệt và những suy ngẫm trước cuộc đời, đều thể hiện lòng ham sống mạnh mẽ nhưng điểm khác biệt là nằm ở cách thể hiện cái tôi cá nhân. Những câu thơ của Xuân Diệu cảm nhận rõ cái tôi mãnh liệt muốn khẳng định ước mướn lòng ham sống của bản thân thì những câu thơ của Xuân Quỳnh lại rất nhẹ nhàng đầy tâm tình. Xuân Diệu chọn cách sống gấp để hưởng thụ được hết những hoa thơm trái ngọt trên cuộc đời còn Xuân Quỳnh thì lại có ước muốn được hòa mình vào đời sống chung của nhân loại, từ cái tôi nhỏ bé tiến đến biển lớn tình yêu.
Qua hai đoạn thơ trên ta cảm nhận được lòng ham sống và cái tôi vô cùng lãng mạn của Xuân Diệu và Xuân Quỳnh. Dù họ sinh ra ở hai thời điểm, hai thế hệ khác nhau nhưng họ đều có chung một cái tôi lãng mạn và lòng tin yêu mãnh liệt với cuộc đời.
3. So sánh giữa Sóng của Xuân Quỳnh và Vội vàng của Xuân Diệu:
Cùng nói về khát vọng tình yêu, Xuân Quỳnh nói trong bài thơ Sóng: “Làm sao được tan ra…Để ngàn năm còn vỗ” còn Xuân Diệu nói trong bài thơ Vội vàng: “Ta muốn ôm…Cho no nê thanh sắc”
Tình yêu vốn là một đề tài quen thuộc đi về trong thơ ca, gắn với tình yêu là muôn ngàn suy ngẫm, muôn ngàn cách nghĩ, muôn vàn khát vọng. Với Xuân Quỳnh – một người phụ nữ với trái tim luôn rực cháy tình yêu, thể hiện một cái tôi đầy nữ tính thì với thi sĩ Xuân Diệu, ông khao khát có một tình yêu trọn vẹn và cháy bỏng, muốn đem hết cái dào dạt, mãnh liệt của tâm hồn để chiếm đoạt lấy tình yêu của tạo hóa.
“Sóng” là bài thơ ra đời trong chuyến đi thực tế về vùng biển Diêm Điền của Xuân Quỳnh. Trước sự ào ạt của sóng và ngọn gió của muôn trùng biển khơi, nhà thơ đã cất lên nỗi lòng. Để lại trong bài thơ không chỉ có tình yêu, đó còn là khát vọng, là khao khát của một trái tim yêu nồng nàn, mãnh liệt:
“Làm sao được tan ra
Thành trăm con sóng nhỏ
Giữa biển lớn tình yêu
Để ngàn năm còn vỗ.”
Hai chữ “tan ra” thể hiện khát vọng được hóa thân vào sóng để tồn tại trong cái không gian vô tận của biển cả vĩnh hằng. Con sóng lớn muốn hóa thân mình thành trăm ngàn con sóng nhỏ hơn để được hòa mình vào biển khơi vô tận, để trải lòng mình. Khát vọng ấy là khát vọng dâng hiến trong tình yêu, muốn dùng tình yêu để nối dài cái hữu hạn, ngắn ngủi của cuộc đời.
“Giữa biển lớn tình yêu
Để ngàn năm còn vỗ”
Sự hóa thân này không phải là vô nghĩa, sự hóa thân ấy không phải sự tan biến vĩnh viễn. Sóng sẵn sàng tan ra thành ngàn con sóng nhỏ hơn để hòa mình vào muôn trùng sóng bể, để ngàn năm trôi đi thì những lớp sóng ấy vẫn kéo dài mãi mãi. Những dòng thơ kết lại tác phẩm vẫn mang nhịp đập thổn thức của một trái tim yêu tha thiết và mãnh liệt. Vì vậy, “Sóng” đã trở thành một trong những bản tình ca đẹp nhất trong văn học Việt Nam hiện đại.
Còn trong suy nghĩ của Xuân Diệu, thời gian chỉ có hai mùa: mùa xuân là mùa của tuổi trẻ, tình yêu, sự sống, còn mùa thu là màu lá úa, tàn phai, rơi rụng. Khát vọng yêu đương của Xuân Diệu đã từng khắc ghi trong tâm hồn người đọc với những câu thơ giàu cảm xúc:
“Ta muốn ôm
Cả sự sống mới bắt đầu mơn mởn;
Ta muốn riết mây đưa và gió lượn;
Ta muốn say cánh bướm với tình yêu
Ta muốn thâu trong một cái hôn nhiều
Và non nước, và cây, và cỏ rạng
Cho chuếnh choáng mùi thơm, cho đã đầy ánh sáng
Cho no nê thanh sắc của thời tươi”
Đại từ “ta” được sử dụng nhiều lần như một cách tác giả bày tỏ cái tôi riêng tư của chính mình. Câu thơ như tái hiện lại một cách tay đang ham muốn ôm trọn đất trời, khát khao tận hưởng xuân sắc xuân thì của tạo hóa. Điệp từ “ta muốn” lặp lại kết hợp với các động từ mạnh “ôm, riết, say, thâu” càng thể hiện đậm nét khát khao yêu đương mãnh liệt của ông hoàng thơ tình Xuân Diệu. Với ông không có một tình yêu nào là tình yêu hời hợt, đã yêu, đã thương, đã say thì phải giao cảm tuyệt đối, phải thực sự quyện hòa vào nhau. Mùa xuân với hương sắc và sự trẻ trung của mình đã thu hút được trái tim khao khát của người thi sĩ, khiến ông muốn thâu tóm cả “trời đất, và cây, và cỏ rạng”.
Cả Sóng và Vội vàng đều là tiếng nói của một cái tôi giàu cảm xúc với khát khao giao cảm với đời, với người. Cùng với đó là khát vọng yêu đương cháy bỏng của những trái tim giàu khao khát yêu đương với cuộc đời, những xúc cảm dào dạt và bùng cháy. Nếu Sóng thể hiện một tình yêu đầy nữ tính, khát khao dâng hiến, tận hiến và bất tử hóa với tình yêu thì Vội vàng lại đưa ta đến một quan niệm sống rất hiện đại: sống vội vàng, sống cuống quýt để tận hưởng hết thảy mọi vẻ đẹp trên đời và bởi vì tuổi trẻ chẳng có cơ hội thắm lại lần hai. Có thể nói rằng “Sóng” như một bản giao hưởng tình yêu còn “Vội vàng” là khúc ca về khát vọng sống vội vã với cuộc đời tươi đẹp.
Hai thi nhân đã thổi hồn mình vào những trang thơ với xúc cảm dào dạt và mãnh liệt, một Xuân Quỳnh với trái tim yêu đầy nữ tính, một Xuân Diệu với sự hối hả và mãnh liệt trong cảm xúc – mỗi người đều đã ghi tên mình vào dòng chảy của thời gian, của lòng người. Những áng thơ của họ sẽ còn sống mãi với thời gian.
THAM KHẢO THÊM: