Công nhận sở hữu tư nhân là một điều tất yếu của thực tiễn phát triển kinh tế, Vậy sở hữu tư nhân là gì? Những điều cần biết về sở hữu tư nhân như thế nào? Cùng tìm hiểu bài viết dưới đây.
Mục lục bài viết
1. Sở hữu tư nhân là gì?
Sở hữu tư nhân là một hình thức sở hữu trong đó cá nhân có quyền sở hữu đối với tài sản hợp pháp của mình đó là sở hữu về tư liệu sinh hoạt, tiêu dùng và những tư liệu sản xuất nhằm đáp ứng nhu cầu của cá nhân.
Theo quy định của Bộ luật dân sự 2015 thì quyền sở hữu bao gồm: quyền chiếm hữu quyền sử dụng và quyền định đoạt (Điều 158 BLDS 2015). Theo đó quyền sở hữu tư nhân cũng bao gồm ba loại quyền năng nêu trên. Hiện nay, các quy định pháp luật không quy định rõ thế nào là quyền sở hữu tư nhân nhưng có thể hiểu đây chính là quyền sở hữu riêng được quy định tại Bộ luật Dân sự 2015. Quyền sở hữu riêng là một chế định của quyền sở hữu điều chỉnh các quan hệ xã hội của cá nhân, pháp nhân về tư liệu sản xuất và tiêu dùng. Tư liệu tiêu dùng ở đây có thể là những tài sản để phục vụ cho nhu cầu vui chơi giải trí nghỉ ngơi để đáp ứng kịp nhu cầu về vật chất và tinh thần của cá nhân. Tư liệu sản xuất có thể là tiền vàng đá quý hay là những tài sản như là nhà kho, xưởng, máy móc.
Theo quy định tại Điều 205 Bộ luật Dân sự 2015 thì sở hữu riêng là sở hữu của một cá nhân hoặc pháp nhân, tài sản hợp pháp về sở hữu riêng thì không bị hạn chế về số lượng, giá trị. Chủ sở hữu có quyền chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản thuộc sở hữu riêng của mình nhằm phục vụ các nhu cầu cá nhân không gây ảnh hưởng đến lợi ích quốc gia, lợi ích cộng đồng quyền và lợi ích hợp pháp của người khác. Sở hữu riêng là một quyền của cá nhân, pháp nhân được pháp luật công nhận và bảo vệ không ai có thể xâm phạm, tước đoạt quyền sử hữu riêng này.
Như vậy, tóm lại sở hữu tư nhân là quyền sở hữu của một cá nhân với tư cách là chủ sở hữu đối với tài sản của mình thông qua các quyền năng chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản.
2. Các điều cần biết về sở hữu tư nhân:
2.1. Chủ thể sở hữu tư nhân:
Chủ thể của sở hữu tư nhân (sở hữu riêng) là từng cá nhân hoặc từng pháp nhân. Mỗi một người từ khi sinh ra đến khi phát triển đến một độ tuổi nhất định, đều sẽ hình thành cho mình những tài sản từ các nguồn như từ thu nhập hợp pháp, từ việc được tặng cho, mua bán, thừa kế… Với tư cách là chủ thể sở hữu hợp pháp những loại tài sản này chủ thể hoàn toàn có toàn quyền định đoạt, sử dụng chúng, có quyền để lại thừa kế, có quyền góp vốn vào kinh doanh, sản xuất mà không chịu sự chi phối của bất kỳ cá nhân, tổ chức nào, trừ một số trường hợp. Chẳng hạn trong trường hợp chủ thể của sở hữu tư nhân chưa có đủ năng lực hành vi dân sự hoặc mất hoặc hạn chế năng lực hành vi dân sự, thì lúc này việc thực hiện quyền sở hữu tư nhân tùy theo trường hợp sẽ phải được người đại diện theo pháp luật đồng ý hoặc tham gia thực hiện.
2.2. Khách thể sở hữu tư nhân:
Khách thể của sở hữu tư nhân là những tài sản được hình thành thuộc sở hữu của một cá nhân. Phạm vi khách thể hay phạm vi sở hữu tài sản của sở hữu tư nhân (sở hữu riêng) không bị giới hạn về số lượng và giá trị. Những tài sản này được thể hiện dưới những hình thức như:
+ Nguồn thu nhập hợp pháp: Là những khoản tiền hoặc hiện vật có được nhờ việc lao động hợp pháp đem lại cho cá nhân, có thể là thù lao, tiền thưởng từ các công trình nghiên cứu, các sáng chế hoặc là những thu nhập từ kinh tế gia đình hoặc do được thừa kế, tặng cho…
+ Tư liệu sinh hoạt: được thể hiện dưới những hình thức như nhà ở, công trình tự xây dựng hoặc được thừa kế, mua, được tặng cho..
+ Tư liệu tiêu dùng: là những tài sản nhằm phục vụ những nhu cầu giải trí, vui chơi, …thỏa mãn nhu cầu về vật chất và tinh thần chẳng hạn như ti vi, tủ lạnh, xe máy…
+ Tư liệu sản xuất: là những tài sản được sử dụng để sản xuất như nhà kho, nhà xưởng hoặc phần vốn góp sử dụng vào hoạt động đầu tư, kinh doanh. Ngoài ra còn có hoa lợi, lợi tức phát sinh từ những hoạt động này.
Tất cả những tài sản này thuộc sở hữu của một cá nhân thì đều là tài sản riêng.
2.3. Nội dung sở hữu tư nhân:
Nội dung của sở hữu tư nhân (sở hữu riêng) chính là thể hiện ở việc làm chủ, quyết định, định đoạt tài sản thông qua các quyền như chiếm hữu sử dụng định đoạt. Tại Điều 206 Bộ luật Dân sự 2015 có quy định rõ chủ sở hữu có quyền chiếm hữu, sử dụng định đoạt tài sản thuộc sở hữu riêng của mình và phục vụ nhu cầu sinh hoạt, sản xuất kinh doanh và các mục đích khác không trái với quy định của pháp luật, không làm ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của Nhà nước và cá nhân khác. Biểu hiện cụ thể của các quyền năng này đó là:
+ Việc thực hiện quyền chiếm hữu được thể hiện thông qua việc cá nhân có thể giao cho người khác thực hiện quyền chiếm hữu hay cả những quyền như là cho thuê, cho mượn.
+ Quyền sử dụng: Quyền sử dụng thì được pháp luật quy định rộng hơn nhằm khuyến khích tạo điều kiện cho cá nhân thực hiện việc sản xuất và mang lại hiệu quả kinh tế thông qua việc sử dụng các tài sản thuộc sở riêng của mình vào sản xuất, kinh doanh. Quyền sử dụng được thể hiện ở chỗ pháp nhân có quyền dùng vốn, dùng những tư liệu sản xuất thuộc quyền sở hữu của mình để kinh doanh, sản xuất phục vụ nhu cầu hoặc các mục đích khác phù hợp với quy định của pháp luật. Không được sử dụng những tài sản của mình vào những mục đích bất hợp pháp gây ảnh hưởng đến nền kinh tế, lợi ích của nhà nước quyền và lợi ích của tập thể hoặc của công dân khác, những hành vi này nếu vi phạm sẽ đều bị xử lý nghiêm minh theo quy định của pháp luật.
2.4. Chấm dứt quyền sở hữu tư nhân:
Việc chấm dứt quyền sở hữu tư nhân chính là chấm dứt các quyền năng chiếm hữu, sử dụng, định đoạt nói trên đối với chủ thể có quyền sử hữu đối với tài sản. Việc chấm dứt quyền sở hữu đối với tài sản được thể hiện trong hai trường hợp:
Thứ nhất là chấm dứt do ý chí của chủ sở hữu tài sản tư nhân. Chẳng hạn như chủ sở hữu tài sản tư nhân chuyển giao quyền sử hữu của mình cho người khác. Hay là cá nhân từ bỏ quyền sở hữu bằng cách tuyên bố công khai hoặc thực hiện hành vi chứng tỏ mình từ bỏ quyền chiếm hữu và sử dụng, định đoạt tài sản đó. Việc từ bỏ nếu mà gây ảnh hưởng đến trật tự an toàn xã hội, gây ảnh hưởng đến môi trường thì phải tuân thủ theo quy định của pháp luật.
Thứ hai là chấm dứt quyền sở hữu tư nhân do pháp luật quy định. Chẳng hạn như tài sản đã được xác lập quyền sở hữu cho người khác. Ví dụ như trong trường hợp nếu như người chiếm hữu, người được lợi về tài sản không có căn cứ pháp luật nhưng ngay tình liên tục công khai trong thời hạn 10 năm đối với động sản, 30 năm đối với bất động sản thì trở thành chủ tài sản, chủ sở hữu tài sản đó kể từ thời điểm bắt đầu chiếm hữu. Hoặc là chấm dứt trong trường hợp tài sản bị xử lý để thực hiện nghĩa vụ của chủ sở hữu tư nhân, tài sản bị trưng mua, tài sản bị tịch thu, tài sản được tiêu dùng hoặc bị tiêu hủy.
3. Những ví dụ cụ thể về sở hữu tư nhân:
Ví dụ như việc sở hữu tài sản riêng của vợ chồng. Việc sở hữu tài sản riêng của vợ chồng có nghĩa là việc vợ hoặc chồng sở hữu những tài sản mà mình có được trước khi kết hôn hoặc tài sản được thừa kế riêng, được tặng cho riêng trong thời kỳ hôn nhân.
Hoặc chẳng hạn như loại hình doanh nghiệp tư nhân là một loại hình doanh nghiệp rất phổ biến hiện nay, cũng có hình thức sở hữu tư nhân. Theo quy định tại điều 188 của
Như vậy, việc sở hữu tài sản tư nhận được thể hiện ở chỗ doanh nghiệp tư nhân do một cá nhân làm chủ và tự chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của mình về hoạt động của doanh nghiệp tức là tài sản của doanh nghiệp tư nhân cũng chính là tài sản của chủ doanh nghiệp đó chứ không có sự tách bạch giữa tài sản của doanh nghiệp và tài sản của chủ sở hữu.
Và chủ doanh nghiệp tư nhân phải có trách nhiệm liên đới đối với nghĩa vụ về tài sản của doanh nghiệp trong hoạt động sản xuất kinh doanh.
Văn bản pháp luật sử dụng trong bài viết:
– Bộ luật Dân sự năm 2015