Các vấn đề liên quan đến hộ chiếu. Số hộ chiếu có bị thay đổi khi gia hạn, làm lại, cấp đổi không?
Hộ chiếu là một loại giấy tờ có giá trị đặc biệt quan trọng đối với công dân trong việc xuất nhập cảnh. Liên quan đến hộ chiếu, có rất nhiều vấn đề phát sinh. Một trong số đó là việc cấp lại, gia hạn, làm lại sổ. Dưới đây là bài phân tích nhằm làm rõ xem số hộ chiếu có bị thay đổi khi gia hạn, làm lại, cấp đổi không?
Luật sư
Mục lục bài viết
1. Các vấn đề liên quan đến hộ chiếu:
– Theo Luật xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam năm 2019 (Luật Xuất nhập cảnh), hộ chiếu là giấy tờ thuộc quyền sở hữu của Nhà nước, do cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cấp cho công dân Việt Nam sử dụng để xuất cảnh, nhập cảnh, chứng minh quốc tịch và nhân thân. Hộ chiếu được hiểu là một giấy thông hành, thường do chính phủ của một quốc gia cấp cho công dân của quốc gia đó, xác nhận danh tính và quốc tịch của người giữ hộ chiếu chủ yếu cho mục đích đi lại quốc tế.Hộ chiếu tiêu chuẩn có thể chứa thông tin như tên, nơi ở và ngày sinh, ảnh, chữ ký và các thông tin nhận dạng có liên quan khác của người sở hữu hộ chiếu. Trên hộ chiếu gồm các thông tin như: ảnh chân dung; họ, chữ đệm và tên; ngày, tháng, năm sinh; giới tính; quốc tịch; ký hiệu, số giấy tờ xuất nhập cảnh; ngày, tháng, năm cấp, cơ quan cấp; ngày, tháng, năm hết hạn; số định danh cá nhân hoặc số chứng minh nhân dân; chức vụ, chức danh đối với hộ chiếu ngoại giao, hộ chiếu công vụ phù hợp với yêu cầu đối ngoại.
– Theo quy định của luật xuất nhập cảnh, hộ chiếu Việt Nam chỉ cấp cho công dân Việt Nam. Khi xuất cảnh, nhập cảnh, công dân Việt Nam phải xuất trình hộ chiếu hoặc giấy thông hành với lực lượng kiểm soát xuất nhập cảnh của Việt Nam tại cửa khẩu. Người có hộ chiếu được phép xuất, nhập cảnh, quá cảnh khi có thị thực xuất, nhập cảnh, quá cảnh của nước mình hoặc nhà nước hữu quan.
– Về phân loại, hộ chiếu gồm 3 loại, gồm:
+ Hộ chiếu ngoại giao, trang bìa màu nâu đỏ : Loại hộ chiếu này thường được cấp cho quan chức cấp cao của Nhà nước được quy định tại Điều 8 Luật Xuất nhập cảnh; được cơ quan, người có thẩm quyền cử hoặc cho phép ra nước ngoài để thực hiện nhiệm vụ công tác. Những người sở hữu hộ chiếu này thường là cán bộ, quan chức cấp cao của Nhà nước. Họ sử dụng hộ chiếu này để thực hiện nhiệm vụ công tác theo sự phân công của cơ quan Nhà nước, người có thẩm quyền.
+ Hộ chiếu công vụ, trang bìa màu xanh lá cây đậm: Hộ chiếu này được cấp cho đối tượng như cán bộ, công chức, viên chức, Công an, Quân đội ( thuộc Điều 9 Luật Xuất nhập cảnh)… được cơ quan, người có thẩm quyền cử hoặc cho phép ra nước ngoài để thực hiện nhiệm vụ công tác. Những đối tượng này đều là cán bộ Nhà nước, ra nước vì nhiệm vụ được giao. Do đó, họ mới được cấp hộ chiếu công vụ.
+ Hộ chiếu phổ thông, trang bìa màu xanh tím: Cấp cho công dân Việt Nam. Với hộ chiếu này, mọi công dân Việt Nam đều được cấp nếu họ có nhu cầu xuất nhập cảnh. Đi du lịch, du học, xuất khẩu lao động…người dân đều được cấp hộ chiếu phổ thông này.
– Hộ chiếu được xem là văn bản thông hành, giúp việc xuất nhập khẩu của công dân được hợp thức hóa về mặt pháp luật. Nó có vai trò đặc biệt quan trọng trong việc quản lý công dân của cơ quan Nhà nước, cụ thể như sau:
+ Thứ nhất, việc yêu cầu hộ chiếu khi có nhu cầu xuất nhập cảnh giúp cơ quan hải quan (đại diện cho Nhà nước) quản lý được việc xuất nhập cảnh của người dân. Thực tế, có rất nhiều trường hợp phạm tội, lẩn trốn ra nước ngoài để trốn tránh trách nhiệm về hành vi của mình. Nếu cơ quan hải quan và Nhà nước không quản lý dân cư xuất nhập cảnh bằng hộ chiếu, thì sẽ để xảy ra tình trạng bỏ lọt tội phạm, làm bất ổn an ninh quốc gia khi cảnh phần tử xấu tự do di chuyển ra vào địa phận nước mình.
Ví dụ: Phạm Văn K thực hiện hành vi giết người. Ngay sau khi biết hành vi của mình đã bị phát giác, K lên kế hoạch chạy trốn ra nước ngoài. Tuy nhiên, cơ quan Nhà nước có thẩm quyền đã phát lệnh truy nã đối với Phạm Văn K. Do đó, tại bộ phận hải quan, ngay khi K xuất trình hộ chiếu, cán bộ hải quan đã phát hiện K phạm tội và hiện đang bị truy nã thông qua cổng thông tin điện tử quốc gia. Như vậy, nhờ hộ chiếu, cơ quan chức trách đã phát hiện ra tội phạm, ngăn ngừa hành vi chạy trốn của họ.
+ Thứ hai, việc yêu cầu hộ chiếu khi xuất nhập cảnh, giúp Nhà nước giám sát, quản lý được việc công dân của mình đi đâu, trong thời gian bao lâu, từ đó đưa ra những biện pháp xử lý kịp thời nếu có trường hợp xấu xảy ra.
Ví dụ: Chị Nguyễn THị A , có một người bạn nhập quốc tịch Mỹ và sinh sống tại đó và người đó rủ chị sang Mỹ chơi. Vậy nên, cuối tháng 4 năm 2021, chị đã xuất cảnh sang Mỹ để thăm em gái. Theo kế hoạch, chị làm visa đi du lịch trong 1 tháng. Tuy nhiên, sau 1 tháng, chị không nhập cảnh về lại Việt Nam, hộ chiếu cũng không được gia hạn thêm. Người nhà của chị G không liên lạc được với chị, nên đã trình báo ra phía công an. Thông qua việc kiểm soát thông tin hộ chiếu của công dân xuất cảnh, cơ quan hải quan đã xác định được điểm đến của chị G. Từ đó, liên hệ với đại sứ quán của nước nơi chị G đến, lúc này mới biết do chưa gia hạn được hộ chiếu nên chị chưa thể bay về nước. Đây là minh chứng cho việc thông qua hộ chiếu, cơ quan Nhà nước có thẩm quyền có thể quản lý lịch trình di chuyển của công dân nước mình.
2. Số hộ chiếu có bị thay đổi khi gia hạn, làm lại, cấp đổi không?
– Hộ chiếu được xem là giấy thông hành, giúp các cá nhân có thể di chuyển từ địa điểm này sang địa điểm khác (đi lại giữa các nước trên thế giới). Tuy nhiên, hộ chiếu chỉ có hiệu lực trong một thời hạn nhất định. Khi hộ chiếu hết hạn, cần phải làm lại hoặc gia hạn thêm. Một câu hỏi được đặt ra, là số hộ chiếu có bị thay đổi khi gia hạn, làm lại, cấp đổi hay không?
– Hiện nay, có ba loại hộ chiếu, đó là: Hộ chiếu ngoại giao, hộ chiếu công vụ và hộ chiếu phổ thông. Ở từng loại hộ chiếu cụ thể, sẽ có thời hạn sử dụng khác nhau. Có loại hộ chiếu khi hết hạn có thể được gia hạn lại. Tuy nhiên, cũng có loại hộ chiếu, khi hết hạn sẽ không được gia hạn tiếp. Cụ thể như sau:
+ Đối với hộ chiếu ngoại giao, hộ chiếu công vụ thì thời hạn sử dụng hộ chiếu là từ 01 năm đến 05 năm. Loại hộ chiếu này có thể được gia hạn thêm, theo đó, có thể được gia hạn một lần không quá 03 năm.
+ Đối với hộ chiếu phổ thông thì loại hộ chiếu này được cấp cho người từ đủ 14 tuổi trở lên có thời hạn 10 năm. Khác với hộ chiếu ngoại giao, hộ chiếu công vụ, thì loại hộ chiếu phổ thông này không được gia hạn. Đồng thời, đối với hộ chiếu phổ thông cấp cho người chưa đủ 14 tuổi có thời hạn 05 năm và không được gia hạn mà phải thực hiện cấp lại khi hộ chiếu hết hạn.
Như vậy, không phải loại hộ chiếu nào khi hết hạn cũng có thể được gia hạn thêm. Có những loại hộ chiếu, khi hết hạn, các cá nhân phải tiến hành thực hiện xin cấp lại hộ chiếu. Hiện nay, chỉ có hộ chiếu ngoại giao, hộ chiếu công vụ mới được gia hạn. Còn đối với hộ chiếu phổ thông, khi hết hạn sẽ được cấp mới.
– Việc gia hạn, cấp lại số có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với mỗi cá nhân, bởi nó mang tính chất quyết định xem cá nhân đó có được phép xuất ngoại hay không. Về nguyên tắc, trên hộ chiếu thường thể hiện các thông tin cơ bản của công dân, như: ảnh chân dung; họ tên chữ đệm; ngày tháng năm sinh; giới tính; quốc tịch; số định danh cá nhân/Chứng minh nhân dân/Căn cước công dân, số hộ chiếu. Số hộ chiếu là số hiệu được in trên hộ chiếu. Nó là một trong những cơ sở để xác nhận thông tin của mỗi cá nhân.
– Theo điểm i khoản 1 Điều 2 Thông tư 73/2021/TT-BCA về mẫu hộ chiếu mới, số hộ chiếu là một dãy số gồm 07 chữ số và 01 chữ viết hoa, được đục lỗ bằng công nghệ laser thông suốt trang 1 tới bìa sau của cuốn hộ chiếu và trùng với chữ, số ở trang 1.
– Thực tế, nếu căn cước công dân khi làm mới hoặc xin cấp lại, vẫn giữ nguyên số cũ, không có sự thay đổi về số căn cước công dân. Tuy nhiên, với hộ chiếu lại khác. Khi hộ chiếu hết hạn, người dân không được gia hạn mà phải cấp mới hộ chiếu khác. khi cấp mới, số hộ chiếu sẽ bị thay đổi sang một số khác.
Như vậy, theo những phân tích ở trên, khi hộ chiếu được gia hạn, làm lại, cấp đổi sổ, thì số hộ chiếu sẽ bị thay đổi.