Hiện nay, tình trạng sao chép giao diện trang web của người khác diễn ra rất phổ biến, đặc biệt là những trang web của các doanh nghiệp, tổ chức. Đây là một hành vi xâm phạm đến quyền sở hữu trí tuệ nói chung. Vậy hành vi sao chép giao diện trang web của người khác có bị phạt?
Mục lục bài viết
1. Sao chép giao diện trang web của người khác có bị phạt?
Hành vi sao chép giao diện trang web của người là một trong những hành vi vi phạm đến hình ảnh và bản quyền. Theo đó, hành vi vi phạm này sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính ở mức như sau:
– Đối tượng có hành vi giả mạo hoặc sao chép giao diện website thương mại điện tử hoặc ứng dụng di động của thương nhân, tổ chức, cá nhân khác để kiếm lợi hoặc để gây nhầm lẫn, gây mất lòng tin của khách hàng đối với thương nhân, tổ chức, cá nhân đó: bị xử phạt tiền từ 30 triệu đồng đến 40 triệu đồng.
Ngoài bị xử phạt tiền như trên, đối tượng vi phạm còn bị tịch thu tang vật, phương tiện được sử dụng để thực hiện hành vi vi phạm đó và bị đình chỉ hoạt động thương mại điện tử từ 06 tháng đến 12 tháng.
Đồng thời, đối tượng vi phạm còn phải áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả sau:
+ Buộc phải cải chính thông tin sai sự thật hoặc gây nhầm lẫn.
+ Buộc phải thu hồi tên miền “.vn” của website thương mại điện tử hoặc buộc gỡ bỏ ứng dụng di động trên các kho ứng dụng hoặc trên các địa chỉ đã cung cấp.
+ Buộc nộp lại số tiền bất hợp pháp do thực hiện hành vi vi phạm đó.
(căn cứ Điều 63 Nghị định số 98/2020/NĐ-CP).
Lưu ý: mức phạt trên là áp dụng đối với cá nhân. Còn tổ chức mức phạt sẽ gấp đôi mức phạt của cá nhân. Do đó, nếu đối tượng có hành vi sao chép giao diện trang web của người khác là tổ chức thì mức xử phạt sẽ là từ 60 triệu đến 80 triệu đồng (căn cứ khoản 4 Điều 4 Nghị định số 98/2020/NĐ-CP, được sửa đổi, bổ sung bởi Khoản 1 Điều 3 Nghị định 17/2022/NĐ-CP).
2. Bồi thường khi sao chép giao diện trang web của người khác:
Theo quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính thì đối tượng thực hiện hành vi sao chép giao diện trang web của người khác gây đến thiệt hại thì phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại. Cụ thể, trách nhiệm bồi thường thiệt hại được quy định như sau:
Căn cứ Điều 584 Bộ luật dân sự năm 2015 quy định cơ sở để phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại bao gồm:
– Phải có hành vi xâm phạm đến tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, uy tín, tài sản, quyền, lợi ích hợp pháp khác của người khác.
– Có gây ra thiệt hại.
Như vậy, thực tế nếu đối tượng có hành vi sao chép giao diện trang web của người khác gây ảnh hưởng đến uy tín của đối phương, đồng thời làm giảm đi lượng mua bán hàng hóa của họ thì phải chịu trách nhiệm bồi thường.
Về mức tiền bồi thường thiệt hại bao nhiêu thì hiện nay trong văn bản của luật không quy định định cứng một mức tiền bồi thường thiệt hại nào cả vì mỗi trường hợp thiệt hại sẽ khác nhau.
Bản chất của dân sự sẽ ưu tiên sự thỏa thuận của các bên, hai bên có thể ngồi lại thương lượng với nhau mức bồi thường như thế nào. Nếu như trường hợp không thể thỏa thuận được mức bồi thường thiệt hại thì sẽ đưa ra pháp luật yêu cầu Tòa án giải quyết. Tại Điều 589, Điều 590, Điều 591 Bộ luật dân sự năm 2015 có quy định về căn cứ để xác minh thiệt hại, cụ thể như sau:
Một là, thiệt hại do tài sản bị xâm phạm:
– Tài sản bị mất, bị hủy hoại hoặc bị hư hỏng.
– Chi phí hợp lý để ngăn chặn, hạn chế và khắc phục thiệt hại.
– Khoản lợi ích gắn liền với việc sử dụng, khai thác tài sản bị mất, bị giảm sút.
Hai là, thiệt hại do danh dự, uy tín bị xâm phạm:
Khoản thiệt hại do danh dự, uy tín bị xâm phạm bao gồm:
– Khoản chi phí để hạn chế, khắc phục thiệt hại, cụ thể như sau:
+ Khoản chi phí cần thiết cho việc thu hồi, xóa bỏ vật phẩm, ấn phẩm, dữ liệu có nội dung xúc phạm danh dự, nhân phẩm, uy tín của người bị thiệt hại.
+ Khoản chi phí cho thu thập tài liệu, chứng cứ chứng minh danh dự, nhân phẩm, uy tín bị xâm phạm.
+ Khoản chi phí cho tiền tàu, xe đi lại, thuê nhà trọ (nếu có) theo giá trung bình ở địa phương nơi người bị thiệt hại chi trả để yêu cầu cơ quan chức năng xác minh sự việc, cải chính trên các phương tiện thông tin đại chúng.
+ Khoản chi phí cho việc tổ chức xin lỗi, cải chính công khai tại nơi cư trú hoặc nơi làm việc của người bị thiệt hại.
+ Các khoản chi phí khác hợp lý (nếu có).
– Khoản thu nhập thực tế bị mất, bị giảm sút:
+ Vì việc sao chép giao diện trang web của người khác làm ảnh hưởng dẫn đến thu nhập của đối phương bị giảm sút từ hành vi đó thì người thực hiện hành vi vi phạm phải bồi thường chi phí đó.
3. Xử lý như thế nào khi phát hiện người khác sao chép giao diện trang web của mình?
Như trên đã phân tích, việc đối tượng nào có hành vi sao chép giao diện trang web của người khác là hành vi vi phạm pháp luật. Do đó, để bảo đảm quyền lợi cũng như tài sản trí tuệ của mình, doanh nghiệp hay cá nhân có trang web bị sao chép hoàn toàn có quyền lên tiếng. Trên thực tế, cá nhân, doanh nghiệp có thể có những biện pháp xử lý như sau:
Thứ nhất, gửi thư cảnh báo vi phạm bản quyền:
Khi phát hiện đối tượng có hành vi sao chép giao diện trang web của mình, người bị ảnh hưởng sẽ tự mình làm đơn hoặc thuê các dịch vụ của văn phòng luật sư để đại diện cảnh báo đến đối tượng vi phạm yêu cầu chấm dứt hành vi sao chép giao diện trang web.
Thứ hai, nếu như đã gửi thư cảnh báo vi phạm bản quyền và các đối tượng vi phạm không chấm dứt hành vi vi phạm của mình thì cá nhân, doanh nghiệp bị xâm phạm có quyền yêu cầu cơ quan chức năng xử lý hành vi vi phạm.
Hiện nay, các cơ quan có thẩm quyền tiếp nhận đơn yêu cầu xử lý hành vi xâm phạm đến quyền tác giả bao gồm: Thanh tra, Quản lý thị trường, Công an, Ủy ban nhân dân các cấp, Hải quan.
Thứ ba, tiến hành khởi kiện yêu cầu giải quyết vụ việc dân sự tại Tòa án nhân dân có thẩm quyền:
Khi hai giải pháp trên không được giải quyết triệt để thì cá nhân, doanh nghiệp bị xâm phạm có thể gửi yêu cầu khởi kiện tới Tòa án có thẩm quyền để yêu cầu chấm dứt hành vi vi phạm và bồi thường thiệt hại thực tế xảy ra.
Dưới đây là mẫu đơn người bị xâm phạm quyền có thể sử dụng:
Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
…..Ngày….tháng….năm…
Đơn yêu cầu xử lý hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ
Kính gửi:……..
1/ Tên đơn vị yêu cầu xử lý
Tên đơn vị:……..
Trụ sở:…………
Điện thoại:………….
Đại diện:……………
Chức vụ: ……………..
2/ Tên đơn vị xâm phạm
Địa chỉ:…………
Điện thoại:………………
Đại diện:……………..
Chức vụ:……………..
3/ Người có quyền lợi liên quan (nếu có)
4/ Người làm chứng
Họ tên:………….
Tuổi:…………….
Địa chỉ:……………
5/ Thông tin về quyền sở hữu trí tuệ bị xâm phạm
Trong phần này bạn cần trình bày cụ thể các thông tin về quyền sở hữu công nghiệp và hành vi vi phạm sở hữu công nghiệp. Đồng thời cần đưa ra các bằng chứng để chứng minh vi phạm.
6/ Nội dung yêu cầu biện pháp xử lý
Kính đề nghị ………..căn cứ theo quy định của pháp luật hiện hành ra quyết định xử phạt vi phạm đối với ……..đồng thời yêu cầu dừng ngay việc sản xuất cũng như nhanh chóng thu hồi các sản phẩm đã bán ra thị trường.
Trân trọng cảm ơn!
Ngày… tháng….. năm…
Ký tên
Các văn bản pháp luật được sử dung trong bài viết:
Bộ luật dân sự năm 2015.
Nghị định số 98/2020/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
THAM KHẢO THÊM: