Các lý thuyết khoa học hoàn toàn khác biệt với quá trình tư duy sáng tạo của con người. Con người sẽ vận dụng những kiến thức, quy luật đó nhằm để tạo ra các sản phẩm, quy trình này sẽ nhằm mục đích giải quyết một vấn đề kỹ thuật trong thực tiễn, tức là các sáng chế.
Mục lục bài viết
1. Sáng chế là gì?
Sáng chế được hiểu cơ bản chính là giải pháp kỹ thuật dưới dạng sản phẩm hoặc quy trình, sáng chế ra đời nhằm mục đích đó là có thể giải quyết một vấn đề xác định bằng việc ứng dụng các quy luật tự nhiên, sáng chế được bảo hộ dưới hình thức đăng ký độc quyền sáng chế.
Theo Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới định nghĩa như sau: “Sáng chế nghĩa là một giải pháp cho một vấn đề cụ thể trong lĩnh vực công nghệ. Sáng chế có thể liên quan tới một sản phẩm hay một quy trình”.
“Sáng chế là giải pháp kỹ thuật dưới dạng sản phẩm hoặc quy trình nhằm giải quyết một vấn đề xác định bằng việc ứng dụng các quy luật tự nhiên”. Theo quy định của pháp luật sở hữu trí trệ.
Cũng chính vì thế mà yêu cầu đầu tiên của một sáng chế phải là giải pháp kỹ thuật không thể là một giải pháp nghệ thuật, thẩm mỹ, một phương pháp toán học, quy tắc, phương pháp tư duy hay phương pháp kinh doanh. Thêm vào đó, các giải pháp này phải có tính mới, có trình độ sáng tạo và dựa vào bản chất của nó có thể được sản xuất hoặc sử dụng trong bất kỳ ngành công nghiệp nào.
Trong khi đó, bằng độc quyền sáng chế được hiểu chính là một văn bằng do cơ quan nhà nước có thẩm quyền (hoặc một cơ quan khu vực nhân danh một số quốc gia) cấp trên cơ sở một đơn yêu cầu bảo hộ, trong đó mô tả một sáng chế và thiết lập một điều kiện pháp lý mà theo đó sáng chế đã được cấp bằng độc quyền chỉ có thể được khai thác một cách bình thường.
Như vậy, chúng ta sẽ cần phân biệt sáng chế với bằng độc quyền sáng chế. Việc một sáng chế đáp ứng các điều kiện bảo hộ theo quy định của pháp luật và được cấp một bằng độc quyền sáng chế đã tạo ra một quan hệ pháp luật giữa nhà nước với chủ sở hữu văn bằng và những tổ chức, cá nhân khác trong xã hội.
2. Đặc điểm của sáng chế:
Sáng chế có những đặc điểm sau đây:
– Sáng chế được thể hiện dưới dạng sản phẩm là vật thể:
Dụng cụ, máy móc, linh kiện, thiết bị….là những sản phẩm dưới dạng vật thể. Các sản phẩm này được thể hiện bằng tập hợp các thông tin xác định một sản phẩm nhân tạo, đặc trưng về kết cấu có chức năng như một phương tiện để đáp ứng nhu cầu của con người.
– Sáng chế được thể hiện dưới dạng sản phẩm là chất thể:
Thực phẩm, dược phẩm, vật liệu, chất liệu…là những sản phẩm dưới dạng chất thể. Các sản phẩm này được thể hiện bằng tập hợp các thông tin xác định một sản phẩm nhân tạo, đặc trưng về tỉ lệ, trạng thái và sự hiện diện nhằm đáp ứng nhu cầu nhất định của con người.
– Sáng chế được thể hiện dưới dạng sản phẩm là vật liệu sinh học:
Động vật biến đổi gen, thực vật, gen…được biết đến chính là những sản phẩm dưới dạng vật liệu sinh học. Các sản phẩm này có chứa các thông tin di truyền, biến đổi dưới sự tác động của con người
– Phương pháp hay quy trình:
Các dấu hiệu về trình tự, điều kiện, thành phần tham gia, phương tiện thực hiện…là tập hợp các thông tin đã được xác định, tiến hành qua phương pháp hay quy trình (phương pháp chuẩn đoán, quy trình công nghệ, kiểm tra, xử lý…).
3. Phân loại sáng chế quốc tế (IPC):
Thỏa ước về Phân loại sáng chế quốc tế được ký kết ngày 24/03/1971 tại Hội nghị ngoại giao các nước thành viên Công ước Paris về Bảo hộ quyền SHCN tổ chức tại Strasbourg (Cộng hòa Pháp).
Phân loại sáng chế quốc tế được biết đến chính là công cụ được sử dụng nhằm mục đích để phân loại sáng chế và giải pháp hữu ích một cách thống nhất trên phạm vi thế giới, và phân loại sáng chế quốc tế cũng chính là công cụ tra cứu có hiệu quả, giúp nhanh chóng tìm ra những bản mô tả sáng chế thích hợp phục vụ cho việc đánh giá tính mới, trình độ sáng tạo của một giải pháp kỹ thuật, cũng như để xác định tình trạng kỹ thuật của một vấn đề cụ thể. Hiện nay, hầu hết các nước trên thế giới đều đã sử dụng phân loại sáng chế quốc tế, mặc dù có một vài nước vẫn dùng phân loại sáng chế quốc gia nhưng cũng vẫn ghi cả chỉ số phân loại sáng chế quốc tế tương ứng trên tư liệu sáng chế của mình. Nhờ đó mà việc tra cứu tư liệu sáng chế của các nước trở nên đơn giản, dễ dàng và thuận tiện hơn rất nhiều so với trước đây khi mỗi nước sử dụng phân loại sáng chế quốc gia riêng.
Phân loại sáng chế quốc tế được một Hội đồng chuyên gia về IPC tiến hành sửa đổi thường kỳ và do đó, một phiên bản mới của Phân loại sáng chế quốc tế sẽ có hiệu lực vào ngày 01/01 hàng năm.
Sáng chế có thể được phân thành ba dạng:
– Sáng chế dạng cơ bản.
– Sáng chế dạng chất.
– Sáng chế dạng phương pháp.
4. Thời gian bảo hộ sáng chế, giải pháp hữu ích:
Nhà nước ta sẽ thông qua bằng độc quyền sáng chế trao cho chủ sở hữu văn bằng quyền ngăn cản tất cả những người khác khai thác thương mại đối tượng kỹ thuật thuộc phạm vi bảo hộ của bằng độc quyền sáng chế trong một thời hạn nhất định để đổi lại việc chủ sở hữu văn bằng bộc lộ sáng chế, đến một lúc nào đó, thường thời hạn này là 20 năm, sau khi hết thời hạn bảo hộ độc quyền sáng chế, các cá nhân, tổ chức khác trong xã hội có thể được khai thác và hưởng lợi từ sáng chế đó mà không cần phải xin phép và trả phí cho chủ sở hữu bằng độc quyền sáng chế. Vì vậy, để đổi lại việc được cấp bằng bảo hộ độc quyền sáng chế thì người nộp đơn bắt buộc phải bộc lộ sáng chế đó.
Giải pháp hữu ích được hiểu là một sáng chế nhỏ, sáng chế ngắn hạn hoặc sáng chế đổi mới. Sáng chế nếu như không đáp ứng điều kiện bảo hộ dưới hình thức cấp bằng độc quyền sáng chế thì có thể được bảo hộ dưới hình thức cấp bằng độc quyền giải pháp hữu ích (Utility Solution Patent) nếu không phải là hiểu biết thông thường và đáp ứng các điều kiện về tính mới, và khả năng áp dụng công nghiệp.
Như vậy, ta thấy rằng, các điều kiện được sử dụng nhằm mục đích để được bảo hộ đối với giải pháp hữu ích ít ngặt nghèo hơn so với sáng chế, điều kiện về trình độ sáng tạo nhìn chung có thể thấp hơn nhiều so với yêu cầu về tiến bộ công nghệ của bằng độc quyền sáng chế hoặc không quy định. Tiêu chuẩn về tính mới cũng thấp hơn so với tiêu chuẩn tính mới để một giải pháp kỹ thuật được bảo hộ dưới hình thức bằng độc quyền sáng chế. Tình trạng kỹ thuật được xem xét đánh giá tính mới đối với giải pháp hữu ích chỉ trong phạm vi nước nộp đơn.
Thời hạn bảo hộ tối đa đối với bằng độc quyền giải pháp hữu ích ngắn hơn (10 năm) trong khi bằng độc quyền sáng chế là 20 năm. Giải pháp hữu ích có thể bị giới hạn trong một số lĩnh vực công nghệ và chỉ có thể được cấp cho sản phẩm mà không được cấp cho các quy trình. Do thiếu thẩm định về tính mới và trình độ sáng tạo nên thời gian đăng ký bằng độc quyền giải pháp hữu ích nhanh hơn và đơn giản hơn, bên cạnh đó thì phí đăng ký và duy trì cũng thấp hơn so với phí đăng ký bằng độc quyền sáng chế do đó thời gian đưa vào khai thác thương mại cũng nhanh hơn rất nhiều. Chính vì thế, nếu sáng chế là đối tượng được bảo hộ cả dưới dạng bằng độc quyền giải pháp hữu ích và độc quyền sáng chế thì có thể rút ngắn thời gian bằng cách nộp song song.
Nhìn chung, ta nhận thấy rằng, hiện nay, các nước đều cho phép chuyển đổi đơn đăng ký sáng chế có yêu cầu cấp Bằng độc quyền sáng chế thành đơn đăng ký sáng chế có yêu cầu cấp Bằng độc quyền giải pháp hữu ích và ngược lại hoặc mỗi đơn đăng ký có thể yêu cầu cấp một Bằng độc quyền sáng chế hoặc một Bằng độc quyền giải pháp hữu ích cho một nhóm sáng chế có mối liên hệ chặt chẽ về kỹ thuật nhằm thực hiện một ý đồ sáng tạo chung duy nhất.
Như vậy thì sáng chế phải có đặc tính kỹ thuật hay nói cách khác, phải có đóng góp về mặt kỹ thuật cho nền kỹ nghệ. Các ý tưởng lý thuyết phi kỹ thuật là đối tượng bị loại trừ khỏi khả năng được cấp bằng độc quyền sáng chế. Sáng chế cùn sẽ có thể liên quan đến việc sáng tạo ra một thiết bị, sản phẩm, phương pháp hoặc quy trình hoàn toàn mới, hoặc có thể đơn giản là một sự cải tiến bổ sung cho các sản phẩm hoặc quy trình đã được biết đến. Ngày nay, khi đa số các sáng chế đều là kết quả của những nỗ lực đáng kể và đầu tư dài hạn trong nghiên cứu và phát triển thì ta nhận thấy rằng, cũng có rất nhiều cải tiến kỹ thuật đơn giản và rẻ tiền nhưng có giá trị thị trường lớn, và chúng cũng đã mang lại thu nhập và lợi nhuận đáng kể cho các chủ thể là những nhà sáng chế và công ty sở hữu chúng.