Rút ngắn thời gian thử thách của án treo hoặc buộc chấp hành hình phạt tù của bản án tuyên cho hưởng án treo và miễn, giảm chấp hành hình phạt cải tạo không giam giữ.
Mục lục bài viết
1. Rút ngắn thời gian thử thách của án treo:
Thẩm quyền rút ngắn thời gian thử thách của án treo thuộc TAND cấp huyện, Tòa án quân sự khu vực nơi người chấp hành án treo cư trú. UBND cấp xã, đơn vị quân đội được giao nhiệm vụ giám sát, giáo dục người chấp hành án treo có nhiệm vụ rà soát người đủ điều kiện rút ngắn thời gian thử thách báo cáo cơ quan THAHS – Công an huyện, cơ quan THAHS cấp quân khu kèm tài liệu có liên quan để đề nghị xét rút ngắn thời gian thử thách. Cơ quan THAHS – Công an huyện, cơ quan THAHS cấp quân khu có trách nhiệm lập hồ sơ và có văn bản đề nghị rút ngắn thời gian thử thách đối với người có đủ điều kiện gửi đến Tòa án và Viện kiểm sát cùng cấp. Hồ sơ đề nghị rút ngắn thời gian thử thách theo quy định gồm: đơn đề nghị rút ngắn; Bản sao bản án (lần thứ hai được thay bằng quyết định thi hành án treo); Văn bản đề nghị của UBND xã, đơn vị quân đội được giao giám sát, giáo dục; Khen thưởng, lập công thì có quyết định khen thưởng hoặc giấy xác nhận của cơ quan có thẩm quyền, bị bệnh hiểm nghèo thì có kết luận của bệnh viện cấp tỉnh hoặc bệnh viện cấp quân khu trở lên; đã được rút ngắn thời gian thử thách thì có bản sao quyết định rút ngắn thời gian thử thách (44, Điều 901.
Điều kiện để người chấp hành án treo được xét rút ngắn thời gian thử thách là: đã chấp hành được một phần hai thời gian thử thách; Trong thời gian thử thách đã chấp hành nghiêm chỉnh pháp luật, các nghĩa vụ của người chấp hành án treo theo quy định; Tích cực học tập, lao động, sửa chữa lỗi lầm hoặc lập thành tích trong lao động, bảo vệ an ninh, trật tự được cơ quan nhà nước có thẩm quyền khen thưởng.
Thời gian xét rút ngắn thời gian thử thách của án treo mỗi lần từ 01 tháng đến 01 năm, mỗi năm chỉ được xét rút ngắn thời gian thử thách 01 lần. Người chấp hành án treo có thể xét rút ngắn thời gian thử thách nhiều lần nhưng phải đảm bảo thời hạn thực tế đã chấp hành ba phần tư thời gian thử thách. Trường hợp đặc biệt người chấp hành án treo lập công hoặc mắc bệnh hiểm nghèo và có đủ các điều kiện theo quy định của Luật THAHS thì Tòa án có thể quyết định miễn chấp hành thời gian thử thách còn lại.
Ngoài ra người được hưởng án treo đã được rút ngắn thời gian thử thách nhưng sau đó lại vi phạm nghĩa vụ theo quy định của Luật THAHS và bị Tòa án quyết định buộc phải chấp hành hình phạt tù của bản án cho hưởng án treo thì thời gian thử thách đã được rút ngắn cũng không được tính trừ vào thời gian chấp hành hình phạt tù.
Kiểm điểm, xử lý vi phạm đối với người chấp hành án treo: UBND xã nơi người chấp hành án treo cư trú có quyền xử phạt hành chính đối với người chấp hành án treo vi phạm quy định tại nơi cư trú; TAND cấp huyện nơi người chấp hành án treo cư trú có quyền tổ chức phiên họp để xem xét, quyết định buộc người chấp hành án treo phải chấp hành hình phạt tù của bản án đã cho hưởng án treo.
Việc xử lý vi phạm đối với người chấp hành án treo được xác định như sau: trường hợp người được hưởng án treo vi phạm nghĩa vụ về việc triệu tập và cam kết chấp hành án thì cơ quan THAHS – Công an cấp huyện, cơ quan THAHS cấp quân khu lập biên bản vi phạm, đồng thời yêu cầu người được hưởng án treo phải có mặt trong thời hạn 07 ngày kể từ ngày lập biên bản vi phạm. Hết thời hạn này mà người được hưởng án treo vẫn không có mặt thì cơ quan THAHS – Công an cấp huyện, cơ quan THAHS cấp quân khu lập biên bản vi phạm và đề nghị TAND cấp huyện nơi người được hưởng án treo cư trú, Tòa án quân sự khu vực nơi người được hưởng án treo làm việc quyết định buộc người đó phải chấp hành hình phạt tù của bản án đã cho hưởng án treo.
Trong thời gian thử thách, nếu người chấp hành án treo đã bị UBND xã, đơn vị quận đội được giao giám sát, giáo dục tổ chức kiểm điểm nhưng sau khi kiểm điểm vẫn tiếp tục vi phạm và đã được nhắc nhở bằng văn bản mà vẫn cố ý vi phạm thì Công an cấp xã đề xuất UBND cấp xã báo cáo, đề nghị cơ quan THAHS – Công an cấp huyện tiến hành trình tự, thủ tục đề nghị Tòa án có thẩm quyền quyết định buộc người đó phải chấp hành hình phạt tù của bản án đã cho hưởng án treo.
Người chấp hành án treo bị UBND cấp xã, đơn vị quân đội được giao giám sát, giáo dục tổ chức kiểm điểm trong trường hợp: Vi phạm nghĩa vụ của người chấp hành án treo trừ vi phạm nghĩa vụ về triệu tập và cam kết chấp hành án mà cơ quan THAHS – Công an cấp huyện, cơ quan THAHS cấp quân khu tiến hành xử lý như ở trên và người chấp hành án treo đã bị nhắc nhở bằng văn bản về việc vi phạm mà tiếp tục vi phạm; Đã bị xử phạt vi phạm hành chính. Trong những trường hợp này người chấp hành án treo sẽ UBND cấp xã, đơn vị quân đội được giao giám sát tổ chức kiểm điểm. Việc kiểm điểm này sẽ được lập thành biên bản, lưu hồ sơ giám sát, giáo dục và báo cáo cơ quan THAHS – Công an cấp huyện, cơ quan THAHS cấp quân khu để có biện pháp xử lý khi tiếp tục vi phạm như trên.
Hồ sơ đề nghị buộc chấp hành hình phạt tù của bản án đã cho hưởng án treo gồm: Văn bản đề nghị của cơ quan THAHS – Công an cấp huyện; Báo cáo của UBND xã được giao giám sát giáo dục về việc người chấp hành án treo vi phạm nghĩa vụ từ 02 lần trở lên; Biên bản người chấp hành án treo vi phạm nghĩa vụ;
2. Người được xét giảm thời hạn chấp hành hình phạt cải tạo không giam giữ:
Phải có đủ những điều kiện như:
(1) Đã chấp hành được một phần ba thời hạn án phạt, đối với người dưới 18 tuổi thì phải chấp hành được một phần tư thời hạn án phạt;
(2) Chấp hành nghiêm chỉnh nghĩa vụ theo quy định của Luật THAHS, tích cực học tập, lao động, sửa chữa lỗi lầm hoặc lập thành tích trong lao động, bảo vệ an ninh, đảm bảo trật tự, an toàn xã hội được cơ quan nhà nước có thẩm quyền khen thưởng;
(3) Bồi thường được một phần nghĩa vụ dân sự trong trường hợp có nghĩa vụ dân sự.
Thời hạn được xét giảm mỗi năm được xét giảm một lần, mỗi lần giảm từ 03 tháng đến 09 tháng. Người chấp hành án có thể được giảm nhiều lần nhưng phải đảm bảo thời gian thực tế chấp hành án là một phần hai mức án, đối với người dưới 18 tuổi thì thời gian thực tế chấp hành là hai phần năm mức án. Người chấp hành án đã lập công, người đã quá già yếu hoặc người bị bệnh hiểm nghèo đã chấp hành được một phần tư thời hạn án phạt thì có thể được xét giảm thời hạn chấp hành án, mức giảm mỗi lần cao nhất là 01 năm nhưng phải bảo đảm thời gian thực tế chấp hành án là hai phần năm mức án. Người chấp hành án là người dưới 18 tuổi nếu lập công hoặc bị bệnh hiểm nghèo thì được xét giảm ngay. Trường hợp đã chấp hành được hai phần năm mức án thì có thể được giảm hết thời hạn còn lại.
So với Luật THAHS 2010 Luật THAHS 2019 đã quy định đầy đủ hơn về điều kiện và thời hạn xét giảm cũng như thời gian chấp hành thực tế đối với người chấp hành án cải tạo không giam giữ. Ở Luật THAHS 2010 các vấn đề này không được đề cập trực tiếp trong các điều luật mà được hướng dẫn ở các văn bản pháp luật liên quan như:
Hồ sơ đề nghị giảm thời hạn chấp hành án cải tạo không giam giữ gồm: (1) Đơn đề nghị giảm thời hạn chấp hành án của người chấp hành án; (2) Bản sao bản án có hiệu lực pháp luật. Đối với trường hợp xét giảm thời hạn chấp hành án từ lần thứ hai thì bản sao bản án được thay bằng bản sao quyết định thi hành án; (3) Văn bản đề nghị giảm thời hạn chấp hành án của UBND cấp xã, đơn vị quân đội được giao giám sát, giáo dục người chấp hành án; (4) Trường hợp người chấp hành án được khen thưởng hoặc lập công phải có quyết định khen thưởng hoặc giấy xác nhận của cơ quan có thẩm quyền về việc người chấp hành án lập công; Trường hợp người chấp hành án bị bệnh hiểm nghèo thì phải có kết luận của bệnh viện cấp tỉnh, bệnh viện cấp quân khu trở lên về tình trạng bệnh tật của người đó; tài liệu thể hiện đã thực hiện được một phần nghĩa vụ dân sự (5) Trường hợp đã được giảm thời hạn chấp hành án thì phải có bản sao quyết định giảm thời hạn chấp hành án và các tài liệu khác có liên quan.
Căn cứ vào hồ sơ đề nghị giảm thời hạn chấp hành án cải tạo như trên, trong thời hạn 07 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ Chánh án TAND cấp huyện, Chánh án Tòa án quân sự khu vực nơi người chấp hành án cư trú thành lập hội đồng và tổ chức phiên họp xét, quyết định giảm thời hạn chấp hành án phạt cải tạo không giam giữ. Thành phần hội đồng gồm 03 thẩm phán và có sự tham gia của Kiểm sát viên Viện kiểm sát cùng cấp. Ngoài ra so với Luật THAHS 2010 thì thời hạn tổ chức phiên họp của Tòa án Luật THAHS 2019 là sớm hơn 8 ngày. Điều này cũng khá hợp lý vì thường thời gian chấp hành án cải tạo không giam giữ của người chấp hành án là khá ngắn nên việc đẩy nhanh các thủ tục của các cơ quan liên quan đến hoạt động thi hành án là hoàn toàn cần thiết và đảm bảo quyền lợi cho người chấp hành án.
Người chấp hành án phạt cải tạo không giam giữ được miễn chấp hành án khi thuộc một trong những trường hợp sau: (1) Sau khi bị kết án đã lập công; (2) Mắc bệnh hiểm nghèo; (3) Chấp hành tốt pháp luật, có hoàn cảnh gia đình đặc biệt khó khăn và xét thấy người đó không còn nguy hiểm cho xã hội nữa. Ngoài ra, người đang chấp hành án cải tạo không giam giữ còn có thể được miễn chấp hành hình phạt khi được đặc xá hoặc đại xá.
Miễn chấp hành án và giảm thời gian chấp hành án là hai chế định hoàn toàn khác nhau. Miễn chấp hành án là không buộc phải chấp hành án nữa hay còn gọi là tha bổng, nó là sự khoan hồng đặc biệt hơn so với giảm thời hạn chấp hành hình phạt (chỉ được giảm thời hạn chấp hành án) do đó trình tự, thủ tục miễn chấp hành hình phạt cũng chặt chẽ hơn. Theo quy định của BLHS 2015 và Luật THAHS 2019 thì cơ quan đề nghị xét miễn chấp hành án là VKSND cấp huyện, Viện kiểm sát quân sự khu vực nơi người chấp hành án đang cư trú, làm việc. Các cơ quan này có thể tự mình hoặc theo đề nghị của cơ quan THAHS – Công an cấp huyện, cơ quan THAHS cấp quân khu xem xét, lập hồ sơ đề nghị Tòa án cùng cấp xét miễn chấp hành án. Hồ sơ đề nghị miễn chấp hành án cải tạo không giam giữ gồm: (1) Bản sao bản án, quyết định của Tòa án có hiệu lực pháp luật; (2) Văn bản đề nghị của Viện trưởng Viện kiểm sát; (3) Văn bản đề nghị của cơ quan THAHS trong trường hợp cơ quan này đề nghị; (4) Đơn xin miễn chấp hành án của người bị kết án hoặc người đại diện theo quy định của pháp luật; (5) Xác nhận của cơ quan có thẩm quyền về việc người bị kết án đã lập công; kết luận của bệnh viện cấp tỉnh, bệnh viện cấp quân khu trở lên về tình trạng bệnh của người bị kết án bị bệnh hiểm nghèo; xác nhận của cơ quan có thẩm quyền về việc người bị kết án chấp hành tốt pháp luật, có hoàn cảnh gia đình đặc biệt khó khăn.