Việc mua bán, tặng cho hay thừa kế xe ô tô cũ hiện nay đang diễn ra rất phổ biến. Việc cần thiết khi mua bán là phải hoàn tất thủ tục sang tên đổi chủ xe ô tô để thuận tiện hơn trong quá trình sử dụng và phù hợp với quy định của pháp luật. Bởi từ ngày 01/8/2020, khi sang tên xe ô tô khác tỉnh thành thì thủ tục rút hồ sơ gốc xe ô tô là bắt buộc.
Mục lục bài viết
1. Rút hồ sơ gốc xe ô tô là gì?
Rút hồ sơ gốc xe ô tô hay còn gọi là thực hiện thủ tục sang tên xe ô tô từ tỉnh, thành phố này sang tỉnh, thành phố khác. Nếu hai bên thực hiện việc mua bán ô tô cùng tỉnh, thành phố thì không phải thực hiện việc rút hồ sơ gốc. Đây là quy trình bắt buộc khi tiến hành việc sang tên xe ô tô khác tỉnh, thành phố. Chúng ta sẽ lấy bộ hồ sơ gốc của xe từ tỉnh này để mang về tỉnh khác để có thể đi nộp thuế và làm các thủ tục sang tên đổi chủ xe đúng quy định pháp luật. Bộ hồ sơ gốc này sẽ được lấy tại phòng cảnh sát giao thông của tỉnh có xe bán. Như vậy, tổ chức hay cá nhân phải thực hiện thủ tục rút hồ sơ gốc xe ô tô khi hai bên thực hiện việc mua bán, tặng cho ô tô khác tỉnh, thành phố.
2. Rút hồ sơ gốc xe ô tô ở đâu?
– Chủ xe ô tô hoặc người được chủ xe ủy quyền cho đi rút hồ sơ gốc đến Phòng cảnh sát giao thông Công an tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương để làm thủ tục.
– Cán bộ có thẩm quyền tiếp nhận và kiểm tra các giấy tờ chủ xe nộp, đồng thời thu lại biển số xe và giấy chứng nhận đăng ký xe khi làm thủ tục rút hồ sơ gốc xe ô tô. Sau đó cấp giấy biên nhận và hẹn ngày đến lấy hồ sơ gốc. Thời gian thực hiện không quá 02 ngày làm việc kể từ khi nhận được hồ sơ hợp lệ.
– Đến thời gian hẹn trước, chủ xe đến lấy hồ sơ gốc xe ô tô bao gồm: 01 túi đựng hồ sơ gốc, giấy chứng nhận đăng ký xe đã cắt góc, 01 bản in phiếu sang tên di chuyển, 01 giấy khai sang tên di chuyển và chứng từ chuyển nhượng xe.
3. Thủ tục rút hồ sơ gốc xe ô tô:
Bước 1: Chuẩn bị hồ sơ
Theo khoản 2 Điều 10
Thứ nhất, đối với tổ chức hoặc cá nhân bán, tặng cho, thừa kế… xe ô tô phải khai báo và nộp giấy chứng nhận đăng ký xe, biển số xe theo quy định tại khoản 3 Điều 6 Thông tư này.
“3. Trong thời hạn 7 ngày, kể từ ngày làm giấy tờ chuyển quyền sở hữu xe cho tổ chức, cá nhân:
a) Sang tên cho tổ chức, cá nhân khác tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (sau đây viết gọn là sang tên khác tỉnh): Chủ xe trực tiếp hoặc ủy quyền cho cá nhân, tổ chức dịch vụ nộp giấy chứng nhận đăng ký xe và biển số xe cho cơ quan đăng ký xe;
b) Sang tên cho tổ chức, cá nhân trong cùng tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (sau đây viết gọn là sang tên cùng tỉnh): Chủ xe trực tiếp hoặc ủy quyền cho cá nhân, tổ chức dịch vụ nộp giấy chứng nhận đăng ký xe cho cơ quan đăng ký xe; Trường hợp tổ chức, cá nhân mua, được điều chuyển, cho, tặng, được phân bổ, thừa kế làm thủ tục sang tên ngay thì không phải làm thủ tục thu hồi giấy chứng nhận đăng ký xe.“.
Thứ hai, đối với tổ chức hoặc cá nhân mua, được tặng cho, được thừa kế… xe ô tô phải liên hệ với cơ quan đăng ký xe tại nơi cư trú và nộp các giấy tờ theo quy định tại Điều 7; khoản 2, khoản 3 Điều 8; giấy chứng nhận thu hồi đăng ký xe; biển số xe và xuất trình giấy tờ của chủ xe theo quy định tại Điều 9 Thông tư này để làm thủ tục đăng ký sang tên đổi chủ. Cụ thể:
“Điều 7.
Đăng ký, cấp biển số xe lần đầu; đăng ký sang tên; đổi lại, cấp lại giấy chứng nhận đăng ký xe, biển số xe trên Cổng Dịch vụ công Bộ Công an hoặc Cổng Dịch vụ công quốc gia: Chủ xe đăng nhập cổng dịch vụ công kê khai các thông tin vào Giấy khai đăng ký xe điện tử (theo mẫu số 01A/58) và nhận mã số thứ tự, lịch hẹn giải quyết hồ sơ qua địa chỉ thư điện tử hoặc qua tin nhắn điện thoại để làm thủ tục đăng ký xe tại cơ quan đăng ký xe.
Trường hợp chủ xe đến trực tiếp cơ quan đăng ký xe làm thủ tục đăng ký, cấp biển số xe lần đầu; đăng ký sang tên; đổi lại, cấp lại giấy chứng nhận đăng ký xe, biển số xe: Chủ xe có trách nhiệm kê khai các thông tin vào Giấy khai đăng ký xe (theo mẫu số 01 ban hành kèm theo Thông tư này).“.
“Điều 8. Giấy tờ của xe
2. Giấy tờ chuyển quyền sở hữu xe, gồm một trong các giấy tờ sau đây:
a) Hóa đơn, chứng từ tài chính (biên lai, phiếu thu) hoặc giấy tờ mua bán, cho, tặng xe (quyết định, hợp đồng, văn bản thừa kế) theo quy định của pháp luật;
b) Giấy bán, cho, tặng xe của cá nhân có xác nhận công chứng hoặc chứng thực hoặc xác nhận của cơ quan, tổ chức, đơn vị đang công tác đối với lực lượng vũ trang và người nước ngoài làm việc trong cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan lãnh sự, cơ quan đại diện của tổ chức quốc tế mà đăng ký xe theo địa chỉ của cơ quan, tổ chức, đơn vị công tác;
c) Đối với xe công an thanh lý: Quyết định thanh lý xe của cấp có thẩm quyền và hóa đơn bán tài sản công hoặc hóa đơn bán tài sản nhà nước;
d) Đối với xe quân đội thanh lý: Giấy chứng nhận đăng ký xe, công văn xác nhận xe đã được loại khỏi trang bị quân sự của Cục Xe – máy, Bộ Quốc phòng và hóa đơn bán tài sản công hoặc hóa đơn bán tài sản nhà nước.
3. Giấy tờ lệ phí trước bạ xe:
a) Biên lai hoặc Giấy nộp tiền vào ngân sách nhà nước hoặc giấy ủy nhiệm chi qua ngân hàng nộp lệ phí trước bạ hoặc giấy tờ nộp lệ phí trước bạ khác theo quy định của pháp luật hoặc giấy thông tin dữ liệu nộp lệ phí trước bạ được in từ hệ thống đăng ký quản lý xe (ghi đầy đủ nhãn hiệu, số loại, loại xe, số máy, số khung của xe). Trường hợp nhiều xe chung một giấy tờ lệ phí trước bạ thì mỗi xe đều phải có bản sao chứng thực theo quy định hoặc xác nhận của cơ quan đã cấp giấy tờ lệ phí trước bạ đó;
b) Xe được miễn lệ phí trước bạ: Tờ khai lệ phí trước bạ có xác nhận của cơ quan thuế.“.
Như vậy, để làm thủ tục rút hồ sơ gốc xe ô tô thì cần có các giấy tờ như sau:
- 02 Giấy khai sang tên, di chuyển xe (theo mẫu);
- Giấy chứng nhận đăng ký xe và biển số xe;
- Đăng ký đăng kiểm xe;
- Sổ hộ khẩu, Chứng minh nhân dân/Căn cước công dân;
- Chứng từ chuyển quyền sở hữu xe (giấy tờ mua bán, tặng cho, thừa kế,…) được công chứng hoặc chứng thực.
Bước 2: Nộp hồ sơ
Sau khi chuẩn bị đầy đủ một bộ hồ sơ như trên, bạn sẽ đem tất cả những giấy tờ, tài liệu này đến cơ quan có thẩm quyền để được giải quyết việc rút hồ sơ gốc của xe ô tô. Cơ quan có thẩm quyền là Phòng Cảnh sát giao thông; Phòng Cảnh sát giao thông đường bộ – đường sắt; Phòng Cảnh sát giao thông Công an tỉnh; thành phố trực thuộc trung ương.
Bước 3: Trả hồ sơ gốc của xe ô tô
Sau khi kiểm tra và xem xét các giấy tờ, tài liệu đã đầy đủ, hợp lệ thì cán bộ phòng Cảnh sát giao thông nơi bạn đang cư trú sẽ tiếp nhận hồ sơ và giao cho bạn giấy hẹn đến nhận hồ sơ gốc của xe. Đến ngày hẹn trả kết quả, bạn quay lại phòng Cảnh sát giao thông để được nhận hồ sơ gốc xe ô tô và thực hiện việc chuyển nhượng xe cho người khác theo quy định của pháp luật.
4. Rút hồ sơ gốc có mất phí không?
Đây là câu hỏi mà rất nhiều người dân băn khoăn khi thực hiện thủ tục rút hồ sơ gốc xe ô tô rằng việc rút hồ sơ gốc có mất phí hay không. Hiện nay pháp luật chưa có quy định về việc phí rút hồ sơ gốc xe ô tô trong bất kì văn bản nào mà mới chỉ quy định về các loại lệ phí phải nộp khi thực hiện thủ tục sang tên đổi chủ xe là lệ phí trước bạ, phí đổi biển số xe và phí thực hiện giám định hải quan cho xe. Như vậy có thể hiểu việc rút hồ sơ gốc xe ô tô là thủ tục không mất phí.
Căn cứ pháp lý: Thông tư 58/2020/TT-BCA quy định quy trình cấp, thu hồi đăng ký, biển số phương tiện giao thông cơ giới đường bộ.