Tội rửa tiền đang ngày càng trở thành vấn đề nghiêm trọng và mang tính chất quốc tế nên đa gây hậu quả nghiêm trọng đến nền kinh tế và xã hội của các quốc gia. Cùng bài viết dưới đây tìm hiểu về rửa tiền là gì? Hành vi rửa tiền, tội rửa tiền bị xử lý thế nào?
Mục lục bài viết
1. Rửa tiền là gì?
Do sự hoành hành của nạn tham nhũng ở nhiều quốc gia, nạn buôn bán ma túy và buôn lậu vũ khí trên toàn cầu, cùng với đó là các tổ chức khủng bố quốc tế với khả năng tài chính và nhu cầu cung cấp tiền cho mạng lưới khủng bố, đã khiến tội phạm rửa tiền ngày càng nhiều. Tội phạm rửa tiền đã trở thành vấn nạn nghiêm trọng mang tính quốc tế gây hậu quả nghiêm trọng tới kinh tế, xã hội, ảnh hưởng tới an ninh quốc gia và uy tín quốc tế của quốc gia.
Hiện nay, hoạt động rửa tiền đang ngày càng tinh vi hơn khi hầu hết các quốc gia đã hình sự hóa hành vi “rửa tiền”.
Hiện nay, các cơ quan phòng chống rửa tiền (PCRT) quốc tế phân các quốc gia thành 3 nhóm: Các quốc gia có rủi ro về PCRT và gây bất ổn cho hệ thống tài chính; Các quốc gia có sự thiếu hụt nghiêm trọng về cơ chế chống rửa tiền hoặc thực hiện đúng kế hoạch đã cam kết; Và các nước có sự thiếu hụt về cơ chế chống rửa tiền nhưng có các cam kết cấp Chính phủ trong việc thực hiện kế hoạch hành động, phải chịu sự giám sát liên tục của các cơ quan về PCRT.
Liên quan đến chủ thể của tội phạm rửa tiền, hiện nay, vấn đề còn gây tranh cãi lớn nhất đó là chủ thể của tội phạm rửa tiền có hay không bao hàm người đã thực hiện hành vi phạm tội nguồn. Tội phạm nguồn của tội rửa tiền là tội phạm chính tạo ra thu nhập mà khi được rửa sẽ dẫn đến tội rửa tiền. Công ước Viên năm 1988, là Công ước đầu tiên có các quy định về đấu tranh chống rửa tiền ở cấp độ quốc tế. Theo nội dung Công ước này, không có quy định nào xác định chủ thể của tội phạm rửa tiền bao gồm cả người phạm tội nguồn.
Nhưng tại mục I, điểm b khoản 1 Điều 3 Công ước Viên, quy định: “Chuyển đổi hoặc chuyển giao tài sản khi biết rằng tài sản đó thu được từ bất kỳ hành vi phạm tội nào được quy định tại điểm (a) của khoản này hoặc từ việc tham gia vào hoạt động phạm tội đó với mục đích che giấu hoặc ngụy trang nguồn gốc bất hợp pháp của tài sản hoặc giúp bất kỳ người nào có dính líu vào hành vi phạm tội như vậy trốn tránh trách nhiệm hình sự của hành vi đó;”. Mục đích là yếu tố bắt buộc, tức là hành vi rửa tiền phải xuất phát từ một trong hai trường hợp sau:
+ Trường hợp thứ nhất: Nhằm che giấu nguồn gốc bất hợp pháp của tài sản;
+ Trường hợp thứ hai: Nhằm “giúp đỡ” người phạm tội trốn tránh các hậu quả pháp lý do hành vi phạm tội của mình gây ra.
Công ước Viên chỉ quy định về các tội phạm nguồn của tội buôn bán bất hợp pháp ma túy,vì vậy, những hành vi phạm tội không liên quan đến buôn bán bất hợp pháp ma túy như lừa đảo, bắt cóc và trộm cắp thì không cấu thành tội rửa tiền theo Công ước Viên. Tuy nhiên, cộng đồng quốc tế đã hình thành quan điểm rằng các tội phạm nguồn của tội rửa tiền cần phải được mở rộng, chứ không phải chỉ bó hẹp trong hành vi buôn bán bất hợp pháp ma túy. Vì vậy, FATF và các tổ chức quốc tế khác đã mở rộng định nghĩa của Công ước Viên về tội phạm nguồn để bổ sung cả những hành vi phạm tội nghiêm trọng khác. Ví dụ, Công ước Palécmô yêu cầu tất cả các nước thành viên phải áp dụng “giới hạn rộng nhất các tội phạm nguồn” tội rửa tiền của Công ước này.
Dưới góc độ khoa học luật hình sự, rửa tiền là một tội phạm tương đối đặc biệt. Với tư cách là một tội phạm phái sinh, rửa tiền có thuộc tính phụ thuộc tự nhiên vào tội phạm nguồn. Có thể nói không có tội phạm nguồn thì không có tội phạm rửa tiền. Tuy nhiên, trong thực tiễn công tác đấu tranh chống tội phạm, thường xuất hiện trường hợp các đối tượng, sau khi kết thúc hành vi phạm tội nguồn, thu được những lợi ích vật chất nhất định, thì cũng đồng thời tích cực và chủ động thực hiện hành vi “làm sạch” những khoản tiền, tài sản mà chính mình chiếm đoạt được, tức là hành vi “tự rửa tiền” (self-laundering). Vậy hành vi tự rửa tiền của chủ thể tội phạm nguồn, có được xem xét, xử lí về tội rửa tiền hay không? Câu hỏi này, thực tế các Công ước quốc tế cũng như pháp luật hình sự của nhiều quốc gia trên thế giới cũng còn những quan điểm khác nhau.
Các nhà luật học trong trường hợp này cho rằng, hành vi bị trừng phạt trong cấu thành tội phạm nguồn đã bao gồm các hành vi kèm theo như hành vi che đậy, giấu diếm nguồn gốc tài sản chiếm đoạt được sau khi phạm tội, và hình phạt áp dụng cho tội phạm nguồn đã bao trùm toàn bộ hành vi trái pháp luật hình sự của người phạm tội. Hơn nữa, hành vi tự rửa tiền không xâm hại một cách độc lập hay gây thêm thiệt hại cho các quan hệ xã hội được luật hình sự bảo vệ, đồng thời những quan hệ xã hội này đã được bảo vệ hợp lý bằng cách trừng phạt hành vi phạm tội nguồn.
Trường phái thứ hai mà đại diện là các nước như Hoa Kì, Vương quốc Anh, Nhật Bản,… giữ quan điểm truy tố hành vi tự rửa tiền; tức là trong quy định của pháp luật hình sự ở các quốc gia theo trường phái này, tội phạm rửa tiền có thể được truy tố đồng thời với tội phạm nguồn, mặc dù chỉ do một người thực hiện. Ví dụ, tội rửa tiền được quy định trong Luật Phòng chống ma túy và Luật trừng trị tội phạm có tổ chức của Nhật Bản, cho phép trừng phạt hành vi tự rửa tiền của người thực hiện tội phạm nguồn khi đối tượng tiếp tục thực hiện các hành vi che đậy, giấu diếm nguồn gốc phạm tội của tài sản mà chính mình chiếm đoạt được.
Sự không thống nhất trong pháp luật hình sự về vấn đề tội phạm hóa hành vi tự rửa tiền đã thể hiện rõ sự khác biệt trong lí luận về cấu thành tội phạm và các nguyên tắc khoa học luật hình sự của mỗi quốc gia. Đặc nhiệm tài chính về chống rửa tiền (FATF), trong các khuyến nghị của mình cho phép các quốc gia có thể quy định tội rửa tiền không áp dụng đối với những người đã thực hiện tội phạm nguồn với điều kiện đó là nguyên tắc luật pháp cơ bản của mỗi nước. Tuy nhiên, nếu không có một nguyên tắc cơ bản nào trong nội luật quốc gia chống lại việc tội phạm hóa hành vi tự rửa tiền, thì FATF sẽ xem xét việc tội phạm hóa hành vi tự rửa tiền như một tiêu chí đánh giá sự tuân thủ các khuyến nghị của FATF.
2. Hành vi rửa tiền, tội rửa tiền sẽ bị xử lý như thế nào?
2.1. Chủ thể:
Theo quy định tại Điều 251
2.2. Mặt khách quan:
Theo quy định tại khoản 1 Điều 324
– Tham gia trực tiếp hoặc gián tiếp vào giao dịch tài chính, ngân hàng hoặc giao dịch khác nhằm che giấu nguồn gốc bất hợp pháp của tiền, tài sản do mình phạm tội mà có hoặc biết hay có cơ sở để biết là do người khác phạm tội mà có;
– Sử dụng tiền, tài sản do mình phạm tội mà có hoặc biết hay có cơ sở để biết là do người khác thực hiện hành vi phạm tội mà có vào việc tiến hành các hoạt động kinh doanh hoặc hoạt động khác;
– Che giấu thông tin về nguồn gốc, bản chất thực sự, vị trí, quá trình di chuyển hoặc quyền sở hữu đối với tiền, tài sản do mình phạm tội mà có hoặc biết hay có cơ sở để biết là do người khác phạm tội mà có hoặc cản trở việc xác minh các thông tin đó;
– Thực hiện một trong các hành vi quy định tại các điểm a, b và c khoản này đối với tiền, tài sản biết là có được từ việc chuyển dịch, chuyển nhượng, chuyển đổi tiền, tài sản do người khác thực hiện hành vi phạm tội mà có”.
Có thế thấy, Điều 324 Bộ luật hình sự năm 2015 đã bổ sung dấu hiệu “do mình phạm tội mà có” và sửa đổi dấu hiệu “biết rõ là do phạm tội mà có” thành “biết hay có cơ sở để biết là do người khác phạm tội mà có” vào cấu thành của tội phạm. Việc bổ sung dấu hiệu “do mình phạm tội mà có” cho thấy người thực hiện tội phạm nguồn cũng là chủ thể của tội phạm này (tức hành vi tự rửa tiền). Như vậy, với việc sửa đổi, bổ sung dấu hiệu của hành vi khách quan quy định tại Điều 324 Bộ luật hình sự năm 2015, có thể xác định chủ thể của Tội rửa tiền bao hàm cả người thực hiện tội phạm nguồn (hành vi tự rửa tiền) và người không thực hiện tội phạm nguồn (là người giúp người thực hiện tội phạm nguồn che giấu nguồn gốc bất hợp pháp của tiền, tài sản do phạm tội mà có). Quy định mới này về Tội rửa tiền của Bộ luật hình sự năm 2015 cho thấy bước tiến mới trong việc tiếp cận gần hơn những quy định của quốc tế về hành vi rửa tiền.
Nếu như Điều 251 Bộ luật hình sự năm 1999 (sửa đổi, bổ sung năm 2009) quy định dấu hiệu “biết rõ tài sản là do phạm tội mà có” là dấu hiệu căn bản để quy kết hành vi phạm tội, thì Điều 324 Bộ luật hình sự năm 2015 đã sửa đổi thành “biết hay có cơ sở để biết là do người khác phạm tội mà có”. Rõ ràng mức độ “biết” quy định tại Điều 324 Bộ luật hình sự năm 2015 thấp hơn với mức độ “biết” quy định tại Điều 251 Bộ luật hình sự năm 1999. Thông tư liên tịch số 09/2011/TTLT-BCA-BQP-BTP NHNNVN-VKSNDTC-TANDTC ngày 30/11/2011 hướng dẫn áp dụng quy định của Bộ luật Hình sự về Tội chứa chấp hoặc tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có và Tội rửa tiền đã có giải thích như thế nào là “biết rõ tài sản là do người khác phạm tội mà có”. Vậy có thể căn cứ vào giải thích này để hiểu “biết hay có cơ sở để biết là do người khác phạm tội mà có” nhưng với mức độ thấp hơn hay chỉ cần hiểu theo đúng nghĩa đơn giản của biết hoặc có cơ sở để biết tài sản đó là do người khác phạm tội mà có là đã có thể xác định có hành vi phạm tội rửa tiền hay không? Đây là một dấu hiệu quan trọng để xác định ý thức chủ quan của người phạm tội, cần có hướng dẫn cụ thể để việc áp dụng được thống nhất và có hiệu quả trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử.
2.3. Các tình tiết định khung hình phạt:
Khoản 2 Điều 251 Bộ luật hình sự năm 1999 quy định 09 tình tiết định khung hình phạt, bao gồm: Có tổ chức; lợi dụng chức vụ, quyền hạn; phạm tội nhiều lần, có tính chất chuyên nghiệp, dùng thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt; tiền, tài sản phạm tội có giá trị lớn; thu lợi bất chính lớn; gây hậu quả nghiêm trọng; tái phạm nguy hiểm. Khoản 2 Điều 324 Bộ luật hình sự năm 2015 bỏ tình tiết định khung gây hậu quả nghiêm trọng.
Ngoài ra, những tình tiết trước đây quy định mang tính định tính như “nhiều”, “lớn”, “rất lớn”, “đặc biệt lớn”, “rất nghiêm trọng”, “đặc biệt nghiêm trọng” ở khoản 2 và khoản 3 Điều 251 Bộ luật hình sự năm 1999, thì đã được quy định cụ thể, mang tính định lượng ở khoản 2 và khoản 3 Điều 324 Bộ luật hình sự năm 2015 như: Phạm tội 02 lần trở lên; tiền, tài sản phạm tội trị giá từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng; thu lợi bất chính từ 50.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng…
2.4. Về hình phạt:
– Đối với cá nhân: Mức hình phạt khởi điểm (thấp nhất) và mức hình phạt tối đa (cao nhất) của Điều 251 Bộ luật hình sự năm 1999 và Điều 324 Bộ luật hình sự năm 2015 là như nhau, đều có mức thấp nhất là từ 01 năm tù và mức cao nhất là 15 năm tù. Cả hai bộ luật đều chỉ quy định 01 loại hình phạt chính đối với Tội rửa tiền đó là hình phạt tù có thời hạn, thể hiện đường lối xử lý nghiêm khắc đối với loại tội phạm này. Ngoài ra, cũng đều quy định về hình phạt bổ sung như phạt tiền, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định, tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.
Tuy nhiên, từ khoản 2 thì mức hình phạt khởi điểm của từng khung hình phạt là khác nhau. Theo đó khoản 2 Điều 251 Bộ luật hình sự năm 1999 là từ 03 năm tù đến 10 năm tù, nhưng khoản 2 Điều 324 Bộ luật hình sự năm 2015 lại từ 05 năm tù đến 10 năm tù; khoản 3 Điều 251 Bộ luật hình sự năm 1999 là từ 08 năm tù đến 15 năm tù, khoản 3 Điều 324 Bộ luật hình sự năm 2015 lại từ 10 năm đến 15 năm tù. Như vậy, Điều 324 Bộ luật hình sự năm 2015 không có sự giao thoa (gối đầu) hình phạt giữa các khung hình phạt như Điều 251 Bộ luật hình sự năm 1999.
Ngoài ra, Điều 324 Bộ luật hình sự năm 2015 quy định mức hình phạt áp dụng đối với trường hợp chuẩn bị phạm tội là từ 06 tháng tù đến 03 năm tù. Đây là quy định hoàn toàn mới so với Điều 251 Bộ luật hình sự năm 1999.
– Đối với pháp nhân thương mại: Lần đầu tiên Bộ luật hình sự Việt Nam truy cứu trách nhiệm hình sự của pháp nhân thương mại, do đó ngoài hình phạt tiền, thì hình phạt chính và hình phạt bổ sung quy định tại khoản 6 Điều 324 Bộ luật hình sự năm 2015 đối với pháp nhân thương mại phạm tội này đều là những hình phạt mới. Cụ thể hình phạt chính gồm phạt tiền, đình chỉ hoạt động có thời hạn, đình chỉ hoạt động vĩnh viễn; hình phạt bổ sung gồm: Cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định, cấm huy động vốn và phạt tiền (khi không áp dụng là hình phạt chính).
Tuy nhiên, vẫn cần có hướng dẫn cụ thể việc kết án một người phạm tội rửa tiền không phụ thuộc vào việc tội phạm nguồn đã bị kết án hay chưa. Việc điều tra, xét xử tội phạm nguồn và tội phạm rửa tiền có thể tiến hành chung trong một vụ án, sẽ giúp làm rõ tính chất, mức độ nguy hiểm của các hành vi phạm tội.