Ranh giới giữa các bất động sản, xác định ranh giới. Tranh chấp ranh giới đất liền kề, đe dọa phá môc ranh giới.
Ranh giới giữa các bất động sản, xác định ranh giới. Tranh chấp ranh giới đất liền kề, đe dọa phá môc ranh giới.
Tóm tắt câu hỏi:
Kính gửi: Luật sư Cho em hỏi về việc tranh chấp ranh giới :Em đã làm sân xây một hàng gạch bên phần đất của em(xây cập mốc ranh mốc ranh này đã có chương trinh vilat đã đo rồi có sự đồng ý 2 bên). Hai bên đồng ý mỗi người xây một bên phần mốc ranh nhưng khi em xây xong lên 3 viên gạch (để không cho nước bên em qua bên kia) nhưng ông kế bên đi nhậu về đá hết nói là không đúng ,đòi phải chừa theo cây ông cấm. Em bảo em xây bên phần chủ quyền sử dụng của em, ông ấy đòi đánh gia đình em .Vậy em làm vậy có đúng pháp luật không, còn việc làm ông ấy có đúng không ? Em xin luật sư tư vấn cho em. Xin cảm ơn!
Luật sư tư vấn:
Cám ơn bạn đã gửi câu hỏi của mình đến Ban biên tập – Phòng tư vấn trực tuyến của Công ty LUẬT DƯƠNG GIA. Với thắc mắc của bạn, Công ty LUẬT DƯƠNG GIA xin được đưa ra quan điểm tư vấn của mình như sau:
Thứ nhất, Về tranh chấp ranh giới giữa các bất động sản
Theo quy định tại Điều 175 Bộ luật dân sự 2015 quy định về ranh giới giữa bất động sản như sau:
“Điều 175. Ranh giới giữa các bất động sản
1. Ranh giới giữa các bất động sản liền kề được xác định theo thoả thuận hoặc theo quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
Ranh giới cũng có thể được xác định theo tập quán hoặc theo ranh giới đã tồn tại từ 30 năm trở lên mà không có tranh chấp.
Không được lấn, chiếm, thay đổi mốc giới ngăn cách, kể cả trường hợp ranh giới là kênh, mương, hào, rãnh, bờ ruộng. Mọi chủ thể có nghĩa vụ tôn trọng, duy trì ranh giới chung.
2. Người sử dụng đất được sử dụng không gian và lòng đất theo chiều thẳng đứng từ ranh giới của thửa đất phù hợp với quy định của pháp luật và không được làm ảnh hưởng đến việc sử dụng đất của người khác.
Người sử dụng đất chỉ được trồng cây và làm các việc khác trong khuôn viên đất thuộc quyền sử dụng của mình và theo ranh giới đã được xác định; nếu rễ cây, cành cây vượt quá ranh giới thì phải xén rễ, cắt, tỉa cành phần vượt quá, trừ trường hợp có thoả thuận khác”.
Như vậy, trong trường hợp bạn nêu, việc bạn tiến hành xây dựng như thỏa thuận của hai bên là đúng với quy định của pháp luật. Và hàng xóm của bạn phải tôn trọng và duy trì ranh giới đó mà không được lấn chiếm hay thay đổi mốc giới ngăn cách nếu không có thỏa thuận gì với bạn
>>> Luật sư tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài: 1900.6568
Thứ hai về hành vi đánh người khi say rượu
Đối với việc đánh người gây thương tích trong tình trạng say rượu củahàng xóm bạn là không đúng với quy định của pháp luật. Bởi:
Theo Điều 14 Bộ luật hình sự 1999 quy định:
"Điều 14. Phạm tội trong tình trạng say do dùng rượu hoặc chất kích thích mạnh khác
Người phạm tội trong tình trạng say do dùng rượu hoặc chất kích thích mạnh khác, thì vẫn phải chịu trách nhiệm hình sự."
Hành vi đánh người gây thương tích hoặc tổn hại sức khỏe cho người khác sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo Điều 104 Bộ luật hình sự 1999 như sau:
"Điều 104. Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của người khác
1. Người nào cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ thương tật từ 11% đến 30% hoặc dưới 11% nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm:
a) Dùng hung khí nguy hiểm hoặc dùng thủ đoạn gây nguy hại cho nhiều người;
b) Gây cố tật nhẹ cho nạn nhân;
c) Phạm tội nhiều lần đối với cùng một người hoặc đối với nhiều người;
d) Đối với trẻ em, phụ nữ đang có thai, người già yếu, ốm đau hoặc người khác không có khả năng tự vệ;
đ) Đối với ông, bà, cha, mẹ, người nuôi dưỡng, thầy giáo, cô giáo của mình;
e) Có tổ chức;
g) Trong thời gian đang bị tạm giữ, tạm giam hoặc đang bị áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục;
h) Thuê gây thương tích hoặc gây thương tích thuê;
i) Có tính chất côn đồ hoặc tái phạm nguy hiểm;
k) Để cản trở người thi hành công vụ hoặc vì lý do công vụ của nạn nhân.
2. Phạm tội gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ thương tật từ 31% đến 60% hoặc từ 11% đến 30%, nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm từ điểm a đến điểm k khoản 1 Điều này, thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm.
3. Phạm tội gây thương tích, gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ thương tật từ 61% trở lên hoặc dẫn đến chết người hoặc từ 31% đến 60%, nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm từ điểm a đến điểm k khoản 1 Điều này, thì bị phạt tù từ năm năm đến mười lăm năm.
4. Phạm tội dẫn đến chết nhiều người hoặc trong trường hợp đặc biệt nghiêm trọng khác, thì bị phạt tù từ mười năm đến hai mươi năm hoặc tù chung thân."
Như vậy, Nếu hàng xóm bạn đánh người gây thương tích do uống rượu sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự tùy vào tỷ lệ thương tật của người bị hại theo quy định trên.
Nhưng nếu việc gây thương tích cho người khác chưa đến mức phải truy cứu trách nhiệm hình sự thì phải bồi thường thiệt hại cho người bị thiệt hại.