Để ra quyết định mở thủ tục phá sản, Doanh nghiệp phải đạt điều kiện “mất khả năng thanh toán” và có yêu cầu của một chủ thể (là chủ nợ hoặc những người khác do pháp luật quy định) có quyền yêu cầu, Tòa án dựa vào căn cứ này để tiến hành quyết định mở thủ tục phá sản.
Mục lục bài viết
1. Quyền yêu cầu ra quyết định mở thủ tục phá sản:
Pháp luật về phá sản đã ra đời, quy định rõ về điều kiện và thủ tục phá sản. Trong đó, vấn đề chủ thể có quyền nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản được pháp luật quan tâm, chú trọng và được quy định đầy đủ, tương đối chặt chẽ.
Quyền nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản là quyền của các chủ thể được pháp luật quy định, để chủ thể có quyền được nộp đơn cho cơ quan có thẩm quyền (thông thường là Tòa án) yêu cầu cơ quan này tiến hành một chuỗi các bước tiếp theo được pháp luật quy định để giải quyết việc Doanh nghiệp mất khả năng thanh toán.
Pháp luật phá sản thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng, về cơ bản đều quy định những đối tượng có quyền yêu cầu mở thủ tục phá sản bao gồm:
1.1. Các chủ nợ:
Xét về bản chất, cơ chế phá sản trước tiên là nhằm bảo vệ lợi ích của các chủ nợ. Vì vậy, Luật Phá sản của tất cả các nước đều coi chủ nợ là chủ thể số một có quyền nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản đối với con nợ.
Tuy nhiên có sự khác nhau trong việc quy định phạm vi các chủ nợ có quyền nộp đơn. Có nước cho phép cả chủ nợ có bảo đảm cũng có quyền để đơn, một số nước khác lại quy định chỉ có chủ nợ không có bảo đảm mới có quyền này hoặc cả chủ nợ có bảo đảm nhưng phải kèm theo điều kiện nhất định như phải từ bỏ quyền được bảo đảm hoặc là chủ nợ có phần giá trị nợ lớn hơn phần giá trị tài sản bảo đảm.
1.2. Người lao động:
Phá sản không chỉ gây ra hậu quả xấu cho con nợ và các chủ nợ mà còn cho cả người lao động. Khi Doanh nghiệp lâm vào tình trạng phá sản đồng nghĩa với việc người lao động mất việc làm, lâm vào tình trạng thất nghiệp. Do đó, pháp luật quy định người lao động có quyền nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản. Về thực chất đối với Doanh nghiệp mất khả năng thanh toán thì người lao động là một chủ nợ đặc biệt không có bảo đảm, hàng hoá duy nhất đem ra trao đổi là sức lao động và tiền lương nguồn sống chính của bản thân và gia đình họ. Do đó khi Doanh nghiệp lâm vào tình trạng phá sản thì họ là một trong những người bị thiệt hại nhiều nhất, không có lương, nguy cơ thất nghiệp đe doạ. Chính vì thế, Pháp luật phá sản của đa số các nước đều cho phép người lao động có quyền tự bảo vệ mình khi lợi ích của họ bị xâm phạm.
1.3. Doanh nghiệp, Hợp tác xã mất khả năng thanh toán:
Với những người điều hành Doanh nghiệp, việc mở thủ tục phá sản có vai trò nhất định như để Doanh nghiệp có thể rút khỏi thị trường đồng thời giảm áp lực thanh toán nghĩa vụ tài sản hoặc Doanh nghiệp có cơ hội được phục hồi.
Ở nhiều nước, điển hình là Nhật Bản, chủ yếu là người mắc nợ nộp đơn xin phá sản. Khi người mắc nợ nộp đơn yêu cầu phá sản thì kèm theo đơn là: bản cân đối tài chính, bản kiểm kê tài sản, danh sách chủ nợ và phải nộp một khoản lệ phí. Tình trạng phá sản là không có khả năng trả các khoản nợ đến hạn và đối với pháp nhân là không có khả năng trả nợ. Pháp nhân được coi là không có khả năng trả nợ khi khoản tiền nợ lớn hơn tài sản có của pháp nhân. Khi Doanh nghiệp mất khả năng thanh toán ngừng trả các khoản nợ, thì người mắc nợ được coi là không có khả năng tài chính để trả nợ và thường khi không trả hai ký phiếu hồi lại thì được coi là một dấu hiệu ngừng thanh toán.
Pháp luật phá sản ở một số nước thường quy định chế tài rất nặng (có thể phạt tù, phạt tiền, bồi thường) đối với người đại diện cho Doanh nghiệp không nộp đơn kịp thời hoặc nộp đơn không đúng... Ví dụ như Luật Phá sản hiện hành của Cộng hòa liên bang Đức quy định trường hợp một pháp nhân mất khả năng thanh toán thì đại diện của pháp nhân chậm nhất là trong vòng ba tuần, phải có nghĩa vụ đệ đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản. Người nào phải thực hiện nghĩa vụ này mà không để đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản, đệ đơn không kịp thời hoặc đệ đơn không đúng thì có thể bị phạt tù đến ba năm hoặc phạt tiền; trường hợp vô ý mà vi phạm thì bị phạt tù đến một năm hoặc bị phạt tiền.
Ở Việt Nam, thực tế vẫn tồn tại các Doanh nghiệp không muốn nộp đơn mở thủ tục phá sản. Vì nhiều lý do khác nhau như: nhiều Doanh nghiệp khi thành lập đã kê khai vốn điều lệ lớn nhưng chủ yếu là vốn ảo hoặc quá trình hoạt động có nhiều giao dịch chuyển tài sản không rõ ràng, số liệu về kế toán tài chính không rõ ràng ... Nếu Doanh nghiệp nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản, khả năng cơ quan nhà nước có thẩm quyền tiến hành kiểm tra lại quá trình hoạt động và phát hiện ra nhiều sai phạm, thì người góp vốn hay người điều hành phải chịu trách nhiệm pháp lý hoàn toàn có thể xảy ra. Điều này, gây ra tâm lý sợ sệt cho những người đứng đầu Doanh nghiệp khi thực hiện quyền nộp đơn của mình.
Bên cạnh đó, theo quy định tại khoản 3, khoản 4 Điều 5 của Luật Phá sản năm 2014 thì khi nhận thấy Doanh nghiệp mất khả năng thanh toán thì chủ Doanh nghiệp hoặc đại diện | hợp pháp của Doanh nghiệp phải nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản. Tuy nhiên, Luật Phá sản năm 2014 đã không quy định chế tài đủ răn đe (chỉ xử lý vi phạm hành chính) đối với việc thực hiện nghĩa vụ này và Doanh nghiệp mất khả năng thanh toán không nghiêm chỉnh thực hiện nghĩa vụ nộp đơn.
2. Thẩm quyền giải quyết yêu cầu mở thủ tục phá sản:
Thẩm quyền là quyền chính thức được xem xét để kết luận và định đoạt, quyết định một vấn đề. Trong khoa học pháp lý: Thẩm quyền là một khái niệm quan trọng, trung tâm. Thẩm quyền được hiểu là tổng hợp các quyền và nghĩa vụ hành động, quyết định của các cơ quan, tổ chức thuộc hệ thống bộ máy Nhà nước do pháp luật quy định.
Như vậy, có thể hiểu, thẩm quyền giải quyết yêu cầu mở thủ tục phá sản là tổng hợp các quyền và nghĩa vụ hành động, quyết định của các cơ quan, tổ chức thuộc hệ thống bộ máy Nhà nước do pháp luật quy định để tiến hành một chuỗi các bước tiếp theo để giải quyết việc Doanh nghiệp mất khả năng thanh toán.
Trên thế giới vẫn còn hai luồng quan điểm khác nhau về thủ tục phá sản, một luồng cho rằng thủ tục phá sản là thủ tục tư pháp thì thẩm quyền giải quyết phá sản thuộc thẩm quyền của Tòa án, một luồng quan điểm khác cho rằng đó là thủ tục hành chính như vậy thì thẩm quyền giải quyết phá sản thuộc về các cơ quan hành chính nhà nước. Có một số quốc gia áp dụng cả thủ tục tư pháp và thủ tục hành chính để giải quyết phá sản.
Như vậy, thẩm quyền giải quyết yêu cầu mở thủ tục phá sản cho đến nay vẫn chưa đồng nhất, mà có nơi thì cho rằng là của cơ quan tư pháp (Tòa án), có nơi thì là của cơ quan hành pháp.
Riêng ở Việt Nam, Luật Phá sản năm 2014 có thêm một bước trong quy định thẩm quyền của tòa án trong giải quyết vụ việc phá sản của Doanh nghiệp, Hợp tác xã khi phân định rõ
3. Căn cứ pháp lý của việc ra quyết định mở thủ tục phá sản:
Căn cứ để ra quyết định mở thủ tục phá sản là Doanh nghiệp đó phải “mất khả năng thanh toán” và có yêu cầu của một chủ thể (là chủ nợ hoặc những người khác do pháp luật quy định) có quyền yêu cầu, Tòa án dựa vào căn cứ này để tiến hành quyết định mở thủ tục phá sản. Thật vậy, việc xác định “mất khả năng thanh toán” là căn cứ pháp lý quan trọng nhất để ra quyết định mở thủ tục phá sản.
Về cơ bản, cả trong học thuật lẫn trong pháp luật các nhà nghiên cứu, nhà lập pháp đã sử dụng các tiêu chí sau để xác định tình trạng mất khả năng thanh toán, cụ thể là:
– Xác định mất khả năng thanh toán theo tiêu chí định lượng: theo tiêu chí này, một Doanh nghiệp bị coi là mất khả năng thanh toán khi không thanh toán được một món nợ đến hạn có giá trị tối thiểu được Luật Phá sản ấn định. Ví dụ Luật Phá sản Singapore năm 1999 quy định con nợ sẽ bị áp dụng thủ tục phá sản khi không trả được số nợ đến hạn ít nhất là 5.000 đô la Singapore (Theo Luật sửa đổi năm 2005 là 10.000 đô la). Việc sử dụng tiêu chí định lượng này tiến tới mục đích giảm các đối tượng có quyền yêu cầu mở thủ tục phá sản, nhằm giúp tiết kiệm các nguồn lực cho xã hội. Tuy nhiên, nếu chỉ quan tâm tới yếu tố định lượng thì vẫn chưa đủ, | bởi có khi Doanh nghiệp mất khả năng thanh toán nhất thời chứ không phải thực sự là không có khả năng thanh toán. Việc bị mở thủ tục phá sản có thể tạo ra sức ép Doanh nghiệp buộc phải bán tài sản của mình với mức giá quá thấp hoặc buộc phải tham gia vào những thỏa hiệp có tính chất bất bình đẳng trước sức ép của chủ nợ.
– Xác định mất khả năng thanh toán theo tiêu chí kế toán: Theo tiêu chí này thì việc xác định một Doanh nghiệp mất khả năng thanh toán được thực hiện thông qua sổ sách kế toán của Doanh nghiệp mắc nợ. Doanh nghiệp bị coi là mất khả năng thanh toán nếu như số liệu kế toán của Doanh nghiệp cho thấy tổng giá trị tài sản nợ lớn hơn tổng giá trị tài sản hoặc có thể nói rằng vốn chủ sở hữu bị âm. Việc sử dụng tiêu chí này có thể hạn chế hơn đối tượng nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản so với tiêu chính định lượng nêu trên. Có những Doanh nghiệp xét về tiêu chí kế toán thì tổng giá trị tài sản nợ nhỏ hơn tổng giá trị tài sản hoặc có thể nói rằng vốn chủ sở hữu không bị âm, nhưng xét về thực tế thì tài sản của Doanh nghiệp thiếu tính thanh khoản, không thể dễ dàng chuyển đổi thành tiền mặt, như vậy vẫn có thể bị “mất khả năng thanh toán”. Vì vậy, nếu chỉ áp dụng theo tiêu chí này vẫn có thể bị bỏ sót trường hợp “mất khả năng thanh toán” thật sự.
– Xác định mất khả năng thanh toán theo tiêu chí “dòng tiền”: Tiêu chí này quan tâm đến tính tức thời của việc trả nợ, quan tâm đến dòng tiền (cách flow) của Doanh nghiệp khi đánh giá khả năng thanh toán. Xác định mất khả năng thanh toán dựa trên tính tức thời của việc trả nợ, tiêu chí này không quan tâm đến tài sản hiện có của Doanh nghiệp có đủ để trả nợ hay không. Việc Doanh nghiệp bị ngưng trả nợ có thể bị suy đoán là bị lâm vào tình trạng phá sản. Căn cứ vào tiêu chí này thì Luật Phá sản có thể áp dụng cho cả đối với các Doanh nghiệp có thể còn nhiều tài sản (theo sổ sách kế toán dự trả cho các khoản nợ) nhưng không thể trả nợ do chưa thể thanh lý chuyển được số tài sản của mình thành tiền mặt để thanh toán.
So với hai tiêu chí định lượng và kế toán đã nêu ở trên, tiêu chí “định tính” cho phép một thủ tục phá sảncó thể được mở ra sớm hơn. Điều này phù hợp với quan niệm hiện đại của Luật Phá sản là ngày càng có xu hướng tạo điều kiện cho Doanh nghiệp được phục hồi thay vì tuyên bố phá sản. Vì vậy, muốn tạo điều kiện phục hồi Doanh nghiệp bị khó khăn thì cần “định bệnh” từ sớm [38]. Đây cũng là giải pháp tốt hơn cho việc bảo vệ quyền lợi của các chủ nợ, bản thân Doanh nghiệp mắc nợ, người lao động và cả xã hội, tránh nguy cơ phải tuyên bố phá sản Doanh nghiệp, từ đó tránh đi những hậu quả không mong muốn trong vụ phá sản như thất nghiệp, phá sản dây chuyền ...
Ở Việt Nam, việc xác định tình trạng “mất khả năng thanh toán” đã được pháp luật quy định khá khác biệt nhau trong các văn bản pháp luật về phá sản. Ở những giai đoạn khác nhau, pháp luật Việt Nam có khi chỉ sử dụng một tiêu chí để xác định tình trạng phá sản hoặc có khi lại phối hợp nhiều tiêu chí.
Luật phá sản năm 2014, “Doanh nghiệp, Hợp tác xã mất khả năng thanh toán là Doanh nghiệp, Hợp tác xã không thực hiện nghĩa vụ thanh toán khoản nợ trong thời hạn 03 tháng kể từ ngày đến hạn thanh toán”. Tuy nhiên, việc định lượng ở đây chỉ dừng lại thời gian trễ hạn thanh toán mà không quan tâm đến giá trị của các khoản nợ.
Về bản chất của “tình trạng mất khả năng thanh toán là việc con nợ không có khả năng thanh toán các khoản nợ đến hạn, là việc con nợ ngừng trả nợ. Tuy nhiên, tùy quan điểm của mỗi quốc gia và ở mỗi thời kỳ khác nhau, đặc biệt là tùy thuộc vào mục tiêu của Luật Phá sản là bảo vệ chủ nợ hay con nợ, có đặt mục tiêu phục hồi Doanh nghiệp hay không mà luật pháp các nước, trong những giai đoạn khác nhau có thể đưa ra tiêu chí cụ thể để xác định tình trạng phá sản là khác nhau.
Theo tác giả, khi Doanh nghiệp rơi vào tình trạng “mất khả năng thanh toán” thì thủ tục phá sản có thể sẽ được tiến hành. thủ tục phá sản là một thủ tục về pháp lý nhằm giải quyết tình trạng mất khả năng thanh toán, khi kết quả giải quyết không thể đưa Doanh nghiệp thoát khỏi tình trạng mất khả năng thanh toán, thì cơ quan nhà nước có thẩm quyền (tòa án) sẽ ra quyết định tuyên bố phá sản Doanh nghiệp.
4. Công bố thông tin về việc ra quyết định mở thủ tục phá sản:
Ngay khi quyết định mở thủ tục phá sản được cơ quan có thẩm quyền ra quyết định mở thủ tục phá sản, ngay lúc này phát sinh trách nhiệm của cơ quan có thẩm quyền mở thủ tục tuyên bố phá sản, là trách nhiệm phải công bố thông tin rộng rãi trên phương tiện thông tin đại chúng như báo chí, hệ thống đăng ký kinh doanh, bên cạnh đó phải thông báo cho tất cả các chủ nợ, người lao động, các cổ đông, thành viên công ty được biết là đã mở thủ tục phá sản đối với Doanh nghiệp mắc nợ. Việc công bố thông tin nhắm đến các mục tiêu sau:
Thứ nhất, đây là một thông báo chung nhắm đến tất cả các cá nhân, tổ chức có liên quan đến Doanh nghiệp bị mở thủ tục phá sản, để họ nắm bắt ngay tình hình nhằm kịp thời thực hiện các quyền và nghĩa vụ mà pháp luật đã quy định cho họ, trong đó quyền đòi nợ của các chủ nợ là quyền tiên quyết trong mà Luật Phá sản nhắm đến.
Thứ hai, việc công bố thông tin này nhắm đến đối tượng là các cá nhân, tổ chức có nhu cầu, chức năng mua bán, tái cấu trúc, sáp nhập Doanh nghiệp .... để họ nắm bắt thông tin kịp thời, nhằm mục đích phục vụ cho việc phối hợp với Doanh nghiệp mất khả năng thanh toán để tìm giải pháp phục hồi Doanh nghiệp, tìm tiếng nói chung tại Hội nghị chủ nợ về phương án phục hồi Doanh nghiệp.
Thứ ba, việc mở thủ tục phá sản ảnh hưởng trực tiếp đến người lao động, vì vậy việc công bố thông tin chính là một thông báo chung cho người lao động để họ có bước chuẩn bị cho mình trong việc tìm kiếm việc làm mới, họ chuẩn bị tổng kết những khoản tiền lương và tiền chế độ mà họ được hưởng để gởi đến cơ quan mở thủ tục phá sản nắm để có định hướng giải quyết cho họ.
Với những mục tiêu mà việc Công bố thông tin mở thủ tục phá sản đặt ra như đã nêu trên, thì quy định về nội dung Công bố thông tin cũng là một vấn đề rất lớn cần được các nhà lập pháp quan tâm.
Theo Luật Phá sản năm 2014 của Việt Nam, thì việc công bố thông tin quyết định mở thủ tục phá sản đã được quy định trách nhiệm thuộc về Tòa án.