Quyết định hình phạt đối với người dưới 18 tuổi phạm các tội xâm phạm sở hữu là việc Tòa án căn cứ quy định pháp luật hình sự, tính chất, mức độ nguy hiểm cho xã hội, đặc điểm nhân thân và những ưu tiên của pháp luật đối với đối tượng này để đưa ra quyết định hình phạt.
Mục lục bài viết
1. Quyết định hình phạt đối với người dưới 18 tuổi phạm các tội xâm phạm sở hữu là gì:
Quyết định hình phạt là một trong những giai đoạn cơ bản, một trong những nội dung của quá trình áp dụng pháp luật hình sự. Giai đoạn này chiếm vị trí đặc biệt quan trọng trong quá trình áp dụng pháp luật hình sự, đưa hình phạt vào thực tiễn thi hành. Hiến pháp nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 2013 tại Điều 102 quy định “
Trong khoa học luật hình sự, có một số học giả đã đưa ra khái niệm quyết định hình phạt, cụ thể như: theo PGS.TS. Dương Tuyết Miên:
Quyết định hình phạt là hoạt động thực tiễn của Tòa án(Hội đồng xét xử) được thực hiện sau khi đã xác định được tội danh để xác định biện pháp xử lý tương ứng với tính chất, mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi mà cá nhân/pháp nhân thương mại đã thực hiện; hoạt động quyết định hình phạt có thể là miễn hình phạt hoặc nếu Tòa án quyết định áp dụng hình phạt thì quyết định hình phạt là việc xác định hình phạt cụ thể trong phạm vi luật định đối với cá nhân/pháp nhân thương mại phạm tội. Với ThS. Đinh Văn Quế thì:
Quyết định hình phạt là việc Tòa án lựa chọn hình phạt buộc người bị kết án phải chấp hành. Tòa án lựa chọn loại hình phạt nào, mức hình phạt bao nhiêu, phải tuân theo những quy định của Bộ luật hình sự.
Như vậy, theo các lý luận trên thì quyết định hình phạt có chủ thể thực hiện là Tòa án. Loại và mức hình phạt được quyết định áp dụng đối với bị cáo phải được thể hiện trong bản án kết tội theo các quy định của Bộ luật hình sự. Quyết định hình phạt có thể đưa ra là miễn hình phạt hoặc áp dụng hình phạt. Căn cứ Quyết định hình phạt là tính chất, mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi mà cá nhân/pháp nhân thương mại đã thực hiện. Ngoài đòi hỏi trên, hình phạt được quyết định đối với bị cáo phải bảo đảm tính xác định, tính lập luận và bắt buộc có lý do.
Tóm lại theo người viết, “Quyết định hình phạt là một nội dung của áp dụng pháp luật hình sự do Tòa án thực hiện. Tòa án căn cứ vào các quy định trong điều luật của BLHS để đưa ra loại và mức hình phạt cụ thể áp dụng đối với người phạm tội thể hiện trong bản án kết tội”.
Quyết định hình phạt với các tội xâm phạm sở hữu được đặt khi người phạm tội phải chịu TNHS và bị áp dụng hình phạt. Trong BLHS hình phạt chính áp dụng cho các tội xâm phạm sở hữu là chế tài lựa chọn vì trong khung hình phạt của các tội xâm phạm sở hữu quy định nhiều loại hình phạt khác nhau. Ví dụ: Tội cướp giật tài sản(Điều 171 BLHS 2015) có 4 khung hình phạt chính, 1 khung hình phạt bổ sung. Khung hình phạt cơ bản có mức phạt tù từ 1 năm đến 5 năm; khung hình phạt tăng nặng thứ nhất có mức phạt từ từ 3 năm đến 10 năm; khung hình phạt tăng nặng thứ hai có mức phạt từ 07 năm đến 15 năm; khung hình phạt tăng nặng thứ tư có mức phạt từ 12 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân. Khung hình phạt bổ sung được quy định có thể áp dụng là: bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng. Như vậy, Tòa án căn cứ vào tình tiết của vụ án để lựa chọn loại hình phạt và mức hình phạt cụ thể, bao gồm hình phạt chính và hình phạt bổ sung để áp dụng với người phạm tội cướp giật tài sản.
Người dưới 18 tuổi là đối tượng đặc thù, được BLHS quy định trong một chương riêng. Do vậy nếu người dưới 18 tuổi phạm các tội xâm phạm sở hữu thì việc quyết định hình phạt là một trường hợp đặc biệt của quyết định hình phạt. So với các đối tượng phạm tội là người từ đủ 18 tuổi trở lên thì người dưới 18 tuổi là đối tượng chưa phát triển toàn diện về thể chất và tinh thần, luôn được pháp luật bảo hộ, cho phép hưởng chế độ TNHS giảm nhẹ hơn.
Vậy theo tác giả: “Quyết định hình phạt đối với người dưới 18 tuổi phạm các tội xâm phạm sở hữu là việc Tòa án căn cứ trên cơ sở quy định pháp luật hình sự, tính chất chất, mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội, đặc điểm nhân thân của người dưới 18 tuổi và những ưu tiên của pháp luật đối với đối tượng này để đưa ra quyết định hình phạt theo thủ tục tục tố tụng nhất định.”
2. Đặc điểm quyết định hình phạt đối với người dưới 18 tuổi phạm các tội xâm phạm sở hữu:
Thứ nhất, Tòa án là cơ quan duy nhất có quyền đưa ra quyết định hình phạt. Cùng với định tội danh, quyết định hình phạt là một trong những hoạt động trọng tâm giúp Tòa án thực hiện quyền và chức năng Hiến định. Quyết định hình phạt có thể được xem xét bởi nhiều chủ thể khác nhau như trong việc nghiên cứu, thảo luận về các vụ việc cụ thể khi áp dụng pháp luật. Tuy nhiên cá nhân chỉ bị coi là có tội và phải chịu hình phạt nếu được Tòa án xét xử theo đúng quy định pháp luật.
Thứ hai, Quyết định hình phạt được thực hiện trên cơ sở của pháp luật hình sự. Các hành vi bị coi là tội phạm, phải chịu chế tài hình sự chỉ khi BLHS quy định. Các quy định trong BLHS là chuẩn mực chung cho việc quyết định hình phạt đối với mọi trường hợp phạm tội, phù hợp với nguyên tắc pháp chế trong pháp luật hình sự. Đây là một yêu cầu quan trọng để tránh tình trạng áp dụng một cách tùy tiện đối với người phạm tội cũng như thể hiện thái độ nghiêm túc của Nhà nước trong việc giải quyết vụ án hình sự.
Cuối cùng, loại hình phạt và mức hình phạt áp dụng đối với người dưới 18 tuổi phạm tội sẽ nhẹ hơn với người từ đủ 18 tuổi phạm tội, cho dù các hành vi cấu thành tội phạm, cấu trúc lỗi, hậu quả, ... có thể tương đồng. Sau khi Tòa án định tội danh thì trên cơ sở đánh giá tính chất, mức độ nguy hiểm của hành vi phạm tội, các yếu tố nhân thân của người dưới 18 tuổi, vào độ tuổi, tình trạng thể chất, tinh thần, những quy định pháp luật ưu tiên đối người dưới 18 tuổi để lựa chọn loại hình phạt và mức hình phạt cụ thể áp dụng cho người dưới 18 tuổi phạm tội xâm phạm sở hữu. Đối với người dưới 18 tuổi, quyết định hình phạt được đưa ra với mục đích giáo dục là trọng tâm. Vì vậy Tòa án rất hạn chế đưa ra các quyết định hình phạt nặng với người dưới 18 tuổi cũng như hạn chế hình phạt tù.