Quyết định pháp luật được chia thành quyết định lập pháp, quyết định hành chính và quyết định tư pháp. Trong thời gian qua, quyết định hành chính đã phát huy được vai trò nhất định của mình trong quản lí hành chính nhà nước. Cùng tìm hiểu quyết định hành chính là gì? Phân biệt với quyết định khác?
Mục lục bài viết
1. Quyết định hành chính là gì?
Theo Từ điển Luật Học: “Quyết định hành chính là kết quả của sự thể hiện ý chí quyền lực đơn phương của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, những người có chức vụ, các tổ chức và cá nhân nhà nước được Nhà nước trao quyền thực hiện trên cơ sở luật và để thi hành pháp luật, theo trình tự và hình thức do pháp luật quy định hướng tới việc thực hiện nhiệm vụ quản lý hành chính trong lĩnh vực hoặc vấn đề được phân công phụ trách”.
Quyết định hành chính nhà nước Việt Nam là kết quả sự thể hiện ý chí quyền lực đơn phương của các cơ quan nhà nước, người có thẩm quyền trong các cơ quan đó và những tổ chức, cá nhân được nhà nước trao quyền trên cơ sở và để thi hành Hiến pháp, luật, pháp lệnh, các văn bản của cơ quan nhà nước cấp trên, của cơ quan quyền lực nhà nước cùng cấp, của chính mình, theo thủ tục và hình thức do pháp luật quy định, nhằm đặt ra chủ trương, đường lối, nhiệm vụ lớn có tính chất định hướng; hoặc đặt ra, đình chỉ, sửa đổi, bãi bỏ các quy phạm pháp luật hành chính… hay làm thay đổi phạm vi hiệu lực của chúng; hoặc làm phát sinh, thay đổi, chấm dứt các quan hệ pháp luật hành chính, những quan hệ pháp luật khác cụ thể, để thực hiện các nhiệm vụ, chức năng của quyền lực hành chính nhà nước.
Quyết định hành chính là biện pháp giải quyết công việc của chủ thể quản lý hành chính trước một tình huống đang đặt ra, là sự phản ứng của chủ thể quản lý hành chính Nhà nước trước một tình huống đòi hỏi phải có sự giải quyết của Nhà nước theo thẩm quyền do luật định.
Việc ban hành quyết định hành chính là nhiệm vụ của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền nhằm định ra chính sách, quy định, sửa đổi hoặc của những người có chức vụ, người đại diện cho quyền lực hành chính nhất định. Như vậy, quyết định hành chính là kết quả của sự thể hiện ý chí quyền lực nhà nước của cơ quan hành chính Nhà nước hoặc của những người có chức vụ, người đại diện cho quyền lực hành chính nhất định.
Quyết định hành chính tiếng Anh là: Administrative decisions
2. Đặc điểm của quyết định hành chính:
Quyết định hành chính là một dạng quyết định pháp luật nên ngoài những đặc điểm quyết định hành chính còn mang đặc điểm chung của một quyết định pháp luật
2.1. Đặc điểm chung:
+ Quyết định hành chính mang tính quyền lực Nhà nước
Có thể nói một đặc điểm không thể không có của bất kỳ quyết định nào đó là tính quyền lực nhà nước. Việc thực hiện quyền lực nhà nước thường thể hiện dưới hình thức là những quyết định bằng văn bản, trong số những quyết định thành văn đó thì quyết định do các chủ thể quản lý hành chính ban hành rất nhiều. Tính quyền lực nhà nước trước hết có thể thấy ngay ở hình thức của quyết định. Theo quy định của pháp luật thì chỉ cơ quan nhà nước mới được đơn phương ra các quyết định pháp luật xuất phát từ lợi ích chung. Tính quyền lực, đơn phương của quyết định thể hiện rất rõ ở nội dung và mục đích của quyết định. Các quyết định được ban hành vốn để thực thi quyền hành pháp trên cơ sở luật và để thi hành luật. Quyết định hành chính luôn thể hiện tính mệnh lệnh rất cao. Chính vì vậy, quyền lực nhà nước còn thể hiện ở tính đảm bảo thi hành của quyết định. Quyết định sẽ được Nhà nước đảm bảo thi hành bằng những biện pháp cưỡng chế của Nhà nước khi cần thiết.
+ Quyết định hành chính mang tính chất pháp lý. Quyết định hành chính xuất hiện đã tác động ngay đến cơ chế điều chỉnh pháp luật, quyết định hành chính có thể đưa ra biện pháp hoặc những chủ trương lớn trong lĩnh vực quản lý hành chính. Quyết định hành chính còn thể hiện ở việc làm xuất hiện quy phạm pháp luật, thay thế hoặc hủy bỏ quy phạm pháp luật hoặc làm phát sinh, thay đổi hoặc chấm dứt một mối quan hệ pháp luật cụ thể.
2.2. Đặc điểm riêng:
Ngoài những đặc điểm chung của quyết định pháp luật, quyết định hành chính còn mang những đặc điểm riêng
+ Quyết định hành chính mang tính dưới luật. Nội dung và hình thức của quyết định hành chính phải được ban hành phù hợp với thẩm quyền của chủ thể ban hành và tuân thủ hiến pháp, luật, pháp lệnh về mặt pháp lý. Quyết định hành chính do các chủ thể có thẩm quyền trong hệ thống hành chính nhà nước ban hành là những văn bản dưới luật, nhằm thi hành luật. Quyết định hành chính phải được ban hành trên cơ sở luật và để thi hành luật, theo hình thức và trình tự do pháp luật quy định.
+ Quyết định hành chính đa dạng về chủ thể có thẩm quyền ban hành. Chủ thể của quyết định hành chính là những cơ quan hành chính nhà nước. Đó là các chủ thể từ Trung ương đến địa phương, những chủ thể có thẩm quyền chung cũng như những chủ thể có thẩm quyền riêng.
+ Quyết định hành chính có những mục đích và nội dung hết sức phong phú. Quyết định hành chính là những quyết định mà về mặt hình thức có những tên gọi khác nhau theo quy định của pháp luật như nghị quyết, nghị định, quyết định, chỉ thị, thông tư…
3. Các loại quyết định hành chính:
Để phân loại quyết định hành chính chúng ta phải căn cứ vào tính chất quyết định hành chính để xác định tiêu chí phân loại. Việc phân loại quyết định hành chính nhằm mục đích đi sâu nghiên cứu và đồng thời để tổ chức ban hành thực hiện quyết định có hiệu quả.
+ Dựa theo tính chất pháp lý và nội dung quyết định
Đây là cách phân loại cơ bản nhất và có tính thực tiễn. Dựa vào tiêu chí này, quyết định hành chính được chia thành các loại sau: Quyết định chủ đạo; quyết định hành chính quy phạm; quyết định hành chính nhà nước cá biệt.
+ Dựa theo thẩm quyển ban hành
Quyết định hành chính phân chia thành Quyết định hành chính của Chính phủ; quyết định hành chính của Thủ tướng chính phủ; Quyết định hành chính của các Bộ và cơ quan ngang bộ; Quyết định hành chính của UBND các cấp; Quyết định hành chính của các cơ quan chuyên môn thuộc UBND; Quyết định hành chính liên tịch.
+ Dựa theo tính chất của mệnh lệnh trong quyết định
Theo tiêu chí này thì các quyết định hành chính phân chia thành các loại: Quyết định cấm đoán; Quyết định cho phép; Quyết định điều chỉnh sửa đổi.
+ Căn cứ vào cấp hành chính: Quyết định hành chính được chia thành: Quyết định hành chính của cấp hành chính trung ương; Quyết định hành chính của cấp hành chính địa phương.
+ Căn cứ vào lĩnh vực thì quyết định hành chính chia thành: Quyết định hành chính nhà nước về kinh tế; Quyết định hành chính nhà nước về giáo dục; Quyết định hành chính nhà nước về y tế; Quyết định hành chính nhà nước về văn hóa
+ Căn cứ vào thời hạn có hiệu lực thì quyết định hành chính chia thành quyết định có hiệu lực lâu dài; Quyết định có hiệu lực trong thời gian nhất đinh; Quyết định có hiệu lực một lần.
+ Quyết định dựa theo thể thức, hình thức thực hiện: Gồm quyết định hành chính thể hiện dưới dạng văn bản; Quyết định hành chính nhà nước hoặc để giải quyết những việc khẩn cấp, gấp rút; Quyết định hành chính thể hiện dưới dạng ký hiệu, biển báo, tín hiệu.
4. Phân biệt quyết định hành chính với các loại quyết định khác:
+ Phân biệt quyết định hành chính với quyết định của cơ quan lập pháp
Đây là hai loại quyết định do các chủ thể thuộc hai hệ thống cơ quan quyền lực nhà nước khác nhau ban hành để thực hiện quyền lực nhà nước. Việc phân biệt hai loại quyết định này trước tiên là căn cứ vào thủ tục, trình tự ban hành.
+ Phân biệt quyết định hành chính với quyết định của cơ quan tư pháp
Đây là hai loại quyết định do hai hệ thống cơ quan khác nhau ban hành. Những quyết định của cơ quan tư pháp chủ yếu là những quyết định cá biệt dưới hình thức là những bản án hoặc quyết định của
Trình tự, thủ tục xây dựng ban hành hai loại quyết định này cũng khác nhau. Quyết định của cơ quan tư pháp phải tiến hành các thủ tục theo quy định của Luật tố tụng
+ Phân biệt quyết định hành chính với các loại giấy tờ, văn bản và các phương tiện có liên quan khác trong hoạt động hành chính
Điểm khác biệt quan trọng với quyết định hành chính là tất cả các loại giấy tờ nói ở đây đều không có chức năng pháp lý là làm thay đổi cơ chế điều chỉnh pháp luật dù dưới bất cứ hình thức nào.
Khác với các loại hợp đồng, các quyết định hành chính do các chủ thể hoạt động hành chính có thẩm quyền ban hành một cách đơn phương; còn hợp đồng, như tên gọi của nó, là sự thỏa thuận của các bên, mang tính bình đẳng.