Biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc là gì? Quyết định áp dụng biện pháp hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc là gì? Quyết định áp dụng biện pháp hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc được dùng để làm gì? Mẫu Quyết định áp dụng biện pháp hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc và soạn thảo quyết định?
Ma túy đã và đang gây ra rất nhiều hệ quả tiêu cực đến đời sống con người hiện nay. Các cá nhân nghiện ma túy cần được cai nghiện ma túy. Việc cai nghiện ma túy có thể được thực hiện ngay tại gia đình của người nghiện ma túy hoặc tại cơ sở cai nghiện bắt buộc. Trong các trường hợp luật định, thì Tòa án nhân dân có thẩm quyền sẽ tiến hành quyết định việc một cá nhân nghiện ma túy vào cơ sở cai nghiện bắt buộc. Bài viết dưới đây Luật Dương Gia sẽ cung cấp các thông tin về mẫu quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc.
* Cơ sở pháp lý
–
– Nghị định số 221/2013/NĐ-CP ngày 30 tháng 12 năm 2013 của Chính phủ quy định chế độ áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc (sau đây gọi là biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc) được sửa đổi bổ sung bởi Nghị định số 136/2016/NĐ- CP ngày 30 tháng 10 năm 2016.
– Nghị quyết số 04/2015/NQ-HĐTP ngày 24 tháng 12 năm 2015 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao ban hành Hướng dẫn thi hành một số quy định của pháp luật về xem xét, quyết định áp dụng các biện pháp xử lý hành chính tại Tòa án nhân dân
1. Biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc là gì?
Khái niệm biện pháp xử lý hành chính hiện nay được quy định tại Khoản 3 Điều 2 Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012, đó chính là các biện pháp được áp dụng đối với cá nhân vi phạm pháp luật về an ninh trật tự, an tòa xã hội mà không phải là tội phạm. Hệ thống các quy định pháp luật về các biện pháp về các biện pháp xử lý hành chính có vai trò quan trọng trong việc đấu tranh, phòng chống vi phạm pháp luật, vi phạm đạo đức, bảo vệ và bảo đảm các quyền, lợi ích chính đáng của công dân, đồng thời góp phần to lớn trong việc giáo dục người có hành vi vi phạm trở thành những công dân tốt cho xã hội.
Biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc là cách thức cơ quan có thẩm quyền áp dụng trực tiếp lên người bị nghiện bằng phương pháp cưỡng chế nhằm mục đích đảm bảo trật tự xã hội trong giới hạn pháp luật cho phép. Theo quy định pháp luật thì việc cai nghiện tại cơ sở cai nghiện bắt buộc là hình thức xử lý vi phạm hành chính, cai nghiện bằng hành vi cưỡng chế đưa vào cơ sở. Đây chính là trường hợp những đối tượng nghiện ma túy từ đủ 18 tuổi trở lên đã được cai nghiện tại gia đình, cộng đồng hoặc đã được giáo dục nhiều lần tại xã, phường, thị trấn mà vẫn còn nghiện hoặc không có nơi cư trú nhất định phải đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc.
Đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc là biện pháp cách ly ra khỏi cộng đồng, khỏi môi trường gia đình, xã hội. Biện pháp này không áp dụng đối với các trường hợp không có năng lực trách nhiệm hành chính, người đang mang thai có chứng nhận của bệnh viện, phụ nữ hoặc người duy nhất đang nuôi con nhỏ dưới 36 tháng tuổi được Ủy ban nhân dân cấp xã nơi người đó cư trú xác nhận. Cần lưu ý rằng đây là biện pháp chỉ áp dụng đối với cá nhân- công dân Việt Nam, được xác định là bị nghiện và có những hành vi gây nguy hiểm cho xã hội. Đối với trường hợp người nước ngoài có hành vi nghiện ma túy mà bị cơ quan chức năng phát hiện tại lãnh thổ Việt Nam thì tùy theo mức độ vi phạm có thể bị áp dụng hình thức xử phạt trục xuất khỏi Việt Nam.
Hiện nay, chủ thể có thẩm quyền xem xét, quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc cũng như biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng, biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc đó chính là Tòa án nhân dân. Việc áp dụng các biện pháp đưa người nghiện vào cơ sở cai nghiện bắt buộc được áp dụng theo những trình tự, thủ tục chặt chẽ, đảm bảo quyền con người và đối tượng bị áp dụng phải chịu sự quản lý và hạn chế một số quyền tự do cá nhân nhất định.
2. Quyết định áp dụng biện pháp hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc là gì?
Quyết định áp dụng biện pháp hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc là văn bản do Tòa án nhân dân có thẩm quyền ban hành, sau khi kết thúc phiên họp xem xét áp dụng biện pháp hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc đối với cá nhân bị nghiện ma túy, văn bản này thể hiện nội dung đó chính là quyết định cá nhân bị nghiện ma túy sẽ phải vào cơ sở cai nghiện bắt buộc để cai nghiện ma túy.
3. Quyết định áp dụng biện pháp hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc được dùng để làm gì?
Quyết định áp dụng biện pháp hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc được dùng để thể hiện quyết định của Tòa án nhân dân, đây là cơ sở pháp lý để các cơ quan có thẩm quyền tiến hành các thủ tục để đưa người nghiện ma túy vào cai nghiện tại các cơ sở cai nghiện bắt buộc
4. Mẫu Quyết định áp dụng biện pháp hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc và soạn thảo quyết định
Quyết định áp dụng biện pháp hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc được quy định là Mẫu số 09 trong Phụ lục ban hành kèm theo Nghị quyết số 04/2015/NQ-HĐTP ngày 24 tháng 12 năm 2015 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao ban hành Hướng dẫn thi hành một số quy định của pháp luật về xem xét, quyết định áp dụng các biện pháp xử lý hành chính tại Tòa án nhân dân. Mẫu Quyết định như sau:
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
—————
TÒA ÁN(1) ………
——-
Số: …../QĐ-TA
……, ngày ….. tháng ….. năm ….
QUYẾT ĐỊNH
Áp dụng (không áp dụng) biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc(2)
TÒA ÁN NHÂN DÂN ……(3)
Với thành phần tiến hành phiên họp gồm có:
1. Thẩm phán:……
2. Thư ký phiên họp:……
Ngày ……. tháng ……. năm ……., tại …… (4) tiến hành phiên họp xem xét, quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc theo Quyết định mở phiên họp số ….. ngày …… tháng …… năm …… đối với:
Họ và tên: …….. Giới tính: ……
Sinh ngày: ……
CMND số: …… Ngày cấp: ……. Nơi cấp: ……
Dân tộc: ……
Tôn giáo: ……
Trình độ văn hóa: ……
Nguyên quán: ……
Hộ khẩu thường trú: ……
Chỗ ở: ……
Nghề nghiệp: ……
Tiền án: ……; tiền sự: ……
Con ông: ………. và bà: ……
Có mặt (vắng mặt) tại phiên họp.
Có sự tham gia của:
1. Đại diện cơ quan đề nghị:……
2. Đại diện Viện kiểm sát.……
3. Người đại diện hợp pháp của người bị đề nghị áp dụng biện pháp hành chính đưa cơ sở cai nghiện bắt buộc:
……
4. Người bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người bị đề nghị:
……
5. Những người khác:
……
NHẬN THẤY:(5)
………
XÉT THẤY:(6)
………
Vì các lẽ trên,
QUYẾT ĐỊNH:
1. Áp dụng (không áp dụng)(7)biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc đối với ………
2. Thời gian chấp hành tại cơ sở cai nghiện bắt buộc là …… tháng, kể từ ngày người bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính bị tạm giữ để đưa đi cơ sở cai nghiện bắt buộc.
3. Quyền khiếu nại, kiến nghị, kháng nghị đối với Quyết định.(8)
4. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày hết thời hạn khiếu nại, kiến nghị, kháng nghị mà không có khiếu nại, kiến nghị, kháng nghị.
5. Cơ quan thi hành quyết định:…… (9)
Nơi nhận:
– Ghi theo khoản 1 Điều 24 của Pháp lệnh;
– Lưu hồ sơ.
THẨM PHÁN
(Ký tên, đóng dấu)
* Soạn thảo Quyết định áp dụng biện pháp hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện bắt bộc
Mẫu Quyết định áp dụng biện pháp hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc được Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân hướng dẫn như sau:
(1) và (3) Ghi tên Tòa án có thẩm quyền xem xét, quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính; cần ghi rõ Tòa án nhân dân quận, huyện, thị xã, thành phố gì thuộc tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nào (ví dụ: Tòa án nhân dân huyện T, tỉnh H).
(2) Trường hợp Tòa án quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc thì bỏ cụm từ “(không áp dụng)”.
(4) Ghi địa điểm Tòa án tiến hành mở phiên họp (ví dụ: tại trụ sở Tòa án nhân dân huyện T, tỉnh H).
(5) Ghi tóm tắt hành vi vi phạm của người bị đề nghị áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc; các ý kiến của đại diện cơ quan đề nghị, Viện kiểm sát, người bị đề nghị tại phiên họp.
(6) Đánh giá, phân tích của Thẩm phán về tính hợp pháp của hồ sơ đề nghị; đánh giá về tính chất, mức độ, hậu quả của hành vi vi phạm, các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ, nhân thân, mức độ nhận thức của người bị đề nghị áp dụng; về ý kiến của người tham gia phiên họp; lý do, căn cứ và sự cần thiết áp dụng biện pháp xử lý hành chính đối với người bị đề nghị.
(7) Trường hợp Tòa án quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc thì có điểm 2 và điểm 5 phần quyết định; trường hợp Tòa án quyết định không áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc thì bỏ điểm 2 và điểm 5 phần quyết định.
(8) Ghi quyền khiếu nại, kiến nghị, kháng nghị, thời hạn khiếu nại, kiến nghị, kháng nghị theo quy định tại các điều 30, 31 và 32 của Pháp lệnh trình tự, thủ tục xem xét, quyết định áp dụng các biện pháp xử lý hành chính tại Tòa án nhân dân.
(9) Ghi tên cơ quan có trách nhiệm thi hành quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc theo quy định tại khoản 1 Điều 110 của Luật xử lý vi phạm hành chính.