Quyết định 96/2007/QĐ-BNN ngày 28 tháng 11 năm 2007 về việc ban hành quy chế đăng kiểm tàu cá.
QUYẾT ĐỊNH
VỀ VIỆC BAN HÀNH QUY CHẾ ĐĂNG KIỂM TÀU CÁ
BỘ TRƯỞNG BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN
Căn cứ Nghị định số 86/2003/NĐ-CP ngày 18/7/2003 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn;
Căn cứ Nghị định số 43/2003/NĐ-CP ngày 02/5/2003 của chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Thủy sản;
Căn cứ Nghị định số 66/2005/NĐ-CP ngày 19/5/2005 của Chính phủ về đảm bảo an toàn cho người và tàu cá hoạt động thủy sản;
Theo đề nghị của Cục trưởng Cục Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi thủy sản,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này “Quy chế Đăng kiểm tàu cá”.
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.
Quy chế này thay thế các quy định về đăng ký kiểm tàu cá của Quy chế Đăng kiểm tàu cá, đăng ký tàu cá và thuyền viên ban hành kèm theo Quyết định số 494/2001/QĐ-BTS, ngày 15/6/2001 của Bộ trưởng Bộ Thủy sản.
Điều 3. Chánh Văn phòng; Vụ trưởng các Vụ; Chánh Thanh tra Bộ; Cục trưởng Cục Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi thủy sản; Giám đốc các Sở Thủy sản, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này ./.
>>> Luật sư tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài:1900.6568
QUY CHẾ
ĐĂNG KIỂM TÀU CÁ
(ban hành kèm theo Quyết định số 96/2007/QĐ-BNN ngày 28/11/2007 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn)
Chương 1:
QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi, đối tượng áp dụng
Quy chế này quy định về việc đăng kiểm các tàu cá lắp máy có tổng công suất máy chính từ 20 sức ngựa trở lên hoặc không lắp máy có chiều dài đường nước thiết kế từ 15 mét trở lên.
Tổ chức, cá nhân liên quan đến quản lý, sử dụng tàu cá nói lại khoản 1 Điều này có trách nhiệm thực hiện các quy định của Quy chế này.
Điều 2. Đăng kiểm tàu cá
Đăng kiểm tàu cá là hoạt động quản lý về kỹ thuật, thực hiện kiểm tra an toàn kỹ thuật từ khi thiết kế, đóng lắp và trong suốt quá trình sử dụng nhằm đảm bảo tàu cá hoạt động an toàn trong các điều kiện nhất định.
Kiểm tra an toàn kỹ thuật tàu cá bao gồm: thân tàu, máy và các trang thiết bị hàng hải, khai thác thủy sản và các trang thiết bị đòi hỏi nghiêm ngặt về an toàn lắp đặt trên tàu cá.
Chương 2:
HOẠT ĐỘNG ĐĂNG KIỂM TÀU CÁ
Điều 3. Nội dung công tác đăng kiểm tàu cá.
Duyệt hồ sơ thiết kế có liên quan đến việc đóng mới, cải hoán, sửa chữa phục hồi tàu cá; các trang thiết bị thuộc diện phải đăng kiểm lắp đặt trên tàu cá.
Kiểm tra an toàn kỹ thuật, cấp giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật cho tàu cá trong đóng mới, cải hoán, sửa chữa lớn và trong quá trình hoạt động.
Kiểm tra an toàn kỹ thuật cấp chứng chỉ an toàn kỹ thuật cho các trang thiết bị lắp đặt trên tàu cá.
Đo đạc xác định trọng tải toàn phần, mạn khô.
Điều 4. Cơ sở đánh giá chất lượng, an toàn kỹ thuật của tàu cá
Việc đánh giá chất lượng, an toàn kỹ thuật tàu cá và trang thiết bị lắp đặt trên tàu cá được căn cứ vào tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật trong nước hoặc tiêu chuẩn kỹ thuật nước ngoài được Nhà nước Việt Nam công bố áp dụng và các hồ sơ thiết kế tàu cá đã được duyệt.
Việc duyệt hồ sơ thiết kế, kiểm tra an toàn kỹ thuật của tàu cá phải được tiến hành theo quy định của các quy phạm, tiêu chuẩn kỹ thuật hiện hành và các quy trình nghiệp vụ đăng kiểm.
Điều 5. Các loại hình kiểm tra an toàn kỹ thuật tàu cá
Kiểm tra lần đầu đối với:
a) Tàu cá đóng mới;
b) Tàu cá chưa được Cơ quan Đăng kiểm tàu cá kiểm tra an toàn và cấp giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật tàu cá;
c) Tàu cá nhập khẩu (mua, thuê – mua hoặc hợp tác) của nước ngoài;
d) Tàu cá hết hạn đăng kiểm quá 12 tháng.
Kiểm tra hàng năm đối với:
Tàu cá đã được Cơ quan Đăng kiểm tàu cá kiểm tra an toàn và cấp giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật tàu cá.
Nội dung kiểm tra được thực hiện theo các quy phạm, tiêu chuẩn kỹ thuật hiện hành.
Kiểm tra trung gian:
Kiểm tra trung gian được tiến hành trong điều kiện tàu cá chưa đáp ứng được các yêu cầu kỹ thuật trong lần kiểm tra hàng năm, và phụ thuộc vào tuổi tàu được quy định cụ thể trong Tiêu chuẩn Việt Nam TCVN 7111:2002, TCVN 6718:2000.
Kiểm tra định kỳ là tổng kiểm tra trạng thái kỹ thuật tàu cá theo chu kỳ.
Nội dung kiểm tra và thời hạn giữa 2 lần kiểm tra định kỳ được thực hiện theo quy định tại các quy phạm, tiêu chuẩn kỹ thuật hiện hành tùy thuộc loại tàu cá.
Kiểm tra bất thường đối với tàu cá sửa chữa sau tai nạn, thử nghiệm một bộ phận nào đó trên tàu, theo yêu cầu của chủ tàu, theo yêu cầu của cơ quan quản lý Nhà nước có thẩm quyền.
Điều 6. Giám sát kỹ thuật đóng mới, cải hoán tàu cá.
Trong quá trình đóng mới, cải hoán tàu cá, cơ sở đóng tàu phải tuân thủ các bước giám sát kỹ thuật đóng mới phù hợp với từng nhóm tàu cá (Phụ lục I).
Tàu cá lắp máy có tổng công suất từ 250 sức ngựa trở lên phải thử tàu theo quy định trước khi xuất xưởng theo các chế độ thử tàu để xác định tính năng cơ bản của tàu: ổn định, hàng hải và trang thiết bị trên tàu của tàu và lập biên bản đưa vào hồ sơ kỹ thuật đóng mới.
Chương 3:
THẨM QUYỀN ĐĂNG KIỂM TÀU CÁ
Điều 7. Tổ chức cơ quan Đăng kiểm tàu cá
Cơ quan Đăng kiểm tàu cá Trung ương – Cục Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi thủy sản.
Cơ quan Đăng kiểm tàu cá tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (gọi tắt là tỉnh) – Chi cục quản lý chuyên ngành về khai thác và Bảo vệ nguồn lợi thủy sản thuộc các Sở thủy sản, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn có quản lý thủy sản (dưới đây gọi tắt là Sở).
Các Cơ quan Đăng kiểm tàu cá thành lập đơn vị đăng kiểm chuyên trách để thực hiện nhiệm vụ.
Các tỉnh chưa thành lập Chi cục quản lý chuyên ngành về khai thác và Bảo vệ nguồn lợi thủy sản hoặc không có đủ điều kiện làm nhiệm vụ đăng kiểm theo quy định sẽ do Cục Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi thủy sản trực tiếp đảm nhận trên cơ sở phối hợp với các lực lượng tại chỗ hoặc ủy quyền cho Chi cục gần nhất có đủ điều kiện thực hiện.
Điều 8. Thẩm quyền của cơ quan Đăng kiểm tàu cá Trung ương
Tổ chức, chỉ đạo thực hiện thống nhất công tác đăng kiểm tàu cá trong phạm vi cả nước;
Thực hiện việc đăng kiểm đối với:
a) Tàu cá của các đơn vị trực thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và của bộ, ngành khác; các đơn vị vũ trang nhân dân làm kinh tế;
b) Tàu cá của Việt Nam khai thác thủy sản ở ngoài vùng biển Việt Nam;
c) Tàu cá nước ngoài nhập khẩu vào Việt Nam (kiểm tra lần đầu);
d) Tàu kiểm ngư;
đ) Tàu nghiên cứu, điều tra, thăm dò, nguồn lợi thủy sản.
Quản lý các tàu cá có chiều dài đường nước thiết kế từ 20 mét trở lên.
Tổ chức đào tạo, hướng dẫn chuyên môn, nghiệp vụ và cấp thẻ đăng kiểm viên cho các cán bộ thuộc các Cơ quan Đăng kiểm tàu cá trong toàn quốc.
Xây dựng và hướng dẫn áp dụng các mẫu biểu giấy tờ dùng trong công tác đăng kiểm tàu cá thống nhất trên toàn quốc.
Đề xuất xây dựng các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về tàu cá và hướng dẫn áp dụng thống nhất trên toàn quốc.
Điều 9. Thẩm quyền của cơ quan Đăng kiểm tàu cá tỉnh:
Thực hiện việc đăng kiểm tàu cá có chiều dài đường nước thiết kế dưới 20 mét.
Thực hiện việc đăng kiểm tàu cá có chiều dài đường nước thiết kế từ 20 mét trở lên theo sự phân công của Cục Khai thác và Bản vệ nguồn lợi thủy sản nếu có đủ điều kiện theo quy định tại Điều 10 Quy chế này.
Tàu cá thuộc quyền quản lý của tỉnh khác hết hạn đăng kiểm đến xin kiểm tra gia hạn.
Tàu cá được đóng mới, cải hoán, sửa chữa ở tỉnh nào thì được đơn vị đăng kiểm có thẩm quyền tại tỉnh đó kiểm tra, cấp giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật cho tàu cá.
Điều 10. Phân công trong công tác đăng kiểm tàu cá
Cơ quan Đăng kiểm tàu cá Trung ương phân công cho Cơ quan Đăng kiểm tàu cá tỉnh thực hiện việc đăng kiểm tàu cá có chiều dài đường nước thiết kế từ 20 mét trở lên theo các điều kiện sau:
Cơ quan Đăng kiểm tàu cá tỉnh phải có tối thiểu 1 kỹ sư vỏ tàu và 1 kỹ sư máy tàu; có đủ các trang thiết bị kiểm tra an toàn kỹ thuật (Phụ lục II).
Tại các địa phương chưa có đủ các điều kiện theo quy định tại khoản 1 Điều này, việc đăng kiểm các tàu cá có chiều dài đường nước thiết kế từ 20 mét trở lên tại địa phương đó sẽ được phân công cho các Cơ quan Đăng kiểm tàu cá tỉnh gần nhất có đủ điều kiện.
Cơ quan Đăng kiểm tàu cá được phân công chịu sự kiểm tra, giám sát của Cơ quan Đăng kiểm tàu cá Trung ương và có trách nhiệm báo cáo kết quả thực hiện (Bản sao hồ sơ kỹ thuật và báo cáo định kỳ) về Cơ quan Đăng kiểm tàu cá Trung ương.
Cơ quan Đăng kiểm tàu cá Trung ương có trách nhiệm xây dựng cơ sở dữ liệu về tàu cá có chiều dài đường nước thiết kế từ 20 mét trở lên để theo dõi, quản lý. Định kỳ hàng tháng Cơ quan Đăng kiểm tàu cá Trung ương có trách nhiệm báo cáo kết quả đăng kiểm các tàu cá này trong toàn quốc về Bộ.
Điều 11. Nhiệm vụ, quyền hạn của đăng kiểm viên
Đăng kiểm viên tàu cá có nhiệm vụ và quyền hạn theo quy định tại Điều 3, 4, 5, 6 của Quy chế Đăng kiểm viên tàu cá ban hành kèm theo Quyết định số 05/2006/QĐ-BTS ngày 06/02/2006 của Bộ trưởng Bộ Thủy sản.
Người đứng đầu Cơ quan Đăng kiểm tàu cá và người trực tiếp thực hiện việc kiểm tra an toàn kỹ thuật phải chịu trách nhiệm về kết quả kiểm tra.
Điều 12. Trách nhiệm của Cơ quan Đăng kiểm tàu cá
Cơ quan Đăng kiểm tàu cá phải thực hiện kiểm tra an toàn kỹ thuật tàu cá theo đúng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật.
Sau khi kiểm tra an toàn kỹ thuật phải lập biên bản kiểm tra kỹ thuật và kết quả kiểm tra phải được ghi vào sổ đăng kiểm tàu cá.
Các cơ quan Đăng kiểm tàu cá chỉ được kiểm tra, cấp giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật tàu cá phù hợp với thẩm quyền và nhiệm vụ được giao.
Cơ quan Đăng kiểm tàu cá làm thủ tục kiểm tra gia hạn cho các tàu cá của tỉnh khác, có trách nhiệm gửi biên bản kiểm tra kỹ thuật về Cơ quan Đăng kiểm nơi đăng ký tàu cá để theo dõi.
Chương 4:
THỦ TỤC ĐĂNG KIỂM
Điều 13. Hồ sơ thiết kế tàu cá.
Hồ sơ thiết kế tàu cá được quy định tại Tiêu chuẩn Việt Nam TCVN 7111:2002, TCVN 6718: 2000.
Bắt buộc áp dụng các hồ sơ thiết kế tàu cá trong đóng mới tàu cá quy định như sau:
a) Các tàu cá lắp máy có tổng công suất máy chính từ 250 sức ngựa trở lên, các tàu cá hoạt động ở vùng biển hạn chế cấp I hoặc không hạn chế, khi đóng mới bắt buộc phải có thiết kế kỹ thuật được Cơ quan Đăng kiểm phê duyệt;
b) Các tàu cá lắp máy có tổng công suất máy chính từ 90 sức ngựa đến dưới 250 sức ngựa hoạt động tại vùng biển hạn chế cấp II, được miễn thiết kế kỹ thuật nếu đóng theo mẫu đã được cơ quan có thẩm quyền của địa phương thẩm định và được cơ quan Đăng kiểm tàu cá phê duyệt theo quy định tại Tiêu chuẩn Việt Nam TCVN 7111:2002, TCVN 6718:2000. Nếu tàu cá được đóng không có thay đổi theo mẫu đã được duyệt, thì sử dụng hồ sơ mẫu làm hồ sơ kỹ thuật tàu, Nếu đóng sai khác với mẫu được duyệt, yêu cầu phải có hồ sơ hoàn công;
c) Các tàu cá khác thuộc diện bắt buộc phải đăng kiểm không nói ở mục a và mục b khoản này, cho phép được đóng theo mẫu truyền thống của địa phương, song chủ tàu phải có bản thuyết minh về tính năng, bố trí chung trang thiết bị của tàu trình Cơ quan Đăng kiểm tàu cá trước khi xuất xưởng.
Điều 14. Thủ tục phê duyệt hồ sơ thiết kế
Cơ sở thiết kế phải xuất trình các hồ sơ và tài liệu sau đây khi đề nghị phê duyệt hồ sơ thiết kế:
a) Giấy đề nghị xét duyệt thiết kế;
b) Nhiệm vụ như thiết kế;
c) Hồ sơ thiết kế theo quy định của quy phạm, tiêu chuẩn kỹ thuật áp dụng cho tàu cá.
Khi bộ hồ sơ thiết kế đầy đủ và thỏa mãn các quy định của quy phạm, tiêu chuẩn chất lượng an toàn kỹ thuật, trong thời gian 7 ngày làm việc, Cơ quan Đăng kiểm tàu cá phải hoàn thành việc phê duyệt và cấp giấy chứng nhận duyệt thiết kế cho cơ sở thiết kế. Các trường hợp thiết kế loại tàu cá kiểu mới hoặc phức tạp, thời gian hoàn thành phê duyệt thiết kế thực hiện theo thỏa thuận giữa Cơ quan Đăng kiểm với cơ sở thiết kế.
Điều 15. Thủ tục kiểm tra, cấp giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật tàu cá.
Chủ tàu cá hoặc cơ sở đóng mới, sửa chữa tàu cá khi có yêu cầu kiểm tra và cấp giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật tàu cá phải có đề nghị kiểm tra bằng một trong các hình thức: văn bản, điện thoại, fax, thư điện tử hoặc đề nghị trực tiếp.
Khi nhận được yêu cầu kiểm tra, Cơ quan Đăng kiểm tàu cá phải cử người thực hiện kiểm tra theo thời gian và địa điểm đã thỏa thuận.
Nếu kết quả kiểm tra tàu cá hoặc trang thiết bị trên tàu cá thỏa mãn các quy định của quy phạm, tiêu chuẩn kỹ thuật thì Cơ quan Đăng kiểm tàu cá phải cấp hồ sơ đăng kiểm cho tàu cá chậm nhất 5 ngày làm việc sau khi kết thúc kiểm tra. Các trường hợp khác thực hiện theo thỏa thuận giữa Cơ quan Đăng kiểm với chủ tàu cá, cơ sở đóng mới, sửa chữa tàu cá.
Khi nhận được yêu cầu kiểm tra bất thường bằng văn bản, Cơ quan đăng kiểm tàu cá phải tổ chức thực hiện kiểm tra và trả lời bằng văn bản về kết quả kiểm tra theo nội dung, thời gian và địa điểm yêu cầu kiểm tra.
Giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật tàu cá được cấp có thời hạn tùy thuộc vào tình trạng kỹ thuật của tàu cá, song không quá 12 tháng.
Chậm nhất là 15 ngày sau khi hết hạn ghi trong giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật tàu cá, chủ tàu cá phải đưa tàu vào đăng kiểm, gia hạn hoạt động.
Khi hoạt động ở các vùng biển xa địa phương, chủ tàu có thể đưa tàu đến Cơ quan Đăng kiểm tàu cá gần nhất để kiểm tra, gia hạn hoạt động.
Điều 16. Hồ sơ đăng kiểm cấp cho tàu cá.
Tàu cá sau khi được kiểm tra có trạng thái kỹ thuật thỏa mãn các quy định của quy phạm, tiêu chuẩn kỹ thuật sẽ được cấp các loại giấy tờ sau;
a) Giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật tàu cá (Phụ lục III);
b) Sổ đăng kiểm tàu cá;
c) Các loại Biên bản kiểm tra kỹ thuật;
d)
đ) Ngoài các giấy tờ nêu trên, tùy thuộc vào công dụng hoặc mức độ trang bị của tàu cá còn có: Các giấy chứng nhận thử vật liệu, các thiết bị, trang bị lắp đặt trên tàu cá.
Giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật tàu cá là chứng chỉ kỹ thuật chứng nhận khả năng hoạt động của tàu.
Sổ đăng kiểm tàu cá là lý lịch kỹ thuật của tàu cá, do Cơ quan Đăng kiểm tàu cá cấp theo tàu sau khi xuất xưởng để theo dõi tình trạng kỹ thuật của tàu.
Mỗi tàu cá chỉ được cấp một Sổ đăng kiểm tàu cá từ khi đóng mới cho đến khi giải bản.
Điều 17. Phân cấp tàu cá
Việc phân cấp tàu cá được thực hiện theo quy định tại Tiêu chuẩn Việt Nam TCVN 7111: 2002, TCVN 6718: 2000.
Cơ quan Đăng kiểm tàu cá trao cấp, duyệt lại cấp và phục hồi cấp cho tàu cá. Chỉ tiến hành phân cấp tàu đối với các tàu cá có đủ hồ sơ kỹ thuật.
Điều 18. Xử lý tranh chấp về kỹ thuật trong công tác đăng kiểm tàu cá.
Khi có tranh chấp về kỹ thuật trong công tác đăng kiểm tàu cá, chủ tàu, thuyền trưởng có quyền khiếu nại bằng văn bản đến thủ trưởng Cơ quan Đăng kiểm tàu cá tỉnh để giải quyết. Nếu chưa thỏa mãn có quyền tiếp tục gửi khiếu nại lên Thủ trưởng Cơ quan Đăng kiểm tàu cá Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Kết luận của Cơ quan Đăng kiểm tàu cá Trung ương là ý kiến cuối cùng.
Trong thời hạn 07 ngày làm việc kể từ ngày nhận được khiếu nại, Thủ trưởng Cơ quan Đăng kiểm tàu cá phải trả lời bằng văn bản.
Chương 5:
TỔ CHỨC THỰC HIỆN
Điều 19. Điều khoản thi hành.
Cục trưởng Cục Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi thủy sản có trách nhiệm tổ chức, hướng dẫn và giám sát việc thực hiện công tác đăng kiểm tàu cá, đảm bảo thống nhất trong toàn quốc.
Giám đốc các Sở thủy sản, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có trách nhiệm tổ chức thực hiện công tác đăng kiểm tàu cá tại địa phương theo các quy định của Quy chế này.
Việc sửa đổi, bổ sung Quy chế này do Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xem xét quyết định./.