Quyết định 291/2014/QĐ-UBND về mức thu, quản lý và sử dụng quỹ quốc phòng - an ninh trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh.
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1: Quy định mức thu, quản lý và sử dụng quỹ quốc phòng – an ninh trên địa bàn tỉnh.
Điều 2: Quyết định này có hiệu lực sau 10 ngày kể từ ngày ký.
Chánh Văn phòng UBND tỉnh, Chỉ huy trưởng Bộ CHQS tỉnh, Thủ trưởng các Sở, ban, ngành của tỉnh; UBND các huyện, thị xã, thành phố; UBND các xã, phường, thị trấn và các tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
QUY ĐỊNH
MỨC THU, QUẢN LÝ VÀ SỬ DỤNG QUỸ QUỐC PHÒNG – AN NINH TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH
(Ban hành kèm theo Quyết định số 291/2014/QĐ-UBND ngày 27 tháng 6 năm 2014 của UBND tỉnh Bắc Ninh)
Chương I
QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh
Quy định này quy định mức thu, quản lý và sử dụng quỹ quốc phòng – an ninh trên địa bàn tỉnh.
Quỹ quốc phòng – an ninh được lập ở xã, phường, thị trấn (sau đây gọi chung là cấp xã), do các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế, hộ gia đình đang hoạt động, cư trú trên địa bàn tự nguyện đóng góp để hỗ trợ cho xây dựng, huấn luyện, hoạt động của Dân quân tự vệ và các hoạt động giữ gìn an ninh, chính trị, trật tự an toàn xã hội ở cấp xã.
Quỹ quốc phòng – an ninh tiếp nhận mọi khoản đóng góp của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài tỉnh.
Điều 2. Đối tượng vận động đóng góp quỹ quốc phòng – an ninh
1. Cơ quan, nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị – xã hội, tổ chức chính trị xã hội – nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội – nghề nghiệp, đơn vị sự nghiệp.
2. Các doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế đóng trên địa bàn tỉnh.
3. Hộ gia đình cư trú trên địa bàn tỉnh.
4. Các tổ chức, cá nhân trong và ngoài tỉnh.
Điều 3. Đối tượng không thuộc diện vận động đóng góp, tạm dừng vận động đóng góp quỹ quốc phòng – an ninh
1. Đối tượng không thuộc diện vận động đóng góp quỹ quốc phòng – an ninh, gồm:
Hộ gia đình có người là thương binh, hưởng chính sách như thương binh, Bà mẹ Việt Nam anh hùng; gia đình liệt sỹ; gia đình có người nhiễm chất độc da cam/dioxin không còn khả năng lao động; hộ gia đình làm nông nghiệp hết tuổi lao động; hộ nghèo, cận nghèo theo chuẩn nghèo hiện hành, người khuyết tật được trợ cấp xã hội; người hưởng chính sách bảo trợ xã hội.
Các đối tượng quy định tại khoản 1 điều này nếu tự nguyện tham gia đóng góp quỹ quốc phòng – an ninh thì được khuyến khích và tiếp nhận.
2. Đối tượng tạm dừng vận động đóng góp quỹ quốc phòng – an ninh gồm:
a) Hộ gia đình cư trú trên địa bàn cấp xã nơi bị thiên tai, dịch bệnh hoặc thảm hoạ nghiêm trọng ảnh hưởng lớn đến đời sống và sản xuất của nhân dân.
b) Cơ quan, tổ chức bị thiên tại, hoả hoạn hoặc thảm hoạ khác ảnh hưởng nghiêm trọng tới hoạt động sản xuất kinh doanh.
Chủ tịch UBND cấp xã có thẩm quyền xem xét, quyết định việc tạm dừng vận động đóng góp quỹ quốc phòng – an ninh đối với các trường hợp quy định tại điểm a, b khoản này.
Điều 4. Nguyên tắc vận động thu, quản lý, sử dụng quỹ quốc phòng – an ninh
1. Quỹ quốc phòng – an ninh do UBND cấp xã tổ chức quản lý thống nhất, quỹ được mở tài khoản riêng tại kho bạc Nhà nước (kho bạc nhà nước nơi UBND cấp xã mở tài khoản thu, chi ngân sách cấp xã) để theo dõi, quản lý.
2. Việc vận động thu quỹ quốc phòng – an ninh theo quy định của pháp luật. Việc đóng góp quỹ quốc phòng – an ninh thực hiện theo nguyên tắc công bằng, dân chủ, công khai, đúng pháp luật.
3. Việc quản lý, sử dụng quỹ quốc phòng – an ninh theo nguyên tắc dân chủ, công khai, hiệu quả, tiết kiệm, đúng nội dung, mục đích, chế độ quy định.
>>> Luật sư tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài: 1900.6568